HỘI THẢO NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÍ CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM
 
Ngày 24 tháng 01 năm 2015, tại thành phố Hải Dương, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý của các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông"

Thực hiện Kế hoạch số 26/KH-BGDĐT ngày 13 tháng 01 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 24 tháng 01 năm 2015, tại thành phố Hải Dương, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý của các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Tham dự hội thảo có các Sở GD&ĐT: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc; các trường đại học: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Tân Trào, Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Đại học Vinh, Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm - Đại học TP Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý giáo dục; các trường Cao đẳng Sư phạm khu vực phía Bắc từ Huế trở ra.

Đặc biệt, hội thảo có sự hiện diện, chủ trì của đồng chí Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và đồng chí Nguyễn Thúy Hồng - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo.

Sau lời phát biểu khai mạc hội thảo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đồng chí Lê Bá Liên - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Hải Dương, đơn vị đăng cai hội thảo đã có những ý kiến tâm huyết về việc các trường sư phạm làm thế nào để nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý. Vấn đề quan trọng là hoạt động dạy - học, sinh viên đến trường “học được cái gì?” không phải “phải học cái gì?”. Đó là một bài toán chất lượng đầu ra của các nhà trường sư phạm hiện nay, do đó, các nhà trường sư phạm cần hiểu và thường xuyên gắn kết với các trường cơ sở Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở. Muốn vậy, GV dạy ở sư phạm cũng phải dạy tốt giờ ở phổ thông; sinh viên nên được thực hành ở phổ thông từ năm nhất; sinh viên thi tốt nghiệp phải thi giảng ở phổ thông (mời giám khảo là giáo viên phổ thông) và mục tiêu sinh viên ra trường phải có việc làm…

Hội thảo đã được nghe các báo cáo: Bộ chuẩn năng lực nghề nghiệp của sinh viên ngành đào tạo Sư phạm Ngữ văn trình độ Cao đẳng; Bộ chuẩn năng lực nghề nghiệp của sinh viên ngành đào tạo Sư phạm Toán trình độ Cao đẳng; Bộ chuẩn năng lực nghề nghiệp của sinh viên ngành đào tạo Sư phạm Tiểu học trình độ Cao đẳng; Bộ chuẩn năng lực giáo viên khoa học tự nhiên trung học cơ sở do các tiến sĩ, thạc sĩ trường Cao đẳng Sư phạm Hải dương trực tiếp trình bày. Tiếp đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã báo cáo tham luận Đổi mới chương trình, hình thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa; PGS.TS. Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên với hai tham luận: Bồi dưỡng năng lực cho giảng viên sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và Quy trình xây dựng chương trình đào tạo giáo viên mới - bước chuẩn bị quan trọng để đổi mới giáo dục phổ thông; TS. Lê Xuân Sơn - Trường Đại học Vinh tham luận Mối quan hệ giữa cơ quan quản lý giáo dục các cấp với trường sư phạm và trường phổ thông trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên. Các báo cáo, tham luận đã nhận được sự trao đổi và thảo luận rất sôi nổi của hội thảo. Nhiều ý kiến quan tâm đến việc xây dựng nội dung bộ chuẩn năng lực làm sao để tích hợp cao ở lớp dưới, phân hóa mạnh ở lớp trên, năng lực dạy học tích hợp và năng lực dạy học phân hóa cần được hiểu rõ. Các nhà trường phải quan tâm năng lực của giảng viên sư phạm, phải xây dựng được chương trình đào tạo giáo viên mới. Trong đó, năng lực người học là cái đích, môn học là phương tiện. Mặt khác, bộ chuẩn năng lực cũng cần thể hiện được cách xây dựng chuẩn nghề nghiệp áp dụng cho cả quá trình đào tạo, cho từng bộ môn, từng bài. Đồng thời, phải thấy được sự khác nhau trong khung chương trình đào tạo của các đơn vị, ví dụ: Cao đẳng Sư phạm chủ yếu là đào tạo kĩ năng dạy học; Đại học sư phạm ngoài đào tạo kĩ năng nghề còn thêm năng lực nghiên cứu khoa học; Học viện Quản lí coi trọng đào tạo kĩ năng quản lí…

Đại diện các đơn vị tham dự hội thảo cũng nêu ý kiến cụ thể về việc sử dụng các thuật ngữ, câu, từ cần khoa học, chính xác hơn nữa trong các báo cáo xây dựng bộ chuẩn năng lực, đồng thời nhấn mạnh việc huy động trí tuệ, liên kết các trường trong khu vực cùng tham gia xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí trong thời kì đổi mới.  

Nhìn chung, hội thảo lần này mới chỉ tiến hành bước một, lấy ý kiến xây dựng bộ chuẩn năng lực nghề nghiệp nhằm nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng. Hội thảo đã thống nhất được một số nhiệm vụ cơ bản, thiết yếu trong các bước tiếp theo của lộ trình xây dựng chuẩn.

Hội thảo đã kết thúc với bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo. Trong lời kết luận hội thảo, đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ghi nhận sự cố gắng của Trường Cao đẳng Hải Dương - đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo và đánh giá sự cố gắng của các nhóm xây dựng bộ chuẩn năng lực báo cáo tại hội thảo. Đồng chí Thứ trưởng cũng biểu dương các ý kiến tâm huyết, có tính xây dựng cao của lãnh đạo, cán bộ đến từ các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng, Học viện Quản lí giáo dục, mong muốn các đơn vị có mặt trong hội thảo lần này cùng hợp tác, tập trung trí tuệ, có những ý kiến tham góp cho hội thảo những bước kế tiếp để xây dựng bộ chuẩn nghề nghiệp nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý của các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. 

 

TS. Nguyễn Thị Bích Hường - Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn