BỘ MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TỔ CHỨC GÓP Ý DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)
 
Thực hiện công văn số 105/STP-XD&THPL của Sở Tư pháp ngày 24 tháng 2 năm 2015 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), ngày 13 tháng 3 năm 2015 Bộ môn Lý luận chính trị đã tổ chức cuộc họp để các giảng viên trong bộ môn tham gia góp ý.

Tới dự có đồng chí Phạm Thị Trâm – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng nhà trường; đồng chí Trần Quang Huy – Phó trưởng phòng Thanh tra - pháp chế.

Việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Nội dung lấy ý kiến nhân dân được thực hiện đối với toàn bộ dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) gồm: quy định chung; quyền sở hữu và các vật quyền khác; nghĩa vụ và hợp đồng; thừa kế; pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; điều khoản thi hành; kỹ thuật trình bày các quy định của Bộ luật dân sự.

Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) có tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật lần này giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều. Bộ luật dân sự quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ.

Nhận thức được tinh thần công văn số 105/STP-XD&THPL của Sở Tư pháp cũng như nhiệm vụ nhà trường giao phó, các giảng viên Bộ môn Lý luận chính trị đã có mặt đầy đủ và tích cực đóng góp ý kiến vào bản dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Qua thảo luận, đa số các giảng viên tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật dân sự; dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự hiện hành.

Nhiều giảng viên đánh giá dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã thể chế hóa và tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế đã được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và đặc biệt là trong Hiến pháp năm 2013. Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành.

Một số ý kiến nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng Bộ luật dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.

Buổi góp ý vào bản dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm của các giảng viên Bộ môn Lý luận chính trị với tư cách là một công dân của đất nước, đồng thời cũng là cơ hội để các giảng viên trao đổi các nội dung liên quan đến chuyên môn. Cuộc họp kết thúc với sự nhất trí cao của các thành viên trong Bộ môn về bản dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). 

Một số hình ảnh

 

Nguyễn Mai Chinh