Sự chuyển dịch của khối ngành Sư phạm trong sự phát triển đa ngành của Đại học Tân Trào
 
Trường Đại học Tân Trào được thành lập ngày 15/8/2013, trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Tuyên Quang. Trải qua 5 năm hình thành, phát triển và không ngừng lớn mạnh đến nay trường đã trở thành một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với 15 mã ngành Đại học và 19 mã ngành Cao đẳng.

Với bề dày kinh nghiệm đào tạo các nhóm ngành Sư phạm, trong nhiều năm qua trường Đại học Tân Trào đã cung cấp nguồn nhân lực không nhỏ cho tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung. Trong những năm qua, nhóm ngành Sư phạm của Đại học Tân Trào luôn là một trong những nhóm ngành đứng đầu về số lượng sinh viên theo học, vì vậy chú trọng đầu tư cho sinh viên Sư phạm luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 12 mã ngành Sư phạm bao gồm: Đại học Sư phạm Toán, Đại học Sư phạm Sinh, Đại học Giáo dục Tiểu học, Đại học Giáo dục Mầm non, Cao đẳng Sư phạm Toán, Cao đẳng Sư phạm Tin, Cao đẳng Sư phạm Vật Lí, Cao đẳng Sư phạm Hóa học, Cao đẳng Sư phạm Sinh học, Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Nông nghiệp, Cao đẳng Sư phạm Ngữ văn, Cao đẳng Sư phạm Lịch sử.

Cô và trò trong một giờ dạy

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khi trao đổi với báo chí trước thềm năm học mới 2018 – 2019 đã chia sẻ: tính đến thời điểm tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS  và thiếu 3161 giáo viên THPT.

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT tại 43 tỉnh, thành, các trường học hiện thiếu gần 76.000 giáo viên. Nói về bậc mầm non, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay tính đến ngày 15/8, cả nước có gần 310.000 giáo viêb mầm non. Nếu so với định mức mà Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ thống nhất, số giáo viên mầm non còn thiếu khoảng 40.000 người.

Những con số trên đã phần nào cho thấy sự thiếu hụt giáo viên ở các cấp học. Vì vậy, đào tạo sinh viên Sư phạm trong môi trường đa ngành hiện nay vẫn được lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và lãnh đạo Trường Đại học Tân Trào đặc biệt quan tâm, đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau như: đổi mới chương trình dạy và học cho phù hợp với thực tiễn; trao đổi sinh viên sư phạm đi thực tập tại nước ngoài để bồi dưỡng, trao dồi thêm kỹ năng sống, chuyên môn sư phạm và khả năng giao tiếp Tiếng anh; cứ mỗi 2 năm 1 lần lựa chọn sinh viên tham dự Hội thi chuyên môn – nghiệp vụ các trường Đại học, Cao đẳng cụm Trung Bắc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho sinh viên sư phạm…

Hiện nay, tại các khoa chuyên môn trực thuộc Đại học Tân Trào đang tích cực đổi mới chương trình dạy và học cho phù hợp với thực tiễn xã hội và cải cách giáo dục. Cùng với đó, cán bộ, giảng viên trong khoa đều phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường.

Giảng viên của Trường Đại học Tân Trào được chia làm 2 nhóm:

- Nhóm thứ nhất là giảng viên đang công tác tại các khoa, bộ môn, trung tâm có nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

- Nhóm thứ hai là giảng viên đang công tác tại các phòng, ban chức năng có nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoàn thành các công việc tại bộ phận mình đang đảm nhận.

Khi đã hoàn thành đủ định mức giờ lên lớp, giảng viên trường Đại học Tân Trào sẽ giành thời gian nghiên cứu khoa học tại nhà để hoàn thành đủ định mức được phân công.

Cụ thể tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường là 1760 giờ sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định (Giảng dạy 900 giờ, Nghiên cứu khoa học 600 giờ, Hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác 260 giờ).

Giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học Mỗi năm, giảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được giao tương ứng với chức danh hoặc vị trí công việc đang đảm nhiệm (theo tỷ lệ định mức tại Khoản 1, Điều 6 của quy định này). Kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên được đánh giá thông qua một trong các sản phẩm nghiên cứu khoa học cụ thể sau đây:

- Chủ trì hoặc tham gia 01 đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ hoặc cấp nhà nước (được tính thực hiện tối đa 02 năm);

- Chủ trì 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được nghiệm thu từ đạt yêu cầu trở lên;

- Một (01) bài báo được công bố trên tạp chí khoa học nước ngoài, hoặc 01 báo cáo trong HTKH Quốc tế tại nước ngoài có phản biện, hoặc 01 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học trong nước có điểm 1.0 (theo quy định của HĐCDGSNN), hoặc 03 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành khác có điểm dưới 1.0, hoặc 05 báo cáo công bố toàn văn trên các kỷ yếu của các HTKH trong nước.

Số giờ nghiên cứu khoa học sau quy đổi nếu chưa đủ định mức sẽ phải dạy bù số giờ định mức NCKH còn thiếu. Không quy đổi số giờ nghiên cứu khoa học sang giờ giảng dạy trực tiếp.

Kết thúc năm học 2017 - 2018, so với định mức giờ đã quy định, giảng viên của Trường Đại học Tân Trào đã giảng dạy vượt trên 16.000 giờ tập trung ở một số bộ môn như Giáo dục Mầm non vượt 3029,5 giờ; Ngữ văn (Tiểu học và THCS) vượt trên 4.500 giờ. Điều đó cho thấy nhu cầu theo học chuyên ngành sư phạm của sinh viên vẫn đang tiếp tục tăng, vẫn còn tình trạng thiếu giảng viên dẫn đến thừa giờ. Trước thực tế như vậy, nhà trường đã có những phương án xử lý để hạn chế số giờ dạy vượt. Lãnh đạo trường đã tính toán để hợp đồng thỉnh giảng thêm đối với các bộ môn có số giờ vượt nhiều, đồng thời sắp xếp, phân công lại lao động và chuyên môn tại một số bộ môn trong năm học 2018 - 2019, đảm bảo số giờ dạy không vượt quá nhiều và không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Cô và trò trong một giờ thực hành trên lớp

Trong những năm qua ngoài việc đổi mới chương trình đào tạo, nhà trường đã thiết lập nhiều chương trình hợp tác, trong đó chương trình thực tập sinh đối với sinh viên ngành Sư phạm trong nhà trường đã và đang được nhà trường triển khai có hiệu quả.

Năm học 2015 - 2016, triển khai chương trình hợp tác với trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat (Thái Lan), nhà trường chọn cử 11 sinh viên (trong đó có 07 sinh viên Đại học Giáo dục Tiểu học) có thành tích học tập xuất sắc và khả năng giao tiếp Tiếng anh lưu loát đi học tập thực tế tại Đại học Sakon Nakhon Rajabhat (Thái Lan). Tại đây, ngoài việc tìm hiểu văn hoá của đất nước Chùa Tháp sinh viên ngành còn được học được rất nhiều về phương pháp giảng dạy, phương pháp thu hút sự chú ý, tập trung của học sinh từ phía giáo viên, chủ nhiệm các lớp thông qua các tiết dự giờ, đồng thời dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của giảng viên trực tiếp hướng dẫn sinh viên, sinh viên được chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách quản lý lớp, tác phong cần có của một giáo viên chủ nhiệm…. Một điểm đặc biệt thuận lợi trong quá trình thực tập của sinh viên tại đây đó là học sinh tiểu học có thể giao tiếp bằng tiếng Anh giúp sinh viên thực tập dễ dàng chuyện trò, tìm hiểu về  học sinh. Hoạt động thực tập của sinh viên không chỉ dừng lại ở mức độ quan sát, thăm lớp dự giờ đơn thuần như thực tập truyền thống tại các trường tiểu học ở Việt Nam, mà ở đây sinh viên được cải thiện kiến thức chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, được lên kế hoạch giảng dạy và làm chủ lớp học, được trải nghiệm thực tế trên mọi khía cạnh. Những kinh nghiệm thực tế thu được có nhiều khác biệt so với môi trường thực tập ở Việt Nam.

Các hoạt động trải nghiệm của sinh viên Đại học Tân Trào tại Trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat (Thái Lan)

Song song với các hoạt động trên, cứ 2 năm một lần, vào đầu tháng 11, Đại học Tân Trào lựa chọn và cử sinh viên tham dự Hội thi chuyên môn – nghiệp vụ các trường Đại học, Cao đẳng cụm Trung Bắc cùng tranh tài với 6 trường bạn. Nghiệp vụ sư phạm là một trong những nội dung trọng tâm của Hội thi, thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Thi Nghiệp vụ sư phạm là hoạt động rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của hệ thống giáo dục, góp phần xứng đáng vào sự phát triển ngành sư phạm. Tại Hội thi chuyên môn – nghiệp vụ các trường Đại học, Cao đẳng cụm Trung Bắc lần thứ XII, năm 2018 Trường Đại học Tân Trào đã xuất sắc giành giải Vàng toàn đoàn.

TS. Nguyễn Khải Hoàn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào đại diện cho nhà trường nhận giải Vàng tại Hội thi chuyên môn – nghiệp vụ các trường Đại học, Cao đẳng cụm Trung Bắc năm 2018

Phần thi Nghiệp vụ Sư phạm Hội thi chuyên môn – nghiệp vụ các trường Đại học, Cao đẳng cụm Trung Bắc năm 2018​

Tiểu ban Nghiệp vụ Sư phạm trong phần thi giảng tại Hội thi chuyên môn – nghiệp vụ các trường Đại học, Cao đẳng cụm Trung Bắc năm 2018​

Có thể nói, mặc dù định hướng tiếp tục phát triển đa ngành, đa lĩnh vực trong tương lai nhưng sự chú trọng đầu tư, mở rộng nhóm ngành Sư phạm vẫn luôn được lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và lãnh đạo Trường Đại học Tân Trào đặc biệt quan tâm. Để từ đó đưa ra những chiến lược, định hướng lâu dài nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội, giúp sinh viên nhà trường nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng tích lũy hành trang kiến thức, kỹ năng để tự tin bước vào đời.

 

.

 

CLB Truyền thông