TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Thầy và trò tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Chung Chính Sơn
trong khuôn viên trường Đại học Tài chính Kinh tế Vân Nam
Thầy và trò tham quan Bảo tàng Kế toán Tài vụ các dân tộc thiểu số
trong khuôn viên trường Đại học Tài chính Kinh tế Vân Nam
Tham quan Bảo tàng Kế toán Tài vụ các dân tộc thiểu số trong khuôn viên trường Đại học Tài chính Kinh tế Vân Nam. Tại đây, thầy và trò đã được tìm hiểu về đời sống tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng của người Vân Nam.
Trong khoảng thời gian lưu lại trường, đoàn còn được tham quan các ngôi chùa lớn ở thành phố Côn Minh như: Kim Điện, Chùa Viên Thông...
Kim Điện nằm trên núi Minh Phượng, cách thành phố Côn Minh 8km về phía Đông, được xây dựng vào niên hiệu Vạn Lịch nhà Minh (1582 - 1600). Đến niên hiệu Khang Hi nhà Thanh (1662 - 1722), Bình Tây vương Ngô Tam Quế trùng tu, cho đúc điện thờ và tượng thần Trấn Vũ, toàn bộ bằng đồng thau, điện cao 6,7m, rộng 6,2m, nặng 250 tấn, là kiến trúc bằng đồng lớn nhất Trung Quốc và được bảo tồn nguyên vẹn, đầy đủ nhất.
Chùa Viên Thông là Thiền viện Phật giáo có lịch sử lâu đời và cũng là lớn nhất của thành phố Côn Minh. Chùa được xây dựng vào niên hiệu Nam Chiếu, thời Đường, có lịch sử cách đây 1200 năm với cái tên ban đầu là chùa Bổ Đà La. Chùa Viên Thông hợp thành bởi 3 chi phái của đạo Phật, gồm Đại thừa, Tiểu thừa và Lạt Ma, là nơi người dân thành phố Côn Minh và du khách thập phương đến tham quan, bái Phật.
Sinh viên chụp ảnh lưu niêm ở Kim Điện
Một góc Chùa Viên Thông
Nghệ thuật cắt giấy của Trung Quốc có lịch sử từ lâu đời, là một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của người dân Trung Quốc. Nghệ thuật cắt giấy bắt nguồn từ các hoạt động thờ cúng Thần Phật và tổ tiên, những tác phẩm này thường được dùng để dán trên tường nhà và cửa sổ trong những dịp lễ tết, hội hè. Chỉ bằng vài đường kéo khéo léo, nghệ nhân cắt giấy đã có thể tạo ra được các tác phẩm với nhiều hình thù đẹp mắt, đủ màu sắc phong phú với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Sinh viên trường Đại học Tân Trào trong giờ Nghệ thuật cắt giấy
Giảng viên Lữ Á Quân say mê nhiệt tình với môn tiếng Trung cơ bản
Một trong những món ăn không thể thiếu đối với người Trung Quốc là món bánh sủi cảo. Đây là món ăn chính của người phương Bắc, đồng thời cũng là món ăn vặt của các vùng miền trong cả nước Trung Quốc, được lưu truyền từ nhiều đời cho đến ngày nay. Vỏ bánh được làm từ bột mỳ, nhân thường được làm bằng thịt hoặc hỗn hợp các gia vị hành, trứng, hẹ, tôm, thịt...Sau khi làm xong, người ta đưa bánh vào nồi nấu hoặc hấp, khi ăn chấm với gia vị, ngon thơm hấp dẫn.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của các nữ giáo viên trường Đại học Tài chính Kinh tế Vân Nam, sinh viên trường Đại học Tân Trào nhanh chóng nặn ra những chiếc bánh có hình thù tựa như con sò, con ngao trông vừa đẹp mắt, lại vừa ngon miệng. Sản phẩm bánh sủi cảo do các thực tập sinh trường Đại học Tân Trào nặn ra hoàn thiện đến mức chả khác gì so với các sản phẩm của các cô giáo người bản địa. Sau khi nặn xong, cán bộ nhà ăn của trường đem các sản phẩm đó lên nấu chín, sau đó thầy trò cùng dùng bữa tối bằng sản phẩm do chính tay các bạn sinh viên làm ra.
Cô giáo Vương Thu, chuyên viên Trung tâm Quản lý giáo dục Quốc tế trường Đại học Tài chính Kinh tế Vân Nam đang nhiệt tình hướng dẫn các sinh viên nặn bánh sủi cảo
Thầy giáo Vũ Văn Ngân kiên trì tập nặn bánh sủi cảo cùng các bạn sinh viên
Sản phẩm bánh sủi cảo do chính bàn tay khéo léo của sinh viên trường Đại học Tân Trào làm ra
Qua tìm hiểu, sinh viên còn được biết thái cực quyền là môn võ thuật cổ truyền của Trung Quốc với đặc trưng là các động tác trường quyền uyển chuyển, chậm rãi kết hợp với điều hòa hơi thở. Thái cực quyền vừa là để dưỡng sinh, điều hòa khí huyết, rèn luyện sức khỏe đồng thời cũng có thể dùng để tự vệ khi bị tấn công. Chiêu thức “dĩ nhu thắng cương” của thái cực quyền có thể giúp một người nhỏ con đánh lại một người to lớn, hung dữ theo các nguyên lý “tá lực đả lực” (mượn sức đánh lại lại sức).
Sau 3 tiết học môn võ thái cực quyền của thầy Mao Thụy Hồng, giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao trường Đại học Tài chính Kinh tế Vân Nam, sinh viên Đại học Tân Trào đã nắm được nguyên lý và chiêu thức cơ bản của môn học. Các đường quyền được các em thường xuyên luyện tập, ngay cả khi đã kết thúc buổi học, sự nhiệt tình truyền thụ của giáo viên và sự hấp dẫn của môn học đã lôi kéo các em đi sâu vào tìm hiểu môn võ cổ truyền này của Trung Quốc
Sinh viên say mê tham gia lớp võ truyền thống Thái cực quyền của thầy giáo Mao Thụy Hồng
Trong đợt giao lưu, thực tập lần này, hoạt động vui nhộn, ấn tượng, thân thiện, gần gũi, chan hòa, tràn ngập không khí hữu hảo chính là chương trình giao lưu giữa sinh viên trường Đại học Tân Trào với các bạn sinh viên năm thứ 2, chuyên ngành tiếng Việt, thuộc Học viện Ngôn ngữ Văn hóa quốc tế, trường Đại học Tài chính Kinh tế Vân Nam. Những cái bắt tay thân thiện, những cái ôm nồng ấm, các bạn chia sẻ với nhau kinh nghiệm học tập, trao đổi kiến thức, tâm tư tình cảm về môn học tiếng Trung, tiếng Việt, khát khao cháy bỏng, mong muốn có được những suất học bổng và cơ hội đến trường học của nhau tiếp tục học tập sau khi tốt nghiệp bậc đại học. Các bạn hòa chung tiếng hát của 2 ngôn ngữ, xen kẽ tiếng Trung tiếng Việt, không khí ấm tình hữu nghị bao trùm suốt buổi giao lưu, đã để lại ấn tượng cho tất cả mọi người tham gia. Cuộc giao lưu diễn ra suốt mấy giờ đồng hồ nhưng tưởng chừng không đủ cho những lời tâm sự, chia sẻ, hứa hẹn ở những thời gian sắp tới.
Toàn cảnh buổi giao lưu giữa sinh viên Đại học Tân Trào với sinh viên chuyên ngành tiếng Việt của trường Đại học Tài chính Kinh tế Vân Nam
Những cái ôm bịn rịn không muốn dứt cho dù ngoài trời đã bắt đầu lên đèn, hẹn nhau một kỳ gặp gỡ gần nhất của các bạn sinh viên 2 trường
Buổi chia tay diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, xen với đó là sự lưu luyến, bịn rịn không muốn rời xa Côn Minh, rời xa Đại học Tài chính Kinh tế Vân Nam. Sinh viên Đại học Tân Trào hứa với các thầy cô trường Đại học Tài chính Kinh tế Vân Nam sau khi trở về nước sẽ cố gắng học tập, rèn luyện giành kết quả học tập xuất sắc, đủ điều kiện xin học học bổng sau Đại học chính thức trở thành sinh viên của trường. Trong 10 ngày ngắn ngủi tại đất nước Trung Quốc đã để lại chọ thầy và trò nhiều kỷ niệm không bao giờ quên, qua đây sinh viên Đại học Tân Trào sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, kỹ năng sống làm hành trang vững chắc bước vào đời.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giáo dục quốc tế trường Đại học Tài chính Kinh tế Vân Nam trao giấy chứng nhận cho
sinh viên Đại học Tân Trào
Sinh viên Đại học Tân Trào chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, giáo viên trường Đại học Kinh tế Tài chính Vân Nam