Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Bích Hợp bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam
 
Ngày 21/01/2016, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Bích Hợp đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Ngữ Văn, chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam với đề tài "Ẩn dụ ý niệm miền “đồ ăn” trong tiếng Việt".

Dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Đặng Thị Hảo Tâm luận án đã đạt được một số điểm mới:

1. Ẩn dụ ý niệm miền “đồ ăn” trong tiếng Việt là những ẩn dụ có miền đích hoặc miền nguồn là miền ý niệm “đồ ăn”. Thông qua cấu trúc miền, điển mẫu, các mô hình tri nhận, cấu trúc hình bóng, hình nền… có thể thấy miền “đồ ăn” chủ yếu bao gồm những ý niệm cơ bản, cụ thể, gần gũi mà con người có được thông qua trải nghiệm cuộc sống; một bộ phận ý niệm có tính trực quan thấp được ý niệm hóa thông qua các ẩn dụ bản thể, ẩn dụ định hướng giúp nâng cao giá trị tri nhận. Đặc điểm này có thể lí giải vì sao “đồ ăn” là một miền nguồn phổ biến trong tiếng Việt.

2. Thông qua sự vận động của 05 điển mẫu và khảo sát ngữ liệu, có thể thấy hệ thống ánh xạ ẩn dụ ý niệm miền “đồ ăn” trong tiếng Việt phần lớn được kích hoạt từ hai miền nguồn (bản thể, không gian) tới miền đích “đồ ăn” và từ miền nguồn “đồ ăn” tới ba miền đích (thời gian, con người, tự nhiên – xã hội). Miền “đồ ăn” tồn tại với tư cách lưỡng phân, vừa là nguồn vừa là đích, nhưng đó không phải sự chuyển tiếp các ánh xạ một cách cơ học mà là sự tiếp nhận và chuyển hóa về giá trị tri nhận.  Ngoài ra, còn có sự pha trộn ý niệm giữa miền “đồ ăn” với các miền khác theo kiểu ba/bốn không gian tinh thần hoặc phức hợp. Từ đó, ba nhóm cơ chế ánh xạ ẩn dụ được làm rõ bao gồm: tri thức, kinh nghiệm và cơ thể - trong đó cơ chế ánh xạ dựa trên cơ thể là cơ chế nổi trội nhất.

3. Hệ thống ẩn dụ ý niệm miền “đồ ăn” trong tiếng Việt đa dạng, phong phú với 49 ẩn dụ chia thành ba tiểu loại: ẩn dụ bản thể, ẩn dụ định hướng, ẩn dụ cấu trúc. Các ẩn dụ này mang tính văn hóa, tính nữ, tính ổn định về tư duy và tính sáng tạo trong văn học. Qua đó, ẩn dụ ý niệm được khẳng định là công cụ tri nhận, tư duy phổ biến, hữu dụng chứ không đơn thuần là một phương thức tu từ.

Hội đồng đánh giá luận án đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nội dung và hình thức của luận án Tiến sĩ Ngữ Văn, chuyên ngành Ngôn ngữ Việt Nam. Kết luận của Hội đồng đề nghị trường Đại học Sư phạm Hà Nội công nhận học vị và cấp bằng Tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Bích Hợp theo quy định hiện hành. Luận án được Hội đồng chấm luận án đánh giá xuất sắc và nhất trí thông qua với 7/7 phiếu tán thành.

PGS.TS Nguyễn Bá Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào chúc mừng tân Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hợp

Tân Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hợp chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ