NHẬT KÝ TRƯỜNG SA (Toàn tập)
 
Theo kế hoạch, hôm nay ngày 29/5/2014, đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang chúng tôi gồm 26 thành viên sẽ khởi hành đi thăm Trường Sa cùng với gần 200 thành viên của các Bộ, ngành và tỉnh thành khác trong cả nước.

      Khi nghe tin được đi công tác tại Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 tôi thực sự vui mừng và cảm ơn Tỉnh Tuyên Quang đã cho tôi cơ hội để trải nghiệm những vất vả của quân và dân Huyện đảo Trường Sa. Đoàn công tác xuất phát từ tỉnh Tuyên Quang ngày 27/5/2014, bay vào Thành phố Hồ Chí Minh và ở tại Nhà khách của Bộ Tư lệnh Hải quân, số 1 Tôn Đức Thắng, Quận 1. Ngày 28/5 đoàn đi thăm UBHC mới của Tỉnh Bình Dương.

Hải đồ Trường Sa

          

Tầu HQ-561

     Ngày 29/5/2014, theo kế hoạch đoàn sẽ lên tàu đi Trường Sa. 

     4h sáng, mọi người đều thức giấc và lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đi sau một đêm thao thức.

     5h30 ăn sáng. Lâu quá không còn nhớ, đã bao nhiêu năm rồi không ăn cơm chững chạc vào buổi sáng theo điều lệnh quân đội. Mọi người và tôi, ai cũng tự giác ăn hai bát vì hiểu rằng cần giữ gìn sức khoẻ cho cuộc hành trình dài giữa biển khơi, khi đói chắc chắn sẽ không như trong đất liền.

      6h mọi người lên xe và ra quân cảng Cát Lái để đi Trường Sa qua TP Vũng Tàu.

     8h, nhận phòng trên tàu, khu D1, 16 người một phòng, mát mẻ, sạch sẽ. Chuyến đi này vô cùng ý nghĩa và có rất nhiều lãnh đạo các Bộ, Ngành, tỉnh, thành trong cả nước nên được điều tàu hải quân HQ561 tốt nhất của hải quân vùng 4 hiện nay. Chiếc tàu HQ561 này trị giá 400 tỷ, mới lắp thêm bộ cân bằng để không bị lắc giá 20 tỷ. Đây là con tàu tốt nhất hiện nay của Hải quân Việt Nam. Tàu đi êm, không có tiếng ồn. Thành viên trong phòng có hai tỉnh Phú Yên và Tuyên Quang.

  Con tàu HQ561 xuất phát từ Quân cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh đã sắp sửa rời bến, ra với biển, với đảo Trường Sa thân yêu. Biển bao la không lúc nào lặng sóng nhưng trong lòng chúng tôi sao thấy ấm áp, thân thươngLúc này đây, trong lòng tôi trào dâng và đan xen nhiều cảm xúc khó tả. 2 ngày nữa, con trai lớn của tôi sẽ xa gia đình, xa quê hương, bắt đầu khởi hành tu nghiệp tại Anh Quốc xa xôi. Tôi không có cơ hội tiễn con ra sân bay, đành phải chúc con mạnh khoẻ và học tập tốt qua những cuộc điện thoại. Nhưng tôi biết con tôi sẽ hiểu vì ba của con đã và đang làm một việc vô cùng ý nghĩa. Con hãy tự hào vì ba đang góp phần nhỏ bé vào phong trào "Cả nước vì Trường Sa", "Vì biển đảo quê hương".

    8h30, Còi tàu đã điểm, các sĩ quan Hải quân thực hiện nghi thức đón Thủ trưởng đoàn công tác và các đại biểu. Giọng nói của phát thanh viên trên tàu ấm áp, chúc hải lộ bình an. Chào đất liền.

    Sóng và gió biển chắc chắn đang đón chờ chúng tôi ở phía trước, nhưng tất cả chúng tôi đã sẵn sàng.

    Theo thông báo của tàu: một ngày sẽ ăn 4 bữa, sáng 5h30, trưa 10h30, chiều 17h30 và buổi tối 21h. Tất cả mọi người phải thực hiện nghiêm túc quy định của tàu, đúng tác phong quân đội.

    Cất dọn đồ đạc xong, mọi người nghỉ ngơi, thư giãn ít phút. Không gian yên lặng, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng. Tiếng tivi trên tàu đang phát sóng các bài hát về biển đảo.

    10h30. Ăn cơm trên tàu, bữa ăn đầu tiên của một thủy thủ đoàn, mọi người cũng đói nên ăn khá ngon lành.

     Đúng 12h, tàu ra cửa biển. Mất sóng di động, chỉ còn sóng vệ tinh của tivi. Biển thật xanh, chỉ thấy chân trời và sóng rất nhỏ.

    14h Một khẩu lệnh vang lên qua tiếng loa trong phòng: "Đã hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu, đã hết giờ nghỉ, toàn tàu bào thức, báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức". Mặc dù còn ngái ngủ nhưng tất cả đều vui vẻ chấp hành vì đây là điều lệnh của quân đội. Mỗi chúng tôi đã tự coi mình như một người lính, một người lính Hải quân.

   Cả buổi chiều ngồi ở trước cabin tàu nhìn biển, lâu lắm mới có một khoảng thời gian không phải suy nghĩ nhiều, thật là thư thái, thỉnh thoảng có những con cá chuồn bay vọt lên mặt nước và bay xa hàng vài chục mét, những hình ảnh chỉ nhìn thấy trong phim.

  Buổi tối giao lưu văn nghệ giữa các đoàn, cũng phải thừa nhận rằng lính Hải quân thật đa tài, họ hát khá hay, các diễn viên không chuyên của các đoàn được dịp trổ tài, hay nhất là các tiết mục của Nhà hát Sao biển tỉnh Phú Yên và giọng ca quan họ của ca sĩ đoàn tỉnh Bắc Giang, họ là diễn viên chuyên nghiệp.

 11h đêm, cả phòng chuẩn bị đi ngủ sau một ngày nhìn ngắm biển Đông. Tiếng sóng biển hòa cùng tiếng hát ngân nga "Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới là đảo xa..." nghe sao thân thương đến lạ!

Ngày 30/5/2014

Chụp ảnh kỉ niệm với "chiến sĩ Hải quân"

       4h30. Tự nhiên thức dậy, tưởng chỉ có một mình thức, hóa ra có nhiều người cũng đã tỉnh giấc từ lâu nhưng nằm yên để cảm nhận sự lắc lư của tàu trên sóng biển. Giờ này, cả nhà chắc cũng đã dậy để chuẩn bị đưa con trai của tôi đi Hà Nội. Không hiểu sao vào những lúc quan trọng nhất của gia đình, tôi thường không có mặt để chứng kiến. Dù sao tôi cũng yên tâm vì có một người vợ luôn biết chia sẻ với chồng những lúc như thế này. Mọi việc chuẩn bị cho con đã xong, không còn phải lo lắng nhiều nữa. Chúc con trai không lộ bình an. Ba mong con giữ gìn sức khoẻ và cố gắng học tập thật tốt. Không có thành công và hạnh phúc nào tự đến. Tất cả đều do ta tự học hỏi, tự tích lũy trên con đường tìm kiếm tri thức của nhân loại.

   7h30, một đàn cá heo bơi trước mũi và hai bên mạn tàu, những con cá chuồn bay vùn vụt trên mặt nước, cảnh tượng thật là thú vị. Mọi người nói, gặp cá heo là một điều may mắn. Trời vẫn yên, biển vẫn lặng sóng, nhìn các anh bộ đội Hải quân mặc những trang phục màu trắng trên tàu rất đẹp.

  17h30, Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang chiêu đãi toàn tàu bằng các món ăn đặc sản Tuyên Quang như thịt trâu khô, thịt chua và rượu ngô Nà Hang. Buổi chiêu đãi thật vui và cũng thật say.

                                                                           Tàu HQ - 561 và thủy thủ đoàn

 

 

  

Giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ trên đảo

  

Ngày 31/5/2014

          5h30, báo thức toàn tàu. Khi lên boong, đảo Trường Sa Lớn đã ở trước mặt. Màu xanh mát của cây bàng quả vuông xen lẫn những ngôi nhà mái đỏ và các máy phát điện sức gió, khung cảnh trông thật lạ mắt! Đoàn chia làm hai, một đoàn nhỏ đi thăm đảo Đá Lát, còn lại lên thăm đảo Trường Sa lớn. Tôi lên thăm đảo Trường Sa.

                                                                Bàng vuông, loại cây đặc trưng chỉ có trên đảo

  

          7h00, Đoàn công tác bắt đầu lên đảo. Quân và dân huyện đảo Trường Sa đón đoàn tại cổng huyện đảo. Cả đoàn tham gia Lễ chào cờ Tổ quốc và chứng kiến lễ duyệt binh ấn tượng của hải, lục, không quân trên đảo, đặc biệt là đội quân đặc công nước với trang phục, vũ khí hiện đại. Đoàn cũng đã thắp hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đền thờ Bác Hồ và chùa Trường Sa lớn. Diện tích của đảo khoảng trên 160.000m2. Đảo có một đường băng cho máy bay lên xuống dài 600m, rộng 30m.

Tiễn Đoàn công tác tại Quân cảng Cát Lái

          11h, Đoàn về tàu ăn cơm với món cá do các thủy thủ câu được tối qua, thật ngon.

          14h, đoàn làm việc với huyện đảo Trường Sa, sau đó đi thăm và tặng quà các hộ dân trên đảo, trồng cây Đa, thăm trạm đèn hải đăng, trạm DGPS và đài khí tượng đảo Trường Sa.

Thỉnh chuông tại đền thờ Bác Hồ trên đảo Trường Sa lớn

          17h30, quân và dân trên đảo tiếp cơm chiều đoàn công tác.

          19h, giao lưu văn nghệ với quân và dân trên đảo. Đoàn ca múa Sao Biển của Phú Yên thật sự là chuyên nghiệp, ca sĩ và vũ công diễn thật hay và là chủ công của chương trình.

Trên Trường Sa lớn nhớ chút xưa

          21h, buổi giao lưu kết thúc và cũng là lúc tàu phải rời đảo Trường Sa. Còi tàu kéo lên, tiếng chuông reo lên ở các phòng, mọi người ra boong mạn phải thì nhìn thấy toàn bộ quân và dân của đảo xếp hai hàng ngang để chào và tiễn khách. Người trên bờ, khách dưới tàu đều hát vang những bài hát quen thuộc, không đầu không cuối, khung cảnh rất cảm động. Tàu hú ba hồi còi dài. Tạm biệt Trường Sa lớn thân yêu!.

          Con trai hiện giờ đang đi ô tô từ  Manchester về Liverpool. Thế là con đã đến nước Anh, còn 20km nữa là con sẽ đến nơi cần đến. Hôm nay, khi bố chia tay với các anh bộ đội Trường Sa, nhiều người cùng lứa tuổi 20-23 như con, bố nghĩ đến con, mong con hãy học tập và rèn luyện để xứng đáng với sự quan tâm của mọi người và bố mẹ. Hãy cố gắng con trai nhé!

1/6/2014

          4h45 mọi người đã dậy. Tôi lên boong, xa xa đảo Đá Tây đã ở phía mạn trái tàu. Đảo Đá Tây gồm 3 điểm đảo A, B và C. Sáng nay, tôi ở trong đoàn đi đảo Đá Tây B bằng xuồng, mọi người còn lại lên đảo Đá Tây A. Khu Đảo Đá Tây rộng khoảng 51km là khu đảo chìm với nền là các rạn san hô. Khi nước biển hạ thấp, nhìn khu đảo như một miệng núi lửa. Điểm đảo A có một khu như chiếc hồ sâu ở giữa đảo để tàu thuyền vào tránh bão, đây cũng là nơi cung cấp dich vụ hậu cần cho tàu cá Việt Nam.

Đảo Đá Tây B

Đi xuồng lên đảo Đá Tây B - Thủ trưởng rời tàu

          Trang phục áo phao, dép rọ, mũ tai bèo, tôi đi xuồng lên đảo Đá Tây B. Đảo Đá Tây B chỉ cách đảo Châu Viên mà Trung Quốc chiếm đóng khoảng trên 30 hải lý. Đảo gồm 4 cụm nhà: khu chỉ huy, khu nhà ở, nhà văn hoá đa năng huyện Trường Sa và ngọn Hải Đăng. Chỉ huy đảo là một đại uý 26 tuổi, rất trẻ. Tất cả các khu nhà được xây nổi trên đảo chìm và nối với nhau bằng một hệ thống cầu. Dưới nước, hàng đàn cá Kìm và những loài cá khác bơi lượn trông rất sinh động, đẹp mắt. Đảo nuôi rất nhiều chó để vừa bảo vệ, vừa cải thiện cho bộ đội.

          Con trai của tôi đã đến nơi an toàn, điện về cho mẹ và kể rằng nơi ở rất đẹp và đầy đủ tiện nghi, một cuộc sống hứa hẹn đang ở phía trước nếu con nỗ lực và quyết tâm.

          Theo lịch, 11h hôm nay tàu rời đảo Đá Tây đi đảo Trường Sa Đông, và đảo Tiên nữ.

          12h30, đoàn lên đảo Trường Sa Đông bằng canô. Toàn quân trên đảo xếp hàng đón đoàn công tác theo nghi thức quân đội. Toàn bộ đảo đã được xây dựng và cũng như Trường Sa lớn, toàn bộ hệ thống hầm và đường ngầm dưới lòng đất đảm bảo phòng thủ vững chắc cho sự an toàn của đảo.

 Đảo Trường Sa Đông

          Đảo Trường Sa Đông cách Nha Trang khoảng 360 hải lý, tương đương gần 700km, cách đảo Chữ Thập do Trung Quốc chiếm đóng khoảng 19 hải lý tức khoảng 37km.

     Trên đảo trường Sa đông, tôi nhìn thấy một vườn hoa khá đẹp, rực rỡ, lại gần thì ra là hoa mào gà. Mỉm cười nhớ lại ngày xưa khi mới lên Tuyên Quang công tác và ở tại Trường THPT Hàm Yên, có một cây mào gà rất to và tươi tốt, tôi tưởng là cây rau dền đỏ, hái nấu canh rất ngon, ăn mấy tháng trời. Một thời gian sau nghỉ hè quay lại trường thấy hoa nở đỏ rực mới biết đấy là cây hoa mào gà, thế mà chẳng sao. Về sau khi kể lại mọi người cứ gọi đùa tôi là "tiến sĩ mào gà", nghĩ cũng hay.

                                                          Hoa mào gà và hoa mười giờ trên đảo Trường Sa Đông         

16h30 tàu rời Trường Sa Đông đi đảo Tiên Nữ, đây là đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa do Việt Nam quản lý, cách đất liền khoảng 450 hải lý.

          4 ngày lênh đênh trên biển cả, cảm giác nhớ nhà bắt đầu xâm chiếm. Trong hoàn cảnh này mới thấy thương và cảm thông với các anh bộ đội Trường Sa. Chiều nay nói chuyện với một bác sĩ quân y phụ trách các cụm đảo, anh có tâm sự: hầu hết cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đều bị trầm cảm do sự căng thẳng trong huấn luyện, ít được tiếp xúc với xã hội bên ngoài và đặc biệt là thiếu tình cảm của đất liền.

          Sau chuyến đi này, làm cách nào để truyền sự cảm thông, chia sẻ của CBGV, HSSV trường Đại học Tân Trào đến các chiến sĩ Trường Sa? Mỗi người chúng ta nếu có ý thức trách nhiệm làm tốt những phần việc của mình, có lẽ đó là cách tốt nhất để đền đáp công sức các anh - những người đã hy sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tự dưng trong lòng tôi có cảm giác buồn vì vẫn còn một số CBGV của mình chưa thật tôn trọng bản thân và nghề nghiệp của chính mình.

          Trong chuyến đi này, tôi cũng đã chuẩn bị một số quà tặng cho cán bộ chiến sỹ các đảo, nhưng sao thấy vẫn còn rất nhỏ nhoi. Thứ mà các anh thiếu là tình cảm quê nhà. Có cách nào để cho CBGV và HSSV của tôi hướng tới Hoàng Sa, Trường Sa là điều tôi trăn trở và thường nghĩ đến sau mỗi chuyến lên đảo và ra tàu. Thật sự khó.

Ngày 2/6/2014

          5h00, đoàn đến đảo Tiên Nữ. Đây là một đảo chìm, rộng, được xây cho bộ đội ở để khẳng định chủ quyền. Đảo cách đất liền hơn 420 hải lý và là đảo xa nhất trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam quản lý.

Tiên Nữ, đảo xa nhất phía Đông

          8h30, đoàn trở về tàu và khởi hành đi đảo Núi Le. Đảo Núi Le cũng giống như các đảo chìm san hô khác. Đảo có hai điểm A và B. Đảo A có hai khu nhà, các nhà xây đều dưới dạng lô cốt phòng thủ.

          Trời nắng, nóng. Giữa biển cả lại không có gió nên lên đến đảo, ai cũng thấm mệt. Nhưng chia sẻ với sự vất vả của các anh bộ đội, mọi người đều vui vẻ tham gia vào các hoạt động trên đảo. Sôi động nhất là các diễn viên của Nhà hát Sao Biển, Phú Yên. Họ rất nhiệt tình và chuyên nghiệp. Với một cây ghi ta và hai chiếc đũa, họ hát thật hay, chơi ghi ta thật cừ về các bài hát về Trường Sa và biển cùng với các chiến sĩ trên đảo.

   Cũng lạ, các chiến sĩ trên đảo này còn nuôi được cả một đàn vịt, thật tài tình, không biết nó ăn gì trong nước mặn.

   Cũng như các đảo khác, các anh bộ đội nhanh chóng hoà nhập với đoàn, rất tự nhiên và gần gũi. Giữa mênh mông sông nước, một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi cũng làm ấm lòng các chiến sĩ. Tuy nhiên, tự nhiên thoảng qua một suy nghĩ, trong đoàn có những người coi chuyến đi này như một chuyến du lịch khám phá, thật có lỗi với sự vất vả, hy sinh của các chiến sĩ Trường Sa. 

Ngày 3/6/2014

          4h sáng, mọi người đã bắt đầu dậy, không cần đợi báo thức toàn tàu. Nếu ở đây thêm vài ngày nữa chắc sẽ tạo thành nếp mới: 4h sáng thức dậy, 5h30 ăn sáng, 10h30 ăn trưa, 17h ăn cơm chiều, 21h ăn tối và những khẩu lệnh: hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức. Mọi người khảo dị thành nhiều khẩu lệnh khác nhau như: ăn cơm toàn tàu, toàn tàu ăn cơm... và nhiều kiểu khác nữa. Đặc biệt khi Thủ trưởng đoàn công tác rời tàu hay về tàu đều được thông báo Thủ trưởng rời tàu hay Thủ trưởng về tàu và tàu lại kéo hai hồi còi dài. Vai trò của Thủ trưởng trong quân đội thật sự được tôn trọng và thể hiện rõ nét.

          Sáng lên boong, mới 5h mà mặt trời đã rõ, có gió nhưng biển khá lặng báo hiệu thêm một ngày nữa yên tĩnh nhưng nắng nóng.

          7h30, đoàn lên canô vào đảo Thuyền Chài C. Sở dĩ có tên gọi Thuyền Chài vì trước đây đảo là một chiếc tàu cũ, đánh chìm xuống đảo san hô và phần nổi lên trên là chỗ cho bộ đội ở. Sau này xây hai khu nhà nổi cho cán bộ chiến sỹ ở và vẫn lấy tên là Thuyền Chài . Chiếc thuyền cũ rất cổ kính và cách khu mới khoảng vài trăm mét, mặc dù không còn sử dụng nhưng nó vẫn tồn tại như một minh chứng cho chủ quyền lâu đời của Việt Nam trên Biển Đông.

Đảo Thuyền Chài cũ

          Được đồng chí Chủ tịch tỉnh giao viết cảm xúc vào sổ Lưu niệm của đảo, tự nhiên ý tứ câu văn biến đi đâu hết. Thế mới thấy, trước sự hy sinh, vất vả, khó khăn của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa, mọi sự chia sẻ, cảm thông đều khó nói lên thành lời, viết nên thành câu. Trước sự quên mình của các chiến sĩ, chúng tôi cảm thấy những công sức đóng góp của mình quá nhỏ bé.

          9h, chúng tôi rởi đảo về tàu. Trên đường về tàu gặp sóng lừng. Mọi người không cảm thấy lo lắng, trái lại còn tỏ ra thích thú, giống như đang trải nghiệm chút cảm giác mạnh. Tôi bất giác cài lại các khoá của áo phao, nhét điện thoại vào túi, thoáng ước lượng khoảng cách còn lại để về tới tàu. Tôi không biết bơi.

          Con trai thứ hai của tôi gọi điện hỏi thăm sức khoẻ của bố và hỏi mỗi ngày tắm biển mấy lần, cậu ta tưởng bố đi du lịch. Trong 2 cậu con trai, cậu lớn thì cao, gầy, hiền, ít thổ lộ và ngại giao tiếp, cậu nhỏ thì mập, nhanh nhẹn, mồm mép và rất tinh ý. Hai cậu bù trừ cho nhau, mong rằng cậu cả sẽ ổn định để có thể là chỗ dựa cho em nếu có điều kiện đi du học. Hai anh em được cái rất quí nhau.

          Giữa đại dương mênh mông, tự nhiên một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: nếu lênh đênh một mình trên biển giống như cậu bé Pi sống trên thuyền cùng một con hổ sau vụ đắm tàu trong phim "Chuyện của Pi", mình sẽ làm gì? Hi, thỉnh thoảng cũng cần viển vông một chút để khỏi phải nghĩ đến những việc khác, nhớ nhà, nhớ công việc hàng ngày.

          Tàu lại rời đi đến Đảo Thuyền Chài A. Trong phòng yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ và một vài tiếng ngáy đã nổi lên.

                                                                                         Đảo Thuyền chài A

          Cụm đảo Thuyền Chài cách bờ khoảng 340 hải lý, phía xa thỉnh thoảng lại nhô lên một vài mỏm đá. Cũng kỳ lạ, giữa biển khơi lại có những bãi cạn rộng hàng chục hecta, khi triều lên là biển, khi triều xuống là đảo. Cứ tưởng tượng những dãy đảo là các dãy núi dưới nước thì các đảo chính là đỉnh núi.

          13h30 đoàn lên đảo Thuyền Chài A, là đảo giữa hai đảo B và C chạy dài hơn 30km. Sau khi làm việc và tặng quà trên đảo, đoàn phải rời đảo về sớm do nước triều bắt đầu rút. Trên đường về tàu, sóng lừng cao cỡ 1,5m. Cũng sợ nhưng yên tâm bởi lái canô là những chiến sĩ hải quân dày dạn kinh nghiệm. 15h canô cặp mạn tàu.

          16h15, tàu rời khu đảo Thuyền Chài đi đảo An Bang. 19h, tàu đến An Bang và neo ngoài khơi cách đảo khoảng 5 hải lý. Bên cạnh có một tàu quân sự lớn đợi sẵn. Mãi về sau chúng tôi mới hiểu rằng tại thời điểm nhạy cảm này, tại sao lại có chuyến đi cuối cùng trong năm ra Biển Đông, khu vực đan xen giữa 5 quốc gia có tuyên bố chủ quyền, nhất là trong khu có các đảo do Trung Quốc chiếm đóng là Châu Viên, Gạc Ma, Chữ Thập, Huy Gơ. Đó là việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam và đoàn công tác này là nhằm mục đích như vậy. Vì thế, đoàn được đi bằng tàu Quân y của Hải quân tốt nhất hiện nay. Tàu có đầy đủ thiết bị và cơ sở vật chất cho hơn 200 người hoạt động trên biển liên tục 45 ngày, tàu này thuộc hệ thống Communicate with through boundaries nên sẽ không bị tấn công. Tuy nhiên, Bộ tư lệnh hải quân đã có phương án đảm bảo an toàn cho chuyến đi với sự tham gia của cả hải, lục, không quân. Thật sự yên tâm.

         Tối nay đoàn Tuyên Quang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chiêu đãi toàn tàu. Làm vài chén rồi rút về phòng. Gió biển quá lớn, mình cũng phải giữ gìn sức khoẻ để tiếp tục cuộc hành trình.

Ngày 4/6/2014

          4h20, thức dậy sau một đêm trằn trọc, khó ngủ. Đã thấm mệt, trong đoàn, có một số người ốm phải truyền. Thế mới biết để chịu được khó khăn, gian khổ giữa biển khơi, ngoài sức khoẻ bền bỉ, dẻo dai cần phải có thêm ý chí mạnh mẽ cộng với sự quyết tâm. Điều này khiến chúng tôi thêm nể phục các chiến sĩ Trường Sa. Sinh hoạt hàng ngày thiếu thốn mà họ còn phải luyện tập với cường độ cao, đặc biệt với lực lượng đặc công nước. Các chiến sĩ được chở ra ngoài biển cách bờ khoảng 10km, tuỳ theo bài tập mà họ phải từng nhóm bơi vào bờ. Hàng ngày luyện tập trên biển liên tục 8 giờ, ăn uống trên biển, trong lúc bơi tác chiến (lực lượng này còn gọi là người nhái). Có lần hỏi đùa một cậu Hải quân đánh bộ có phải là người nhái không, cậu ta nói không phải và chỉ sang cậu phòng bên cạnh và nói: kia mới là người nhái, cậu chàng người nhái nghe thấy quay lại cười rất tươi và nói nhái đâu mà nhái, người mà lại gọi là nhái, thật hóm hỉnh.

          Đảo An Bang là đảo nổi cuối cùng phía nam quần đảo Trường Sa. Đảo cách đất liền 320 hải lý. Cấu trúc của đảo giống như một cây nấm. Bờ kè cao khoảng 2m. Sóng ở đây thường rất cao và tàu thuyền rất khó cập đảo. Đảo An Bang xen kẽ các đảo do Philipin, Malaixia chiếm giữ. Cán bộ chiến sỹ trên đảo đã cải tạo bãi đá san hô thành đất trồng cây, trồng rau. Các công trình trên đảo được xây dựng khá khang trang và kiên cố.

Đảo An Bang

          Thật cảm động, hàng chục chiến sĩ trên đảo đứng chờ để giữ canô và kéo vào vì sóng đánh rất mạnh, có lúc cảm giác như muốn lật thuyền. Lúc ra còn khó hơn lúc vào. Phục vụ đoàn, các chiến sĩ vất vả nhưng rất vui vì được đón khách lên đảo.

        Hôm nay, trường Đại học Tân Trào tặng quà riêng cho các chiến sĩ trên đảo 10 triệu đồng, ngoài ra còn tặng các chiến sĩ những chiếc thẻ sim điện thoại di động Vietel. Theo quy định, các chiến sĩ chỉ được gọi điện thoại 2 ngày (thứ 7, chủ nhật), các sĩ quan được gọi tất cả các ngày trong tuần và không được dùng các loại smart phone, chỉ được dùng điện thoại thường. Không có sóng 3G vì cán bộ chiến sỹ không được phép chụp ảnh và gửi hình ảnh nhằm đảm bảo bí mật.

Tặng quà cho các chiến sĩ đảo An Bang

          Buổi trưa, bộ phận phục vụ trên tàu mời 4 anh em trong phòng đi ăn các món chế biến từ cá Bò câu được. Mệt nhưng vẫn thấy khá ngon, tất nhiên cuối cùng tất cả đều xỉn. Về phòng ngủ vì tàu còn chạy hơn một ngày đêm nữa mới tới đảo tiếp theo, Nhà giàn DK1 thuộc khu Tư Chính của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Vùng 2 Hải quân quản lý.

Ngày 5/6/2014

          Tàu chạy cả đêm, 6h sáng đến nhà giàn DK1, loa trên tàu thông báo 8h kém 10 đoàn tổ chức Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại nhà giàn DK1, sau đó mới lên nhà giàn, có vẻ nguy hiểm vì thông báo đã nhắc đi nhắc lại cách thức đặt chân lên xuồng, lên bậc nhà giàn.

          Đúng 8h, bắt đầu Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam. Sau bài diễn văn tưởng nhớ, còi tàu hú 3 hồi còi dài, nhiều người không cầm được nước mắt, đoàn công tác đã thả vòng hoa, lễ vật dâng lên hương hồn các liệt sĩ. Mọi người cùng thả hương hoa xuống biển và cùng hướng mắt nhìn ra xa, thầm ước nguyện cho hương hồn các anh được yên nghỉ, các anh hãy phù hộ cho mọi người dân Việt Nam được ấm no, hạnh phúc và đất nước Việt Nam được thái bình, thịnh vượng.

Thả hoa và lễ vật tại Nhà giàn DK1

          Sau Lễ tưởng niệm, đoàn ra thăm nhà giàn DK1/12. Thực sự nguy hiểm, một chiến sĩ Hải quân làm mẫu nhưng bị trượt chân rơi ngay xuống biển, may là anh ta bơi rất giỏi. Mình đùa vui với mọi người: đây là trường hợp làm mẫu cách trở lại cano an toàn khi bị rơi xuống biển.

Nhà giàn DK1/12

          Nhà giàn DK là cụm Tư chính có nhiều nhà ở các nơi khác nhau thuộc vùng 2 Hải quân. Mỗi nhà là một khung giàn nổi đặt trên 4 chân cắm xuống biển như hệ thống nhà sàn. Nhà chịu được bão cấp 5, cấp 6, nếu lớn hơn phải sơ tán chiến sĩ. Cuộc sống của các chiến sĩ trên nhà giàn quả là khó khăn, thiếu thốn. Có chiến sĩ đã ở nhà dàn đến 13 năm, thật là một điều phi thường.

                                                                              Trên nhà giàn DK1/12          

        15h tàu khởi hành về Vũng Tàu. Sóng lớn, tàu lắc, quãng đường cần phải đi là hơn 300 hải lý, tương đương hơn 550km. Sóng biển mới cấp 3, cấp 4 mà nhiều người đã có hiện tượng say sóng. Dự đoán sẽ là một chuyến đi về vất vả. Đúng vậy, chiều nay đoàn Cao Bằng, Hưng Yên, Bộ Khoa học và Công nghệ chiêu đãi, vắng đến gần 1/2. Say sóng. Ngay phòng nam của đoàn cũng nhiều người thấy khó chịu, lên ăn cơm rất nhanh rồi về phòng. Không còn có hứng thú giao lưu, kể cả người khoẻ nhất. Cũng may mắn là chỉ còn hơn một ngày nữa ở trên biển. 7 ngày đầu sóng yên, biển lặng, mọi người nói vui như đi du thuyền ở Hồ Tây, thế này ai mà chả đi được và còn mong sóng to hơn tí nữa để trải nghiệm. Bây giờ sóng mới có cấp 4, cấp 5 mà đã kêu trời. Thật lạ! Tôi nhớ tới câu nói của cậu con trai thứ hai: "từ khổ lên sướng thì chịu được nhưng từ sướng về khổ thì không chịu được". Thật hóm hỉnh, nhưng đúng là như vậy!

Ngày 6/6/2014

          Sáng nay dậy muộn hơn mọi khi, gần 6h. Mặc dù khá mệt mỏi nhưng cả phòng không ai say sóng. Sau ăn sáng, mọi người đều muốn nghỉ tại chỗ, người xem tivi, người chơi điện tử, người nhìn vu vơ ra ngoài cửa sổ. Nhớ nhà, nhớ đất liền.

Bữa sáng trên tàu

          7h15, tàu qua khu mỏ Đầu rồng. Nhìn sơ qua thấy có khoảng 5-6 mỏ. Biết là có sóng di động nhưng ở trên thì gió quá mạnh, ở dưới lại không có sóng, nên không ai gọi được điện về nhà.

          8h, thấy nói trên boong đã có sóng Vinafone, chắc sẽ có Mobifone. Có lẽ cũng khá gần đất liền hay qua một khu mỏ khai thác dầu. Còn khoảng 10h tàu chạy, tương đương 140 hải lý nữa là tới Vũng Tàu. Tối nay, tàu sẽ neo tại biển Vũng Tàu, ngày mai trở về Sài Gòn tại Quân cảng Cát Lái, tổng kết tại Bộ Tư lệnh Hải quân, số 1 Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh.

Đất liền nhìn từ biển

          13h30, nhìn thấy đất liền với những rặng núi nhấp nhô phía chân trời, bao cảm xúc trào dâng. 10 ngày với nắng, gió và sóng biển sao dài lạ! Cảm phục thêm các chiến sĩ Trường Sa, hàng năm trời mới được về thăm nhà.

          Hành trình dần kết thúc, mọi nội dung trong kế hoạch của chuyến đi đang được thực hiện các bước cuối cùng. Dù biết rằng khó có thể có thêm một chuyến đi như thế này nữa, nhưng vẫn hy vọng một lần nữa sẽ được quay trở lại những nơi đã đặt chân qua, chứng kiến sự đổi thay của nó trong phong trào "Hướng về Biển đảo quê hương".

          Theo thông báo, tối nay tàu neo ngoài khơi Vũng Tàu cách khoảng 5 hải lý. Ngày mai, đi TP HCM, 2h30 lên máy bay về Hà Nội.

          Những dòng nhật ký về Trường Sa thân yêu sẽ dừng tại đây. Câu chuyện có thể chưa đầy đủ, chưa mô tả hết về cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ Quần đảo Trường Sa cũng như hoạt động của đoàn công tác hay câu chuyện có thể lặp lại, nhưng đây là câu chuyện có thực và cảm xúc thực từ trái tim của một con người đã đặt chân đến Trường Sa. Hy vọng, những dòng nhật ký này sẽ giúp cho người đọc hình dung một phần về nơi xa xôi nhất của Tổ quốc Việt Nam. Một phần máu thịt của nước Việt thân yêu-Quần đảo Trường Sa. Tạm biệt trường Sa.

          Kết thúc một chuyến đi vất vả nhưng đáng nhớ và có rất nhiều cảm xúc. Tạm biệt Trường Sa thân yêu!

Một số thống kê:

- Thời gian đi liên tục trên biển, đảo: 10 ngày;

- Quãng đường đi: hơn 1200 hải lý, tương đương hơn 2.232km;

- Số đảo đến thăm: 10 đảo và 01 nhà dàn DK, cụ thể:

     + 03 đảo nổi: Trường Sa lớn, Trường Sa đông, An Bang;

     + 7 đảo chìm: Đá Lát, Đá Tây A, Đá Tây B, Tiên Nữ, Núi Le, Thuyền Chài A, Thuyền Chài C;

     + 01 Nhà dàn DK1/12 thuộc vùng biển Tư Chính.

- Tổng số quà tặng của cả đoàn công tác hơn 7,2 tỷ đồng. trong đó đoàn Tuyên Quang tặng 01 máy siêu âm màu 4 chiều trị giá 1 tỷ đồng, quà tặng và tiền mặt trên 700 triệu đồng, trồng hai cây Đa gốc Tân Trào tại hai đảo Trường Sa lớn và Trường Sa Đông;

- Tổng số người đi là 195 thành viên, trong đó có 01 UVTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy; 02 PBT Thường trực tỉnh ủy; 01 PBT, Chủ tich UBND tỉnh; 04 PCT UBND tỉnh, 01 Thứ trưởng, 03 thiếu tướng, 04 Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, 02 TTr HĐND tỉnh, 02 Hiệu trưởng Trường Đại học cùng nhiều giám đốc sở, thủ trưởng các sở ban ngành các tỉnh, các vụ trưởng, cục trưởng và các thành viên của 05 tỉnh, 04 Bộ, 02 Ngân hàng, 01 đoàn ca múa cùng nhiều phóng viên của các tỉnh và trung ương.

TS. Nguyễn Bá Đức

Hoạt động hợp tác Quốc tế

Hội nghị - Hội thảo