Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với trường Đại học Tân Trào tổ chức thành công hội thảo Khoa học
 
Sáng ngày 15/01/2015, trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với trường Đại học Tân Trào tổ chức thành công Hội thảo khoa học "Đổi mới nghiên cứu và dạy học Ngữ văn tại nhà trường Sư phạm".

Hội thảo hướng tới mục tiêu nhận diện những xu hướng mới trong nghiên cứu và giảng dạy ngữ văn trên thế giới, thực trạng dạy học ở các trường Sư phạm Việt Nam, từ đó đặt ra những giải pháp đổi mới nghiên cứu và dạy học Ngữ văn phù hợp với yêu cầu mới của xã hội.

Tham dự Hội thảo, có PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống, TS Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Trần Thị Lệ Thanh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào; PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học, PGS.TS Vũ Thanh - Phó Viện trưởng, Viện Văn học; TS. Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm; TS. Nguyễn Thị Hiên - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng; PGS. TS. Nguyễn Thành Thi - Trưởng khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; TS. Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; PGS.TS Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Lí luận phê bình và sáng tác, Đại học Văn hoá Hà Nội... và hơn 100 nhà khoa học đến từ 29 cơ quan nghiên cứu và đào tạo trong cả nước: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Hải Phòng, Đại học Vinh, Đại học Tây Bắc, Đại học Tân Trào, Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, Cao đẳng Sư phạm Điện Biên...

Đề án "Đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015" hiện vẫn đang được triển khai với nhiều khó khăn, môn Ngữ văn hiện hữu trong chương trình tổng thể như một trong những môn học có tầm quan trọng số một ở nhà trường phổ thông. Làm thế nào để môn Ngữ văn thực sự xứng tầm với vị trí của nó là một thách thức lớn và điều đó phụ thuộc rất nhiều vào việc giáo viên Ngữ văn được đào tạo thế nào từ các trường sư pham. Hưởng ứng thông báo của Hội thảo, có 104 tham luận khoa học. Các tác giả có bài viết tham luận là các nhà giáo, các nhà khoa học, nhà quản lí từ các cơ sở giáo dục đến các trường Cao đẳng, Đại học, các viện nghiên cứu và các đơn vị chức năng thuộc Bộ giáo dục và đào tạo. Điều này cho thấy, vấn đề mà Hội thảo đặt ra là vấn đề thiết thực và có tính thời sự, nhận được nhiều sự quan tâm từ những nhà làm công tác giáo dục, đây là điểm quan trọng làm nên sự thành công của Hội thảo.

Hội thảo là kết quả của một quá trình chuẩn bị và hợp tác giữa trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Tân Trào. Hội thảo tập trung vào các nội dung chính:

1. Những vấn đề chung trong công cuộc đổi mới nghiên cứu và dạy học Ngữ văn (gồm 17 tham luận) tập trung giải quyết hai vấn đề chính: Triết lý giáo dục, mục tiêu đào tạo, chủ chương đổi mới và thực trạng nghiên cứu, dạy học Ngữ văn ở nước ta hiện nay, giải pháp các khuynh hướng, phương thức đổi mới chương trình, tổ chức nghiên cứu dạy học Ngữ văn.

2. Đổi mới nghiên cứu ngữ văn từ lý thuyết đến thể nghiệm (gồm 16 tham luận) một mặt giới thiệu một số khuynh hướng nghiên cứu, mặt khác công bố những nghiên cứu cụ thể.

3. Những giải pháp đổi mới cụ thể trong đào tạo, dạy học Ngữ văn ở các trường sư phạm (gồm 36 tham luận) hướng vào những chủ đề sau: về lý luận và phương pháp dạy học Ngữ văn, ứng dụng thành tựu khoa học cơ bản vào dạy học, vấn đề tự học của sinh viên và hoạt động đọc và các giải pháp phương pháp dạy học cụ thể ở các phân môn khác nhau trong nhà trường Sư phạm.

4. Những phương pháp, kiến giải cụ thế hướng tới đổi mới dạy học Ngữ văn ở các trường phổ thông (gồm 35 tham luận) tập trung vào các vấn đề: đổi mới tư duy dạy học và đọc văn, làm văn trong chương trình văn phổ thông và đổi mới dạy học, đánh gia một số bộ phận, bài học khác nhau trong chương trình Ngữ văn phổ thông.

Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã lần lượt được nghe và thảo luận 2 báo cáo về vấn đề đổi mới nghiên cứu và dạy học Ngữ văn ở nhà trường Sư phạm của GS.TS Bùi Mạnh Hùng, GS.TS Lã Nhâm Thìn.

Chủ trì phiên toàn thể: PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Trần Thị Lệ Thanh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào; PGS.TS Đỗ Hải Phong - Trường khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Thành Thi - Trường khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh

GS.TS Bùi Mạnh Hùng (Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Xu hướng chung của các nền giáo dục tiên tiến là chú trọng giúp người học phát triển năng lực giao tiếp ngôn ngữ ở tất cả các hình thức: Đọc, viết, nói, nghe và năng lực giao tiếp đa phương thức. Năng lực này được chương trình giáo dục phổ thông của nhiều quốc gia xác định là năng lực cốt lõi nhất, thiết yếu nhất đối với tất cả mọi người. Theo mô hình giáo dục truyền thụ kiến thức, các phương pháp dạy học Ngữ văn lâu nay chủ yếu là phương pháp bình giảng, tập trung vào việc cung cấp cho người học kiến thức về tiếng Việt và văn học. Trái ngược với phương pháp truyền thụ, việc dạy học ở Mỹ lại trao cho học sinh nhiều quyền tự do, nhất là trong hoạt động đọc hiểu văn bản. Tuy nhiên, “nếu so sánh cách dạy học Ngữ văn của Việt Nam và Mỹ thì có thể thấy 2 thái cực. Có lẽ một điểm trung gian nào đó giữa 2 thái cực, gần với cách tiếp cận của các nhà sư phạm Australia là một lựa chọn phù hợp với môi trường giáo dục và văn hóa Việt Nam”.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng tham gia báo cáo

Đề cập đến đổi mới chương trình và nội dung dạy học Ngữ văn, GS.TS Lã Nhâm Thìn, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất, đổi mới chương trình không nên nặng về kiến thức cụ thể mà chú trọng những vấn đề văn học; không nặng về phương pháp hình thành, phát triển kỹ năng mà chú trọng phương pháp hình thành, phát triển năng lực. Năng lực hình thành trên cơ sở tiếp thu kiến thức và phương pháp, có thể sáng tạo những tri thức và phương pháp mới, thích ứng và hiệu quả với môi trường thay đổi, năng động. GS.TS Lã Nhâm Thìn đặt vấn đề, chương trình phải mang tính liên thông theo 2 hướng: Liên thông ngang và liên thông dọc. Liên thông ngang là liên thông với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu thuộc lĩnh vực ngành và chuyên ngành khoa học. Liên thông ngang còn là liên thông với các trường đại học trong khối ngành sư phạm. Liên thông dọc là liên thông với trường phổ thông các cấp. Nếu chỉ chú ý liên thông ngang sẽ xa rời mục tiêu đào tạo và đặc thù của đại học sư phạm, còn nếu chỉ chú ý mối liên thông dọc sẽ hạn chế khả năng hội nhập của đại học sư phạm.

Sau phiên toàn thể, Hội thảo chia làm hai Tiểu ban tiếp tục nghe các báo cáo và thảo luận về hai chủ để: Đổi mới nghiên cứu Ngữ văn - lý thuyết và thể nghiệm và Đổi mới dạy học Ngữ văn. 

Mảng nội dung Đổi mới nghiên cứu ngữ văn từ lí thuyết đến thể nghiệm gồm 16 tham luận, một mặt, giới thiệu một số khuynh hướng nghiên cứu từ lý thuyết đến ứng dụng, mặt khác, công bố những nghiên cứu phát hiện cụ thể. Nổi trội lên trong các khuynh hướng lý thuyết được giới thiệu tại Hội thảo là tiếp cận văn hóa và cận văn hóa: PGS.TS Trần Mạnh Tiến nhấn mạnh “tiếp cận văn học từ phê bình văn hóa”; PGS.TS Lê Lưu Oanh - Trần Thị Ánh Nguyệt đề cập đến “phê bình sinh thái”; TS Hoàng Phong Tuấn chỉ ra bước “chuyển hướng văn hóa của nghiên cứu tiếp nhận”; PGS.TS Lê Nguyên Cẩn phân tích “tính chất đa hệ thống và đa văn hóa trong tác phẩm văn chương...

Ở mảng Đổi mới dạy học Ngữ văn các đại biểu cũng bàn luận làm rõ thêm triết lý, đặc trưng dạy học Ngữ văn trong bối cảnh hệ hình tư duy của nhân loại và thực tiễn đời sống đang đặt ra những vấn đề mới; giới thiệu khuynh hướng lý thuyết Văn học, văn hoá, ngôn ngữ và khả năng vận dụng với thực tiễn tại Việt Nam; đổi mới mục tiêu và chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn hướng tới phát triển các năng lực nghề nghiệp cho sinh viên, gia tăng tính đối thoại, tính can dự, tính nhân văn, tính giáo dục của chương trình. Hội thảo kết thúc bằng phiên tổng kết đánh giá các vấn đề đặt ra ở hai Tiểu ban.

Phát biểu tại Hội thảo PGS.TS Nguyễn Văn Trào nhấn mạnh: vấn đề đổi mới nghiên cứu và dạy học Ngữ văn trong nhà trường Sư phạm không thể khép lại bằng một Hội thảo khoa học. Hy vọng, Hội thảo nêu được vấn đề có sức gợi mở để sẽ có những Hội thảo tiếp theo, chuyên sâu hơn, với mỗi Hội thảo thế này chúng tá sẽ tiến gần hơn tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Ảnh lưu niệm của các nhà khoa học tham gia Hội thảo