Trường Đại học Tân Trào tham dự Diễn đàn thanh niên, sinh viên khởi nghiệp từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP năm 2020
 
Ngày 09/01/2020, Đoàn công tác Trường Đại học Tân Trào do TS. Trần Thị Lệ Thanh - Phó Hiệu trưởng dẫn đầu đã tham dự “Diễn đàn thanh niên, sinh viên khởi nghiệp từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP năm 2020” do Trường Đại học Nông Lâm (Thái Nguyên) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức.

Diễn đàn nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường đại học, thanh niên các địa phương tích cực tham gia Chương trình OCOP trong thời gian tới, trong đó tập trung vào ươm mầm doanh nhân tương lai; tạo cơ hội cho thanh niên, sinh viên được tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, hun đúc ý chí và tinh thần khởi nghiệp.

Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tân Trào tham dự chương trình

Tiếp nối và nhân rộng những kết quả đã đạt được từ những mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, sinh viên trong Chương trình OCOP do Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động, nhằm hỗ trợ các địa phương kết nối với các trường đại học trong khu vực, thu hút đoàn viên, thanh niên, sinh viên đồng hành cùng chương trình OCOP trong khi đang học tập, nghiên cứu và tốt nghiệp trở về địa phương công tác. Trong khuôn khổ của diễn đàn đã diễn ra các hoạt động như: Triển lãm các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và giao lưu văn hoá, văn nghệ của đoàn viên, thanh niên, sinh viên của khối trường đại học khu vực và các địa phương.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Trần Văn Môn - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: ngày 07/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm, gọi tắt là Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 thực hiện trên phạm vi cả nước. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình nhằm hạn chế tình trạng di cư từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù mới phát động vào tháng 5/2018 nhưng hiện nay đã có 30 tỉnh, thành trong cả nước có phê duyệt chương trình OCOP, cụ thể với khoảng 34.000 sản phẩm. Trung ương sẽ đầu tư trực tiếp và gián tiếp khoảng 15.000 tỉ đồng vào đây để triển khai chương trình này trên cả nước. Rất nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng rất tốt, mẫu mã đẹp, giá cả rất cạnh tranh.

 

CLB Truyền thông