TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Những ngày cuối cùng của năm 2023, cùng nhìn lại những chính sách giáo dục nổi bật có liên quan đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong năm 2023.
Ảnh minh họa trên địa chỉ https://ctsv.uel.edu.vn/ |
Chính sách với viên chức thiết bị, thí nghiệm trong trường học
Ngày 28/12/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 21/2022/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức thiết bị, thí nghiệm trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập. Thông tư có hiệu lực từ 12/2/2023.
Theo Thông tư, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức thiết bị, thí nghiệm là V.07.07.20.
Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức thiết bị, thí nghiệm áp dụng bảng lương viên chức loại A0 tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Điều chỉnh quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, có những điểm mới đáng lưu ý: Bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng.
Quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp. Không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng 1 phải có trình độ thạc sĩ. Giáo viên sẽ được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.
Điều chỉnh thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng 3 từ 9 năm xuống còn 3 năm. Giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới.
Với nhiều nội dung tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên nên thông tư này được đông đảo giáo viên mong đợi. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30-5-2023.
Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2023
Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 01/7/2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng. Giáo viên cũng thuộc đối tượng được tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng mỗi tháng từ 01/7/2023.
Nghị định nêu rõ, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ: Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Quy định mới về tinh giản biên chế
Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 quy định về tinh giản biên chế, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2023. Các chế độ chính sách quy định tại Nghị định này được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.
Nghị định quy định 3 nhóm đối tượng thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Nghị định cũng quy định rõ các chính sách tinh giản biên chế: Chính sách nghỉ hưu trước tuổi; chính sách chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước; chính sách thôi việc; chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi và thấp hơn tối thiểu trên 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp...
Đánh giá viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 20%
Ngày 17 tháng 7 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định Số: 48/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó về tỷ lệ được đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:
Tại Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
“1. …..Bổ sung khoản 6 vào sau khoản 4 Điều 2 như sau:
6. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.”.
Hiện nay, tại điểm 2.3 khoản 2 Mục B Hướng dẫn 21-HD/BTCTW năm 2019 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp do Ban Tổ chức Trung ương ban hành, có nêu như sau: số lượng đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số đảng viên được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trong từng tổ chức cơ sở đảng.
Như vậy, theo Nghị định 48/2023/NĐCP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, giáo viên là viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 20% viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ tương ứng quy định không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.
Tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia
Ngày 10/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2023/TT-BGDĐT về Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Về số lượng thí sinh dự thi, thông tư mới tăng số lượng các đơn vị tối đa là 10 thí sinh; riêng Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội 20 thí sinh. Quy định hiện hành, đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi có tối đa 6 thí sinh, riêng đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh.
Thông tư mới cũng hướng dẫn tiếp tục duy trì tổ chức buổi thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học ở Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế. Đối với Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thay việc tổ chức buổi thi thực hành trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia bằng việc đề thi các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có nội dung hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết bằng kiến thức liên quan đến kỹ năng thí nghiệm, thực hành.
Đặc biệt, thông tư mới đã tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm phù hợp với quy định của các Olympic khu vực và quốc tế. Theo đó, có 60% đạt giải từ giải Khuyến khích trở lên (những năm trước là 50%); trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải. Như vậy, theo quy chế mới, tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia sẽ tăng lên.
Thông tư 17/2023/TT-BGDĐT quy định, học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông không đoạt giải vẫn được cấp Giấy chứng nhận sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông, giúp các em có được thông tin lưu giữ lâu dài cho cá nhân về tham gia kỳ thi. Thông tư 17/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 25/11/2023...
Bộ Giáo dục và Đào tạo “điều chỉnh” tổ chức dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý
Ngày 10/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 5636/BGDĐT-GDTrH về xây dựng kế hoạch dạy học các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Trong đó lưu ý các nhà trường thực hiện việc phân công giáo viên, xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, cụ thể hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Khoa học tự nhiên như sau:
Phân công giáo viên: Phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công (theo các mạch nội dung Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái Đất và bầu trời).
Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 02 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.
Xây dựng kế hoạch dạy học: Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các mạch nội dung theo chương trình môn học…
Tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá: Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học; giáo viên dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với nội dung đó. Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với các giáo viên cùng dạy học môn học ở lớp đó để thống nhất điểm đánh giá thường xuyên, bảo đảm số điểm đánh giá theo quy định, tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ. Ma trận, nội dung bài kiểm tra định kì được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình đến thời điểm kiểm tra. Hướng dẫn học sinh làm bài kiểm tra sao cho thuận tiện trong việc phân công giáo viên chấm bài, tổng hợp kết quả.
Đối với môn Lịch sử và Địa lý và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp xem trong Công văn 5636/BGDĐT-GDTrH.
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông chương trình 2018 gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn
Ngày 28/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mục tiêu tổ chức kì thi nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Về số lượng môn thi, thí sinh sẽ thi 4 môn. Trong đó thi bắt buộc 2 môn Toán và Ngữ văn.
2 môn lựa chọn, thí sinh sẽ được chọn từ các môn còn lại học ở lớp 12, bao gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Về nội dung thi, đề thi sẽ bám sát nội dung của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về hình thức thi: Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Quy định mới về vị trí việc làm trong trường phổ thông, chuyên biệt công lập
Ngày 30/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2023.
Danh mục khung vị trí việc làm được chia làm 4 nhóm theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ, bao gồm:ư
Nhóm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý (hiệu trưởng; phó hiệu trưởng);
Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (giáo viên, giáo vụ, hỗ trợ người khuyết tật,…);
Nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung theo quy định tại Thông tư của Bộ Nội vụ (kế toán, văn thư, thủ quỹ,…);
Nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ (bảo vệ, phục vụ, y tế học đường…).
Thông tư bổ sung 1 vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường phổ thông nhằm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tư vấn học sinh trong các trường phổ thông
Quy định vị trí việc làm trong trường mầm non công công lập
Ngày 30/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT, hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/12/2023.
Theo Thông tư, mỗi cơ sở giáo dục mầm non công lập được bố trí 1 hiệu trưởng. Số lượng phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định về số lượng cấp phó tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với nhóm trẻ: Cứ 15 trẻ em/nhóm trẻ từ 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi; 20 trẻ em/nhóm trẻ từ 13 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi; 25 trẻ em/nhóm trẻ từ 25 tháng tuổi đến 36 tháng tuổi được bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ.
Đối với lớp mẫu giáo: Cứ 25 trẻ em/lớp từ 3 tuổi đến 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 4 tuổi đến 5 tuổi; 35 trẻ em/lớp từ 5 tuổi đến 6 tuổi được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp.
Những cơ sở giáo dục mầm non không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo theo quy định trên; hoặc sau khi bố trí nhóm trẻ, lớp mẫu giáo theo quy định nhưng còn dư số trẻ thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo như sau:
Cứ 6 trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi hoặc 8 trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi, 11 trẻ từ 3 đến 4 tuổi hoặc 14 trẻ từ 4 đến 5 tuổi hoặc 16 trẻ từ 5 đến 6 tuổi thì được bố trí thêm 1,0 giáo viên;
Đối với điểm trường chỉ có 1 nhóm trẻ hoặc 1 lớp mẫu giáo không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định thì được bố trí 2,0 giáo viên/nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo.
Về vị trí việc làm hỗ trợ giáo dục người khuyết tật: Cơ sở giáo dục có dưới 20 trẻ khuyết tật học hòa nhập thì được bố trí 1 người; cơ sở giáo dục có từ 20 trẻ khuyết tật học hòa nhập trở lên thì được bố trí tối đa 2 người. Khi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có 1 trẻ khuyết tật học hòa nhập thì sĩ số của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được tính giảm 5 trẻ. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo không có quá 2 trẻ khuyết tật học hòa nhập;
Trường hợp không bố trí được biên chế để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thì bố trí hợp đồng lao động hoặc giáo viên kiêm nhiệm.
Các cơ sở giáo dục mầm non được bố trí 2 người để thực hiện các nhiệm vụ kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện.
Đối với cơ sở giáo dục mầm non có từ 5 điểm trường trở lên hoặc có từ 15 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trở lên thì bố trí 3 người để thực hiện nhiệm vụ kế toán, văn thư, thủ quỹ, thư viện.
Các cơ sở giáo dục mầm non bố trí tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ phục vụ. Căn cứ tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục mầm non xác định số lượng lao động hợp đồng đối với từng vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú thì được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện công việc nấu ăn cho trẻ em. Căn cứ số lượng trẻ em, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục mầm non xác định số lượng lao động hợp đồng phù hợp để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn.
Việc ký kết hợp đồng lao động thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
Nghị định mới sửa đổi việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
Ngày 07/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Trong đó, Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã tiến hành sửa đổi nhiều quy định trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức của Nghị định 115/2020/NĐ-CP, cụ thể:
Sửa đổi quy định về căn cứ tuyển dụng viên chức;
Bổ sung quy định về đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức;
Sửa đổi quy định về Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển viên chức;
Sửa đổi quy định về xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức;
Sửa đổi quy định về nội dung, hình thức xét tuyển viên chức;
Sửa đổi quy định về Tiếp nhận vào viên chức;
Bổ sung quy định về nội dung thông báo tuyển dụng viên chức;
Sửa đổi quy định về hồ sơ tuyển dụng sau khi có thông báo kết quả trúng tuyển viên chức;
Sửa đổi quy định về các trường hợp tuyển dụng viên chức không phải thực hiện chế độ tập sự;
Sửa đổi quy định về biệt phái viên chức, trình tự, thủ tục biệt phái viên chức;
Sửa đổi quy định Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; Nội dung, hình thức xét thăng hạng; Xác định viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng; Thông báo kết quả xét thăng hạng;
Sửa đổi quy định bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
Không giới hạn số lần được tái bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ quản lý;
Sửa đổi quy định về bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ quản lý;
Bổ sung quy định cho từ chức, thôi giữ chức vụ quản lý khi có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu.
Nghị định 85/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 07/12/2023.