TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Dự Hội nghị có đồng chí Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, Chủ tịch Liên hợp thư viện; đồng chí Lê Văn Cựu - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên; cùng đại diện lãnh đạo sở khoa học và công nghệ các tỉnh và 130 đại biểu đại diện cho 65 Thư viện công cộng, Thư viện đại học, Thư viện chuyên ngành và Trung tâm thông tin trong cả nước.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Trần Đắc Hiến cho biết: Trong suốt quá trình hình thành và phát triển 15 năm qua, Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN đã có bước trưởng thành quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cho các cơ quan thông tin, thư viện trong nước. Lĩnh vực công nghệ số với sự phát triển và ứng dụng của các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Things) hay Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang lại nhiều thay đổi trong việc cung cấp các dịch vụ thông tin tới người dùng, các công trình khoa học được xuất bản và cung cấp đến tay người đọc một cách nhanh hơn, với nhiều tiện ích phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu. Xu thế tự xuất bản và truy cập mở cũng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, có tác động không nhỏ đến cách thức người dùng tiếp cận và sử dụng thông tin. Đồng chí cũng nhấn mạnh, thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp bổ sung nguồn tin quốc tế, Liên hợp cần tập trung tăng cường chia sẻ tài liệu, dữ liệu nội sinh giữa các đơn vị thành viên, xây dựng Ứng dụng Liên hợp thư viện trên thiết bị di động và nghiên cứu các phương án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho việc phát triển nguồn tin KH&CN.
Đồng chí Trần Đắc Hiến - Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia,
Chủ tịch Liên hợp thư viện phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đánh giá cao sáng kiến thành lập Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN. Đồng chí nhận định: “Đây là hoạt động rất có ý nghĩa và đi đúng xu hướng của thời đại. Nguồn tin KH&CN là bộ phận quan trọng của tiềm lực KH&CN quốc gia và các viện nghiên cứu, trường đại học cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho loại hình nguồn tin này”. Nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, nhiều lĩnh vực nghiên cứu ở Việt Nam bị cô lập do không cập nhật được tình hình nghiên cứu trên thế giới. Để KH&CN đuổi kịp và bứt phá với các quốc gia trên thế giới, cứu cánh duy nhất là tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và công nghệ số để tiếp cận nhanh chóng tri thức của nhân loại qua hệ thống dữ liệu, tài liệu trong các thư viện.
Đồng chí Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã lần lượt được nghe Báo cáo tổng kết Liên hợp thư viện 2018-2019 và phương hướng hoạt động 2019-2020; phân tích một số xu hướng công nghệ mới tác động đến hoạt động thông tin thư viện; đại diện nhà xuất bản Elsevier báo cáo tham luận phân tích xu hướng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; đại diện nhà xuất bản Springer Nature phân tích kết quả hoạt động nghiên cứu và xu hướng nghiên cứu, hợp tác của Việt Nam với các nước trên thế giới; đại diện công ty iGroup trình bày các giải pháp công nghệ cho thư viện thông minh, cập nhật những tính năng mới của CSDL dùng chung của Liên hợp thư viện ProQuest Central; và một số tham luận của các đại biểu đến từ các học viện, thư viện đại học.
Trong năm 2018, Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ với việc củng cố cơ sở pháp lý, ban hành Quy chế tổ chức hoạt động; số lượng thành viên chính thức phối hợp bổ sung nguồn tin quốc tế tăng 12% so với năm 2017 và tổ chức các hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực cho các đơn vị thành viên. Hội nghị cũng đề ra phương hướng hoạt động trong giai đoạn tới theo Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tiếp đó, phiên thảo luận diễn ra sôi nôi với nhiều ý kiến tham góp của các đại biểu trong việc phối hợp bổ sung các nguồn tin KH&CN quốc tế có giá trị và chia sẻ các nguồn tin KH&CN nội sinh giữa các thành viên, góp phần thỏa mãn nhu cầu của người dùng tin trong cả nước. Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới đối với hoạt động phát triển nguồn tin KH&CN của Việt Nam, là hoạt động thiết thực để triển khai Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham góp ý kiến tại Hội nghị
Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Thông tin Thư viện Trường Đại học Tân Trào tham dự Hội nghị
Hội nghị thường niên của Liên hợp thư viện cũng là dịp để các thành viên tham dự có thể nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ thông qua giao lưu, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thông tin thư viện, các đồng nghiệp đến từ các thư viện thành viên trong cả nước và tìm kiếm các cơ hội hợp tác các nhà xuất bản, các tổ chức trong và ngoài nước.
Liên hợp Thư viện Việt Nam về các nguồn tin khoa học và công nghệ (Vietnam Library Consortium on e-resources) được thành lập vào tháng 12 năm 2004, tại Hà Nội, trên cơ sở tự nguyện, ban đầu gồm 26 thành viên. Các thành viên của Liên hợp thư viện đã nhất trí đề nghị Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (nay là Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia) là cơ quan điều phối của Liên hợp. Hiện có hơn 100 đơn vị đã thể hiện nguyện vọng được trở thành thành viên của Liên hợp.
Mục đích của Liên hợp là nhằm bổ sung các nguồn tin điện tử cho các thư viện ở Việt Nam, tăng cường việc chia sẻ nguồn lực, sử dụng hiệu quả kinh phí bổ sung tài liệu và tập hợp trong một tổ chức để đàm phán các nhà xuất bản, nhà phân phối cơ sở dữ liệu.