Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa và ngôn ngữ các dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á”.
 
Ngày 09/09/2016, Trường Đại học Tân Trào phối hợp với Trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat - Thái Lan và Trường Đại học Văn hoá Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Văn hóa và ngôn ngữ các dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á”.

Dự hội thảo có đồng chí Hoàng Thị Hạnh – Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Lê Thị Thanh Trà – Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Tuyên Quang; đại diện lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ; Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch ; Sở Ngoại vụ tỉnh Tuyên quang; đến dự Hội thảo còn có hơn 200 đại biểu là các nhà giáo, nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục đến từ hơn 60 trường đại học, cao đẳng, Tạp chí khoa học, các Viện Nghiên cứu Khoa học trong và ngoài nước.

Về phía các trường Đại học chủ trì hội thảo có PGS.TS Nguyễn Bá Đức – Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào; PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội; PGS.TS Kanjana Vongsawat - Phó hiệu trưởng trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat.

Hội thảo là kết quả của một quá trình chuẩn bị và hợp tác giữa Trường Đại học Tân Trào, Trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat và Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giảng viên giảng dạy các chuyên ngành văn hoá và ngôn ngữ, dân tộc học nhằm công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc các Trường đại học, các Viện và Trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước. Tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật, từ đó đề xuất các ý tưởng, đưa ra những kiến giải, những hướng đi, những giải pháp hữu hiệu, giúp các nhà quản trị đất nước vận dụng trong quá trình hội nhập.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 177 bài tham luận của nhiều tác giả trong nước và quốc tế. Đây là 177 công trình nghiên cứu có hàm lượng khoa học, điều đó thể  hiện sự nỗ lực, say mê và đầy trách nhiệm của các tác giả trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hoá, ngôn ngữ các dân tộc. Với số lượng bài viết khổng lồ như vậy, Ban nội dung Hội thảo đã lựa chọn 99 bài trên tổng số 177 bài để đăng trong Kỷ yếu đại diện cho những kết quả nghiên cứu mới cũng như những ý tưởng, đề xuất của các tác giả muốn đem đến Hội thảo. Có thể thấy, vấn đề mà Hội thảo đặt ra hôm nay là vấn đề thiết thực và có tính thời sự, nhận được nhiều sự quan tâm từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giảng viên giảng dạy các chuyên ngành văn hoá và ngôn ngữ trong nước và quốc tế. Đây  chính là một trong những điểm quan trọng làm nên sự thành công của Hội thảo

Phát biểu khai mạc PGS. TS. Nguyễn Bá Đức  - Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Tại Hội thảo này, cùng với việc trình bày các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế sẽ có cơ hội để giao lưu, trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm cũng như những giải pháp trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hoá, ngôn ngữ các dân tộc. Hy vọng rằng, từ các góc độ khác nhau chúng ta thảo luận để tìm ra các giải pháp, đề xuất các ý tưởng, những kiến giải, những hướng đi, những giải pháp hữu hiệu, giúp các nhà quản trị đất nước vận dụng trong quá trình hội nhập. Trong thời gian này tỉnh Tuyên Quang đang diễn ra nhiều sự kiện văn hóa nhân dịp rằm Trung thu như chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” và “Lễ hội Thành Tuyên” – Lễ hội mang đậm dấu ấn một tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam, Phó Giáo sư hy vọng, trong khoảng thời gian lưu lại trường Đại học Tân Trào các vị khách quý không những được trao đổi về học thuật mà còn được thưởng thức những sản phẩm văn hoá đặc sắc tại tỉnh Tuyên Quang.

Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã được nghe và thảo luận 8 tham luận về các vấn đề: Tổng quan về ngôn ngữ - Văn hoá tộc người Đông Nam Á của GS.TS. Mai Ngọc Chừ (Trường Đại học KHXH&NV); Chữ Nôm Tày trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Tày của Nhà nghiên cứu Tống Đại Hồng (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang); Bức tranh ngôn ngữ về thế giới - đặc trưng văn hoá - tư duy cộng đồng ngôn ngữ của GS. Đỗ Việt Hùng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội); Về hệ thống lễ hội chuyển mùa của các dân tộc Đông Nam Á của PGS.TS. Ngô Văn Doanh (Viện nghiên cứu Đông Nam Á); Nhìn lại quá trình tiếp nhận văn minh phương Tây ở Siam - Thái Lan dưới thời vua Mongkut (1851 - 1868): một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam của NCS. Nguyễn Tiến Dũng (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội); cùng một số tham luận bằng Tiếng Anh của ông Owen Hick (Tình nguyện viên người Australia), TS. Sobsan Petchchkham và TS. Nicholls S G Keys (Đại học Sakon Nakkhon Rajabhat).

GS Sử học Lê Văn Lan, PGS.TS. Nguyễn Bá Đức, GS.TS. Đỗ Việt Hùng, PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Cương, TS. Sobsan Petchkham, chủ trì phiên toàn thể

Sau phiên toàn thể Hội thảo chia làm 03 tiểu ban tiếp tục nghe các báo cáo và thảo luận về chủ đề: “Văn hóa và ngôn ngữ các dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á”.

Tiểu ban 1: Văn hóa các dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam  Á

Tiểu ban 2: Ngôn ngữ các Dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam  Á

Tiểu ban 3: Nôm Tày - những nghiên cứu mới

Ở mảng nội dung Văn hóa các dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam  Á do PGS.TS. Ngô Văn Doanh, PGS. Lê Nguyên Cẩn, TS. Đặng Hoài Thu chủ trì với 98 bài tham luận, bên cạnh những bài bàn những vấn đề chung về văn hóa các dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á, một số bài tập trung làm rõ những vấn đề riêng, sâu hơn, lý thú hơn về: bản sắc văn hóa, văn hóa tộc người, văn hóa dân tộc thiểu số, những tiếp giao, chuyển đổi, tiếp biến văn hóa Khu vực, sự giao thoa văn hóa qua hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc và quốc gia trong khu vực ... Một số bài viết như: ”Về hệ thống lễ hội chuyển mùa của các dân tộc Đông Nam Á” của PGS.TS. Ngô Văn Doanh; “Tư tưởng Lục hoà trong truyện cổ Lào” của PGS.TS. Lê Nguyên Cẩn; Nhìn lại quá trình tiếp nhận văn minh phương Tây ở Siam (Thái Lan) dưới thời vua Mongkut (1851-1868): một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam của tác giả Nguyễn Tiến Dũng; Nghiên cứu lịch sử, văn hoá và tộc người khu vực Đông Nam Á ở TrungQuốc: thành tựu và vấn đề đặt ra của tác giả Phan Ngọc Huyền là những bài có hàm lượng khoa học cao, lý giải sâu sắc và đề xuất những những vấn đề văn hóa đặt ra hôm nay.

Ở mảng nội dung thứ hai Ngôn ngữ các Dân tộc trong sự giao thoa giữa các quốc gia Đông Nam Á do GS.TS. Đỗ Việt Hùng, GS.TS. Nguyễn Văn Khang, GS.TS. Bùi Minh Toản chủ tri với 55 báo cáo tham luận, các tác giả đã tập trung làm rõ những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của các Viện, Trung Tâm nghiên cứu, các trường đại học mấy năm gần đây về: Ngôn ngữ, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và vấn đề bảo tồn tiếng nói, chữ viết; Văn hóa ngôn ngữ và vấn đề giao thoa ngôn ngữ văn hóa các tộc người, Ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ trong đời sống, trong tôn giáo tín ngưỡng. Ngoài một số rất ít các tham luận mang tính chất trao đổi kinh nghiệm, số còn lại đều hoặc là những kết quả nghiên cứu công phu, bài bản, hoặc là những định hướng nghiên cứu mới mang tính cấp thiết. Cách khai thác, hướng tiếp cận và những khái niệm mới mẻ được đề cập trong các tham luận, quả đã đem đến những giá trị khoa học thật sự.

Cuối cùng là mảng nội dung về Nôm Tày - Những nghiên cứu mới do PGS.TS. Trần Bình, PGS.TS. Vương Toàn, Nhà nghiên cứu Tống Đại Hồng chủ trì. Ban Tổ chức đã nhận được 24 báo cáo đến từ Hà Nội, Tuyên Quang, Cao bằng, Hà Giang. Đây thực sự là nội dung lý thú bởi đối tượng nghiên cứu gần như còn là một mảnh đất chưa từng được khám phá. Các tác giả tham gia Hội thảo hầu hết là người dân tộc thiểu số, các nghệ nhân, người cao tuổi, chưa từng được đào tạo qua một trường lớp nào để hiểu chính con chữ mà tổ tiên để lại. Bằng tình yêu, sự đam mê và khát khao lưu giữ, bảo tồn và phát huy tiếng nói của mình, các tác giả, Nội dung các báo cáo của nhóm Nôm Tày đề cập bao gồm: sự ra đời, lịch sử phát triển, đặc điểm từ, ngữ nghĩa,.... của chữ Nôm Tày; Các giá trị văn hóa, nghệ thuật, báo tồn bản sắc văn hóa tộc người của Nôm Tày; Vấn đề văn bản học, giá trị văn bản học của nôm Tày; Nguy cơ mai một và việc truyền dạy chứ Nôm Tày, Nôm dao…

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, Thái Lan, Australia, Philippines va Laos cùng các nghệ nhân nhân dân gian không phải là các nhà nghiên cứu khoa học nhưng cũng có các nghiên cứu tâm huyết về vấn đề này. Những thu hoạch tại Hội thảo đã làm rõ thêm về sự giao thoa giữa văn hoá và ngôn ngữ các dân tộc giữa các nước Đông Nam Á, đồng thời một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu, lưu giữ và bảo tồn cũng như phát huy bản sắc văn hoá, ngôn ngữ các dân tộc của các nước Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.