1. Vị trí địa lý

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, phía Đông giáp Thái Nguyên và Bắc Kạn, phía Tây giáp Yên Bái, phía Nam giáp Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 586.800 ha, trong đó có 70% diện tích là đồi núi.
Tuyên Quang chưa có đường sắt và đường không vì vậy việc thông thương sang các tỉnh khác và ra nước ngoài nhờ vào hệ thống đường bộ quốc lộ 2 và quốc lộ 37; tỉnh có sông Lô chảy qua nên rất thuận lợi cho việc phát triển giao thông đường thuỷ.

2. Đặc điểm địa hình

Địa hình của Tuyên Quang khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và sông suối, đặc biệt ở phía Bắc tỉnh. Phía Nam tỉnh, địa hình thấp dần, ít bị chia cắt hơn, có nhiều đồi núi và thung lũng chạy dọc theo các sông. Có thể chia Tuyên Quang thành 3 vùng địa hình sau: (1) vùng núi phía Bắc tỉnh gồm các huyện Na Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên và phía Bắc huyện Yên Sơn, độ cao phổ biến từ 200 – 600 m và giảm dần xuống phía Nam, độ dốc trung bình 250, (2) vùng đồi núi giữa tỉnh gồm: phía Nam huyện Yên Sơn, thị xã Tuyên Quang và phía Bắc huyện Sơn Dương, độ cao trung bình dưới 500 m và hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, độ dốc thấp dần dưới 250, (3) vùng đồi núi phía Nam tỉnh là vùng thuộc phía Nam huyện Sơn Dương, mang đặc điểm địa hình trung du.

3. Khí hậu

Tuyên Quang mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt: mùa đông lạnh – khô hanh; mùa hè nóng ẩm mưa nhiều. Đặc điểm khí hậu này thích ứng cho sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng nhiệt đới. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 22 – 240C, lượng mưa trung bình từ 1.500 mm – 1.800 mm; độ ẩm trung bình là 85%.
Hệ thống sông suối của Tuyên Quang khá dày đặc, phân phối tương đối đều giữa các vùng, có thể chia làm 3 vùng trong đó sông Lô có khả năng vận tải tốt, đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thông đường thuỷ của tỉnh.

4. Hành chính

Tuyên Quang gồm có 1 thành phố và 6 huyện: Chiêm Hoá, Hàm Yên, Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương, Yên Sơn, với 141 đơn vị cấp xã gồm 7 phường, 5 thị trấn và 129 xã.

5. Kinh tế

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, nền kinh tế nông-lâm nghiệp chiếm ưu thế, mô hình kinh tế trang trại kết hopwj nông lâm. Trong bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2011 tỉnh Tuyên Quang xếp ở vị trí thứ 56/63 tỉnh thành.

Nông nghiệp: lúa là cây lương thực chính, sau đó là các cây ngô, sắn, khoai lang. Cây công nghiệp gồm có: chè (nhà máy chè Tuyên Quang, Tháng Mười, Tân Trào), cây sả làm tinh dầu, lạc, đậu tương. Cây ăn quả có: cam, quýt, nhãn, vải, chanh. Chăn nuôi có: trâu, bò, lợn, dê, gia cầm,...

Công nghiệp: có quặng kẽm, quặng mangan, quặng thiếc, bột kẽm, khai thác awntimoan... Sản xuất giấy, bột giấy, xi măng, vôi.

6. Tài nguyên thiên nhiên

6.1. Tài nguyên đất
Do điều kiện nóng ẩm, mưa nhiều làm lớp vỏ phong hoá của đất Tuyên Quang tương đối dày, cộng với thảm thực vật còn khá có tác dụng bảo vệ mặt đất nên sự thoái hoá của đất ở mức độ nhẹ. Đất Tuyên Quang có các nhóm chính: đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất, diện tích 389.834 ha, chiếm 67,2% diện tích tự nhiên; đất vàng nhạt trên đá cát, có diện tích 66.986 ha, chiếm 11,55%; đất đỏ vàng trên đá macma, diện tích 24.168 ha, chiếm 4,17% diện tích; đất vàng đỏ trên đá biến chất, diện tích 22.602 ha, chiếm 3,89%; đất phù sa ven suối, diện tích 9.621 ha, chiếm 1,66%; đất dốc tụ - thung lũng, diện tích 8.002 ha, chiếm 1,38%; ngoài ra còn có một số loại đất khác chiếm diện tích nhỏ: đất nâu vàng, đất mun vàng nhạt, đất nâu đỏ; đất phù sa không được bồi đắp… Tóm lại, tài nguyên đất của Tuyên Quang hết sức phong phú về chủng loại, chất lượng tương đối tốt, đặc biệt là các huyện phía nam, thích ứng với các loại cây trồng.
6.2. Tài nguyên rừng
Tổng diện tích rừng Tuyên Quang có khoảng 357.354 ha, trong đó rừng tự nhiên là 287.606 ha và rừng trồng là 69.737 ha. Độ che phủ của rừng đạt trên 51%. Rừng tự nhiên đại bộ phận giữ vai trò phòng hộ 213.849 ha, chiếm 74,4% diện tích rừng hiện có. Rừng đặc dụng 44.840 ha, chiếm 15,6%, còn lại là rừng sản xuất 28.917 ha, chiếm 10,05%.
Có thể nói, về cơ bản rừng tự nhiên Tuyên Quang có trữ lượng gỗ còn rất thấp, việc hạn chế khai thác lâm sản sẽ hợp với thực trạng tài nguyên rừng. Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn còn hơn 15.378 ha rừng tre, nứa tự nhiên. Trong tổng diện tích rừng trồng có 44.057 ha rừng trồng cho mục đích sản xuất với các loại như: thông, mỡ, bạch đàn, keo, bồ đề… Tuyên Quang có khả năng phát triển kinh tế lâm nghiệp, đồng thời phát triển rừng trên diện tích đồi, núi chưa sử dụng khoảng 120.965 ha.
6.3. Tài nguyên khoáng sản
Tuyên Quang có nhiều loại khoáng sản khác nhau nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, khó khăn trong việc khai thác.
Đến nay đã phát hiện được 9 điểm có quặng thiếc ở huyện Sơn Dương, trữ lượng cả quặng và quặng sa khoáng khoảng 28.800 tấn; barit có 24 điểm thuộc nhiều huyện, trữ lượng trên 2 triệu tấn; mănggan trữ lượng khoảng 3,2 triệu tấn; đá vôi ước lượng hàng tỷ m3; ăngtimon trữ lượng khoảng 1,2 triệu tấn, là loại khoáng sản quý phục vụ cho công nghiệp hoá chất, chế tạo máy.

7. Văn hóa du lịch

Tuyên Quang là nơi hội tụ của 22 dân tộc anh em, là xứ sở của những truyền thuyết, lễ hội, những điệu dân ca, dân vũ như: lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Cầu Mùa, điệu Then, Cọi của đồng bào Tày, điệu Sình ca của đồng bào Cao Lan; lễ Cấp sắc, điệu Páo dung của đồng bào Dao; lễ Chắn cửa trong đám cưới của đồng bào Sán Dìu... đang được lưu giữ và phát triển. Người Tuyên Quang từ lâu nổi tiếng không chỉ ở vẻ đẹp bên ngoài mà còn ẩn chứa vẻ đẹp của tâm hồn nhân hậu, đằm thắm và mến khách.

Với hơn 500 điểm di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 398 điểm di tích lịch sử cách mạng, Tuyên Quang từ lâu đã trở thành một tỉnh miền núi có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch văn hóa – lịch sử. Đến Tuyên Quang, du khách không thể bỏ qua Khu du lịch văn hóa - lịch sử và sinh thái Tân trào với mái đình Hồng Thái; cây đa Tân Trào; lán Nà Lừa; đình Tân Trào…

 

Nguồn: Wikipedia và Cổng thông tin điện tử Chính phủ

 

Tin tức

Thông báo

Tài nguyên