Đại học Tân Trào tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị Phó Giáo sư, Tiến sĩ
 
Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 là văn bản pháp lý mang tính toàn diện, triệt để và sâu sắc. Văn bản này đã tác động mạnh mẽ đến giáo dục đại học trên cả nước. Trong dòng chảy chung của đổi mới giáo dục đại học ở nước ta, trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, với mỗi trường đại học, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, lực lượng trí thức có đủ phẩm chất và tài năng bắt kịp trình độ phát triển của thế giới là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn.

     Trường Đại học Tân Trào, Tuyên Quang là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền núi phía Bắc. Phát triển từ trường Cao đẳng Tuyên Quang, để xứng với tầm vóc của trường đại học, đồng thời đáp ứng yêu cầu của mục tiêu đào tạo mới, từ khi mới chuẩn bị nâng cấp thành trường Đại học, được sự chỉ đạo của các cấp, Lãnh đạo nhà trường đã đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao. Sau hai năm nâng cấp thành Trường Đại học, lực lượng cán bộ, giảng viên của nhà trường đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Trong một thời gian ngắn, trường Đại học Tân Trào đã tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị Phó giáo sư, Tiến sĩ.

     Tin mới nhất và cũng là niềm tự hào của Trường Đại học Tân Trào nói riêng và của tỉnh Tuyên Quang nói chung, đó là TS. Nguyễn Bá Đức, Hiệu trưởng Nhà trường đã được công nhận chức danh Phó Giáo sư (quyết định số 46/QĐ-HĐCDGSNN, ngày 22 tháng 10 năm 2015 của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước), là Phó Giáo sư đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang cho đến thời điểm này. PGS.TS. Nguyễn Bá Đức cũng chính là một trong những cán bộ đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang có học vị Tiến sĩ và là người quyết tâm gắn bó với mảnh đất Tuyên Quang để chung tay xây dựng một vùng đất cách mạng giàu truyền thống yêu nước thành một vùng đất có trình độ dân trí cao, một trung tâm phát triển văn hoá, giáo dục đào tạo của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Giáo sư Bạch Thành Công - Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Vật lý và TS. Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận và tặng hoa chúc mừng PGS.TS Nguyễn Bá Đức

     Để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, phục vụ tốt yêu cầu và mục tiêu đào tạo mới, trong những năm gần đây, Trường Đại học Tân Trào đã có những quyết sách cũng như những chính sách đặc biệt, ưu tiên, hỗ trợ để khuyến khích động viên cán bộ, giảng viên tích cực tham gia học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ.

     Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ nhà trường đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Nhà trường đã xây dựng, thực hiện kế hoạch với tinh thần và quyết tâm cao, có cơ chế khuyến khích về thời gian, về kinh phí và cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ viên chức của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường đã tham mưu để HĐND tỉnh ra Nghị quyết 34/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013 về cơ chế thu hút giảng viên trình độ cao và khuyến khích sinh viên của Trường Đại học Tân Trào .

     Với những chính sách đúng đắn đó, cùng sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giảng viên, công tác phát triển và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của trường Đại học Tân Trào đã đạt được những kết quả đáng tự hào, tạo nên một bước nhảy vọt chưa từng có trong lịch sử phát triển của nhà trường.

     Năm 2010, nhà trường mới có 01 cán bộ đạt trình độ Tiến sĩ, 27 cán bộ có trình độ Thạc sĩ, 05 cán bộ đang học Sau đại học và 01 cán bộ là nghiên cứu sinh. Đến đầu năm 2015, số lượng cán bộ giảng viên, nhân viên kỹ thuật và phục vụ trong trường là 298; trong đó số giảng viên, giảng viên chính: 215; đạt trình độ Tiến sĩ: 09; đạt trình độ Thạc sĩ: 154; 38 cán bộ, giảng viên làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Và cho đến thời điểm này (tháng 11 năm 2015) trường Đại học Tân Trào đã có tới 16 Tiến sĩ được bảo vệ cấp cơ sở và cấp nhà nước với nhiều ngành khác nhau. Trong đó, một Tiến sĩ tiếp tục thực hiện dự án nghiên cứu ở nước ngoài. Dự kiến đến hết năm 2016, trường Đại học Tân Trào sẽ có gần 30 Tiến sĩ bảo vệ xong cấp Nhà nước. Đây là một con số không nhỏ đối với một trường Đại học mới được nâng cấp. Nó chứng tỏ sự quyết tâm của tập thể Lãnh đạo, sự nỗ lực không ngừng của mỗi cán bộ giảng viên nhà trường. Đồng thời cho thấy sự phát triển ngày càng mạnh của một trường Đại học trong khu vực miền núi phía Bắc. Sau năm 2015, đội ngũ cán bộ, giảng viên trường Đại học Tân trào về cơ bản đạt mức sàn trình độ đào tạo là thạc sĩ, tỷ lệ cán bộ giảng viên là Tiến sĩ sẽ đạt từ 10 đến 15%, đáp ứng đủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

     Có thể nói, năm 2015 là năm “bội thu” Tiến sĩ trẻ của trường Đại học Tân Trào. Cán bộ trẻ của Nhà trường luôn được tạo điều kiện tốt để phát huy năng lực, kiến thức. Số cán bộ trẻ có trình độ Tiến sỹ của Nhà trường ở thời điểm này là 11. Trong số đó, phần nhiều Tiến sĩ chỉ ở độ tuổi ngoài 30. Và hầu hết sau khi học xong, trở về trường họ đều được bổ nhiệm, giữ các chức vụ lãnh đạo tại các đơn vị của trường. 

Nghiên cứu sinh Cao Tuấn Anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Vật lý chất rắn

     Cán bộ, giảng viên trường Đại học Tân Trào trong những năm gần đây không chỉ có trình độ cao mà còn có nhiều kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học, có tính ứng dụng tốt. Các công trình khoa học, bài báo khoa học, bài tham gia hội thảo khoa học được đánh giá cao, các nghiên cứu khi ứng dụng đạt hiệu quả tốt. Đây là biểu hiện cụ thể, thiết thực nhất cho kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực của nhà trường. Từ năm 2013 đến đầu năm 2015, có tới hơn 200 công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên nhà trường với các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp cơ sở, các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế (trong đó có 15 bài được công bố trên tạp chí Quốc tế), các đầu sách giáo trình, sách tham khảo, các bài viết và báo cáo trong các Hội thảo trong và ngoài nước.

     Xác định mục tiêu học tập, nghiên cứu khoa học là để phục vụ tốt công tác đào tạo, phục vụ quê hương, đất nước; sau quá trình được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, mỗi cán bộ giảng viên đều trở về với nhiệt huyết truyền tải những tri thức đã được tiếp nhận cho mỗi thế hệ sinh viên. Vì vậy mà chất lượng đào tạo của nhà trường không ngừng vươn lên, được khẳng định qua việc sinh viên tốt nghiệp có trên 70% có việc làm và cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đơn vị sử dụng. Trong những năm gần đây, sinh viên trường Đại học Tân Trào tiếp tục có được những thành tích cao trong các kỳ thi Olimpic toàn quốc và khu vực. Tại kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ XVIII (Tháng 4 năm 2015), đội tuyển Trường Đại học Tân Trào đạt 03 giải nhì cá nhân và giải Ba toàn đoàn. Trong kỳ thi Olympic Toán học sinh viên toàn quốc lần thứ XXIII năm 2015, đội tuyển trường Đại học Tân Trào giành được một giải Nhì môn Đại số. Năm 2014, trong “Hội giao lưu các trường Đại học cao đẳng cụm Trung Bắc lần thứ X”, trường Đại học Tân Trào đã giành Nhất toàn đoàn, tiếp tục khẳng định được vị trí và sự hòa nhập của nhà trường với hoạt động đào tạo chung của các trường đại học và cao đẳng trong cả nước.

PGS.TS Nguyễn Bá Đức và Đội tuyển Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc của trường Đại học Tân Trào

     Kết quả trên cho thấy, trong những năm vừa qua, công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ giảng viên trình độ cao đã được trường Đại học Tân Trào thực hiện một cách xuất sắc, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo điều kiện về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một trường đại học trong khu vực. Nguồn nhân lực có trình độ ngày càng cao từng bước khả thi nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và sức cạnh tranh, thương hiệu của nhà trường, góp phần đổi mới căn bản giáo dục đại học Việt Nam, tiếp cận các chuẩn mực và chất lượng quốc tế.

Vũ Quỳnh Loan