Chuyến đi đầy cảm xúc
 
Chuyến đi thực tế tại huyện Hưng Hà – tỉnh Thái Bình vừa qua không chỉ là chuyến đi thực tế đầu tiên mà tôi được tham gia, mà đó còn là chuyến đi ý nghĩa nhất, để lại kỷ niệm và xúc cảm sâu sắc nhất trong thời sinh viên của tôi.

Bước vào năm thứ 4 Đại học, lớp chúng tôi (ĐH Văn – Truyền thông k2) vinh dự được cô Trần Thị Lệ Thanh - Phó Hiệu trưởng và cô giáo Nguyễn Thị Bích Hường – Phó trưởng khoa Khoa học Cơ bản sắp xếp một chuyến đi thực tế đến huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình để tham gia đại lễ Giỗ tổ họ Trần và trải nghiệm thực tế với phiên chợ quê ngay chính tại quê hương Thái Bình mến khách. Chuyến đi kéo dài 4 ngày 3 đêm, bắt đầu khởi hành từ đầu giờ chiều thứ 5 trong niềm mong mỏi của của các bạn khi đợi nhau tại cổng trường giữa tiết trời nắng dịu.

Vượt chặng đường dài khoảng 300km, tôi cùng cô giáo và các bạn đã đặt chân đến vùng đất Thái Bình, khi đó trời bắt đầu sẩm tối,vừa bước chân xuống xe, tôi đã thật ngỡ ngàng, mọi cảnh vật xung quanh, không khí xung quanh đem lại cho tôi cảm xúc thật bình yên. Lại một bất ngờ nữa khi tôi và các bạn được các anh chị ở đó dẫn đến nơi ở trong suốt 4 ngày ở đó. Nơi chúng tôi ở tuy không phải là khách sạn sang trọng nhưng đó là một nơi rất là rộng, sạch sẽ và đầy đủ tiệt nghi.

Vào buổi sáng ngày hôm sau tôi và các bạn đều háo hức được mặc những bộ trang phục  đậm chất thôn quê và giàu tính truyền thống, và được cô Thanh, cô Hường dẫn đi tham quan ngôi đền đẹp nhất Việt Nam “ Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”. Khi đến ngôi đền tôi đã thật sự đứng hình vì trước mặt tôi là một ngôi có kiến trúc rất đặc biệt, lạ mắt. Đền xây hai tầng, nửa đền nửa lăng, không phải kiến trúc cổ truyền thường thấy ở các ngôi đền Việt Nam. Bên trên có dòng chữ Quốc ngữ chạy dài nền đỏ, chữ vàng “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” và 3 chữ viết theo lối đại tự Hán Nôm “Đền nhà Ông”. Chúng tôi đã được nghệ nhân Trần Văn Sen giới thiệu về kiến trúc cũng như lịch sử ra đời của ngôi đền. Lịch sử về các vị vua đời nhà Trần, vùng đất này nuôi dưỡng khí phách mãnh liệt, sự thẳng thắn cương trực khác thường. Khi được nghe nghệ nhân kể về lich sử  các vị vua Trần, tôi đã có những cảm xúc thật mãnh liệt, vừa là sùng bái, vừa là kính trọng và tự hào.

Đền thờ tổ họ Trần ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (Ảnh: Phạm Huyền)

Đến chiều hôm ấy, chúng tôi được cô giáo phân ra từng nhóm để bắt đầu trang trí những gian hàng từ những vật phẩm mang từ Tuyên Quang xuống, những mặt hàng như bưởi, hồng ngâm, các loại bánh… đặc sản Tuyên Quang. Bản thân cá nhân mỗi bạn đều háo hức cảm thấy vui và tích cực tham gia để tái hiện lại một khung cảnh chợ quê nhỏ bé thật bịnh dị nhưng được hiện ra mà sôi động. Mỗi nhóm một loại hàng khác nhau, hàng cháo, hàng xôi, hàng nước, hoa quả, các loại bánh…. Hoạt động của chúng tôi cũng được đông đảo mọi người dân và du khách thập đón nhận và thích thú. Chính điều đó đã khơi nên những cảm xúc thật đặc biệt trong tôi, tôi cảm giác như mình đang hòa nhập vào không khí, vào con người nơi đây, và gợi nên những ký cứ tuổi thơ trong tôi, chờ đợi những phiên chợ quê để được cùng mẹ đi chợ không phải mua đồ mà chỉ để ngắm người và thích không khí chợ ấy.

Cùng bày bán trong phiên chợ ấy còn có sự tham gia của các bạn sinh viên Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, cũng như chúng tôi các bạn cũng mang những món đồ đặc sản Hà Nội đến để góp phần tạo nên không  khí  tấp nập tại phiên chợ. Người đi, người bán, người mua hàng, cùng những phường chợ búa của chúng tôi tạo nên một chợ quê đúng chất. Không chỉ trao đổi buôn bán các mặt hàng với nhau mà chúng tôi còn được giao lưu với các bạn sinh viên trường ĐH Văn Hóa Hà Nội. Đây là một hoạt động trải nghiệm thực tế của sinh viên bổ ích và lý thú đã cho tôi học được rất nhiều kinh nghiệm bài học quá giá cho bản thân.

Khung cảnh chợ quê tấp nập vào lúc tối. (Ảnh: Phạm Huyền)

Sáng ngày kế tiếp, tôi đã được chứng kiến Đại lễ giỗ Tổ họ Trần Việt Nam, một đại lễ vô cùng thiêng liêng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Là một sự kiện trọng đại trong đời sống tâm linh của bà con họ Trần Việt Nam, tri ân và tôn vinh công lao vĩ đại của Vương triều Trần, của Đức Hoằng Nghị Đại Vương, Đại Nguyên soái Trần Thủ Độ và các vị vua nhà Trần trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong buổi đại lễ chính hôm ấy, hàng nghìn người từ thập phương đổ về ước chừng phải gần 20.000 người tham dự. Tôi thấy bản thân mình thật là may mắn và vinh dự khi được chứng kiến một đại lễ trọng đại như vậy.

Hình ảnh trong buổi đại lễ. (ảnh Thethaovanhoa.vn)

Vào đầu giờ chiều ngày 23/9,chúng tôi bắt đầu khởi hành về, tạm biệt các bạn sinh viên Đại học văn hóa Hà Nội, tạm biệt vùng đất anh hùng thân yêu. Quãng thời gian thực tế tuy ngắn ngủi, nhưng nó như chất keo dính gắn kết chúng tôi lại với nhau để chúng tôi có nhiều thời gian hiểu nhau hơn, qua chuyến đi này, tôi hiểu hơn về tính cách, thói quen của từng người. Nó giúp chúng tôi biết yêu thương, chia sẻ hơn.

Chuyến đi thực tế của chúng tôi đã khép lại, nhưng trong tâm trí của tôi, dư âm của hành trình còn đọng mãi. Tuy có hơi mệt nhưng tất cả chúng tôi đều có chung một tâm trạng, thấy yêu khoa mình hơn, yêu chuyên ngành mình đã và đang học hơn. Thấy rằng thực tế không hề khô khan nếu như có tình yêu nghề trong đó, chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô trong khoa, đặc biệt là cô Trần Thị Lệ Thanh, cô Nguyễn Thị Bích Hường đã không quản ngại đưa chúng tôi đi thực tế, có được những trải nghiệm không thể quên được thời sinh viên.

Bài: Lò Chúa - Diệp Lục (Đại học Văn Truyền thông K2)