Chuyện du học sinh Lào học tiếng Việt
 
Với người Việt, học tiếng Việt đã khó thì với du học sinh Lào, học tiếng Việt càng khó hơn gấp bội. Vì thế, 18 du học sinh Lào ở Trường Đại học Tân Trào đã phải nỗ lực hơn rất nhiều để không những nghe, nói được tiếng Việt mà còn phải hiểu được tiếng Việt trong chuyên ngành mà mình theo học.

Du học sinh Lào hát bài hát Việt " Tình Việt - Lào"

Khăm - La - Thoong - Sỉ - Phăn là một trong 5 du học sinh đầu tiên của Trường Đại học Tân Trào hiện đang theo học ngành Quản lý đất đai. Khăm - La tâm sự, ngày còn nhỏ, ở gần nhà anh có một cô là du học sinh Lào tại Việt Nam. Nghe cô ấy nói tiếng Việt trôi chảy, lưu loát, anh đã yêu thích tiếng Việt từ đó. Anh nói với bố: “Sau này nếu có được đi học ở nước ngoài, con nhất định chọn Việt Nam”. Cuối tháng 2-2014, anh đến học tại tỉnh Tuyên Quang. Cô giáo Phạm Thị Trâm, nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường đặt tên lần lượt cho 5 du học sinh Lào theo tên của nhà trường là Trường, Cao, Đẳng, Tuyên, Quang. Khăm - La có tên Tiếng Việt là Tuyên. Nghe Khăm - La giờ nói tiếng Việt như người Việt có mấy ai biết được, anh đã phải nỗ lực như nào. 

Ngoài giờ học tiếng ở trên lớp, về ký túc xá, Khăm - La và các bạn cùng nhau ôn luyện. Học bảng chữ cái và cách phát âm, học đánh vần, học đặt câu hỏi, tập viết chữ... Đã từng học tiếng Anh nên mặt chữ Tiếng Việt không xa lạ, nhưng các chữ cái ghép lại với nhau ra nhiều từ, nhiều nghĩa quá nên với anh, học viết khó hơn học nói, học tiếng Việt khó hơn học tiếng Anh. 

Pa - Ni - Luông - Vông - Thoong là sinh viên khóa 3 của Lào, học chuyên ngành quản lý đất đai cùng chung tâm sự như Khăm - La về khó khăn khi học tiếng Việt. Chị cho biết, một cách học tiếng Việt hiệu quả mà vẫn vơi được nỗi nhớ nhà là du học sinh Lào học qua xem phim có phụ đề Tiếng Việt, học hát những bài hát Việt Nam, nói chuyện thật nhiều với các bạn sinh viên Việt Nam, cài phần mềm ngôn ngữ tiếng Việt trên Smart phone. Bước vào học chuyên ngành, thực sự chị cũng như những người bạn Lào của mình gặp thêm nhiều khó khăn. Thầy giảng bài, có những thuật ngữ, từ vựng mà Pa- Ni chưa nghe đến bao giờ nên phải viết lại thật cẩn thận bằng Tiếng Lào, rồi về tra lại ở từ điển hay công cụ google để hiểu nghĩa của từ vựng đó.

Với du học sinh Lào, được gọi tên bằng tiếng Việt rất hay, rất đẹp và thú vị. Sinh viên Vi - Lay - Văn - Hương -Lít - Sin chia sẻ, tên của chị là Vi - Lay - Văn, theo tiếng Lào, tên có ý nghĩa là “ngày”, còn họ là Hương - Lít - Sin. Thầy cô giáo và các bạn thường gọi chị là “Hương”. “Hương” là cái tên đẹp, “Hương” là hương thơm, hương hoa. Còn các bạn Lào vẫn gọi em là “Văn”, “Văn” có thể ghép với các từ khác nhau, mang nhiều nghĩa khác nhau như văn học, văn nghệ, văn vẻ... Còn với sinh viên Sỉn - In - Tha - Say, được đặt tên Tiếng Việt là Huệ thì Sỉn vui lắm vì Huệ là tên loài hoa đẹp, tỏa hương thơm. Các bạn hay trêu là “Say Sỉn”, sau này hiểu tiếng Việt rồi, chị hiểu nghĩa của cái tên đó nghĩa là nói về người hay uống rượu say và ngồi cười vì thấy thú vị quá. 

Không chỉ bản thân sinh viên Lào phải cố gắng học tiếng Việt mọi lúc mọi nơi theo cách của riêng mình mà các giáo viên dạy tiếng Việt cũng phải vận dụng mọi phương pháp để truyền đạt cho học trò dễ hiểu nhất. Cô giáo Vũ Thị Hương, giảng viên Ngữ văn, Khoa Giáo dục Tiểu học là người có kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho du học sinh Lào. Chị chia sẻ, chị không được học chuyên sâu tiếng Lào mà chỉ được tập huấn 2 tháng. Những ngày đầu, kênh giao tiếp của cô và trò chủ yếu thông qua cử chỉ, hành động. Dạy từ nào khó, cô giáo dùng hình ảnh trên Internet rồi dịch ra nghĩa tiếng Lào để sinh viên Lào nhớ được từ vựng rồi dạy sinh viên tập đọc, tập viết, tập đặt câu với từ tiếng Việt... Các sinh viên Lào ngoan và rất chăm chỉ học tập, có tinh thần cầu thị cao. Qua 3 khóa dạy tiếng Việt, chị nhận thấy sinh viên Lào học tiếng Việt rất nhanh. Từ 1-2 tháng, sinh viên Lào có thể giao tiếp thông thường, từ 6 tháng trở lên là giao tiếp tốt và có vốn từ vựng khá nhiều. 

Những năm học qua, nỗ lực vượt qua khó khăn về việc học tiếng Việt, các du học sinh Lào đều đạt kết quả học tập tốt. Với du học sinh Lào, có niềm vui nào bằng niềm vui biết thêm được một ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ, mà ngôn ngữ đó được xếp vào nhóm những thứ tiếng có độ khó trên thế giới.

 

 

Bài và ảnh: Bích Hằng - baotuyenquang.com.vn