TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO THAM DỰ HỘI THẢO “CHIA SẺ KINH NGHIỆM VÀ THIẾT LẬP MẠNG LƯỚI NỮ LÃNH ĐẠO TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC THUỘC VÙNG ĐÔNG BẮC VÀ TÂY BẮC VIỆT NAM”
 
Nằm trong khuôn khổ chương trình Chính phủ Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và thiết lập mạng lưới nữ lãnh đạo trong các trường đại học thuộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam” (Sharing experiences among female leaders university network for women’s leadership in Northest and Northwset Vietnam”) được tổ chức ngày 31/5/2018 Tại Trường Đại học Thái Nguyên.

Chương trình hợp tác phát triển Australia - Việt Nam (Aus4Vietnam) do Chính phủ Australia tài trợ cho Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực, trong đó cần thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ được triển khai ở Việt Nam từ năm 2016 đến 2020. Các đơn vị đối tác của Chương trình gồm: Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo nữ (Gelead) thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Tây Bắc, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Nông – Lâm Thái Nguyên. Nhằm tăng cường và thiết lập mạng lưới lãnh đạo nữ trong các trường đại học thuộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc hướng tới bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, Chương trình Aus4Vietnam triển khai chương trình huấn luyện kỹ năng cho nữ lãnh đạo - Aus4skills. Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thiết lập mạng lưới nữ lãnh đạo trong các trường đại học thuộc vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các tổ chức và các trường đại học: Chương trình Aus4skills, Trường Đại học Flinder (Autralia), Trường Đại học Queenslands (Autralia), Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ Việt Nam, Đại học Thái Nguyên, Đại học Tây Bắc, Trường Đại học Nông – Lâm Thái Nguyên, Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Thái Bình, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn. Trường Đại học Tân Trào do Tiến sỹ Nguyễn Khải Hoàn - Phó Hiệu trưởng dẫn đoàn tham dự Hội thảo.

Đại diện các trường đại học tham dự Hội thảo nhận hoa chúc mừng của Chương trình

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Micheal – Giám đốc Chương trình Aus4skills đánh giá cao nỗ lực của các trường đại học đã tin tưởng, trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ. Hội thảo là cơ hội cho cả Việt Nam và Australia học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ. Chương trình Aus4skills cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các trường đại học thực hiện có hiệu quả Chương trình. Hội thảo đã được nghe nhiều báo cáo kinh nghiệm của các trường đại học trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia công việc lãnh đạo đơn vị, đoàn thể trong trường đại học. Hội thảo kể đến những nữ lãnh đạo tiêu biểu như: GS.TS.NGND Nguyễn Thị Kim Lan (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông – Lâm Thái Nguyên) đạt giải thưởng Kovalevskaia và danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”; GS,TS lê Thị Thanh Nhàn (Bí thưĐảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên) đạt giải thưởng Kovalevskaia; PGS.TS Trần Thị Thu Hà (Viện trường Viện Nghiên cứu phát triển lâm nghiệp – Trường Đại học Nông – Lâm Thái Nguyên) đạt giải thưởng Bông lúa vàng danh giá nhất của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn….

Trả lời câu hỏi: Phụ nữ có làm lãnh đạo được không? GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn khẳng định: phụ nữ có thể làm được, mà còn làm rất tốt. Tuy nhiên, nữ giáo sư toán học trẻ tuổi nhất Việt Nam cũng chỉ ra rất nhiều khó khăn mà phụ nữ gặp phải khi làm lãnh đạo như định kiến về giới trong xã hội vẫn còn, chênh lệnh giới trong công tác giáo dục, tâm lý tự ti an phận của phụ nữ…

GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học báo cáo tham luận

Tham dự Hội thảo, Trường đại học Tân Trào có bài tham luận “ Một số giải pháp của Trường đại học Tân Trào trong việc bồi dưỡng nữ cán bộ quản lý giáo dục người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tuyên Quang và khu vực Tây Bắc” do Tiến sỹ Hà Mỹ Hạnh (dân tộc Tày) viết và trình bày. Tham luận đã chỉ ra số lượng nữ cán bộ tại trường chiếm hơn 60% số cán bộ của trường, trong đó, nữ là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Về đội ngũ cán bộ quản lý, nữ cán bộ quản lý là người dân tộc thiểu số chiếm 65% trong tổng số nữ cán bộ quản lý.

Đoàn đại biểu Trường Đại học Tân Trào tham dự Hội thảo

Tiến sỹ Hà Mỹ Hạnh – Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục báo cáo tham luận tại Hội thảo

Các nhà khoa học tham dự hội thảo đánh giá cao những chính sách và quan điểm cởi mở của lãnh đạo Trường Đại học Tân Trào đã tin tưởng, thực hiện tốt nghĩa vụ pháp định với nữ cán bộ, đặc biệt nữ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số có cơ hội học tập nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý và thăng tiến, thay đổi vị trí việc làm.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Viết Khanh – Phó Giám đốc, Trưởng ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ củaĐại học Thái Nguyên đã ghi nhận những đóng góp lớn lao của nữ lãnh đạo trong các trường đại học và cũng chỉ ra những khó khăn mà người phụ nữ gặp phải khi làm lãnh đạo. Vì vậy, nữ lãnh đạo cần được quan tâm nhiều hơn từ phía gia đình, cơ quan, xã hội. Sự thay đổi nhận thức và  hành động của toàn xã hội, cả nam và nữ giới sẽ đem lại cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Tin và ảnh: Trần Thị Mỹ Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý sinh viên