Kết quả thực hiện dự án sản xuất giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm TNTH&CGKHCN trường Đại học Tân Trào năm 2018
 
Ngày 27-5-2016, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 742/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất giống Keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô, tổng mức đầu tư 5,4 tỷ đồng. Đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm thực nghiệm, thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Tân Trào với quy mô 1,5 triệu cây/năm. Qua 2 năm, ngoài kinh phí do tỉnh đầu tư, Trường Đại học Tân Trào cũng đã cấp bổ sung gần 4 tỷ đồng để đảm bảo thực hiện dự án sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô, tế bào. Hoạt động này là dấu ấn, tạo bước đột phá trong kinh tế ngành lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang và hoạt động của Đại học Tân Trào.

Cây giống lâm nghiệp được sản xuất bằng phương pháp nuôi cây mô được các đơn vị trồng rừng, người dân ưa chuộng vì chất lượng cây trồng đảm bảo, ít bị gãy đổ do gió bão. Mặt khác, nếu những năm trước đây, năng suất gỗ rừng trồng chỉ đạt khoảng 50 - 60 m3/ha thì hiện nay do nguồn giống được cải thiện, chất lượng tốt nên năng suất đạt từ 120 - 150 m3/ha, tăng hơn gấp hai lần so với trước đây.

Thực tế, các đơn vị trồng rừng đều khẳng định, cùng là keo lai, nếu thực hiện theo phương pháp giâm hom có tốc độ sinh trưởng từ 20 đến 25 m3/ha/năm nhưng nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô có tốc độ sinh trưởng trên 35 m3/ha/năm. Việc sử dụng cây giống keo lai bằng phương giâm hom có nhược điểm là bộ rễ không có rễ cọc nên cây hay bị đổ gẫy. Với giống keo lai nuôi cấy mô có bộ rễ cọc chắc chắn, khỏe thân, nhiều lõi gỗ chắc, khả năng sinh trưởng nhanh gấp 1,5 lần so với keo hom sẽ mang lại hiệu quả cao hơn hẳn.

Tuy nhiên, sản xuất giống keo nuôi cấy mô do phải đầu tư về công nghệ, đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cần thời gian dài hơn nên chi phí đầu vào về cây giống thường cao hơn. Song phương pháp nuôi cấy mô lại cho ra giống đồng loạt, số lượng lớn, tỷ lệ sống cao, phát triển tốt.

Thực hiện dự án, trong năm 2016, Trường Đại học Tân Trào đã xây dựng xong nhà nuôi cấy mô với diện tích 433m2 với công suất 1.500.000 cây/năm; nâng cấp cải tạo nhà nuôi cấy mô cũ để thử nghiệm lưu giữ giống gốc và tạo các sản phẩm mới; xây dựng mới nhà luyện cây, ươm cây diện tích 1000 m2 sử dụng để luyện cây, ươm cây giống được sản xuất từ nhà nuôi cấy mô trước khi đưa ra vườn ươm; đầu tư bổ sung kinh phí để mua thêm 4 tủ cấy sinh học, 8.000 bình nhân, 4.000 bình trụ và các loại hóa chất, vật liệu đủ để đáp ứng yêu cầu sản xuất cây keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Đặc biệt, trường đã ký hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô với Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp thuộc Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Từ việc tiếp nhận ban đầu 60 bình giống gốc gồm 3 giống: BV10, BV16, BV33 và 2.000 cây đầu dòng để nhân và trồng thử nghiệm tại trung tâm, sau 1 năm tiếp nhận và nghiên cứu, việc chuyển giao công nghệ đã thực hiện thành công và được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đánh giá rất cao về khả năng ứng dụng công nghệ và đưa vào sản xuất của đội ngũ kỹ thuật viên thuộc trung tâm.

Cho đến nay, dự án hoạt động tích cực và đạt được những hiệu quả nhất định: Tiếp nhận, đào tạo và tạo việc làm cho 18 cán bộ nhân viên làm việc trong nhà nuôi cấy mô và 08 lao động phổ thông làm việc ngoài vườn ươm. Nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, sản xuất giống cây bằng phương pháp nuôi cấy mô nói chung và giống cây keo lai mô nói riêng; Cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được trang bị đáp ứng được yêu cầu sản xuất và kinh doanh cây giống; Là cơ sở tốt để sinh viên thực hành thực tập và cán bộ, giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học. Đồng thời là địa chỉ tin cậy để cung ứng giống cây trồng chất lượng cao cho người dân và là nơi nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô trong lĩnh vực nông lâm nghiệp; Kế hoạch trong năm 2018 sẽ đạt 1.662559 cây thành phẩm đủ tiêu chuẩn xuất vườn; Dự kiến đến năm 2021 sẽ đạt 2.011.874 cây thành phẩm đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Hiện tại Trung tâm đã cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trên 1,5 triệu cây giống giá trị hơn 4 tỷ đồng, hiện đang triển khai trồng trình diễn cho tỉnh Bắc Cạn trên 3ha tại Công ty Lâm nghiệp Chợ Mới.

Việc Trung tâm Thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Tân Trào thực hiện thành công phương pháp nuôi cấy mô sản xuất cây keo góp phần đa dạng hóa nguồn giống cây lâm nghiệp, đặc biệt là nguồn giống chất lượng cao; góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao chất lượng rừng trồng của tỉnh Tuyên Quang. Với cơ sở, trang thiết bị hiện có, đội ngũ cán bộ có chuyên môn, đơn vị có thể sản xuất với số lượng lớn cây giống mỗi năm đáp ứng nhu cầu của người dân trong công tác trồng rừng. Ngoài cây keo lai, hiện nay trung tâm đã nhân giống thành công nhiều loại cây giống khác như Bạch đàn, cây Ba kích, các loại hoa Lan, Chuối tiêu hồng, và đang hợp tác với công ty Mía đường Sơn dương để nghiên cứu cung cấp hàng năm 120.000 cây giống mía theo phương pháp nuôi cấy mô.

Hoạt động của Trung tâm Thực nghiệm, thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ của ĐHTT là một bước chuyển mình mới trong các hoạt động của một trường đại học.

Dưới đây là một số hình ảnh trong nhà nuôi cấy mô và vườn ươm tại Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ trường Đại học Tân Trào: 

Cán bộ làm việc trong nhà nuôi cấy mô

Giống cây keo lai trong nhà nuôi cấy mô 

Giống cây keo lai tại vườm ươm 

Tin - Ảnh: Trung tâm Thông tin - Thư viện