Đại học Tân Trào tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế
 
Được sự đồng ý của UBND tỉnh Tuyên Quang, Bộ Giáo Dục & Đào tạo, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà giáo, nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục trong và ngoài nước, ngày 22/5/2015 Trường Đại học Tân Trào tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề “Đánh giá học sinh tiểu học theo hướng tiếp cận năng lực - Giải pháp phù hợp của các cơ sở đào tạo giáo viên tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á” và ra mắt Tạp chí Khoa học Trường Đại học Tân Trào.

Đến dự Hội thảo và ra mắt Tạp chí Khoa học có hơn 200 đại biểu là các nhà giáo, nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục của ba miển Bắc Trung Nam; đại diện các trường đại học, cao đẳng, các Viện Nghiên cứu Khoa học trong và ngoài nước. Về phía Bộ Giáo dục & Đào tạo có đại diện lãnh đạo Tạp chí Giáo dục. Về phía tỉnh Tuyên Quang có lãnh đạo Ban Văn hoá Xã hội Hội đồng Nhân dân tỉnh, Sở Ngoại vụ, Sở Thông tin & Truyền Thông; lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo cùng đại diện các phòng chức năng của Sở; lãnh đạo các phòng Giáo dục & Đào tào của 7 huyện, thành phố trong tỉnh; đại diện các Trường Tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.Về phía Trường Đại học Tân Trào có TS. Nguyễn Bá Đức - Hiệu trường nhà trường, Trưởng Ban Tổ chức; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng uỷ; Ban Giám hiệu; lãnh đạo các khoa, phòng, ban, trung tâm cùng  cán bộ, giảng viên trong Nhà trường.

Hội thảo là kết quả của một quá trình chuẩn bị và hợp tác giữa Trường Đại học Tân Trào với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu giáo dục của Việt Nam, một số cá nhân nhà khoa học quan tâm và một số trường đại học của các nước trong khối ASEAN. Hội thảo xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Nhà trường, từ đòi hỏi thực tế của đời sống xã hội. Mục tiêu của Hội thảo là: tiếp cận với cơ sở lý luận và thực tiễn việc giáo dục Tiểu học trong nước và các nước trong khu vực ASEAN nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục Tiểu học nói chung, trong vấn đề kiểm tra, đánh giá học sinh Tiểu học nói riêng đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 71 bài viết đến từ 82 tác giả trong nước và quốc tế. Trong đó có 58 bài viết từ các các giả trong nước, 13 bài viết từ các tác giả nước ngoài. Các tác giả có bài viết tham luận là các nhà giáo, các nhà khoa học, nhà quản lí từ các cơ sở giáo dục đến các trường Cao đẳng, Đại học, các viện nghiên cứu và các đơn vị chức năng thuộc Bộ giáo dục và đào tạo. Điều này cho thấy, vấn đề mà Hội thảo đặt ra hôm nay là vấn đề thiết thực và có tính thời sự, nhận được nhiều sự quan tâm từ những nhà làm công tác giáo dục tiểu học, đây là điểm quan trọng làm nên sự thành công của Hội thảo. Các bài viết được đăng toàn văn trong Kỷ yếu của Hội thảo, được xuất bản dưới dạng sách chuyên khảo và có mã số quốc tế.

Hội thảo tập trung vào các nội dung chính: Vấn đề tiếp cận năng lực trong kiểm tra, đánh giá; Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học và đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạoThực tiễn giáo dục trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Bá Đức  - Trưởng Ban Tổ chức cho biết: “Tại Hội thảo này, cùng với việc trình bày các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế sẽ có cơ hội để giao lưu, trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm cũng như những giải pháp trong việc đánh giá học sinh Tiểu học và việc áp dụng các phương pháp, kinh nghiệm đó tại địa phương. Hy vọng rằng, từ các góc độ khác nhau chúng ta thảo luận để tìm ra các giải pháp trong công tác đào tạo giáo viên phù hợp với hoạt động đánh giá do các nhà quản lý giáo dục đề xuất”.

TS. Nguyễn Bá Đức  - Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã được nghe và thảo luận 4 báo cáo về vấn đề đánh giá năng lực của học sinh Tiểu học do các PGS.TS đến Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Bắc Philipin và Vụ GDTH - Bộ Giáo dục & Đào tạo trình bày.

Chủ trì phiên toàn thể là TS. Nguyễn Bá Đức - Trường Đại học Tân Trào, PGS.TS. Vũ Quốc Chung - Trường ĐH SP

Hà Nội, PGS.TS. Ngô Minh Oanh - Trường ĐH SP Tp. Hồ Chí Minh

TS. Albert R.Tejero - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bắc Philippines trình bày báo cáo tai phiên toàn thể

Sau phiên khai mạc, Hội thảo chia làm hai Tiểu ban tiếp tục nghe các báo cáo và thảo luận về hai chủ đề: “Vấn đề tiếp cận năng lực trong kiểm tra, đánh giá” và “Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Tiểu học và đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 30”.Tại hội thảo, Trường Đại học Tân Trào đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lí giáo dục. Hội thảo kết thúc bằng phiên tổng kết, đánh giá các vấn đề đặt ra ở hai Tiểu ban. Trên cơ sở các báo cáo khoa học được trình bày, các ý kiến tranh luận, Hội thảo thống nhất một số những vấn đề cơ bản sau:

1. Vấn đề kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực là xu thế tất yếu của đánh giá trong giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới giáo dục hiện nay. Muốn phát huy hiệu quả của phương pháp cần tập trung vào kĩ năng và quá trình học tập của học sinh đồng thời đảm bảo các kĩ thuật cần thiết trong đánh giá.

2. Chú trọng tới vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiểu học, phù hợp với định hướng phát triển, kịp thời đáp ứng những yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Hội thảo đã chia sẻ một số tác dụng tích cực cũng như khó khăn, hạn chế khi thực hiện Thông tư 30 tại cơ sở giáo dục. Mặc dù học sinh được giảm áp lực về điểm số nhưng khó xác định được sự tiến bộ hay khả năng thực sự của cá nhân học sinh. Giáo viên Tiểu học phải làm việc với cường độ cao hơn trong khi các nhiệm vụ khác vẫn phải thực hiện. Những lời nhận xét cho nhiều học sinh giống nhau sẽ dẫn đến hình thức. Dễ tạo ra tiêu cực nếu sử dụng để xét tuyển học sinh lên học bậc cao hơn vì nhận xét của giáo viên không có định lượng và sự kiểm chứng. Việc học sinh đánh giá bạn chỉ là cảm tính, nhiều phụ huynh chưa thật sự biết được sự tiến bộ của con em mình qua nhận xét. Việc thực hiện TT 30 chưa dành đủ thời gian chuẩn bị cho giáo viên, học sinh và cả người dân về tâm lý đón nhận sự thay đổi.

4. Trên cơ sở của các tác dụng và hạn chế trong cách đánh giá học sinh tiểu học và các giải pháp đã thảo luận, Hội thảo đưa ra một số kiến nghị đề xuất để thực hiện việc đánh giá học sinh tiểu học như sau:

- Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên: Phát triển chương trình đào tạo bao gồm từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương thức đào tạo và kiểm tra - đánh giá đáp ứng yêu cầu theo định hướng phát triển năng lực.

- Đối với cơ quan quản lí giáo dục và các trường Tiểu học: Nghiên cứu lại việc quản lý hành chính giáo viên theo cách truyền thống theo hướng giảm áp lực cho giáo viên tiểu học, dành thời gian cho việc đánh giá học sinh. Tiếp tục đầu tư và có kế hoạch tăng quy mô trường học, giảm quy mô học sinh trong một lớp học để tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện việc phát triển năng lực toàn diện cho học sinh Tiểu học.

Tiểu ban 1 thảo luận tại phòng Hội thảo Quốc tế Đại học Tân Trào do

PGS.TS.  Vũ Quốc Chung và Th.S Nguyễn Khải Hoàn chủ trì

Tại Hội thảo, Trường Đại học Tân Trào đã công bố Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về cấp giấy phép hoạt động và cho phép thành lập Tạp chí Khoa học Đại học Tân Trào, đồng thời trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Tân Trào cho TS. Trần Thị Lệ Thanh và Phó Tổng Biên tập cho Th.S Trương Thị Hoài Linh. Việc thành lập Tạp chí Khoa học sẽ giúp cho cán bộ, giáo viên Trường Đại học Tân Trào tiếp nhận các nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học, các cán bộ giảng viên trong và ngoài nước, góp phần nâng chất lượng giáo dục trong Nhà trường.

Ông Vũ Tuấn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang trao Giấy phép hoạt động báo chí in cho TS. Nguyễn Bá Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào

TS. Trần Thị Lệ Thanh và Th.S Trương Thị Hoài Linh nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng biên tập và Phó tổng biên tập Tạp chí Khoa học Đại học Tân Trào

Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp, đúng như Th.S Nguyễn Khải Hoàn đã nhận định trong bản Báo cáo đề dẫn: “Những thu hoạch tại Hội thảo lần này sẽ giúp ích cho trường Đại học Tân Trào phát huy được thế mạnh của mình, có nhiều đổi mới trong nghiên cứu, giảng dạy, vận dụng và triển khai tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của Nhà trường để công tác đào tạo giáo viên tiểu học ngày càng đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của xã hội, xây dựng Nhà trường trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo giáo viên tiểu học chất lượng cao.”

Dưới đây là một số hình ảnh lưu niệm:

Th.S Nguyễn Khải Hoàn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào phát biểu Báo cáo đề dẫn

Đoàn đại biểu Trường Đại học Bắc Philippines và Nam Philippines

Công tác Lễ tân đón khách tại Hội thảo

Đoàn Đại học Bắc Philippines

Đoàn đại biểu Nước CHDCND Lào

Đại diện Đại học Đồng Tháp tặng quà chúc mừng Hiệu trưởng Đại học Tân Trào

Các đại biểu tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến

Đoàn Đại học Bắc Philippines và Nam Philippines chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Nhà trường

Đoàn đại biểu Nước CHDCND Lào chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Nhà trường

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày sách của Trung tâm Thông tin Thư viện

Một số tiết mục văn nghệ chào mừng

 

Ảnh: Quốc Hoàn - Bài: Trần Thu Hiền Phòng QLKH&HTQT