Bộ trưởng GD&ĐT nêu 10 yếu tố hình thành trạng thái hạnh phúc cho người học
 
"Một cộng đồng những người hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Sáng 23/11, Hội thảo quốc tế “Hạnh phúc trong Giáo dục” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) với sự đồng hành của Hệ thống trường TH School và Tập đoàn TH đã khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện diễn ra trong 2 ngày 23-24/11 với các phiên dành cho cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh, giáo viên.

zalo_1961979621477076.jpg

Quang cảnh Hội thảo.

Về phía khách mời, Hội thảo vinh dự đón tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn; Tiến sĩ Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Tiến sĩ Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Về phía đơn vị tổ chức Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực có Viện trưởng Stephen West.

Về phía đơn vị đồng hành tổ chức sự kiện có: Anh hùng lao động Thái Hương - Nhà sáng lập Hệ thống TH School; bà Nguyễn Thu Thảo – Chủ tịch Hội đồng Trường TH School; ông Tom Pado - Tổng Hiệu trưởng TH School; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Diệu Hồng - Hiệu trưởng Việt Nam trường TH School.

Các chuyên gia, diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo có: ông Martin Skelton - Cố vấn đặc biệt của Hệ thống trường quốc tế (International Schools Partnership), Vương Quốc Anh; Cố vấn sáng lập trường TH School; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai - Giảng viên Đại học Flinders, Úc; ông Thomas Hobson, thường được biết đến với tên gọi Teacher Tom - Chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em, Hoa Kỳ; Giáo sư Yong Zhao - Giảng viên Đại học Kansas, Hoa Kỳ; Bà Yvette Jeffrey, Hiệu trưởng khối Mầm non và Tiểu học, Hệ thống trường TH School; bà Erin Threlfall - Hiệu trưởng khối Tiểu học Trường Quốc tế Panyaden, Thái Lan; Tiến sĩ Kim Mạnh Tuấn - Giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia, Việt Nam; bà Sheila Ascencio - Chuyên gia tư vấn Giáo dục tại Canada.

zalo_1961190334824356.jpg

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Một cộng đồng những người hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Tôi rất hứng thú và đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo này của những người tổ chức, với chủ đề: “Hạnh phúc trong giáo dục”. Cách đặt vấn đề này rộng lớn, bao trùm hơn và sâu hơn cách đặt vấn đề phát triển các trường học hạnh phúc, dẫu cho trường học hạnh phúc là một phần quan trọng của hạnh phúc trong giáo dục. Dĩ nhiên nếu đặt vấn đề một cách rộng rất thì cần bàn cả hai phương diện: giáo dục hạnh phúc và hạnh phúc trong giáo dục, tức nền giáo dục làm thế nào hướng người học tới hạnh phúc, đạt tới hạnh phúc và nhận biết hạnh phúc ngay trong lòng của nền giáo dục.

Chủ đề hội thảo này cũng hết sức có ý nghĩa khi, nền giáo dục của Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ, trọng tâm của sự thay đổi đó là nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, giúp con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cho những người có liên quan. Một cộng đồng những người hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc. Đây cũng chính là định hướng lớn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo triển khai trong toàn ngành với những mức độ và phương cách khác nhau ở các bậc học và các đối tượng".

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Hiện nay đã có nhiều thảo luận về mục tiêu, đặc điểm, phương pháp, các thành tố, các bên liên quan tới giáo dục và của nền giáo dục hướng tới hạnh phúc của cả người học, của thầy cô, của phụ huynh và bất cứ ai liên quan. Tuy nhiên, tham dự với hội thảo hôm nay, với chủ đề này, tôi chỉ muốn bày tỏ và nhấn mạnh tới một phương diện, một khía cạnh mà theo tôi là nhân tố quan trọng của giáo dục hạnh phúc và hạnh phúc của giáo dục. Điều tôi muốn nói tới ở đây là nhân tố nội tại, nhân tố chủ động của người học, cũng là nhân tố cốt lõi và quyết định của hạnh phúc trong giáo dục. Đó chính là việc chủ thể người học tự biết tạo ra và biết cảm nhận, nhận biết về hạnh phúc trong quá trình học. Trong quá trình học mà nhận thấy được sự sung sướng hạnh phúc của việc học, thì người ấy sẽ làm được những việc hết sức lớn lao.

Chúng ta đều rõ, hạnh phúc là một trạng thái tâm lý, cảm xúc, trạng thái tinh thần của con người, khi mà người ta thấy thoải mái, thỏa mãn, sung sướng, thăng hoa. Hạnh phúc được hình thành và tận hưởng thông qua cảm nhận của các nhân, nó mang tính cá nhân, cá thể, và riêng biệt. Có những hạnh phúc chung của một nhóm, một cộng đồng, nhưng nó được góp phần bởi các cá thể và cảm nhận bởi các cá thế.

Vậy làm thế nào để người học đạt tới trạng thái và cảm nhận thấy hạnh phúc trong quá trình tham dự quá trình giáo dục, với tư cách là chủ thể, tự mình và tự thân? Nói về người học, đương nhiên ta cần đề cập tới người học và việc học. Hạnh phúc tôi đang đề cập là chỉ nói tới hạnh phúc của việc học, tức vui học, học vui, lạc học, học là vui càng học càng vui, càng tiến bộ càng nhiều lạc thú tinh thần.

Hạnh phúc thì chỉ có một, không có nhiều loại hạnh phúc, nhưng hạnh phúc lại có nhiều cấp độ, nhiều sắc thái, nhiều biểu hiện. Có cái hạnh phúc nho nhỏ thoáng qua trong khoảnh khắc, có cái hạnh phúc của cảm xúc thăng hoa, có cái hạnh phúc rộng lớn, sâu xa trầm tiềm trong đời sống tinh thần con người khi người ta thấy sự thỏa mãn đáp ứng cả trí tuệ và tình cảm, cả cả lý và tình. Đối với người học, chúng ta cần bàn tới ở đây là làm thế nào giúp học sinh có được thật nhiều niềm vui sướng trong quá trình học, niềm vui và sự hứng thú càng lớn lao bền vững sâu xa, thì việc học của người đó càng thành công, càng gặt hái được nhiều kết quả tốt. Tôi tạm nêu ra ở đây một vài yếu tố giúp hình thành những trạng thái hạnh phúc cho người học trong hoạt động giáo dục.

Đầu tiên là: Người học có chí hướng, có khát vọng và quyết tâm càng lớn thì những hạnh phúc tiềm năng càng dồi dào nơi người đó, niềm hạnh phúc cũng sẽ lớn hơn khi người đó đạt được. Quy mô, tầm vóc của hạnh phúc tùy thuộc và mức độ kỳ vọng được thỏa mãn. Vì vậy, để người học đạt được nhiều niềm vui sướng và hạnh phúc trong việc học, cần giúp người học đặt mục tiêu học tập cho đúng đắn, cho lớn, cho sâu, cho rộng…. để có thứ động cơ từ bên trong của sự phấn đấu và đạt tới hạnh phúc. Chí càng lớn, vấp ngã càng dễ vượt qua, cái vất vả càng trở nên nhỏ bé, khó khăn cũng không thể ngăn cản, và con đường tới hạnh phúc vì vậy cũng thênh thang hơn. Chí ngắn thì dễ thỏa mãn, chí không đủ thì dễ giữa đường bỏ cuộc, không thể đi tới niềm vui hoàn thành cuối cùng. Chí ngắn cũng có niềm vui dễ đạt, nhưng cái dễ đạt bao giờ cũng không có chiều sâu và bền vững và cuộc sống nếu là tập hợp của những cái dễ đạt và niềm vui dễ thì khó có những sự nghiệp lớn.

Thứ hai là: Học sinh biết tu dưỡng rèn luyện bản thân là gốc của việc học tập phát triển toàn diện và là gốc của việc đạt tới hạnh phúc. Người biết tu dưỡng theo các chuẩn mực sẽ có cảm nhận đúng đắn về hạnh phúc về giá trị của hạnh phúc, về hạnh phúc chân chính. Hạnh phúc luôn gắn liền với giá trị văn hóa. Thực chất thì cũng không có trường học hạnh phúc chung chung, trường học hạnh phúc chỉ đúng nghĩa chân chính khi hạnh phúc ở trường học đó phù hợp với các giá trị tích cực, các giá trị chuẩn.

Thứ ba là: Cần biết cách định hướng, tạo dựng cho học sinh cách tự giải quyết vấn đề trong học tập, tự tìm hiểu, tự xử lý, tự giải đáp, chính là bắt đầu dắt tay học sinh bước đầu tiên vào con đường truy tìm hạnh phúc trong việc học. Chỉ khi học sinh đã tự mày mò , tự tìm hiểu, tự giải quyết được, học sinh sẽ thấy hứng thú và tiếp tục tìm kiếm ở chiều rộng và sâu hơn, suy luận ở cấp độ cao hơn, từ cấp độ, biết, hiểu, tới hiểu sâu, suy luận, vận dụng, khái quát… Khi người học vượt qua bất cứ cấp độ nào, sự hứng thú và hạnh phúc cũng gia tăng. Và khi học sinh không thể giải quyết được, rơi vào bức xúc, bức bối, muốn giải tỏa … thì khi đó những công cụ hỗ trợ dạy và học, hoặc là người thầy giải đáp sẽ giúp học sinh tháo gỡ bỏ vướng mắc. Khi vứt bỏ điểm nghẽn và vướng mắc đó người học sẽ cảm thấy được giải tỏa, được thăng hoa, và họ sẽ tự cảm nhận thấy cảm giác hạnh phúc. Như Vạn thế sư biểu Khổng Phu Tử từng nói về việc dạy học: “bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát…” (chưa bức bối vì chưa sáng rõ thì thầy không gợi mở cho, không đến cùng việc tự tìm đường thì thầy chưa chỉ lối cho). Thầy biết dạy học nêu vấn đề, biết gợi dẫn, khuyến khích người học tự giải quyết vấn đề là yếu tố chuyên môn sâu xa hướng người học tìm thấy hạnh phúc và hứng thú trong việc học …

Thứ tư là: Kiến giải cá nhân và sự suy nghĩ sâu sắc/khuyến khích văn hóa đọc, sự tranh luận, tôn trọng sự khác biệt trong lớp học, trong quá trình dạy học là quá trình khuyến khích người học bày tỏ quan điểm và cách đánh giá riêng, tinh thần tự … Đó là quá trình dạy học hướng người học tới sự sung sướng của chính quá trình học tập.

Thứ năm là: Phương pháp dạy học cá thể hóa là phương pháp rất tốt phát huy người học và có thể đem lại cho người học tìm thấy niềm vui và hứng thú riêng trong sự học. Phương pháp này nhằm phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu của riêng từng cá nhân người học, để có phương pháp riêng, khích lệ riêng, đánh giá riêng, hỗ trợ riêng… Sự phù hợp và hiệu quả đối với các cá nhân là một điều kiện quan trọng và con đường đưa cá nhân đó tới trạng thái hạnh phúc…

Thứ sáu là: Học sinh cần lấy chính bản thân mình làm chuẩn để đánh giá sự tiến bộ, để làm việc so sánh. Học sinh tự cảm nhận và đánh giá về sự tiến bộ của mình…Khi họ thấy mình tốt hơn ngày hôm qua, họ sẽ hạnh phúc.

Thứ bảy là: Có thái độ đúng và sống trong sáng, biết quan tâm tới người khác là tiền đề của hạnh phúc đích thực…

Thứ tám là: Học đi đôi với hành, học cần thực hành. Lý thuyết luôn màu xám và khó gợi được sự hứng thú, cần gắn chặt học đi đôi với hành, học từ hành và trong hành, hành và học không tách rời nhau. Quá trình này khiến người học nhận được các kết quả từ thực tế và họ sẽ cảm thấy hiệu quả của việc học một cách sinh động cụ thể, sự sinh động cụ thể này sẽ đem lại hạnh phúc thường trực và luôn luôn trong quá trình học.

Thứ chín là: Hoạt động giáo dục cần chú ý tới giáo dục phát triển trí tuệ cảm xúc hay năng lực cảm xúc, khả năng kiểm soát và bộc lộ cảm xúc… Đây là giáo dục cách để con người sống hạnh phúc, biết tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

Thứ mười là: Trong hoạt động giáo dục thầy luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, luôn chia sẻ là điều rất quan trọng khiến việc học của học trò trở nên hứng thú. Có nhà tu hành đã từng nói, thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. Chỉ có những con người hạnh phúc mới có thể kiến tạo cho một thế giới hạnh phúc".

Theo Bộ trưởng: "Còn nhiều nữa những việc cần bàn trong việc kiến tạo hạnh phúc trong giáo dục. Đối với trường TH School, người chủ sáng lập là Bà Thái Hương, một người luôn quan tâm tới việc xây dựng trường học học hạnh phúc. Người ta có ý tưởng chưa hẳn đã trực tiếp tạo ra một trường học hạnh phúc trong thực tế, nhưng từ trong ý tưởng đã không có thì không bao giờ có trong thực tế. Thực tế theo dõi thì chúng tôi thấy Bà Thái Hương đã làm được rất nhiều việc cho nội dung này. Muốn thực hiện được điều đó, trước hết bà phải là người hạnh phúc và con đường mà bà theo đuổi phải là con đường tạo ra những giá trị gia tăng cho hạnh phúc. Chúc Bà luôn là người hạnh phúc, và càng làm giáo dục Bà càng hạnh phúc. Chúc Bà thành công rực rỡ trong hoạt động giáo dục, cũng như trong hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội".

zalo_1961204513315861.jpg

Anh hùng Lao động Thái Hương gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã dành sự quan tâm và có phát biểu sâu sắc xung quanh chủ đề của Hội thảo. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Xây dựng ngôi trường mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ

Phát biểu trong phiên khai mạc Hội thảo, Anh hùng Lao động Thái Hương chia sẻ: "Napoleon đã từng nói: “Tương lai của con là công trình của mẹ”. Bởi bất cứ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn dành trọn vẹn tâm huyết cho những đứa con thân yêu. Và chắc hẳn không người mẹ nào muốn buông tay để những đứa con còn non nớt chập chững bước ra thế giới đầy lạ lẫm, không người mẹ nào muốn con phải sớm xa rời vòng tay mẹ với một tuổi thơ không trọn vẹn…nơi xứ người.

Là một người mẹ, tôi hoàn toàn thấu hiểu tâm tư đó. Từ ước mong làm những điều tốt đẹp nhất để con được phát triển đầy đủ và toàn diện ngay trên mảnh đất quê hương mình, tôi đã xây dựng TH School bằng trái tim và tấm lòng người mẹ - một ngôi trường trong mơ mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ bằng sự truyền thụ nền giáo dục tiên tiến của thế giới và tinh hoa giáo dục Việt Nam. Tất cả vì một thế hệ vàng tương lai dựng xây Tổ quốc hùng cường và vững mạnh.

Với khát khao tạo dựng một môi trường giáo dục hiện đại và nhân văn, TH School đã ra đời, là ngôi trường có kiến trúc đẹp và câu chuyện hay. Đó là:

“Trẻ em Việt Nam có quyền được đón nhận nền giáo dục đẳng cấp quốc tế với môi trường và trang thiết bị học tập chất lượng tốt nhất. Tôi sẽ trang bị cho các em những điều kiện đó.

Trẻ em Việt Nam có quyền thụ hưởng các chương trình giáo dục thể chất toàn diện cùng chế độ dinh dưỡng học đường tối ưu, được luật hoá bài bản để cải thiện sức khỏe, tầm vóc thế hệ trẻ nói riêng và người Việt nói chung. Tôi sẽ giúp các em chạm đến điểm đích hạnh phúc đó.

Trẻ em Việt Nam sẽ trở thành những công dân toàn cầu, các em có thể thành công ở bất kỳ nơi nào và sẽ đóng góp vào sự phát triển và hội nhập đó.

Trẻ em Việt Nam sẽ biết trân trọng văn hóa và nâng niu bản sắc Tổ quốc mình. Tôi sẽ giúp các em trong quá trình đó và sẽ làm tất cả để giúp các em thành công.

Bằng tất cả khát khao và cống hiến, tôi quyết tâm xây dựng TH School trở thành Ngôi trường hạnh phúc – nơi bừng nở niềm vui và lan toả yêu thương”.

Sau 8 năm thành lập, TH School đã có những bước tiến vững vàng trong công tác đào tạo, ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật – và quan trọng hơn hết là nơi con trẻ được học tập, vui chơi, kết bạn và phát triển môi trường tự do và đầy đủ, được thể hiện những khát khao, mơ ước của mình; để TH School xứng đáng lưu giữ đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ cho mỗi học sinh khi trưởng thành đều có thể tự hào về mái trường này.

Có thể nói, TH School không chỉ đơn thuần là một mô hình mới, mà còn là một con đường góp phần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Áp dụng triệt để triết lý “trường học hạnh phúc”, TH School đã, đang và sẽ tiếp tục trao quyền tự chủ cho mỗi học sinh, khích lệ các em phát huy tinh thần sáng tạo, không ngừng hoàn thiện bản thân để vun đắp nền tảng vững chắc cho thành công của các em trong tương lai".

Anh Hung lao dong Thai huong.png

"Bằng tất cả khát khao và cống hiến, tôi quyết tâm xây dựng TH School trở thành Ngôi trường hạnh phúc – nơi bừng nở niềm vui và lan toả yêu thương", Anh hùng Lao động Thái Hương chia sẻ. Ảnh: NTCC

Nhà sáng lập Hệ thống trường TH School cho rằng, không phải ngẫu nhiên “Nhà” luôn gắn với “Trường”, bởi một môi trường học đường hạnh phúc sẽ luôn khơi gợi niềm yêu thích, cảm giác thân thuộc và sự gắn kết bền chặt - nơi mỗi thành viên như “người một nhà”.

"Điều tôi muốn nhấn mạnh: Hãy xây dựng trường học trở thành “một điểm chạm hạnh phúc” nơi kết nối tinh hoa tri thức, văn hóa truyền thống và tầm nhìn tương lai; định hướng và trao quyền cho học sinh để sẵn sàng hành trang trở thành những công dân toàn cầu.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc, giáo dục Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ nhưng vẫn luôn kiên định mục tiêu duy nhất: Tất cả vì học sinh thân yêu. Tuy nhiên, sự nghiệp “trồng người” không thể thành công trong ngày một, ngày hai mà rất cần sự chung sức, đồng lòng của toàn ngành giáo dục - hiện thực hoá quyết tâm vun dưỡng những thế hệ vàng tương lai, đóng góp cho sự phát triển bền vững của cả một quốc gia, một dân tộc.

Nhằm cung cấp góc nhìn sâu sắc về việc tích hợp “hạnh phúc” vào môi trường giáo dục và truyền cảm hứng thiết lập các mô hình học đường thân thiện, ngày hôm nay Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” đã được tổ chức và thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều chuyên gia uy tín để triết lý “trường học hạnh phúc” ngày càng lan toả rộng khắp", Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu.

Ong Martin Skelton.jpg

Diễn giả Martin Skelton.

DSC01393.JPG

Học sinh TH School trong một tiết học. Ảnh: NTCC

Được thành lập vào năm 2015 bởi Madame Thái Hương, Nhà Sáng lập Tập đoàn TH, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) đã và đang khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Với sứ mệnh nâng cao chất lượng giáo dục, Viện không chỉ hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống giáo dục hiện đại, mà còn luôn chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong từng chương trình đào tạo.

Sự kết hợp hài hòa giữa tính toàn cầu và giá trị dân tộc là kim chỉ nam cho các hoạt động của EDI.

Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực cam kết sát cánh cùng các trường học và giáo viên trên toàn quốc trong việc phát triển chương trình giảng dạy sáng tạo và hiệu quả. Viện không chỉ tập trung vào việc xây dựng các chương trình đào tạo mà còn tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên ngành nhằm chia sẻ kiến thức và cập nhật các xu hướng giáo dục tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực giảng dạy và quản lý cho giáo viên, góp phần xây dựng một cộng đồng giáo dục vững mạnh và năng động.

Qua những nỗ lực không ngừng nghỉ, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực đang từng bước góp phần kiến tạo nên một thế hệ nhân lực Việt Nam có trình độ cao, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi của thế giới nhưng vẫn giữ trọn bản sắc dân tộc. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển tri thức, Viện còn đặt mục tiêu lan tỏa niềm đam mê, hạnh phúc trong học tập và giảng dạy, tạo điều kiện để cả thầy cô và học sinh đều tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong mỗi hành trình học hỏi.

giaoduc.net.vn