Lý luận về phát triển môi trường giao tiếp học tập cho sinh viên sư phạm ở các trường Đại học
 
Môi trường giao tiếp học tập của sinh viên ảnh hưởng trực tiếp tới nội dung giao tiếp, hình thức giao tiếp, hiệu quả giao tiếp và sự trưởng thành về nhân cách của sinh viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học, đáp ứng được những yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong thời kì đổi mới. Bài viết đề cập và phân tích một số vấn đề lý luận về phát triển môi trường giao tiếp học tập như: một số nghiên cứu về phát triển môi trường giao tiếp học tập, khái niệm, mục đích, đặc điểm, các con đường và phương pháp phát triển môi trường giao tiếp học tập cho sinh viên sư phạm các trường đại học.

Đặt vấn đề:

Môi trường giao tiếp học tập (MTGTHT) đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển năng lực sinh viên (SV) trong nhà trường sư phạm, nó là điều kiện, phương tiện cần thiết để hình thành phát triển nhân cách sinh viên theo định hướng nghề nghiệp, giúp sinh viên phát triển năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá nhân. Chính vì vậy mà Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, đã chỉ đạo “Triển khai đổi mới phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: Trang bị cách học, phát huy tính chủ động, sáng tạo và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học”. Như vậy, mục tiêu đào tạo ở các trường đại học (ĐH) phải được xác định theo hướng tiếp cận năng lực, nội dung đào tạo phải chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực cho người học.

Mức độ giao tiếp cũng như hiệu quả giao tiếp tùy thuộc vào từng hình thức giáo dục, vào tính chất của sự giao tiếp và môi trường giao tiếp trong học tập. MTGTvừa là điều kiện vừa là phương tiện giúp cho SV thực hiện các mục tiêu, nội dung giao tiếp một cách hiệu quả. Đồng thời MTGT tạo động cơ học tập rèn luyện cho SV, giúp các em tổ chức tốt các mối quan hệ giao tiếptrong học tập nhằm tiếp thu tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp.Phát triển MTGT tạo động lực để SV tham gia vào các hoạt động giao tiếp trong dạy học và giáo dục, mở rộng phạm vi, đối tượng giao tiếp, rèn luyện các kỹ năng giao tiếp cần thiết để phát triển năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá thể cho SV, từ đó tạo điều kiện phát triển nhân cách toàn diện cho SV.

Nội dung

1. Một số nghiên cứu về vấn đề phát triển môi trường giao tiếp học tập cho sinh viên

Nghiên cứu về phát triển MTGTHT được nhiều tác giả trong và ngoài nước quan tâm, có thể khái quát thành hai hướng chính, một là nghiên cứu phát triển MTGT thực tế trong giáo dục, hai là những nghiên cứu phát triển MTGT điện tử thông qua mạng internet:

Hướng thứ nhất: nghiên cứu phát triển MTGTHT trong thực tế giáo dục

Tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình (1996) [1] cho rằng việc phát triển MTGT cho SV là rất cần thiết, phát triển MTGTHT cho SV trong là tạo lập những tình huống GT trong học tập và rèn luyện, hay tổ chức những hoạt động cho SV tiếp xúc nhiều hơn nữa với MT nhà trường phổ thông, với MT xã hội….qua đó mở rộng phạm vi, đối tượng, làm phong phú nội dung giao tiếp của SV.

Nguyễn Trọng Do (1997) [12] nghiên cứu về phát triển MTGTHT dành cho SV chuyên ngành tiếng Nga. Tác giả đã đưa ra cách phân loại và các biện pháp phát triển MTGT cho SV, tuy nhiên những biện pháp phát triển MTGT của tác giả lại dành cho SV chuyên ngành tiếng Nga nên trong đó có mang hơi hướng đặc thù của chuyên ngành này, chứ chưa dành chung cho SV các lĩnh vực khác.

Trần Đình Thích (2010) [8] đã đề cập tới phát triển MTGTHT với vai trò là một nội dung trong xây dựng môi trường văn hóa giao tiếp trong trường học, trong đó nhấn mạnh tới mối quan hệ giao tiếp và ứng xử sư phạm giữa GV và SV trong quá trình dạy học cần lưu ý tính dân chủ bình đẳng trong giao tiếp, trao đổi, tranh luận trong những vấn đề chuyên môn, học thuật nhằm rèn luyện năng lực tư duy độc lập, tạo tính năng động, sáng tạo cho SV.

Ngô Giang Nam (2012) [6] nghiên cứu về phát triển MTGTHT trong giáo dục kỹ năng giao tiếp cho học sinh Tiểu học. Để giáo dục giao tiếp có hiệu quả cho học sinh đòi hỏi phải phát triển MTGT rộng, đa dạng hóa các loại hình hoạt động cho học sinh, có sự thống nhất giữa các môi trường giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội.

Hai tác giả Trịnh Quốc Lập, Bùi Thị Mùi (2013) [4, tr. 92-95] nghiên cứu về xây dựng môi trường học tập của SV trong tiết lên lớp có đề cập tới xây dựng MTGTHT cho SV. Để phát triển MTGT học tập đòi hỏi phải xây dựng từ các yếu tố vật chất, không gian lớp học, đến xây dựng môi trường tâm lý sư phạm thuận lợi bằng những cách thức tạo nên sự quan tâm lẫn nhau giữa GV với SV, giữa SV với SV và SV với môn học và việc học tập.

Nhóm tác giả Nguyễn Văn Lũy, Đinh Quang Sơn (2014) [5] trong giáo trình: “ Giao tiếp sư phạm” có đề cập tới phát triển MTGTHT. Theo các tác giả: Giao tiếp luôn xảy ra trong một hoàn cảnh, ngữ cảnh và môi trường nào đó. Môi trường có ảnh hưởng không nhỏ đến sự giao tiếp. Vì vậy phát triển MTGT cần phù hợp với đối tượng, mục đích, phương thức giao tiếp… Tuy nhiên các tác giả mới chỉ đề cập tới những yếu tố vật chất của MTGT chứ chưa chỉ ra được các yếu tố khác như tâm lý, xã hội của đối tượng tham gia giao tiếp.

Như vậy, những nghiên cứu về phát triển MTGTHT đều khẳng định vấn đề phát triển MTGTHT là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục cho thế hệ trẻ. Phát triển MTGTHT được thực hiện chủ yếu thông qua việc tăng cường những yếu tố vật chất là điều kiện cho hoạt động học tập như: trang thiết bị kỹ thuật dạy học, không gian học tập khoa học sáng tạo, mở rộng và tăng cường nội dung giao tiếp, đa dạng hóa các loại hình giao tiếp cho SV, đặc biệt cần phát huy tính tích cực, chủ động trong giao tiếp cho SV.

Thứ hai: những nghiên cứu phát triển MTGTHT điện tử thông qua mạng internet

Trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển, ngoài MTGT truyền thống còn có thêm MTGT điện tử trên mạng internet, đây là một MTGT phổ biến trong xã hội hiện đại. nghiên cứu về vấn đề này tiêu biểu là các tác giả: Denise Carter (2005) [10] , Brian Wilson (2006) [11]…Những nghiên cứu về không gian giao tiếp ảo trên mạng Internet - không gian giao tiếp mới nơi con người có được những sự kết nối đa chiều, MTGT mới nhờ có sự hỗ trợ của máy tính, mạng internet, những trải nghiệm sự khác nhau giữa giao tiếp trực tuyến với các hình thức giao tiếp truyền thống của các tác giả: Angela Cora Garcia, Alecea, Standlee Jennifer Bechkoff and Yan Cui, (2009) [11] ...

Tại Việt Nam nghiên cứu về phát triển MTGT ảo trên mạng internet có các tác giả: Vũ Hoàng Hiếu, Nguyễn Thị Huệ, Đinh Mỹ Linh, Vũ Thành Long, Nguyễn Thị Phương Châm (2012) [2] đề cập tới phát triển môi trường giao tiếp ảo thông qua các tiện ích của mạng internet.

Các trường học ở nước ta hiện nay cũng đã nhanh chóng ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật hiện đại để xây dựng MTGT qua mạng với mục đích là thúc đẩy sự năng động, tạo MTGT tương tác với nhà trường, gia đình và học sinh... Ở các trường ĐH đã xây dựng những trang E-learning hỗ trợ SV trong việc cập nhật các thông tin đào tạo của trường/khoa, đăng ký môn học…

Qua tổng quan những nghiên cứu về MTGTHT ở nước ngoài và tại Việt Nam, cho thấy vấn đề MTGTHT đã được các tác giả quan tâm nghiên cứu. Nhìn chung MTGTHT của SV được phân ra làm ba nhóm chính là: 1. Môi trường vật chất bao gồm các yếu tố như không gian lớp học, các học liệu, trang thiết bị phục vụ dạy học…; 2. Môi trường xã hội bao gồm các mối quan hệ tương tác giữa GV-SV, SV-SV, SV- môi trường và các yếu tố (nội dung, tài liệu học tập…); 3. Môi trường tâm lý bao gồm các yếu tố động cơ, hứng thú, bầu không khí học tập trong lớp … của SV.

2. Những vấn đề cơ bản về phát triển môi trường giao tiếp họctập cho sinh viên sư phạm các trường đại học

Môi trường giao tiếp trong học tập là toàn bộ các yếu tố hoàn cảnh, các quan hệ tương tác giữa người học và người dạy, người học với người học, người học với môi trường xung quanh và các yếu tố tâm lý của từng đối tượng tác động tới quá trình lĩnh hội kiến thức, kỹ năng, hình thành thái độ mới của SV

Phát triển MTGTHT nhằm mục đích giúp SV mở rộng đối tượng, phạm vi, nội dung giao tiếp, phát triển và hoàn thiện hệ thống các kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp trong học tập. Trong quá trình học tập, người học phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể bằng nhiều dạng hoạt động khác nhau. Nói cách khác, quá trình học tập được tổ chức bằng một cơ cấu đặc biệt gồm các nhiệm vụ học tập và hỗ trợ học tập. Đó là ba nhiệm vụ chính: 1/ Nhận thức nội dung học vấn; 2/ Quản lí việc học của mình theo chiến lược cá nhân và theo chiến lược hợp tác; 3/ Giao tiếp và quan hệ xã hội trong học tập và các hoạt động hỗ trợ học tập [3, tr 25-27]. Phát triển MTGTHT cho SV nhằm mục đích giúp SV thực hiện tốt nhiệm vụ thứ ba: giao tiếp và quan hệ xã hội trong học tập, từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện tốt hai nhiệm vụ nhận thức và quản lý việc học của SV. Như vậy nói rộng hơn phát triển MTGT cho SV sư phạm nhằm mục đích phát triển nhân cách toàn diện cho SV, nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường CĐ, đáp ứng yêu cầu nhân lực có chất lượng cao cho khu vực miền núi phía Bắc và đất nước trong thời kì đổi mới.

Đặc điểm môi trườnggiao tiếp và phát triển môi trường giao tiếp ở các trường đại học được đánh giá trên bốn nội dung: Môi trường vật chất, môi trường  xã hội, môi trường tâm lý và các yếu tố quản lý SV trong học tập.

Môi trường vật chất là những yếu tố khách quan tác động vào GV và SV trong quá trình dạy và học như: không gian phòng học, bàn ghế, phương tiện kỹ thuật, học liệu, kết nối internet, vệ sinh lớp học, ánh sáng, âm thanh, cách thức bố trí bàn ghế trong lớp học sao cho khoa học và thuận lợi nhất cho sự tương tác làm việc của SV…Đây là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động dạy và học hàng ngày của GV và SV. Môi trường vật chất nhìn chung còn nhiều hạn chế bởi việc đầu tư vào hoàn thiện cơ sở vật chất cho hoạt động dạy và học của GV và SV chưa đáp ứng đủ yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Môi trường xã hội phụ thuộc vào nội dung chương trình dạy học và giáo dục, vào phương pháp, hình thức tổ chức dạy học của GV và tính tích cực, chủ động sáng tạo của SV trong quá trình học tập, rèn luyện. Môi trường xã hội trong giao tiếp học tập của SV được hiểu là các tình huống dạy học do GV tạo ra cho người học hoạt động, cải biến và thích nghi. GV và SV là người tạo lập nên môi trường xã hội trong dạy học và giáo dục, trong đó người dạy và người học cùng phối hợp tổ chức, thực hiện nhằm đạt được các nhiệm vụ dạy học.

Bên cạnh những yếu tố thuộc môi trường vật chất, môi trường xã hội có những yếu tố xuất phát từ bên trong của chủ thể giao tiếp đó chính là những yếu tố tâm lý, tinh thần. Để tạo điều kiện, tạo động cơ học tập cho cho SV, GV ở các trường CĐ cần phải quan tâm đến các yếu tố tâm lý của SV nhằm tạo hứng thú học tập cho SV. Thể hiện ở sự thân thiện, nhiệt tình, tạo mọi điều kiện tốt nhất để SV học tập; giúp SV có động cơ, hứng thú, nhận thức đúng về mục đích học tập và sẵn sàng nỗ lực cố gắng để tiếp thu tri thức và rèn luyện những năng lực sư phạm. Tất cả những yếu tố trên là nền tảng tâm lý vững vàng để SV tự tin, chủ động, sáng tạo trong quá trình học. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận GV chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của phát triển các yếu tố tâm lý cho SV, bởi vậy giữa GV-SV còn tồn tại một “rào cản tâm lý” , SV không dám bày tỏ quan điểm, nguyện vọng của bản thân, rụt rè và ít giao tiếp với GV.

Yếu tố quản lý SV là một trong những yếu tố góp phần phát triển MTGTHT. Quản lý tốt nội quy học tập của SV góp phần hình thành, phát triển nề nếp học tập, tạo MTGTHTtích cực cho SV. Bởi vậy cách thức quản lý, khuyến khích SV trong học tập cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và khoa học trên các mặt: về nề nếp, về chuyên cần, tác phong học tập, sự tiến bộ về “chất” của SV qua các giờ học. Để phát triển MTGT trong học tập cho SV, GV cần phải áp dụng những cách quản lý mới như quản lý theo nhóm, hay xây dựng các tiêu chí cụ thể đánh giá dựa trên sự tiến bộ về sự cố gắng, năng lực và tư duy của SV trong các giờ học, nếu được như vậy mới quản lý được SV toàn diện trên tất cả các mặt: chuyên cần, sự cố gắng nỗ lực, sự tiến bộ về kết quả học tập…Từ đó SV mới thực sự có động lực để cố gắng, phát triển các khả năng tư duy và sáng tạo để học tập tốt.

Như vậy, qua những đặc điểm khái quát về MTGTHT và phát triển MTGTHT cho SV sư phạm các trường ĐH trên đây chúng tôi thấy rằng cần phải chỉ ra được những thuận lợi và khó khăn, từ đó mới đưa ra những biện pháp khoa học có hiệu quả trong việc phát triển MTGTHT cho SV, góp phần phần tạo lập MTGTHT khoa học giúp SV học tập và rèn luyện đạt kết quả cao.

Con đường phát triển MTGTHT cho SV là sự thể hiện tổng hợp việc tổ chức thực hiện các hoạt động trong thực tiễn giáo dục và tự giáo dục của SV, giúp SV nhận thức đúng về vai trò của MTGT trong học tập, từ đó tích cực, chủ động trong việc tham gia vào các hoạt động phát triển các nội dung thuộc MTGTHT. Từ cách hiểu này chúng ta thấy con đường phát triển MTGTHT cho SV nhấn mạnh đến sự tổ chức hoạt động sáng tạo, hoạt động giao tiếp nhiều mặt giúp SV năng động, hướng tới mục đích xây dựng và tạo các yếu tố thuận lợi nhất giúp SV phát triển các kỹ năng giao tiếp và học tập có hiệu quả.

Các con đường phát triển MTGTHT bao gồm:

- Thông qua dạy học: Nhà trường là cơ sở chuyên thực hiện chức năng giáo dục, chuyên trách làm công tác giáo dục - đào tạo, do một đội ngũ các nhà sư phạm đã được đào tạo chu đáo và có đầy đủ những kinh nghiệm thực hiện các chương trình giáo dục có mục đích, nội dung và phương pháp theo một kế hoạch nhất định để hướng vào thực hiện mục đích giáo dục.

Thông qua việc vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tích cực nhằm phát triển MTGT học tập  giúp SV nắm vững nội dung các môn học, lĩnh hội được một khối lượng kiến thức, hệ thống, hình thành kỹ năng tiếp thu những phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nhờ đó nhân cách được hình thành và phát triển.

- Tổ chức các hoạt động giáo dục, các hoạt động tập thể  phong phú và đa dạng: vui chơi, lao động sản xuất, tổ chức các hoạt động xã hội…

Các hoạt động giáo dục, hoạt động vui chơi, lao động và hoạt động xã hội là hoạt động của mỗi cá nhân tham gia vào các mối quan hệ, giao lưu với tập thể và cộng đồng người trong những môi trường đa dạng, phong phú, sinh động và cũng hết sức phức tạp. Song ở đó nó chính là môi trườnggiao tiếp đa dạng nhất để rèn luyện, thử thách và hình thành, phát triển nhân cách cho SV.

Để phát triển MTGTHT cần tổ chức choSV tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội (chi bộ, chi đoàn TNCSHCM, công đoàn...); hội từ thiện (giúp học sinh nghèo vượt khó...), tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhăm mở rộng đối tượng, nội dung, phạm vi giao tiếp cho SV.

- Thực tập sư phạm, thực tế tại các trường phổ thông: Thực tập sư phạm là hoạt động  giúp cho SV làm quen với nghề nghiệp. Thông qua thực tập sư phạm, các nội dung chuyên môn, nghiệp vụ mà SV đã tiếp thu được đem thử nghiệm vào thực tiễn giảng dạy và giáo dục. Vì thế, thực tập sư phạm được coi là khâu chuyển giao giữa lý luận và thực tiễn, giữa những kiến thức học tập trong nhà trường và công việc thực tế mà SV sẽ làm sau này. Tại trường phổ thông SV có cơ hội tiếp xúc với những đối tượng giao tiếp mới như giáo viên hướng dẫn, học sinh, phụ huynh học sinh…Đây chính là dịp, là cơ hội để SVcó điều kiện giao tiếp và tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, giúp các em mở rộng các mối quan hệ giao tiếp phong phú, đa dạng, vận dụng và rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, ứng xử sư phạm. Để phát triển MTGTHT cho SV trong thực tập sư phạm cần trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản về giao tiếp, ứng xử sư phạm với GV hướng dẫn, với học sinh…chẩn bị cho các em sự tự tin, năng động trong giao tiếp.

-  E-learning: E-Learning (viết tắt của Electronic Learning) là thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là công nghệ thông tin. Phát triển MTGT điện tử nhờ sự hỗ trợ của  E-Learning, các mạng xã hội, các website của GV thể hiện qua sự  phân phát các nội dung học nhờ sử dụng các công cụ điện tử hiện đại như máy tính, mạng vệ tinh, mạng Internet… trong đó nội dung học có thể thu được từ các website, đĩa CD, băng video, audio… thông qua một máy tính hay tivi; người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau qua mạng dưới các hình thức như: thư điện tử (e-mail), thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo,  video…

E-Learning hiện nay và trong tương lai gần vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn cách học truyền thống, mà cần phải có sự kết hợp với nhau để đem lại kết quả tốt nhất cho quá trình dạy - học. Bởi vậy để phát triển MTGT điện tử thông qua sử dụng E-learning và các tiện ích của mạng internet đòi hỏi GV phải biết kết hợp cả hai phương pháp : dạy học E-Learning và dạy học truyền thống để đem lại hiệu quả cao nhất cho người học. Phát triển MTGT thông qua E-learning, các diễn đàn, các mạng xã hội, website của GV là rèn luyện cho SV các kỹ năng khai thác, tương tác, làm việc với học liệu điện tử, giao tiếp gián tiếp qua mạng, tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin dễ dàng hơn mà không cần phải giao tiếp trực tiếp.

Phương pháp phát triển MTGT cho SV là hệ thống các hoạt động tự giác, tuần tự trong nhà trường nhằm phát triển những yếu tố trong MTGT của SV như MT vật chất, MT xã hội, MT tâm lý… giúp SV thực hiện tốt các nhiệm vụ học tập.

Quá trình tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục là nơi diễn ra sự tương tác giữa các yếu tố: người dạy, người học, môi trường. Bản thân mỗi SV luôn có sự khác biệt về nhiều mặt (đặc điểm tâm sinh lí, vốn kinh nghiệm, trình độ phát triển trí tuệ, điều kiện học tập...), song tất cả cùng tham gia vào một môi trường giao tiếp học tập, với cùng mục tiêu học tập rèn luyện để phát triển nhân cách. Vì vậy, để SV giao tiếp, hợp tác có hiệu quả trong học tập đòi hỏi các SV cần phải học cách thỏa thuận, thích ứng, chấp nhận đối tác (phải linh hoạt, năng động và hợp tác). Với vai trò chủ đạo của mình trong việc cố vấn tạo lập MTGT trong học tập tốt nhất cho SV, GV luôn phải nhạy cảm chẩn đoán nhu cầu nhận thức, giao tiếp từ SV để điều chỉnh, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình dạy học và giáo dục. Đồng thời, để duy trì hứng thú giao tiếp cho SV và truyền cảm hứng cho người học, GV luôn phải làm mẫu, sáng tạo, linh hoạt trong chiến lược vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức phát triển MTGT học tập.

Có nhiều phương pháp phát triển MTGTHT cho SV, GV tùy theo yêu cầu, nội dung bài học, điều kiện hoàn cảnh mà vận dụng các phương pháp một cách linh hoạt, sáng tạo để đạt được hiệu quả tối ưu. Các phương pháp cụ thể thường sử dụng là:

- Thông báo nêu vấn đề;  Phương pháp giải quyết tình huống; Phương pháp tổ chức trò chơi; Phương pháp đóng vai; Phương pháp dạy học theo dự án; Phương pháp dạy học theo nhóm; Phương pháp nghiên cứu trường hợp;  Phương pháp trải nghiệm sáng tạo; Phương pháp thực hành vv…

Kết luận

Từ những nghiên cứu về lý luận đã nêu trên phát triển MTGTHT cần thực hiện tốt các nội dung: Tăng cường các điều kiện vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, học liệu… phục vụ cho dạy và học; cải thiện các mối quan hệ giao tiếp xã hội trong học tập cho SV, tạo môi trường tâm lý như ý thức, xúc cảm, động cơ, định hướng giá trị nghề nghiệp tích cực cho SV, quản lý tốt nội quy học tập của SV tạo MTGTHT tích cực cho SV. Phát triển MTGTHT có một vai trò quan trọng trong việc giúp SV học tập tiếp thu tri thức và rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp bởi mối quan hệ giữa môi trường giao tiếp tới sự hình thành và phát triển nhân cách SV là mối quan hệ hai chiều. MTGTHT tác động tới sự hình thành phát triển nhân cách của SV, và chính các em SV lại tham gia phát triển MTGTHT và tự tạo lập MTGTHT tốt nhất cho bản thân.

        TÀI LIỆU THAM KHẢO.

        Tiếng Việt

  1. Nguyễn Thị Thanh Bình (1996), Nghiên cứu một số trở ngại tâm lý trong giao tiếp của sinh viên đối với học sinh khi thực tập tốt nghiệp, Luận án tiến sĩ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  2. Vũ Hoàng Hiếu, Nguyễn Thị Huệ, Đinh Mỹ Linh, Vũ Thành Long, Nguyễn Thị Phương Châm (2012), Một số vấn đề về văn hóa mạng hiện nay (Internet: Mạng xã hội và sự thể hiện bản sắc), Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
  3. Đặng Thành Hưng (2004), Hệ thống kĩ năng học tập hiện đại, Tạp chí Giáo dục, (278), tr. 25-27.
  4. Trịnh Quốc Lập, Bùi Thị Mùi (2013), “Xây dựng môi trường học tập của SV trong lớp học theo học chế tín chỉ”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc “Tâm lý học và vấn đề cải thiện môi trường giáo dục hiện nay” do Hội các khoa học tâm lý- giáo dục Việt Nam tổ chức tại Cần thơ, tr. 92-95.
  5. Nguyễn Văn Lũy, Lê Quang Sơn (2014), Giáo trình Giao tiếp sư phạm, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  6. Ngô Giang Nam (2012), Nghiên cứu đặc điểm giao tiếp học sinh tiểu học nông thôn miền núi, Báo cáo tổng kết đề tài cấp Bộ, mã số B2010 - TN03 - 15.
  7. Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, Lê Thanh Huy (2010), Phương pháp soạn đề cương chi tiết môn học sử dụng trong dạy học ở các trường đại học đào tạo theo học chế tín chỉ với sự hỗ trợ của E-learning”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, Số 5(40), tr. 275-283
  8. Trần Đình Thích (2010), Văn hóa giao tiếp trong nhà trường, NXB Đại học Sư phạm,  Thành phố Hồ Chí Minh.

         Tiếng Anh.

  1. Angela Cora Garcia, Alecea I. Standlee Jennifer Bechkoff and Yan Cui (2009), Ethnographic Approaches to the Internet and Computer, Mediated Communication.
  2. Denise Carter (2005), Living in Virtual communities: an ethnography of human relationships in cyberspace, National University of Singapore.
  3. Brian Wilson (2006), Ethnography, the Internet, and Youth Culture: Strategies for Examining Social Resistance and "Online-Offline" Relationships ,Cyberculture and New Media , Francisco J. Ricardo edited 2009.

         Tiếng Nga

  1. Сферы общения как лингвометодическая категория (1997), Исчисление сфер общения//Лингвистические и лингвометодические основы обучения русскому языку как иностраному (к 30-летию ФПК), Сб. статей. Москва, Изд-во РУДН. 1997.- с. 94-105.

 

TS. Đoàn Thị Cúc - Trường Đại học Tân Trào (Theo tạp chí khoa học Đại học Tân Trào số 2)