Giảng viên trường Đại học tân trào tham dự Hội nghị thông báo văn hóa năm 2017
 

Hội nghị Thông báo Văn hóa 2017 là một diễn đàn khoa học hoạt động thường niên đối với những nhà nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy và quản lý văn hóa của các Viện nghiên cứu, Học viện, Trường đại học và, các cơ quan trên cả nước. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học công bố những kết quả nghiên cứu mới, chia sẻ những những thành tựu về khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa trong năm.

 

Ngày 30/11/2017, tại Hội trường 27 Trần Xuân Soạn (Hà Nội), Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Thông báo văn hóa năm 2017. Đến dự Hội nghị có PGS.TS. Trần Thị An - Trưởng ban Ban Quản lý khoa học Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng Viện Dân tộc học; TS. Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện nghiên cứu gia đình và giới; TS. Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; PGS.TS. Đỗ Thị Hảo - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hương - Phó hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội; GS.TS. Nguyễn Xuân Kính - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa; các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa tại trung ương và địa phương; các nghiên cứu sinh Khoa Văn hóa học (Học viện Khoa học Xã hội); tập thể cán bộ Viện Nghiên cứu văn hóa qua các thời kỳ; cùng sự góp mặt của một số giảng viên trường Đại học Tân Trào.

Với hơn 100 tham luận, Ban tổ chức đã lựa chọn được 80 bài có chất lượng đưa ra báo cáo tại Hội nghị và tập trung chủ yếu vào 6 nhóm chủ đề lớn, đó là:

1. Những vấn đề chung (18 tham luận): Đây là những tham luận mang tính tổng luận chung về lĩnh vực nghiên cứu văn hóa về văn hóa đương đại là: văn hóa gia đình, di dân, mạng xã hội, về du lịch văn hóa hay những vấn đề liên quan đến lối sống của giới trẻ ngày nay.

2. Nghệ thuật (5 tham luận): Các tham luận thuộc nhóm bài viết về nghệ thuật, như: nguồn gốc của ca trù; các loại hình múa hầu đồng, hoặc hát quan họ trong đời sống đương đại; làn sóng âm nhạc Hàn Quốc ảnh hưởng đến giới trẻ hiện nay; những vấn đề đặt ra về định hướng thẩm mĩ âm nhạc đối với những trào lưu âm nhạc đang xâm nhập vào xã hội qua giới trẻ; bảo tồn văn hóa trước nguy cơ bị "xâm lược" văn hóa;... Tại nhóm bài này, tác giả cũng đã có bài viết về "Xây dựng mô hình Câu lạc bộ Hát then – Tính tẩu trong đời sống cộng đồng người Tày Tuyên Quang". Bài viết đưa ra thực trạng về những biến đổi về văn hóa người Tày hiện nay qua thực hành nghi lễ hát then; những nguyên nhân khiến then nghi lễ đang dần bị mai một; sức sống then mới trong đời sống người Tày hiện nay qua mô hình sinh hoạt Câu lạc bộ Hát then – Tính tẩu trên khắp địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

3. Văn hóa tri thức của các tộc người (16 tham luận): Đây là những tham luận bàn về văn hóa tri thức các tộc người. Nhận diện bản sắc văn hóa, đặc trưng văn hóa các tộc người; di sản văn hóa tộc người; các vấn đề về bảo tồn di sản văn hóa cũng như việc quản lý, khai thác các di sản văn hóa.

4. Tín ngưỡng lễ hội (21 tham luận): Tìm hiểu các nghi lễ, tín ngưỡng dân gian; Quá trình giao lưu, tiếp biến tôn giáo, tín ngưỡng trong quá trịnh cộng cư đan xen của các tộc người; quá trình bản địa hóa tôn giáo tín ngưỡng tại Việt Nam; những vấn đề về bảo tồn và phát huy những giá trị tôn giáo, tín ngưỡng trong lễ hội truyền thống; phục dựng lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại.

5. Văn học (13 tham luận): Đây là những bài viết tập trung về tín ngưỡng, biểu tượng trong các thể loại văn học dân gian; so sánh mối quan hệ giữa các tộc người qua thể loại văn học dân gian các tộc người Việt Nam; về văn học dân gian của các quốc gia khác...

6. Văn hóa làng (7 tham luận):  Làng chính là linh hồn của người Việt cổ; là nơi tạo nên các tinh hoa văn hóa thông qua việc duy trì làng nghề hay vị thế trong làng; mối quan hệ giữa nông thôn – thành thị thông qua việc tái tạo và phục dựng các nghi lễ, không gian thiêng…

Các chủ đề trên được Ban tổ chức Hội nghị lựa chọn vận dụng thông qua các báo cáo “Luận bàn Giới tinh hoa làng xã ở người Việt” của PGS.TS Bùi Xuân Đính và TS. Nguyễn Thị Thanh Bình - Viện Dân tộc học; “Văn hóa dân gian ứng dụng trong cuộc sống đương đại” của TS. Trần Hữu Sơn - Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; tham luận “Thử nhìn nhận tục treo trâu đến chết trong lễ hội đền Đông Cuông – Tỉnh Yên Bái từ phương diện văn hóa truyền thống của dân tộc Tày”  của TS. Đặng Thị Oanh - Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai cho thấy xã hội vẫn còn tồn tại từ góc nhìn của người trong cuộc; “Vai trò của cộng đồng trong phục dựng lễ hội hiện nay” của Ths. Trần Văn Hiếu - Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; “Thực trạng ảnh hưởng làn sóng Hàn Quốc trong lĩnh vực âm nhạc đối với một bộ phận giới trẻ Hà Nội (qua khảo sát tại 6 Fan Club trên địa bàn Hà Nội) của ThS. Vũ Hồng Vân - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; “Thực trạng sinh hoạt văn hóa Quan họ ở hai làng Quan họ cổ của Bắc Giang” của TS. Lê Cẩm Ly - Viện Nghiên cứu Văn hóa với nội dung so sánh về bảo tồn văn hóa dân gian.

Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, GS.TS. Lê Hồng Lý - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian, TS. Hoàng Cầm - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, các đại biểu đã không chỉ sôi nổi thảo luận về 6 báo cáo đã trình bày mà còn mở rộng luận bàn về các vấn đề nóng và thú vị khác của ngành nghiên cứu văn hóa hiện nay như: tính chính trị/quyền lực của văn hóa, biến đổi văn hóa, mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn văn hóa dân tộc trước sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai, diễn giải văn hóa từ góc nhìn của các chủ thể văn hóa… Những ý kiến đa chiều của các đại biểu tại Hội nghị đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong thực tế nghiên cứu cũng như trong nhận thức luận của giới nghiên cứu văn hóa hiện nay.

Ban tổ chức đã tiếp nhận các ý kiến trao đổi, thảo luận được các nhà nghiên cứu. Xác định đó là những gợi mở, hướng nghiên cứu mới về văn hóa mang tính đa ngành, liên ngành, bao quát thực hành văn hóa đương đại trên cơ sở giữ vững hướng nghiên cứu truyền thống, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc.

Hội nghị Thông báo văn hóa năm 2017 đã thành công tốt đẹp và mở ra nhiều vấn đề nghiên cứu thú vị về nghiên cứu văn hóa trong thời gian tới./.

Tin bài: Nguyễn Thị Thanh Thảo