Suy ngẫm về phương thức ứng xử của Nguyễn Trãi qua "Quốc âm thi tập"
 
Như một hiện tượng nhất thành bất biến, lối ứng xử từ lâu đã được coi như khuôn thước giáo dục con người. Nắm bắt được gốc rễ sâu xa mang tính bản sắc xã hội của nền văn hóa Việt, Nguyễn Trãi đã thể hiện chân thực, sâu sắc phương thức ứng xử với xã hội con người, nơi có thừa những “hiểm hóc”, thị phi và những chuyện được mất; đó cũng là nơi ông muốn lánh xa nhưng cũng là nơi cả đời ông mong được “lặn lội” để thỏa chí nguyện cứu nước giúp đời. “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi đến nay vẫn còn là bài học vẹn nguyên về lẽ ứng xử.

Phương thức ứng xử là cách thể hiện thái độ, hành động trước những việc có quan hệ giữa mình với người khác, với môi trường, hoàn cảnh sống…từ đó khẳng định tầm trí tuệ, bản lĩnh sống cũng như vốn hiểu biết và văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân. Nguyễn Trãi, con người tiên tri thời loạn, tưởng đã nắm chắc trong tay lẽ ứng biến vậy mà những năm tháng cuối đời ông lại bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: ra làm quan thì chốn cửa quyền “hiểm hóc”, về ở ẩn lại “đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung”. Đặt mình trước bài toán ứng xử, Nguyễn Trãi đã thể hiện những trăn trở day dứt trước hiện thực xã hội, nỗi niềm ưu thời mẫn thế, tất cả đã được chiêm giải trong “Quốc âm thi tập”.

1. Phương thức ứng xử của Nguyễn Trãi với bản thân

1.1. Lẽ “Xuất - xử”, niềm trăn trở khôn nguôi

Trong cuộc sống, đôi khi con người phải đứng trước sự lựa chọn sống còn. Suốt cuộc đời Nguyễn Trãi đã đấu tranh giữa việc làm quan hay lui về ở ẩn. Làm quan là sở nguyện, ở ẩn chỉ là thất thời. Thân một nơi mà tâm một nẻo. Quốc âm thi tập là khúc tâm ca của Nguyễn Trãi mà mỗi bài thơ như một lát cắt tâm trạng đầy day dứt: “Lấy đâu xuất xử trọn hai bề/Được thú làm quan mất thú quê” (Bài109)1. Lúc làm quan thì mong về kết bạn với viên hạc: “Non quê ngày nọ chiêm bao thấy/Viên hạc chăng hờn lại những thương” (Bài 71), khi về kết bạn với mây ngàn, chim núi, trong tâm can của Nguyễn Trãi lại canh cánh mối lo dân nước: “Thức nằm nghĩ ngợi còn mường tượng/Lá chưa ai quét cửa thông” (Bài 51). Làm quan trong triều mà hữu danh vô khả dụng “Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải” nên Nguyễn Trãi đành “Tham nhàn lánh đến giang san”. Tuy thân “xuất” thế mà tâm luôn “nhập” thế, nên dù đã quyết treo ấn từ quan, nhưng khi vua Lê Thái Tông vời ra làm quan, Ức Trai tiên sinh lại một lần nữa hăm hở, phơi phới nguyện một lòng giúp “Rày mừng thiên hạ hai của/Tể tướng hiền tài chúa thánh minh”. Nguyễn Trãi là một nhà Nho, khát khao hành đạo giúp đời trong ông luôn cháy bỏng, nhưng thế cuộc đôi khi làm khó khiến ông phải buông bỏ chí nguyện. Trong lẽ ứng biến “xuất – xử”, ta nhận thấy quyết tâm đeo đuổi suốt một đời sở nguyện “trí quân trạch dân” của vị quan họ Nguyễn.

1.2. Phương thức ứng xử của Nguyễn Trãi với danh lợi

Công danh vốn là tiêu đích của các trang nam nhi thời phong kiến. Vốn dòng dõi thế phiệt, ra vào chốn quan trường từ nhỏ nhưng Nguyễn Trãi nhận thấy:“Hiểm hóc cửa quyền chăng đụt lẩn”, với những âm mưu, thủ đoạn khó lường:“Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc/Cho hay đường lợi cực quanh co”(Bài 6). Một con người đã“Say hết tấc lòng hồng hộc”, cả cuộc đời “xốc xốc nẻo tam cương” như Nguyễn Trãi rồi cũng có lúc chua chát thốt lên“Cửa quyền hiểm hóc ngại thồn chân”. Bỏ hết mối lo cho sự hiểm nguy của mình để cống hiến cho dân cho nước mà liều thân bền chí:“Chí cũ ta liều nhiều sự hóc” (Bài 49). Tấm lòng ấy của Nguyễn Trãi có ai thấu, để rồi chính ông cũng phải than thở: “Nước chẳng còn có Sử Ngư” (Bài 36). Nguyễn Trãi mang nỗi “ta oán” của những kẻ đem lòng “trúc thông” phải ở lẫn chốn “xô bồ”. Càng bước sâu trên đường danh, càng thấy những ngặt nghèo:“Dưới công danh đeo khổ nhục/Trong dại dột có phong ba” (Bài 3). Công danh mang đến những bất an như đẩy thuyền trên ghềnh thác phải chấp nhận giong buồm vượt bão bể khơi:“Dưới công danh nhiều thác cả” (Bài 129); “Sóng khơi ngại vượt bể triều quan” (Bài 160). Đi hết quãng đời đầy vinh quang nhưng cũng không ít phen khổ nhục, Nguyễn Trãi thấy công danh như cái lụy phải mang:“Khỏi quyền đã kẻo lụy chưng danh” (Bài 156). Một đời phụng sự lòng “trung” mà cuối cùng lại “thác bởi danh”. Bay hết biển danh bằng sải cánh của chim bằng để rồi lại chết bởi chính cái danh ấy và cả dòng họ của ông cũng gánh mối họa lây với án oan Lệ Chi Viên trải khắp ba đời.

Những linh cảm của Nguyễn Trãi về một chốn quan trường đầy “hiểm hóc” quả không sai, tất cả tựa một giấc chiêm bao:“Phú quý bao nhiêu người thế gian/Mơ mơ bằng thủa giấc Hòa An” (Bài 63). Phú quý, công danh với ông cũng chỉ như sương đầu ngọn cỏ, long lanh trong nắng sớm, nhưng nắng lên rồi tất cả sẽ tan: “Phú quý treo sương ngọn cỏ/Công danh gửi kiến cành hòe”(Bài 73). Cả đời theo đuổi giấc phù hoa rồi cũng vùi sâu dưới nấm mồ:“Mấy kẻ công danh nhàn lẵng đẵng/Mồ hoang cỏ lục thấy ai đâu” (Bài 121). Với Nguyễn Trãi, lợi danh chưa bao giờ đủ sức cám dỗ nhưng đó lại là phương tiện để ông đạt được chí nguyện cuộc đời. Vì thế, trước danh lợi Nguyễn Trãi luôn giữ cho mình thái độ minh triết để thoát được bả vinh hoa mà vẫn có điều kiện để giúp vua trị nước an dân.

1.3. Phương thức ứng xử của Nguyễn Trãi với thời thế - chuyện thị phi, được mất

Bậc “công thần khai quốc” như Nguyễn Trãi từng “nếm mật nằm gai” giữa tháng ngày khổ ải “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” tưởng không gì có thể phai nhạt tình quân thân, huynh đệ tựa cốt nhục, nhưng những toan tính, sự phản trắc, thậm chí là tính mạng được định bán bằng gian trá, tiền quan. Với ông “miệng thế” hiểm ác, “lòng người” quanh co: “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn/Lòng người quanh nữa nước non quanh” (Bài 136). Thị phi là thứ có thừa trong thế cảnh quan trường ngặt những đua tranh. Nguyễn Trãi đã có cách ứng xử của riêng mình, coi như mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe thì mọi sự là không:“Sự thế dữ lành ai hỏi đến/Bảo rằng ông đã điếc hai tai” (Bài 6). Thật khó để tìm ra cách ứng xử khi phải đối mặt với những thị phi trong cuộc sống và im lặng luôn là giải pháp tối ưu: “Hễ tiếng dữ lành tai quản đắp/Cầu ai khen lẫn lệ ai chê” (Bài 49). Đã sống trong đời, khen chê là chuyện thường tình nên cứ“Đắp tai biếng mặc sự vân vân” (Bài 165). Và đôi khi im lặng mà lấy phẩm tiết của mình để đương đầu với thị phi: “Thế sự dầu ai hay buộc bện/Sen nào có bén trong lầm” (Bài 70). Nguyễn Trãi thấy mình cao quý như “sen”, sáng trong như “ngọc”, chịu “lửa” như “vàng”: “Ngọc lành nào có tơ vện/Vàng thật âu chi lửa thiêu” (Bài 116). Muốn đạt đến an nhiên trước sự thế bạc đen cần phải vững từ trong tâm. Nguyễn Trãi đã cho chúng ta một bài học trân quý trước những thị phi của cuộc đời và cả những được mất: “Mất chẳng hề âu được chẳng mừng”(Bài 161). Coi trọng sự được mất bởi con người không thoát khỏi ý thức về sự chiếm hữu: “Được mất duy nơi sự tiếc mừng/Đạo ta thông biết hết lâng lâng” (Bài 181). Chỉ cần ta thông hiểu rằng, vạn sự vô thường ắt sẽ chẳng còn buồn vui chuyện được mất. Tất cả do thiên mệnh “Được thua phú quý dầu thiên mệnh” (Bài 27); “Vắn dài được mất dầu thiên mệnh” (Bài 175). Thấp thoáng đâu đó trong suy nghĩ của Nguyễn Trãi quan niệm “vô thường” của nhà Phật: trọn đời cứ mải đua tranh nhưng khi “Mình thác thì nên mọi của tan” (Bài 134). Biết vậy nên hãy lo giữ nếp thanh sạch:“Phú quý lòng hơn phú quý danh” (Bài 83). Có thể tư tưởng của Nguyễn Trãi không cầu thị, nhưng trong hoàn cảnh tưởng như đã “trói” chân tay thì ông có thể làm gì khác. Ngẫm cho cùng, trước những thị phi và được mất, Nguyễn Trãi vẫn vững tâm: khi được sủng ái có ngôi cao chức cả Nguyễn Trãi một lòng trung quân ái quốc, khi thất thế lui mình về ở ẩn cũng vẫn canh cánh một niềm quân thân “chẳng khứng nguôi, đó là lẽ sống thiết tường đã đạt đến đức nhân.

1.4. Nguyễn Trãi và sự lựa chọn lối sống “trung dung”

"Trung dung" là một học thuyết của Nho giáo đề cao cách giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở theo “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” cho thành người quân tử. Nguyễn Trãi nhắc đến “trung dung” bằng cả lòng tin như cái gốc của đạo “Làm người thì giữ đạo trung dung/Khăn khắn dặn dò thửa lòng” (Bài 127). Tuy nhiên, Nguyễn Trãi vận dụng thuyết trung dung của Nho giáo trong lối sống của chính mình. Đó là cách sinh hoạt vừa phải, đúng mức, nhưng cũng chẳng hà tiện, ky cóp, sẻn so “Có thì ăn mặc, chớ lo toan” (Bài 134), nhưng cũng không được xa hoa phung phí, “Áo mặc miễn là cho ấm cật/Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon” (Bài 192). Từ thuyết trung dung của đạo Nho, Nguyễn Trãi cũng đã tìm ra triết lý ứng xử với con người “Ngâm kíp thắm thì phai lại kíp/Yêu nhau chẳng đã đạo thường thường” (Bài 147) và phương châm cho chính mình trên hành trình nhân sinh đầy hiểm hóc, tránh xa cám dỗ, cạm bẫy đầy chông mác của cuộc đời “Bền đạo trung dung chẳng thủa tàng/Màng chi phú quý nhọc khoe khoang” (Bài 129)…

Trong mọi hoàn cảnh, mọi mối quan hệ, Nguyễn Trãi đều vuông mình trong đạo trung dung, mặc sự sang hèn, yêu ghét, khen chê. Phép trung dung đã giúp Nguyễn Trãi sống đúng đạo, thấy lợi không tham, thấy khó chẳng nản, không có niềm tây riêng, không phân biệt thân sơ, cao thấp… đứng giữa đời mà đạt thế “tâm không”.

2. Phương thức ứng xử của Nguyễn Trãi với gia đình và xã hội

2.1. Phương thức ứng xử của Nguyễn Trãi với con cái

Đạo Nho đề cao việc giáo dục tinh thần nhân ái, tình yêu thương sâu nặng và bổn phận, trách nhiệm của mỗi con người đối với những người thân trong gia đình. Với trách nhiệm của một người cha, Nguyễn Trãi không quên việc dưỡng dục con cái.

Cả đời Nguyễn Trãi làm quan, tưởng những giàu sang phú quý, tích bạc vàng để cho cháu con nhưng không: “Có của hằng cho lại có thông/Tích nhiều con cháu nõ trông” (Bài  130). Tự lập là điều Nguyễn Trãi muốn dạy lại cho con: “Nghề nghiệp cầm tay ở mới cam” (Bài 173); “Tay ai thì lại làm nuôi miệng/Làm biếng ngồi ăn lở núi non” (Bài 149). Nhưng cần giữ nếp thẳng thật trong nghề nghiệp “Thấy lợi thì làm cho phải nghĩa” (Bài 173). Hơn cả Nguyễn Trãi dạy con biết sống có tình có nghĩa: “Thương vì thân thích nghĩa chân tay” (Bài 145); có tài nên trọng nhưng đức phải đặt làm đầu: “Tài đức thì cho lại có nhân/Tài thì kém đức một vài phần” (Bài 174) bởi con người biết lấy đức làm gốc sẽ không hành xử sai trái, mang đến sự tốt đẹp. Trút mũ áo nhà quan về với gia đình Nguyễn Trãi lại làm người cha giữa đời thường, một đời chỉ lo tích “bạc mai vàng cúc” và trồng thật nhiều  “cây đức để con ăn”! Xét ở góc độ nào của con người bổn phận trong xã hội phong kiến thì Nguyễn Trãi cũng toàn thiện.

2.2. Phương thức ứng xử của Nguyễn Trãi với láng giềng

Nguyễn Trãi cũng không quên chăm chút cho mối quan hệ láng giềng:“Yêu trọng người dưng là của cải” (Bài 145). Quan tâm hàng xóm láng giềng là tốt, nhưng chớ đi sâu vào đời tư của kẻ khác: “Việc ngoài hương đảng chớ đôi co” (Bài 176). Nên ăn ở rộng rãi, bởi ông nghĩ: “Của thết người là của còn/Khó khăn phải đạo cháo càng ngon” (Bài 149); “Có của cho người nên rộng miệng/Chẳng tham ở thế kẻo chau mày” (Bài 171). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa con người với con người vốn phức tạp nên kết bạn láng giềng cần chọn chốn mà chơi, chọn nơi mà gửi: “Chơi cùng đứa dại nên bầy dại/Kết với người khôn học nết khôn” (Bài  148). Suy cho cùng, giữ tình thân với xóm giềng cũng là nết ứng xử theo “lễ” của Nguyễn Trãi để đạt thế “hòa”.

2.3. Phương thức ứng xử của Nguyễn Trãi với nhân dân

Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng của tư tưởng “quân vi khinh, dân vi quý” nên ông yêu trọng nhân dân hết mực: “Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền/Cành bắc cành nam một cội nên” (Bài 142). Yêu thương nhau là bổn phận của nhân quần đồng quốc, nhưng người làm quan còn phải biết chăm lo cho dân bởi “quan chi phụ mẫu” “Đọc sách thì thông đòi nghĩa sách/Đem dân mữa nỡ mất lòng dân” (Bài 175). Luôn biết ơn nhân dân bởi họ là người gieo sự sống, ban “lộc” cho quốc gia:“Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày” (Bài 146). Với Nguyễn Trãi có dân thì mới có vua, có dân mới có nước, thậm chí nhân dân là gốc của quốc gia nên: “Trị dân sơ lập cho lòng chính” (Bài 137). Giữ cho được “lòng chính” – làm cho ngay thẳng, thậm chí quên mình mà lo cho an nguy của xã tắc là lẽ hành xử của bậc chân nho thiên tướng. Muốn quốc phú binh cường thì việc đầu tiên phải đem lại lợi ích cho dân: “Quốc phú binh cường chăng có trước/Bằng tôi nào thủa ích chưng dân” (Bài 37), để dân được sống trong thái bình, thịnh trị: “Khong khảy thái bình đời thịnh trị/Nghiệp khai sáng tựa nghiệp trung hưng” (Bài 178). Được như vậy coi như sở nguyện một đời Nguyễn Trãi đã thỏa, chẳng còn mong ước gì hơn: “Vua Nghiêu Thuấn dân Nghiêu Thuấn/Dường ấy ta đã phỉ sở nguyền” (Bài 74). Chẳng ai sinh ra đã là “quan”, với Nguyễn Trãi, quan là phải dám nghĩ, dám làm, dám đấu tranh thậm chí hi sinh thân mình vì cuộc sống thanh bình, no ấm của nhân dân, cho dù Người biết rõ “Càng còn đi ấy thác vay”.

2.4. Phương thức ứng xử của Nguyễn Trãi với bậc quân thân

Trong phép“tam cương”, đặc biệt mối quan hệ vua - tôi, chữ “trung” được tuyệt đối hóa. Nguyễn Trãi cảm đức sinh thành của bậc quân vương, cha thì sinh con – đức “hiếu” ấy làm trọng, vua thì sinh dân – đức “trung” ấy làm đầu: “Khỏi triều quan mới hay ơn chúa/Sinh được con thì cảm đức cha” (Bài 39); “Có con mới biết ơn cha nặng/Dừng lộc thì hay nghĩa chúa nhiều” (Bài 164). Bề tôi trung không nệ việc gian truân, không chê nơi nghèo khó: “Tôi ngươi hết tấc lòng trung hiếu/Ai há liệu nơi thịnh suy” (Bài 100). Trung hiếu là mục tiêu lớn nhất của vị quan họ Nguyễn: “Một niềm trung hiếu làm biêu cả/Hai quyển thi thư ấy báu chôn” (Bài 111). Tâm “hằng biến” giữa dòng đời “vạn biến” là tấm lòng son Nguyễn Trãi nguyện gìn giữ: “Bui một tấc lòng trung lẫn hiếu/Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen” (Bài  69).

Không chỉ giữ lòng trung, Nguyễn Trãi cũng vô cùng cảm kích ơn vua chúa. Xuất thân từ cửa Khổng, Ức Trai tiên sinh thẫm đẫm tư tưởng của Nho giáo. Theo quan niệm của Nguyễn Trãi, vạn vật  được sinh ra, trưởng thành rồi mất đi không phải do một lực lượng siêu nhiên nào, mà nhờ ơn chúa: “Thủy chung mỗ vật đều ơn chúa” (Bài 25). Vua là thiên tử, thay trời hành đạo, như phụ mẫu, với đức sinh dưỡng muôn dân: “Nhờ ơn vũ lộ đà no hết” (Bài 215). Ơn ấy một lòng, họ Nguyễn một niềm yêu kính đối với vua: “Trong mặt những mừng ơn bậu bạn/Trên đầu luống đội đất triều đình” (Bài 99). Cuộc sống xa hoa chốn quyền quý ơn vua đã đành một nhẽ, cả khi sống trong cảnh thanh bần những ngày ẩn dật thì ơn vua vẫn thấm nhuần trong tâm khảm Ức Trai: “Ao quan thả gửi hai bè muống/Đất bụt ương nhờ một lảnh mùng” (Bài 68); “Bát cơm xoa nhờ ơn xã tắc/Căn lều cỏ đội đức Đường Ngu” (Bài 15). Vì thế, nhiều lần Nguyễn Trãi nhắc đến ân nghĩa đó như sự hàm ơn: “Bui một quân thân ơn cực nặng/Tơ hào chưa báo hãy còn âu” (Bài 30); “Nợ cũ chước nào báo bổ/Ơn thầy, ơn chúa lẫn ơn cha” (Bài 94). Con người của xã hội phong kiến là con người bổn phận. Với Nguyễn Trãi, ông chưa một giây phút nào quên: “Quân thân chưa báo lòng canh cánh/Tình phụ cơm trời áo cha” (Bài 8);“Cốt lãnh hồn thanh chăng khứng hóa/Âu còn nợ chúa cùng cha” (Bài 54). Đó cũng là lí do khiến Nguyễn Trãi mãi vướng chân vào chốn quan trường, không dứt nổi bởi đó là con đường duy nhất giúp Nguyễn Trãi báo đáp món nợ quân thân:“Nợ quân thân chưa báo được/Hài hoa còn bện dặm thanh vân” (Bài 12). Ta cũng hiểu, vì sao khi đã lui mình về ở ẩn, Nguyễn Trãi vẫn canh cánh trong lòng nỗi nhớ chúa, thương cha: “Lòng một tấc đan còn nhớ chúa/Tóc hai phần bạc bởi thương thu” (Bài 43); “Nhớ chúa lòng còn đan một tấc/Âu thì tóc đã bạc mười phân” (Bài 165). Phải chăng, nỗi lòng canh cánh việc nước nhà khiến cho con người ấy quên ăn quên ngủ:“Còn có một lòng âu việc nước/Đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung” (Bài 68). Có lẽ chưa ở đâu khát vọng được cống hiến, được phụng sự triều đình, đất nước để báo đáp lòng trung lại mãnh liệt, thôi thúc, cuồn cuộn, đau đáu như ở Nguyễn Trãi – “nhất phiến đan tâm chân cống hỏa” (Một tấm lòng son nóng bừng như lửa lò luyện đan). Một con người sẵn sàng quên đi những lao khổ riêng tư của mình để cả đời vác trên vai dấu hỏi nặng trĩu: “Vua Nghiêu Thuấn dân Nghiêu Thuấn/Dường ấy ta đã phỉ sở nguyền” (Bài 74).

Nguyễn Trãi đã chọn riêng cho mình lối sống “trung dung” để giữ thân và tâm đi qua cám dỗ lợi danh, thị phi và được mất ở đời; chọn cho mình cách ứng xử tròn đạo nhân với gia đình và xã hội – xét theo con người bổn
phận của Nho giáo. Phương thức ứng xử thời đại nào cũng giữ vị trí quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách con người. Trong xã hội ngay nay, dường như các mối quan hệ, phương thức ứng xử cùng những giá trị của nó đang có xu hướng li tâm chuẩn mực truyền thống. Làm thế nào để nối lại rồi khơi ấm lên mạch nguồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc“người yêu người sống để yêu nhau”? Thiết nghĩ, cách ứng xử của Nguyễn Trãi với con người, xã hội trong “Quốc âm thi tập” sẽ luôn là bài học tươi mới về lẽ ứng biến để cốt giữ tâm trong, lòng sáng, chí cao.

1 Trích dẫn thơ trong bài viết đều sử dụng bản phiên âm, chú giải của Phạm Luận (2012), Nguyễn Trãi quốc âm thi tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Phạm Luận (2012), Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội;
  2. Trần Đình Hượu (1995), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội;
  3. Bùi Văn Nguyên (2003), Thơ Quốc âm Nguyễn Trãi, Nxb Giáo dục, Hà Nội;
  4. Lê Văn Quán (2007), Văn hóa ứng xử truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội;
  5. Phạm Thị Phương Thái (2015), Cống hiến của Nguyễn Trãi đối với nền thơ viết bằng tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội;
  6. Trần Nho Thìn (2007), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

 

PGS.TS Phạm Thị Phương Thái (Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên) - ThS. Nguyễn Thị Hiền (Trường THPT Lục Ngạn)