Hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho sinh viên trường Đại học Tân Trào
 
Hội nhập quốc tế sẽ mở ra nhiều thuận lợi và thách thức cho sinh viên, nhất là trong bối cảnh nước ta gia nhập Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC). Trước ngưỡng cửa hội nhập như vậy, các trường Đại học, giảng viên và sinh viên không những cần chuẩn bị tốt hành trang cần thiết cho quá trình hội nhập mà còn tận dụng các cơ hội về học bổng, việc làm ở các nước Asean. Hòa chung với xu hướng hội nhập và phát triển, trong những năm qua trường Đại học Tân Trào rất chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đồng thời tạo dựng nên thương hiệu, uy tín của nhà trường đối với xã hội.

Khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) đã đặt ra đòi hỏi năng lực của người lao động cần cao hơn để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Để nâng cao chất lượng lao động, giáo dục Việt Nam đứng trước những thách thức về hướng phát triển và đào tạo nguồn nhân lực để có thể đáp ứng các yêu cầu thời hội nhập. Tại AEC, các trường Đại học của Việt Nam sẽ cạnh tranh với các trường Đại học trong khu vực Asean, khi lao động của các nước trong khu vực được tự do hơn trong lựa chọn việc làm và nơi làm ở các nước trong cộng đồng Asean, lao động của Việt Nam sẽ phải đối diện với việc lao động của các nước Asean được đào tạo tốt hơn và họ có thể kiếm việc làm trên nước Việt Nam, như vậy, lao động Việt Nam sẽ khó khăn tìm kiếm việc làm ngay trên đất nước mình. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ lao động Việt Nam có thể không thua bất cứ một nước nào nhưng lại yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm. Từ đó, tạo ra những rào cản để lao động Việt Nam tiếp cận môi trường làm việc hiện đại của các nước trên thế giới.
Về kỹ năng quan trọng là trình độ ngoại ngữ, có thể nói rằng, mặc dù thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay đã tiến bộ hơn các thế hệ trước đây rất nhiều, song khả năng tiếng Anh và giao tiếp của phần lớn sinh viên vẫn còn chưa tốt, nhất là so với các nước trong khu vực. Do đó các trường Đại học cần đẩy mạnh, tìm giải pháp để sinh viên sau khi tốt nghiệp làm chủ ngôn ngữ tiếng Anh, có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản để hội nhập. Vấn đề thứ hai là kỹ năng mềm của sinh viên Việt Nam học trong nước cũng chưa được tốt, rất nhiều sinh viên mới ra trường còn chưa làm tốt cả khâu viết CV (Curriculum Vitae) cho bản thân khi xin việc, khi phỏng vấn nhiều bạn thể hiện rõ sự thiếu chuẩn bị và suy nghĩ cho sự nghiệp của mình. Những chương trình học tập, trải nghiệm thực tế tại các trường Đại học trong khu vực và trên thế giới khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp sinh viên tự tin, dạn dĩ hơn trong việc nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh, nâng cao những kỹ năng mềm cho bản thân để phát triển nghề nghiệp và khẳng định bản thân trong tương lai.

Trước những yêu cầu đó, để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh có đủ hành trang, sự tự tin khi bước chân ra trường và lập nghiệp. Trong những năm qua, trường Đại học Tân Trào đã thực hiện nhiều chương trình liên kết đào tạo, thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác: Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Belarus, Lào, Philippines, Nga, Ba lan, Indonesia…, tập trung vào mối quan hệ hợp tác với đối tác để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cụ thể, trao đổi cán bộ, đào tạo nâng cao tình độ, trao đổi giảng viên, sinh viên, trao đổi thông tin khoa học, hợp tác nghiên cứu khoa học, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu của trường.

Đại học Tân Trào ký biên bản ghi nhớ hợp tác cùng Đại học Chiang Mai, Thái Lan.

Đoàn công tác trường Đại học Tân Trào chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat

Qua nhiều năm đẩy mạnh chương trình hợp tác quốc tế cho thấy, trường luôn trân trọng những cơ hội làm việc với các đối tác quốc tế. Thời gian qua, trường đã đào tạo tiếng Việt và đại học chuyên ngành cho học sinh của tỉnh Xiêng Khoảng nước CHDCND Lào; tiếp nhận các tình nguyện viên theo chương trình Fulbright của Mỹ và Scope Global của Úc, giáo viên, thực tập sinh đến từ Philippines hỗ trợ phương pháp giảng dạy, dạy tiếng Anh tại trường; cử sinh viên đi thực tập tại Đại học Sakon Nakhon Rajabhat (Thái Lan) và Đại học Bắc Philippines; Nhiều sinh viên ưu tú của nhà trường đã được chọn tham gia trải nghiệm quốc tế nhân quyền tại Indonesia, Malaisia; Giao lưu văn hóa sinh viên Việt - Mỹ; phối hợp tổ chức thành công nhiều Hội thảo Khoa học quốc tế; cán bộ, giảng viên nhà trường đã tham gia dự án nghiên cứu nguồn nhân lực do các trường đại học khối ASEAN đào tạo với 5 nước khu vực Đông Nam Á do Trường Đại học Suan Dushit, Thái Lan chủ trì. Hè năm học 2016 – 2017,  Đại học Tân Trào đã phối hợp với Học viên ngôn ngữ Help tại Philipines, Học viện ngôn ngữ Sprachcaffe tại Mỹ và Anh tổ chức chương trình du học hè 2017 thu hút được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và sinh viên; Đặc biệt gần đây nhất, trường Đại học Tân Trào đã tổ chức thành công chương trình “Trao đổi sinh viên quốc tế năm 2017”.

Đoàn công tác Đại sứ quán Lào thăm và làm việc tại trường Đại học Tân Trào

Với sinh viên hiện đang theo học tại trường Đại học Tân Trào, các em luôn có nhiều cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Cuối năm 2016, trường Đại học Tân Trào lựa chọn 11 sinh viên ưu tú có thành tích học tập xuất sắc và khả năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát đi thực tập tại trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat (Thái Lan). 

Tiếp nối thành công của khóa thực tập thứ nhất, tháng 10/2017, khóa sinh viên thứ hai của nhà trường gồm 27 sinh viên ưu tú tiếp tục đi thực tập tại trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat (Thái Lan). 

Trong năm học 2016 – 2017, nhà trường đã lựa chọn 04 sinh viên ưu tú tham gia trải nghiệm quốc tế nhân quyền tại Indonesia.

Tháng 5/2017, 10 sinh viên trường Đại học Tân Trào đã vượt qua được các vòng tuyển trọn khắt khe và tới trường Đại học Đông Bắc Philippines thực tập.

Tiếp nối những thành công trong hợp tác quốc tế, tháng 6/2017, trường Đại học Tân Trào đã tiếp nhận đoàn sinh viên Mỹ tới thực tập và giao lưu văn hóa.

Tháng 9 vừa qua trường Đại học Tân Trào tổ chức thành công chương trình “Trao đổi sinh viên quốc tế năm 2017” với sự tham gia của sinh viên 5 nước: Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Lào và Trung Quốc. Chương trình với nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích và ý nghĩa đã đánh dấu sự hòa nhập, phát triển vững mạnh của nhà trường, khẳng định thương hiệu của Nhà trường không chỉ trong nước mà còn ở khu vực và trên thế giới...

Việc gia nhập AEC sẽ không tránh khỏi quy luật cạnh tranh trong đào tạo và tuyển dụng. Sinh viên cần chớp thời cơ, cơ hội học tập, khẳng định bản thân là điều kiện cần để dễ dàng hòa nhập với bạn bè quốc tế.  Trường Đại học Tân Trào với nhiều chương liên kết, trao đổi sinh viên, qua đó, sinh viên nhà trường có thể dễ dàng du học, thực tập tại các nước Asean. Mỗi chuyến đi giúp sinh viên có điều kiện thực tập các chuyên ngành được học tại nước ngoài, đồng thời có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh, trau dồi kiến thức đã học, rèn luyện ý thức tự giác, độc lập trong học tập. Tìm hiểu về con người và văn hoá các nước trong khu vực và trên thế giới; tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến, nâng cao kĩ năng sống, tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp, và phong cách làm việc khoa học để chuẩn bị hành trang sẵn sàng phát triển nghề nghiệp, khẳng định bản thân trong tương lai.

Thông qua các hoạt động trên, trình độ và năng lực quản lý, chuyên môn của cán bộ, giảng viên trường Đại học Tân Trào được nâng cao, hòa nhập chung trong sự phát triển cộng đồng Asian. Nhà trường đang từng bước hoàn thiện, phát triển mạnh mẽ trong khu vực mà không phải trường Đại học nào cũng làm được./.