Giới thiệu Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ - Thư viện và Phát triển nghề nghiệp
.jpg)
Tuyển sinh đại học 2025 có nhiều thay đổi để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo quy chế mà Bộ ban hành hôm 21.3, Bộ GDĐT chính thức bỏ xét tuyển sớm. Các trường đại học vẫn được sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp, đồng thời quy đổi điểm giữa các phương thức, tổ hợp về thang chung.
Như tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm trước, kỳ thi đánh giá tư duy tính theo thang điểm 100, xét tuyển tài năng thang 110, xét điểm thi tốt nghiệp THPT thang 30 thì theo quy định của Bộ, năm nay phải quy về cùng một thang.
Bộ GDĐT yêu cầu việc quy đổi phải đơn giản, dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng, trong đó, các trường sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi.
Các trường sau đó phân tích dữ liệu thống kê số lượng thí sinh trúng tuyển theo từng phương thức (tối thiểu hai năm trước liền kề), kết quả học tập của từng sinh viên.
Từ tương quan giữa kết quả học tập ở đại học và phổ điểm các phương thức của cùng nhóm thí sinh; ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho tới mức tối đa của thang điểm xét, các trường phải xác định tối thiểu 3 vùng điểm (ví dụ là xuất sắc - giỏi, khá, đạt), từ đó xây dựng tối thiểu ba hàm tương quan tuyến tính (3 hàm bậc nhất) cho các vùng điểm này.
Ảnh: Bộ GDĐT
Dựa trên phương án nêu trên, đồng thời, căn cứ quy tắc chuẩn được Bộ công bố sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, căn cứ đặc thù của chương trình, ngành đào tạo, trường đại học hoàn thiện quy tắc quy đổi.
Ví dụ quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa phương thức xét điểm thi đánh giá tư duy (ĐGTD) và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Bộ GDĐT
Một ví dụ khác được Bộ GDĐT đưa ra như sau:
Phân tích kết quả của cùng một nhóm thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và kết quả học bạ (6 học kỳ) theo 5 khối truyền thống; căn cứ đánh giá kết quả học tập của sinh viên các năm trước cho thấy: thí sinh giỏi - xuất sắc chiếm tỉ lệ 30% tổng số thí sinh trúng tuyển, tương ứng kết quả thi THPT là 24,75 và điểm học bạ trúng tuyển là 25,75; thí sinh khá trở lên chiếm tỉ lệ 80% tổng số thí sinh, điểm thi kết quả thi THPT trúng tuyển tương ứng là 20,5 và điểm trúng tuyển học bạ là 22,0; còn lại là mức đạt.
Theo đó, CSĐT có thể sử dụng các điểm (24,75;25,75); (20,5;22) cùng với điểm là ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và điểm tối đa của thang điểm xét (30;30) để tuyến tính hoá từng vùng và xác lập công thức (dạng phương trình bậc nhất) quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa 2 phương thức.
Ví dụ về công thức quy đổi điểm xét tuyển năm 2025 của Bộ GDĐT. Ảnh: Bộ GDĐT