Lớp Đại học Văn - Truyền thông K2 học lý thuyết gắn liền với thực hành
 
Nâng cao chất lượng dạy và học luôn là mối quan tâm hàng đầu của các trường đại học và Trường Đại học Tân Trào không phải ngoại lệ. Trường Đại học Tân Trào luôn chú trọng việc kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, nhằm đảm bảo cho sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức lí thuyết mà còn có kỹ năng thành thạo trong thực hành. Lớp Đại học Văn - Truyền thông K2 là một điển hình trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, sinh viên luôn được học tập trong điều kiện tốt nhất để có thể vận dụng kiến thức đã học vào trong thực tế.

Trong suốt quá trình học tập của mình, đặc biệt là năm học 2018 - 2019, sinh viên của lớp ĐH Văn - Truyền thông K2 được tham gia học các học phần liên quan đến lĩnh vực truyền thông, báo chí. Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên có chuyên môn cao như TS Triệu Thị Linh, TS Vũ Quỳnh Loan, TS Nguyễn Thị Bích Hường,... sinh viên đã được học cách tổ chức hoạt động của tòa soạn với các vị trí như: tổng biên tập, ban biên tập, phóng viên, ban kỹ thuật, thư kí... Đồng thời sinh viên được tham gia tổ chức sản xuất tác phẩm báo chí. Mỗi tuần sinh viên đều tổ chức đi tác nghiệp để lấy tin bài rồi gửi về ban biên tập của từng nhóm. Sau khi duyệt và chỉnh sửa sẽ chuyển sang ban kỹ thuật để trình bày và xuất bản. Những trang báo đầu tiên ra đời không tránh khỏi những sai sót, nhưng được sự góp ý của các giảng viên, các trang báo dần hoàn thiện và chất lượng hơn. Đã có những bài được lựa chọn để đăng lên trang thông tin của nhà trường và gửi cho các báo trong tỉnh. 

 Trong học phần Ảnh báo chí, sinh viên được tham gia tìm hiểu cấu tạo của máy ảnh, đồng thời biết cách chụp ảnh sao cho hiệu quả nhất dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, nhà báo, nhiếp ảnh gia, có nhiều kinh nghiệm. Vừa qua, sinh viên của lớp đã được thầy Phạm Quốc Hoàn giới thiệu về cấu tạo của máy ảnh và cách chụp những bức ảnh chất lượng và phù hợp. Hướng dẫn về cách chụp, thầy chia sẻ: “Cần phải chọn điểm nhấn và chọn đối tượng trước khi chụp ảnh. Ngoài ra khi chụp ảnh cho một sự kiện, chúng ta phải chụp toàn cảnh sau đó là trung cảnh và cuối cùng là cận cảnh. Khi chụp ảnh, chú ý lấy phông nền và cánh góc chụp. Bên cạnh đó, việc chỉnh chế độ chụp ảnh liên tục để chọn ra một bức ảnh ưng ý nhất cũng quan trọng không kém”. Nói thêm về góc chụp và cách bố trí bố cục ảnh, sinh viên được tìm hiểu các khái niệm cơ bản, mỗi ưu nhược điểm, mục đích cũng như tính chất sự kiện, người cầm máy cần linh hoạt chọn góc, căn chỉnh phù hợp. Qua những bức ảnh mẫu và những bức ảnh không hoàn chỉnh mà giảng viên giới thiệu, sinh viên đã biết cách rút kinh nghiệm khi “tác nghiệp”. Tâm đắc với kiến thức được trang bị về kỹ năng chụp ảnh, bạn Nguyễn Văn Hồi sinh viên lớp đại học Văn - Truyền thông K2 bày tỏ: “ Thực sự đây là những bài học rất cần thiết và bổ ích, giúp mình mở mang được nhiều điều về cấu tạo máy, góc chụp, màu sắc và phải cần chụp những gì cho một sự kiện, những điều này nếu chỉ học trên lí thuyết sẽ không bao giờ mình có thể tác nghiệp được”.

 Việc kết hợp giữa lí thuyết và thực hành đã tạo được sự hứng thú và tự giác học cho sinh viên. Giúp cho sinh viên học tập một cách có hiệu quả nhất.

Văn Trường - Sinh viên lớp Đại học Văn Truyền thông K2