TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
UBND TỈNH TUYÊN QUANG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 205/KH-ĐHTT Tuyên Quang, ngày 27 tháng 01 năm 2015
KẾ HOẠCH
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”
-------
Thực hiện Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 09/8/2014 của UBND tỉnh Tuyên Quang về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 29)
Thực hiện Chương trình hành động số 38-CTr/ĐU ngày 17/02/2014 của Ban chấp hành đảng bộ trường Đại học Tân Trào về việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Trường Đại học Tân Trào xây dựng kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các đơn vị phòng, khoa, trung tâm, bộ môn về Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH trung ương đảng khóa XI nhằm nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ giảng viên trong nhà trường về sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả để thực hiện đổi mới giáo dục trong nhà trường theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Kế hoạch thực hiện có lộ trình, đảm bảo tính khả thi, có đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết những vướng mắc đảm bảo cho chất lượng đào tạo của nhà trường phát triển bền vững.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ giảng viên trong nhà trường
Các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước; các chủ trương chính sách về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo tới toàn thể cán bộ giảng viên. Xác định đổi mới giáo dục trong nhà trường là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với xu thế chung của việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục của đất nước.
Lãnh đạo các đơn vị cần nâng cao nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của công cuộc đổi mới giáo dục nói chung và đổi mới giáo dục của nhà trường nói riêng. Tăng cường công tác quản lý của các đơn vị, xây dựng môi trường giáo dục trong nhà trường lành mạnh, mô phạm.
Tăng cường vai trò của tổ chức Công đoàn trường, Đoàn thanh niên trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn có hiệu quả.
Coi trọng công tác tư tưởng chính trị, trước hết là trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, lãnh đạo các đơn vị phải gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác, không để các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong nhà trường.
2. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học
Đổi mới chương trình đào tạo nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học cả về đức, trí, thể, mỹ; tăng cường cho sinh viên kỹ năng thực hành nghề nghiệp, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, từng bước tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới. Nội dung chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, tích hợp các lĩnh vực kiến thức, kỹ năng và hiểu biết xã hội, phù hợp với từng ngành đào tạo. Rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo để đảm bảo khi sinh viên ra trường đáp ứng công việc của các đơn vị sử dụng lao động, phù hợp với nhu cầu xã hội.
Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho HSSV. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, giáo dục cho HSSV ý thức tự hào khi được học tập tại trường đại học mang tên Tân Trào lịch sử - Thủ đô kháng chiến.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, khuyến khích tự học để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học.
Các khoa, bộ môn chú ý rèn luyện các kỹ năng sư phạm cho sinh viên, tích hợp các nội dung nghiệp vụ sư phạm, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên vào quá trình giảng dạy ở tất cả các bộ môn.
Công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, ngành học, coi đó là cam kết bảo đảm chất lượng của nhà trường. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh nội dung chuẩn đầu ra đối với từng ngành đào tạo cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
3. Đa dạng hóa các phương thức đào tạo
Đổi mới phương thức tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm học 2015 - 2016.
Tăng cường mở rộng liên kết đạo tạo các ngành nghề với các trường đại học, tiếp tục mở các mã ngành đào tạo đại học đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương và các tỉnh lân cận. Tuyên truyền, quảng bá về công tác tuyển sinh của nhà trường, đặc biệt là các ngành đào tạo ngoài sư phạm.
Thực hiện chuyển đổi chương trình đào tạo từ niên chế sang hình thức tín chỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho người học, bồi dưỡng năng lực thực hành nghề nghiệp cho người học.
4. Đổi mới công tác đảm bảo chất lượng, đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả của người học
4.1. Công tác đảm bảo chất lượng
Giảng viên thực hiện các loại hồ sơ chuyên môn theo quy định của nhà trường, đầu tư việc chuẩn bị bài giảng phục vụ công tác giảng dạy, đặc biệt đối với hệ đại học, giảng viên thích ứng nhanh với hình thức đào tạo theo tín chỉ. Thường xuyên cập nhật việc đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy ở trường phổ thông, mầm non để giúp người học kịp thời hòa nhập với thực tế. Chuẩn bị cho việc thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Định kỳ tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, tổ chức cho sinh viên đánh giá chất lượng của nhà trường trước khi tốt nghiệp. Tổ chức dự giờ đối với giảng viên.
Tích cực thực hiện công tác tự đánh giá trường đại học, xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng theo từng tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
4.2. Công tác tổ chức thi
Đánh giá kết quả người học theo hướng chú trọng đánh giá năng lực của người học đảm bảo tương xứng với trình độ đào tạo, năng lực thích nghi với môi trường làm việc. Đầu năm học, các bộ môn xây dựng kế hoạch tổ chức thi theo các hình thức thi: tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp, thực hành, sao cho phù hợp với đặc thù bộ môn.
Thực hiện nghiêm túc quy trình tổ chức thi tốt nghiệp, thi học phần, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của sinh viên, thực hiện công tác ra đề thi đúng quy trình, tiếp tục xây dựng ngân hàng đề thi cho việc tổ chức thi tốt nghiệp và thi học phần. Thực hiện quản lý điểm theo phần mềm quản lý đào tạo UNISOF.
Giảng viên coi thi nghiêm túc, thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của cán bộ coi thi, tổ chức đánh phách bài thi, chấm thi, làm điểm đúng quy định. Giảng viên thực hiện việc chấm điểm cho sinh viên đảm bảo chính xác, trung thực, khách quan, công bằng cho người học, lưu trữ điểm kiểm tra học trình theo quy định của nhà trường.
Nhà trường tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia tại tỉnh Tuyên Quang theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế
Tiếp tục thực hiện các đề tài khoa học cấp trường, đề tài, dự án cấp tỉnh đảm bảo hiệu quả, thiết thực và đúng tiến độ, có khả năng ứng dụng cao, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện viết bài báo hoặc công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí nghiên cứu khoa học, các hội nghị, hội thảo khoa học ở trong và ngoài nước, tổ chức hội thảo khoa học về những vấn đề đổi mới của ngành Giáo dục và Đào tạo với quy mô quốc tế.
Nhà trường tăng cường hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và giao lưu văn hóa với một số nước trong khu vực.
Đa dạng hóa tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo, tích cực biên soạn tài liệu giảng dạy, tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy đối với giảng viên và sinh viên.
6. Đổi mới công tác quản lý giáo dục trong nhà trường
Các đơn vị phòng, khoa, trung tâm, bộ môn tăng cường công tác quản lý chuyên môn. Tăng cường kiểm tra, thanh tra nền nếp dạy học, việc sinh hoạt chuyên môn của các bộ môn, thanh tra quản lý đào tạo. Tổ chức thanh tra hành chính việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, thanh tra việc thực hiện quy định về công khai, minh bạch trong nhà trường, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục.
7. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ dạy và học
Quản lý tốt cơ sở vật chất của nhà trường, các trang thiết bị, thí nghiệm thực hành của các phòng thí nghiệm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao KHCN ... Hàng năm bổ sung thêm các trang thiết bị thực hành cho các bộ môn để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu của giảng viên và học tập của HSSV trong nhà trường.
8. Phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường
Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của nhà trường đảm bảo về chất lượng, số lượng và cơ cấu để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao và khuyến khích sinh viên giỏi để phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên của nhà trường. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ giảng viên trong trường nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ quản lý theo đúng quy định.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, bổ sung đội ngũ giảng viên có năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các đơn vị phòng, khoa, trung tâm, bộ môn trong trường: Xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đảm bảo cụ thể, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị.
2. Các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, giảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn được giao một cách có hiệu quả.
3. Phòng Đào tạo: tham mưu giúp lãnh đạo nhà trường chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch; chủ trì phối hợp với các đơn vị trong trường tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; tổ chức đánh giá việc thực hiện kế hoạch trong nhà trường theo từng giai đoạn, phát hiện và đề xuất các biện pháp giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Định kỳ cuối năm học các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện với lãnh đạo trường (qua phòng Đào tạo).
Trên đây là kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH trung ương đảng khóa XI về "Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của trường Đại học Tân Trào. ơ
Đề nghị các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: - UBND tỉnh; - Lãnh đạo trường; - Các phòng, khoa, trung tâm, bộ môn; - Các đoàn thể; - Lưu VT, KT-ĐBCL.
|
HIỆU TRƯỞNG
(Đã ký)
TS. Nguyễn Bá Đức |