Nghiên cứu sinh Ninh Thị Bạch Diệp bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Sinh học
 
Ngày 08/12/2016, tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, nghiên cứu sinh Ninh Thị Bạch Diệp đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Sinh học với đề tài “Nâng cao hiệu quả dạy học theo nhóm nhỏ môn Sinh học 6 - THCS”

Dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Văn Hồng luận án đã đạt được một số điểm mới:

1. Luận án đã hệ thống hóa tình hình nghiên cứu và vận dụng dạy học theo nhóm nhỏ vào dạy học trên thế giới cũng như ở Việt Nam; Nghiên cứu, phân tích các khái niệm liên quan đến dạy học theo nhóm nhỏ như: khái niệm nhóm, khái niệm nhóm học tập, khái niệm nhóm nhỏ cũng như việc phân loại nhóm, nhóm học tập, nhóm nhỏ. Trên cơ sở đó chúng tôi đưa ra định nghĩa về dạy học theo nhóm nhỏ; Phân tích cơ sở triết học, cơ sở tâm lý học, cơ sở lý luận dạy học; Đặc điểm và bản chất của dạy học theo nhóm nhỏ, đồng thời chỉ ra vai trò, ưu nhược điểm của dạy học theo nhóm nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất một số kỹ thuật dạy học được áp dụng trong dạy học theo nhóm nhỏ và một số năng lực hợp tác cần rèn luyện cho học sinh trong dạy học theo nhóm nhỏ.

2. Đánh giá thực trạng vận dụng dạy học theo nhóm nhỏ trong dạy học Sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chỉ ra những khó khăn, hạn chế và tồn tại trong việc vận dụng hình thức dạy học này vào thực tế. Làm cơ sở cho việc đề xuất quy trình và những biện pháp khắc phục những hạn chế đó.

3. Để đảm bảo hiệu quả cho việc tổ chức dạy học theo nhóm nhỏ, luận án đã thiết kế các công cụ để tổ chức dạy học theo nhóm nhỏ gồm: Các câu hỏi; Các thí nghiệm và bài tập thí nghiệm; Các bài tập và bài tập tình huống; Phiếu học tập và phiếu giao việc. Ngoài ra, luận án còn đưa ra những yêu cầu về việc lựa chọn nội dung và các hình thức tổ chức nhóm khi tổ chức dạy học theo nhóm nhỏ.

4. Để tổ chức dạy học theo nhóm nhỏ đạt hiệu quả chúng tôi đã đề xuất ra 5 nguyên tắc tổ chức dạy học theo nhóm nhỏ gồm: Nguyên tắc đảm bảo sự tác động qua lại giữa tính tích cực, tính tự giác và tính độc lập của cá nhân học sinh với vai trò chỉ đạo của giáo viên và với cộng đồng nhóm; Nguyên tắc đảm bảo tính phân hóa trong quá trình tổ chức dạy học theo nhóm nhỏ; Nguyên tắc đảm bảo tính tự quản; Nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ, công bằng, bình đẳng trong dạy học theo nhóm nhỏ; Nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn.

Quy trình tổ chức dạy học theo nhóm nhỏ trong dạy học Sinh học được xây dựng gồm 3 giai đoạn chính: giai đoạn chuẩn bị gồm 4 bước, giai đoạn lên lớp gồm 6 bước và giai đoạn sau lên lớp gồm 1 bước. Trên cơ sở các nguyên tắc và quy trình đó, giáo viên có thể thiết kế bước dạy học theo nhóm nhỏ tương ứng thể hiện mối quan hệ của các đơn vị kiến thức trong những hệ thống nhất định với những thao tác sư phạm trong hoạt động dạy học, nhờ đó sẽ giúp cho học sinh hình thành kiến thức một cách hệ thống và cũng tạo thuận lợi cho việc tổ chức dạy học của giáo viên.

5. Đề xuất 4 biện pháp góp phần khắc phục những hạn chế của dạy học theo nhóm nhỏ: Thực hiện phân hóa trong tổ chức dạy học theo nhóm nhỏ; Thực hiện kết hợp các kỹ thuật dạy học tích cực trong dạy học theo nhóm nhỏ; Thực hiện khai thác và sử dụng hợp lý các phương tiện dạy học hỗ trợ cho dạy học theo nhóm nhỏ; Thực hiện đổi mới trong kiểm tra - đánh giá kết quả dạy học theo nhóm nhỏ.

6. Thiết kế được 17 giáo án có sử dụng hình thức DHTNN và kết hợp với các kỹ thuật dạy học tích cực. Thiết kế bộ công cụ cho kiểm tra đánh giá trong DHTNN dưới 2 loại là đánh giá kiến thức và đánh giá năng lực, bộ tiêu chí đánh giá này được sử dụng cho cả GV và HS khi tổ chức DHTNN. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thiết kế được 51 câu hỏi, 10 bài tập và bài tập thí nghiệm, 7 bài tập tình huống và 6 bộ phiếu học tập và phiếu giao việc làm công cụ để tổ chức DHTNN.

Dưới đây là một số hình ảnh: 

 

TS. Nguyễn Khải Hoàn - Phó Hiệu trưởng Trường  Đại học Tân Trào chúc mừng Tân Tiến sĩ Ninh Thị Bạch Diệp