Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số là bước tiến mới trong quản lý giáo dục
 
Bộ chỉ số là công cụ đánh giá, đòn bẩy quan trọng, định hướng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng giáo dục.

Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là yêu cầu cấp thiết trong kỷ nguyên số. Tại Việt Nam, tiến trình chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục.

Nhằm thúc đẩy và đồng bộ hóa quá trình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành “Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số đối với sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo” (gọi tắt là Bộ chỉ số). Bộ chỉ số cung cấp một hệ thống tiêu chí rõ ràng và cụ thể để đánh giá mức độ chuyển đổi số tại các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương. Điều này giúp xác định chính xác tình trạng hiện tại, điểm mạnh và những mặt còn hạn chế cần cải thiện.

2022_11_11_07_16_0116.jpg

Ảnh minh họa: Cổng thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Hồng Cường, Phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn cho rằng, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, phù hợp với xu thế thời đại và chủ trương của Chính phủ. Bộ chỉ số là công cụ hữu hiệu để tạo niềm tin, thu hút sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồng trong việc hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số trong giáo dục.

Việc công bố kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số trên cổng thông tin điện tử không chỉ thúc đẩy minh bạch mà còn tạo động lực cho các đơn vị giáo dục cải thiện. Việc công khai kết quả giúp phụ huynh, học sinh và giáo viên nắm được mức độ thực hiện, tạo động lực cho các cơ sở giáo dục cải thiện và đạt mục tiêu. Các đơn vị thành công có thể trở thành hình mẫu để học hỏi và áp dụng các giải pháp hiệu quả.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) nhận định, bộ chỉ số là công cụ có tác động trực tiếp việc đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức, hướng dẫn triển khai chuyển đổi số. Các trường học, cơ sở giáo dục có thể đưa ra các biện pháp cụ thể để cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực số của đội ngũ và phát triển các nền tảng học trực tuyến góp phần nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng nhu cầu học tập “mọi lúc, mọi nơi” trong thời đại 4.0 hiện nay.

Bên cạnh đó, bộ chỉ số sẽ tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa các trường học và cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho việc chia sẻ các kinh nghiệm và phương pháp tốt nhất trong việc triển khai chuyển đổi số. Điều này giúp tăng cường sự sáng tạo và đổi mới trong giáo dục, đồng thời giảm thiểu sự phân tán trong việc áp dụng công nghệ.

Hạ tầng và nhân lực là thách thức trong công cuộc chuyển đổi số

Hiện tại công tác chuyển đổi số cũng được triển khai mạnh mẽ tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Tại Thành phố Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, trước khi bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số được ban hành, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tổ chức tập huấn, phối hợp triển khai và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Các hoạt động trọng tâm bao gồm xây dựng quy chế, chính sách; tổ chức kiểm tra, đánh giá; và nâng cao nhận thức, năng lực về chuyển đổi số.

Việc đầu tư hạ tầng công nghệ được quan tâm như đầu tư đường truyền Internet (100% cơ sở giáo dục hiện đang sử dụng mạng cáp quang), các trường học đều có cổng thông tin liên thông đến phòng, sở giáo dục và đào tạo. Thiết bị và phần mềm cũng thường xuyên được quan tâm, mua bản quyền hợp pháp; các ứng dụng quản lý trường học, hệ thống tuyển sinh đầu cấp; các ứng dụng dạy học trực tuyến, kiểm tra trực tuyến từng bước được ứng dụng, được vận hành đáp ứng nhu cầu quản lý và triển khai hoạt động dạy và học đã tạo nền tảng cho các hoạt động chuyển đổi số.

Ông Hưng đánh giá, dựa trên hai nhóm tiêu chí chính là “công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành” và “kết quả chuyển đổi số ở cơ sở giáo dục,” cùng với những kết quả đạt được, Phòng tự tin rằng mức độ chuyển đổi số tại thành phố có thể đạt mức 2 trở lên, thậm chí tiệm cận mức độ 3.

Tại tỉnh Lạng Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong năm học vừa qua, toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác chuyển đổi số. Cụ thể, 100% trường học đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành và liên thông với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời quản lý hoạt động học tập trên môi trường số và xác thực điện tử.

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã triển khai sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay hồ sơ giấy; trang bị chữ ký số cho cán bộ, giáo viên trong ngành để triển khai hồ sơ số; phối hợp với Microsoft trang bị miễn phí tài khoản Office 365 cho cán bộ giáo viên trong ngành. Đồng thời, hệ thống hỗ trợ thu thập và quản lý cơ sở dữ liệu ngành đã được xây dựng và vận hành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục tỉnh Lạng Sơn.

Tuy nhiên, một số khu vực trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn cần giải quyết để công tác chuyển đổi số diễn ra một cách hiệu quả. Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của tỉnh ở mức độ 2, tức là mới chỉ đạt mức đáp ứng cơ bản.

Tại địa bàn huyện, bà Lã Hải Yến, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) cho biết công tác chuyển đổi số tại huyện được thực hiện khá tích cực, nhưng vẫn có sự chênh lệch rõ rệt giữa các trường học. Các trường ở khu vực thuận lợi có thể triển khai tốt, trong khi những trường ở vùng khó khăn, đặc biệt là các thôn vùng lõm sóng, gặp nhiều trở ngại. Hiện nay, huyện Đình Lập có khoảng 16 thôn thuộc vùng lõm sóng, điều này ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các hoạt động học tập và quản lý trực tuyến.

Ở những thôn vùng lõm sóng, kết nối Internet không ổn định hoặc thậm chí không có sóng, khiến nhiều trường không thể triển khai các chương trình học trực tuyến. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã báo cáo lên các đơn vị liên quan, đề xuất lắp đặt hệ thống sóng cho các khu vực này trong thời gian tới.

Bà Lã Hải Yến cho biết, trong giai đoạn triển khai ban đầu, các trường tiểu học trên địa bàn gặp khó khăn lớn về cơ sở vật chất, đặc biệt là thiếu phòng máy và máy tính phục vụ học sinh. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức và nhà tài trợ, các phòng máy đã dần được trang bị đầy đủ. Bên cạnh đó, các trường cũng chủ động nghiên cứu và khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường rà soát và sử dụng hiệu quả các phần mềm hiện có, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc. Điều này giúp công tác chuyển đổi số được triển khai liên tục và đồng bộ trên toàn huyện.

Ông Đặng Hồng Cường đánh giá, bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Trình độ của giáo viên Tin học không đồng đều, một số chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Nhiều giáo viên chưa đầu tư đúng mức cho giảng dạy và thực hành nên chất lượng bộ môn Tin học còn thấp. Một bộ phận giáo viên chưa tích cực học hỏi nâng cao trình độ công nghệ thông tin. Đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin và giáo viên tin học còn thiếu, đặc biệt là ở cấp học mầm non và cấp tiểu học.

Việc trang bị hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối Internet đối với các trường vùng khó khăn còn hạn chế. Kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, trang bị thêm thiết bị, bố trí phòng máy tính, phòng dạy các tiết ứng dụng công nghệ thông tin... của nhiều đơn vị khó khăn, đặc biệt ở các trường vùng sâu, xa. Một số trường học ở vùng khó khăn chưa có internet cáp quang, hạ tầng sóng di động chưa tốt gây khó khăn trong việc triển khai các phần mềm trực tuyến.

Cùng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưng chia sẻ, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy học, quản trị nhà trường thì trong mỗi đơn vị trường học cần có 1 nhân viên công nghệ thông tin làm đầu mối tổ chức thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đến nay, vị trí này vẫn chưa được bố trí tại bất kỳ trường học nào trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Nhiệm vụ này chủ yếu do giáo viên Tin học đảm nhận, khiến công tác chuyển đổi số không được triển khai chuyên nghiệp và toàn diện.

Cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin tại một số trường học vẫn chưa được trang bị đầy đủ. Điều này gây khó khăn trong việc triển khai các ứng dụng và nền tảng số phục vụ giảng dạy, học tập và quản lý. Nguồn kinh phí bổ sung hằng năm để phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu cho việc đầu tư thiết bị, hạ tầng và các hoạt động chuyển đổi số. Điều này khiến việc nâng cấp và hiện đại hóa công nghệ thông tin tại các trường học gặp nhiều trở ngại. Thêm vào đó, một số cán bộ quản lý và giáo viên chưa thực sự thành thạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý, dẫn đến sự hạn chế trong hiệu quả thực hiện.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi hướng tới mức độ 3

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Quảng Ngãi cho biết thêm, để đảm bảo nguồn nhân lực, phòng đã kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế theo danh mục vị trí việc làm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, đồng thời tham mưu tổ chức tuyển dụng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Phòng phối hợp với các đơn vị có năng lực tổ chức bồi dưỡng thường xuyên và chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ quản lý và giáo viên cốt cán, đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển toàn ngành giáo dục thành phố.

Về hạ tầng công nghệ thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Quảng Ngãi phối hợp với các trường học lập kế hoạch cải tạo, nâng cấp và bổ sung thiết bị mới. Những đề xuất này đã được báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét đầu tư theo hướng tập trung, đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời, phòng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết cho các cơ sở giáo dục mầm non triển khai hiệu quả các nội dung thuộc Bộ chỉ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để đạt mức độ 3 trong chuyển đổi số, bên cạnh các giải pháp đã đề ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Quảng Ngãi cũng thực hiện đồng bộ các tiêu chí theo quy định. Các hoạt động bao gồm công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra đánh giá và hướng dẫn cơ sở giáo dục triển khai chuyển đổi số.

Nhằm nâng cao mức độ chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, Phòng đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể. Trước tiên, các buổi tập huấn và hội nghị nâng cao nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số đã được tổ chức với sự phối hợp từ các đơn vị như Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Viettel, VNPT Quảng Ngãi,... Các nội dung tập huấn tập trung vào an toàn thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục.

Phòng cũng phát động phong trào chuyển đổi số trong ngành giáo dục, khuyến khích các trường học đổi mới và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý. Sự hợp tác với các doanh nghiệp như Viettel, VNPT Quảng Ngãi đã mang lại các giải pháp công nghệ, thiết bị và hạ tầng cần thiết, nâng cao hiệu quả giảng dạy và quản lý giáo dục.

Một điểm nhấn khác là việc xây dựng kho học liệu số và hệ thống quản lý thư viện số 4.0, giúp giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận tài liệu học tập. Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục dựa trên bộ chỉ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới của địa phương, ông Đặng Hồng Cường nhấn mạnh rằng, để đạt được hiệu quả tối đa trong công tác chuyển đổi số, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý giáo dục, các trường học và các sở ban ngành liên quan. Đồng thời, việc đảm bảo nguồn lực tài chính và nhân lực là yếu tố quan trọng để thực hiện các tiêu chí trong bộ chỉ số một cách hiệu quả.

Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn đã xác định một số nội dung cần thực hiện để phấn đấu đạt mức đáp ứng tốt (mức 3) trong thời gian tới. Cụ thể, Sở sẽ tích cực tham mưu đầu tư nhân lực và nguồn kinh phí cho các cơ sở giáo dục nhằm thúc đẩy công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số... Một yếu tố quan trọng khác là chú trọng bồi dưỡng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và giáo viên, nâng cao trình độ và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy và quản lý giáo dục.

giaoduc.net.vn