Nghiên Cứu Sinh Vi Xuân Học bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ cấp Trường ngành Khoa học cây trồng
 
Ngày 25/03/2020, tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên, Nghiên cứu sinh Vi Xuân Học đã bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ cấp Trường ngành Khoa học cây trồng với đề tài "Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học và một số biện pháp kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng bưởi Xuân Vân tỉnh Tuyên Quang ".

Dự buổi lễ có đại biểu, lãnh đạo Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên; các nhà khoa học là thành viên Hội đồng chấm luận án, cán bộ hướng dẫn;

Dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng, Viện Nghiên cứu Rau quả; TS Nguyễn Văn Vượng, Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang, Luận án đã đạt được một số điểm mới đáng chú ý:

Luận án đã đánh giá được đặc điểm nông sinh học của giống bưởi Xuân Vân là giống bưởi có tán lá dạng hình cầu; cây 9 năm tuổi sinh trưởng ổn định có chiều cao trung bình 6,84 m, đường kính tán 7,15 m, đường kính gốc 17,1 cm, có 9,6  cành cấp 2/cây. Cây ra từ 3 đên 4 đợt lộc/năm, lộc Xuân có số lượng lộc nhiều nhất trong năm. Lá có hình dạng ô van, màu xanh nhạt, mép lá gợn sóng. Hoa đơn hoặc chùm, mầu trắng sáng, số cánh hoa từ trung bình 4,33 cánh/hoa, số chỉ nhị trung bình 28,84 chỉ nhị/hoa, thời gian nở hoa từ 22 đến 27 ngày; thời gian từ tắt hoa đến thu hoạch từ 200 đến 220 ngày; tỷ lệ đậu quả trung bình từ 0,84 đến 0,93%. Quả có dạng hình cầu, vỏ quả khi chín có màu vàng nhạt, khối lượng quả trung bình từ 0,913 đến 0,945 kg; số múi từ 13,2 đến 13,3 múi/quả; số hạt từ 124,2 đến 128,2 hạt/quả; tỷ lệ phần ăn được từ 52,3 đến 54,62%. Thời gian cho thu hoạch quả tập trung vào tháng 10 và tháng 11.

Cắt tỉa theo quy trình của Viện Nghiên cứu Rau quả đã cho cây ra hoa sớm hơn từ 4 đến 5 ngày và cho năng suất bưởi Xuân Vân đạt từ 123,5 đến 125,6 kg/cây; Khoanh vỏ vào ngày 25 tháng 12 đã cho cây ra hoa sớm từ 1 đến 7 ngày và cho năng suất từ 109,4 đến 109,8 kg/cây; Xử lý GA3 đã ảnh hưởng đến năng suất và giảm số lượng hạt trên quả. Phun GA3 với nồng độ 50 ppm cho năng suất từ 190,1 đến 199,8 kg/cây. Phun GA3 với nồng độ 90 ppm đã làm giảm số lượng hạt/quả, từ 128,2 đến 130,2 hạt/quả xuống 38,3 đến 40,9 hạt/quả; Thụ phấn bổ sung bằng nguồn phấn từ cây bưởi chua đã làm tăng tỷ lệ đậu quả từ 32,7% đến 34,7%/công thức; Bưởi Xuân Vân được bảo quản bằng màng thông minh đã hạn chế được sự hao hụt khối lượng tự nhiên so với phương pháp bảo quản truyền thống, với tỷ lệ thối hỏng sau 12 tuần bảo quản ở mức 6,66% và 5,55%; duy trì được các chỉ tiêu đánh giá chất lượng và giá trị thương phẩm bưởi Xuân Vân.

Áp dụng áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác theo kết quả nghiên cứu của đề tài vào xây dựng mô hình bưởi Xuân Vân tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã làm tăng năng suất từ 149,7 đến173,7 kg/cây, lãi thuần tăng từ 1.995.900 đồng lên 2.064.900 đồng/cây so với biện pháp canh tác tuyền thống của người dân hiện đang áp dụng.

Hội đồng chấm luận án đánh giá Luận án là công trình khoa học độc lập và công phu, nghiêm túc, thực hiện được mục đích và nhiệm vụ đặt ra. Luận án đáp ứng đầy đủ về nội dung và hình thức là một Luận án Tiến sĩ Khoa học cây trồng. Hội đồng nhất trí với 7/7 phiếu tán thành về việc công nhận trình độ và cấp Bằng Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Vi Xuân Học.

Hội đồng chấm Luận án, Người hướng dẫn khoa học chụp ảnh lưu niệm cũng Tân tiến sĩ Vi Xuân Học 

CLB Truyền thông