TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
UBND TỈNH TUYÊN QUANG TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày..... tháng 10 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động
của Phòng Công tác học sinh sinh viên, Trường Đại học Tân Trào
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO
Căn cứ Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT ngày 13/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy;
Căn cứ Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Tân Trào ban hành kèm theo Quyết định số 1857/QĐ-ĐHTT ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Phòng Công tác học sinh sinh viên, Trường Đại học Tân Trào.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các đơn vị trực thuộc, cán bộ, viên chức và người học trong nhà trường căn cứ Quyết định thi hành.
Nơi nhận:- Như Điều 3 (th/h); - Lãnh đạo trường; - Lưu: VT, CTHSSV.
|
HIỆU TRƯỞNG
TS. Nguyễn Bá Đức |
QUY CHẾ
Tổ chức và hoạt động của Phòng Công tác học sinh sinh viên
Trường Đại học Tân Trào
(Ban hành kèm theo Quyết định số .........../QĐ-ĐHTTr ngày …tháng 10 năm 2014
của Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
`Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, chế độ làm việc của phòng Công tác học sinh sinh viên (sau đây gọi tắt là Phòng) và mối quan hệ công tác đối với các đơn vị khác trong nhà trường.
2. Các cán bộ, giảng viên, người học trong nhà trường và các đơn vị, cá nhân có liên quan đều chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.
Điều 2. Vị trí
Phòng Công tác HSSV là đơn vị trực thuộc Ban giám hiệu trường Đại học Tân Trào, được thành lập theo Quyết định số 1507/QĐ-ĐHTTr ngày 25 tháng 9 năm 2013 của Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào.
Điều 3. Nguyên tắc làm việc của Phòng
1. Phòng làm việc dưới sự quản lý và điều hành trực tiếp của Trưởng phòng. Mọi hoạt động của Phòng đều phải tuân thủ quy định của pháp luật, Quy định về tổ chức và hoạt động của trường Đại học Tân Trào, nội quy, quy chế của nhà trường. Cán bộ, nhân viên thuộc Phòng phải xử lý và giải quyết công việc đúng chức năng, nhiệm vụ được giao theo sự phân công của Trưởng phòng, phạm vi trách nhiệm và những quy định hiện hành của Nhà nước và của nhà trường.
2. Trưởng phòng chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về mọi nhiệm vụ được giao của Phòng.
Lãnh đạo phòng thảo luận về chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị và phân công công việc cho các cán bộ, nhân viên.
Trong việc thực hiện nhiệm vụ, mỗi cá nhân được giao chuyên trách đảm nhiệm một công việc và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng và liên đới chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về công việc được giao.
Tuân thủ trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết công việc theo đúng quy định, chương trình, kế hoạch, lịch làm việc của Nhà trường và của Phòng, trừ trường hợp đột xuất hoặc có yêu cầu khác của Hiệu trưởng.
3. Phát huy năng lực và sở trường của cán bộ, giảng viên, đề cao sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc và trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định và đúng pháp luật.
4. Bảo đảm dân chủ, rõ ràng, minh bạch và hiệu quả trong mọi hoạt động của đơn vị.
5. Những công việc có liên quan đến nhiều bộ phận, nhưng trong quá trình làm việc còn có vấn đề chưa thống nhất thì Trưởng phòng là người ra quyết định cuối cùng.
Chương II
CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ
Điều 4. Chức năng và nhiệm vụ
1. Chức năng
Tham mưu, tư vấn cho Hiệu trưởng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Công tác quản lý học sinh, sinh viên.
2. Nhiệm vụ
Tổ chức, triển khai công tác quản lý học sinh, sinh viên theo đúng các quy định của Nhà nước, của Ngành và của Nhà trường. Cụ thể là:
2.1. Tổ chức tiếp nhận thí sinh trúng tuyển vào học theo qui định của Bộ GD&ĐT và Nhà trường; sắp xếp bố trí vào các lớp HSSV; chỉ định Ban cán sự lớp HSSV lâm thời (lớp trưởng, lớp phó) trong thời gian đầu khoá học; làm thẻ cho HSSV.
2.2. Thống kê, tổng hợp dữ liệu và quản lí hồ sơ của HSSV.
2.3. Giải quyết các công việc hành chính có liên quan cho HSSV.
2.4. Theo dõi, đánh giá ý thức học tập, rèn luyện của HSSV; phân loại, xếp loại HSSV cuối mỗi học kỳ hoặc năm học, khoá học; tổ chức thi đua, khen thưởng cho tập thể và cá nhân HSSV đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện; xử lý kỷ luật đối với HSSV vi phạm quy chế, nội quy.
2.5. Tổ chức "Tuần sinh hoạt công dân - HSSV" đầu khóa, đầu năm và cuối khóa học.
2.6. Tổ chức thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước qui định đối với HSSV về học bổng, trợ cấp xã hội, bảo hiểm, tín dụng đào tạo và các chế độ khác có liên quan đến HSSV.
2.7. Tạo điều kiện giúp đỡ HSSV tàn tật, khuyết tật, HSSV diện chính sách, HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
2.8. Phối hợp với Ban quản lí khu nội trú, các cấp chính quyền địa phương nơi trường đóng quản lí HSSV nội, ngoại trú; xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải quyết kịp thời các vụ việc có liên quan đến HSSV.
2.9. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các hoạt động khác có liên quan đến HSSV; hướng dẫn HSSV chấp hành pháp luật và nội qui, qui chế.
2.10. Tổ chức cho HSSV tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, thi HSSV giỏi, Olympic các môn học, thi sáng tạo tài năng trẻ và các hoạt động khuyến khích học tập khác.
2.11. Tổ chức triển khai công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho HSSV; tổ chức cho HSSV tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ và các hoạt động ngoài giờ lên lớp khác; tổ chức đối thoại định kỳ giữa Hiệu trưởng nhà trường với HSSV.
2.12. Theo dõi công tác phát triển Đảng trong HSSV; tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV tham gia tổ chức Đảng, các đoàn thể trong trường; phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên và các tổ chức chính trị – xã hội khác có liên quan trong các hoạt động phong trào của HSSV, tạo điều kiện cho HSSV có môi trường rèn luyện, phấn đấu.
2.13.Tổ chức tư vấn học tập, nghề nghiệp, việc làm cho HSSV.
2.14. Tư vấn pháp lý, tâm lý, xã hội cho HSSV.
Chương III
TRÁCH NHIỆM, PHẠM VI GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC
Điều 5: Tổ chức bộ máy của Phòng
Phòng bao gồm: Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và các cán bộ, nhân viên khác giúp việc cho Trưởng phòng.
Điều 6. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Trưởng phòng
1. Trưởng phòng là người đứng đầu Phòng, chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về toàn bộ hoạt động của Phòng và trực tiếp giải quyết các công việc sau:
1.1. Chỉ đạo, điều hành Phòng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo đúng quy định, hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn có hiệu suất cao.
1.2. Phân công công việc cho Phó trưởng phòng và các chuyên viên.
2. Phạm vi giải quyết công việc của Trưởng phòng
2.1. Những công việc thuộc thẩm quyền quy định trong Quy chế làm việc của nhà trường và những công việc quy định tại khoản 1 của điều này.
2.2. Những công việc được Hiệu trưởng giao hoặc uỷ quyền.
2.3. Trực tiếp giải quyết một số việc tuy đã giao cho Phó trưởng phòng, chuyên viên nhưng do thấy cần thiết vì nội dung vấn đề cấp bách hoặc quan trọng, hay do Phó trưởng phòng đi công tác vắng; những việc liên quan đến từ hai cá nhân trở lên và các cá nhân có ý kiến khác nhau.
3. Khi vắng mặt, Trưởng phòng ủy quyền cho Phó trưởng phòng điều hành giải quyết công việc nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về việc ủy quyền.
Điều 7. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của Phó trưởng phòng
1. Phó trưởng phòng được Trưởng phòng phân công phụ trách một số lĩnh vực công tác cụ thể và chịu trách nhiệm tham mưu, đề xuất với Trưởng phòng về chương trình, kế hoạch làm việc; Chịu trách nhiệm liên đới trước Hiệu trưởng những công việc được phân công quản lý.
2. Đề xuất xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác trong phạm vi lĩnh vực được phân công quản lý. Thực hiện những công việc được Trưởng phòng giao.
3. Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình, kế hoạch công tác trong phạm vi lĩnh vực chuyên môn được phân công quản lý.
4. Báo cáo Trưởng phòng tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch công tác và kết quả công việc theo quy định.
5. Thay mặt Trưởng phòng giải quyết công việc của Phòng khi được ủy quyền trong thời gian Trưởng phòng không có mặt tại nơi làm việc.
Điều 8. Trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc của cán bộ, chuyên viên
1. Thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao. Thường xuyên đổi mới phương pháp làm việc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
của đơn vị.
2. Chủ động nghiên cứu, tham mưu về lĩnh vực chuyên môn được phân công theo dõi, các công việc được giao theo chức năng, nhiệm vụ. Xây dựng kế hoạch hoạt động của cá nhân, thường xuyên tự kiểm tra, báo cáo việc thực hiện công việc được giao, cung cấp các thông tin kịp thời theo yêu cầu của lãnh đạo phòng.
3. Chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về ý kiến đề xuất, tiến độ, chất lượng, hiệu quả của từng công việc được giao. Trường hợp không thể hoàn thành nhiệm vụ, phải cáo cáo Trưởng phòng ngay sau khi nhận nhiệm vụ được giao.
4. Hoàn thành các công tác khác do nhà trường và lãnh đạo phòng giao.
Chương IV
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 9. Chế độ làm việc
Giờ làm việc thực hiện theo chế độ qui định chung của nhà nước, khi cần thiết có thể làm việc thêm ngoài giờ để đảm bảo tiến độ công việc chung.
Trưởng phòng chủ trì họp mỗi tháng một lần để rà soát lại nội dung các công việc đã thực hiện và triển khai các nhiệm vụ mới. Khi cần thiết có thể triệu tập họp đột xuất.
Phó trưởng phòng và các cán bộ, nhân viên phải báo cáo Trưởng phòng tiến độ, kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch công tác và các công việc được giao khác.
Định kỳ hàng quý, hết kỳ, hết năm họp sơ kết, tổng kết bình xét công A, B, C, xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật theo đúng quy định.
Chương V
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 10. Hoạt động chung của phòng
Thực hiện theo sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng phụ trách công tác HSSV.
Điều 11. Quan hệ công tác giữa Phòng với các đơn vị trong nhà trường
Quan hệ giữa Phòng với các đơn vị khác trong nhà trường là quan hệ ngang cấp và được thực hiện theo Quy chế tổ chức, hoạt động của Trường Đại học Tân Trào.
Điều 12. Các quan hệ công tác khác
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khi được Lãnh đạo
trường giao, Phòng có trách nhiệm phối hợp hoặc tham khảo ý kiến của các đơn vị về những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn của các đơn vị để hoàn thành tốt công việc được giao.
Chương VI
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT
Điều 13. Khen thưởng
Các cá nhân, tập thể thực hiện tốt Quy chế này, có nhiều thành tích đóng góp cho công tác HSSV của Nhà trường được Phòng đề nghị Hiệu trưởng khen thưởng theo Luật Thi đua - Khen thưởng của Nhà nước và các Quy định, Quy chế của Nhà trường.
Điều 13. Kỷ luật
Các cán bộ, giảng viên, nhân viên và người học vi phạm Quy chế này sẽ bị xử lý bằng các hình thức kỷ luật theo quy định hiện hành của Nhà nước và Quy chế tổ chức, hoạt động của Nhà trường.
.
Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm thực hiện
Các cán bộ, chuyên viên thuộc phòng và các cá nhân, đơn vị có liên quan, người học trong trường có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc theo quy định của Quy chế này.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, đề nghị các đơn vị, cá nhân góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản với Phòng Công tác học sinh sinh viên để trình Hiệu trưởng quyết định./.