Đại học số – cơ hội và thách thức với các trường đại học địa phương
 
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt khi Chính phủ Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu số đến năm 2030. Quyết định số 142/QĐ-TTg và các kế hoạch hành động kèm theo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang mở ra những cơ hội lớn, đồng thời đặt ra không ít thách thức cho các trường đại học địa phương trên hành trình xây dựng mô hình “đại học số”.

Sinh viên Trường Đại học Tân Trào rạng rỡ trong ngày tốt nghiệp

Cơ hội bứt phá

Trước hết, đại học số mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các trường đại học địa phương nhờ việc xóa nhòa ranh giới địa lý trong tiếp cận tri thức và học liệu. Với việc phát triển hệ thống học liệu số, học liệu mở và chương trình đào tạo trực tuyến theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sinh viên từ các địa phương xa xôi cũng có thể tiếp cận những chương trình đào tạo chất lượng cao như ở các đô thị lớn.

Thứ hai, việc triển khai cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu lớn và dữ liệu mở tạo điều kiện để các trường đại học địa phương tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới giáo dục quốc gia. Họ có thể khai thác, chia sẻ và phân tích dữ liệu để nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời phục vụ công tác quản lý hiệu quả hơn.

Ngoài ra, sự hỗ trợ từ các nền tảng công nghệ, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tuyển sinh, giám sát chất lượng đào tạo, xây dựng chính sách… giúp các trường địa phương tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và xây dựng thương hiệu giáo dục bền vững.

Thách thức hiện hữu

Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức lớn. Một trong những khó khăn phổ biến nhất với các trường đại học địa phương là hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin và đội ngũ nhân sự. Việc triển khai các nền tảng dữ liệu, ứng dụng AI hay số hóa hồ sơ đòi hỏi một hệ thống kỹ thuật đồng bộ, hiện đại – điều mà nhiều trường địa phương chưa có điều kiện đầu tư đầy đủ.

Bên cạnh đó, nhận thức và kỹ năng số của cán bộ, giảng viên còn chưa đồng đều. Việc triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về dữ liệu và an toàn thông tin theo kế hoạch của Bộ GDĐT là vô cùng cần thiết nhưng sẽ đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt và đầu tư dài hạn.

Một thách thức khác là nguy cơ tụt hậu nếu các trường địa phương không bắt kịp xu thế. Trong bối cảnh cạnh tranh trong giáo dục ngày càng khốc liệt, nếu không tận dụng tốt cơ hội chuyển đổi số, nhiều trường có thể bị “đứng ngoài cuộc chơi”.

Hướng đi nào cho tương lai?

Để vượt qua những thách thức trên, các trường đại học địa phương cần chủ động tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ của Bộ GDĐT; mạnh dạn đề xuất hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ và tổ chức quốc tế để được hỗ trợ về công nghệ và chuyên môn. Đồng thời, cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số riêng phù hợp với đặc thù địa phương và khả năng của nhà trường.

Đại học số không chỉ là một cuộc “cách mạng công nghệ” trong giáo dục mà còn là cơ hội quý báu để các trường đại học địa phương bứt phá, nâng cao vị thế và đóng góp mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của quốc gia.

Bài học kinh nghiệm rút ra cho Trường Đại học Tân Trào

Chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy lãnh đạo: Sự quyết liệt, định hướng rõ ràng từ Ban Giám hiệu nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc lan tỏa tinh thần đổi mới và chuyển đổi số đến toàn bộ cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Đầu tư hạ tầng công nghệ đi đôi với nâng cao năng lực GV, chuyên viên: Việc mua sắm thiết bị, triển khai hệ thống chỉ hiệu quả khi đội ngũ cán bộ có kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ. Nhà trường đã ưu tiên đào tạo nội bộ, tập huấn kỹ năng số cho giảng viên và cán bộ quản lý.

Trường Đại học Tân Trào đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục

Trường Đại học Tân Trào với cơ sở vật chất khang trang, Nhà trường tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số và ký kết hợp tác với các đơn vị đối tác, doanh nghiệp nhằm  tăng cường cơ hội hợp tác và tìm kiếm việc làm cho sinh viên

Xây dựng lộ trình phù hợp với điều kiện địa phương: Chuyển đổi số không thể “sao chép” mô hình từ các trường lớn mà cần điều chỉnh linh hoạt. Trường Đại học Tân Trào cần lựa chọn các bước đi vừa sức như: triển khai hệ thống quản lý học tập (LMS), số hóa hồ sơ sinh viên, ứng dụng công nghệ vào quản lý đào tạo….

Tận dụng nguồn lực bên ngoài qua hợp tác đa chiều: Nhà trường chủ động tìm kiếm các đối tác là doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu để hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao tri thức. Các chương trình hợp tác này giúp trường tiếp cận nhanh hơn với công nghệ hiện đại.

Phát huy vai trò của sinh viên trong quá trình chuyển đổi: Không chỉ là đối tượng thụ hưởng, sinh viên được khuyến khích tham gia sáng tạo học liệu số, xây dựng các dự án công nghệ giáo dục, qua đó góp phần tạo dựng môi trường học tập số chủ động, sáng tạo.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Với chiến lược phù hợp, các trường đại học địa phương nói chung cũng như Trường Đại học Tân Trào hoàn toàn có thể vươn lên, khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Trần Thị Mỹ Bình - Khoa Chính trị & TLGD
EMC Đã kết nối EMC