Nhớ lại ngày ấy!
 
Tôi nhớ lại mùa thu năm 1971, nhận quyết định về công tác tại Trường Sư phạm cấp I Tuyên Quang, mái trường ngày ấy bây giờ đã khác xa. Thấm thoắt đã 48 năm trôi qua, có biết bao sự đổi thay của nhà trường cùng với sự phát triển không ngừng của tỉnh, của đất nước.

Ngày tôi mới về Trường công tác, Trường có hệ đào tạo giáo viên cấp I và 7 + 3 đào tạo giáo viên cấp II; lớp học lúc đó chỉ bằng gỗ, tre lợp néo hoặc phên nứa. Trường tọa lạc tại Km 12 đường Tuyên Quang - Hà Giang (cả Sư phạm cấp I và cấp II). Lớp học, nhà làm việc,... hầu hết do thầy và trò dựng nên. Đời sống thời bao cấp vô cùng khó khăn, thầy và trò vừa dạy và học vừa tăng gia sản xuất, trồng sắn, trồng rau phụ thêm vào bữa ăn hàng ngày.

Tháng 9 năm 1972, tôi được điều động sang Trường Sư phạm cấp II Tuyên Quang, Trường lúc đó do đồng chí Đào Lương Nhân (sau này đồng chí là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang) làm Hiệu trưởng, tôi làm thư ký Công đoàn (nay là Chủ tịch Công đoàn) Nhà trường.

Cùng năm đó máy bay Mỹ bắn phá ác liệt Miền Bắc để hòng cứu vãn tình thế đang thua trận ở Chiến trường Miền Nam. Thầy và trò chuyển trường đi sơ tán vào trong rừng tại thôn Tiền Phong, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn (Km8 đường Tuyên Quang - Hà Giang đi vào). Lúc đó rừng còn nguyên sơ, nứa tre rậm rạp, thầy và trò bắt tay vào xây dựng trường, lớp. Do kinh phí hạn hẹp, thời chiến tranh tất cả dành cho tiền tuyến. Thầy và trò Nhà trường phải tự lực vươn lên bằng chính sức lực của mình, khắc phục muôn vàn khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho. Tôi và nhiều thầy cô giáo được phân công đi vào các thôn, bản vận động nhân dân tích cực ủng hộ, giúp đỡ Nhà trường xây dựng phòng học (phòng học lúc đó chỉ có cột gỗ Ngoãm, chôn xuống đất với đòn tay tre, phên vách bằng nứa, mái lợp néo, phên nứa). Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục phòng học được xây dựng để bắt tay vào dạy và học.

Tôi nhớ mãi để dựng lên được các lớp học thời đó, nhiều thầy cô giáo chưa một lần biết làm thợ mộc nhưng trong hoàn cảnh không có thợ, ít người làm. Các thầy, cô cũng cầm dao, cưa, đục cùng với học sinh và dân bản hăng say lao vào dựng nhà, thật vất vả nhưng cũng thật vui. Thật là:

Quên sao được những ngày tháng năm gian khổ

Thầy và trò chặt tre nứa trong rừng

Trưa nắng lửa, sáng mờ sương

Chắc tay dao xuyên rừng tìm gỗ

Đường gập ghềnh dù chân mỏi gối chùn

Bụng đói cồn nhưng miệng vẫn cười vui

Uống ngụm nước trong ống tre mát rượi

Quả sung rừng là đặc sản trời cho

Lớp học được dựng lên đúng là:

Cột ngoãm, phân đan nong mốt thấy trời

Mái lợp néo chẳng sợ nước mưa rơi

Ký túc xá nhà nứa tre sơ tán

Che chở ta khi gió lạnh Đông về

Cơm độn ngô, cá khô, rau đắng

Lúc vui buồn, gian khổ vẫn ung dung.

Trong điều kiện sơ tán lúc đó máy bay Mỹ luôn rình rập bắn phá những nơi chúng nghi ngờ. Thầy trò phải luôn cảnh giác.

Có lúc: Tiếng máy bay gầm rít lúc xa, lúc gần

Tưởng có lúc ngàn cân treo sợi tóc

Gian khổ rèn cho ta gan góc

Máy bay đến thầy trò thành chiến sỹ

Súng vươn nòng trực chiến giữa đêm khuya.

Khi những trận ném bom không kích thưa dần cũng là lúc chúng tôi tiếp tục dạy và học. Lớp học ở trong rừng tối tăm, đầy muỗi, vắt thật khó khăn và gian khổ, song việc dạy và học vẫn diễn ra rất bình thường. Không có khó khăn, cản trở nào ngăn cản việc dạy tốt, học tốt của thầy và trò Nhà trường. Khi Đế quốc Mỹ thua trận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm, với những phương tiện, máy bay cực kỳ hiện đại lúc bấy giờ như: "Pháo đài bay B52", "Con Ma", "Thần Sấm",... nhưng vẫn phải thất bại thảm hại trước sức mạnh của quân và dân ta.

Mỹ buộc phải rút quân khỏi Miền Nam về nước, Nhà trường lúc đó một lần nữa lại chuyển về địa điểm cũ ở Km 12 đường Tuyên Quang- Hà Giang. Lại một lần vất vả với biết bao công sức, mồ hôi, nhưng thầy và trò ai cũng phấn khởi, hồ hởi vì không còn phải dạy và học trong rừng sâu âm u và thiếu ánh nắng Mặt trời. Khó khăn bộn bề thầy và trò bắt tay vào củng cố cơ sở vật chất để tiếp tục dạy và học. Vẫn những lớp học gỗ, tre nứa đơn sơ được sửa sang lại, tuy còn khó khăn nhưng Tỉnh cũng đã bổ sung kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất cho Nhà trường như: nhà ăn, tủ đựng quần áo cho giáo viên, khẩu phần ăn cho Thầy và Trò, đồ dùng dạy học,... và cứ như vậy Trường phấn đấu vươn lên không ngừng cho đến ngày nay.

Nếu ai về thăm Trường sẽ không khỏi ngạc nhiên với sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của Nhà trường, đúng là:

60 năm Trường thay đổi diệu kỳ

Mới hôm nào còn chập chững biết đi

Nay đã thành chàng thanh niên mạnh mẽ

Nhà cao tầng hàng cây xanh mát mẻ

Thay thế Trường xưa những mái tranh nghèo.

Trải qua 60 năm phấn đấu, trưởng thành, nhiều lần chuyển trường. Ngày nay, Trường Đại học Tân Trào đã định vị ở Km 6 đường Tuyên Quang- Hà Giang thuộc xã Trung Môn, huyện Yên Sơn với cơ sở vật chất khang trang, đẹp đẽ. Nhưng có lẽ sẽ không ai có thể quên những quãng thời gian khó khăn, gian khổ nhất của Nhà trường trong giai đoạn 1971-1975. Trong những năm, tháng khó khăn, gian khổ đó, Nhà trường vẫn đứng vững và là tiền đề cho sự lớn mạnh và ngày càng trưởng thành, vươn cao như ngày nay và cho mãi mai sau.

Chúng tôi ghi lại ở đây những dòng cảm nhận, những cảm xúc của mình về một thời gian khổ nhưng cũng rất đáng trân trọng, tự hào để tặng lại cho thế hệ thầy và trò của Nhà trường ngày nay và cũng là những gì tốt đẹp nhất gửi tặng Trường Đại học Tân Trào nhân kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển. Những thế hệ đi trước như chúng tôi rất mong Nhà trường sẽ ngày càng phát triển để trở thành một trung tâm phát triển bền vững, làm biến đổi cuộc sống và phục vụ cộng đồng đáp ứng được nhu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

 

                                                           Tuyên Quang, ngày 06/10/2019

                                      

Nguyễn Chí Hiệp, Nguyên Thư ký Công đoàn (Chủ tịch Công đoàn) Trường SP cấp II Tuyên Quang