Thái Lan - Bước đi đầu tiên của trường Đại học Tân Trào hội nhập với các trường Đại học trong khu vực Asean
 
Nhận lời mời của Đại học hoàng gia Suan Dusit – Thái Lan, từ ngày 10 – 18/01/2015, Đoàn công tác của trường Đại học Tân Trào đã tham dự Hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu khoa học và tham quan các cơ sở đào tạo (campus) của Trường Đại học Hoàng gia Suan Dusit

Nhận lời mời của Đại học hoàng gia Suan Dusit – Thái Lan, từ ngày 10 – 18/01/2015, Đoàn công tác của trường Đại học Tân Trào đã tham dự Hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu khoa học và tham quan các cơ sở đào tạo (campus) của Trường Đại học Hoàng gia Suan Dusit cùng đại biểu các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên của Philippin, Indonesia, Lào và Thái Lan. Đoàn công tác gồm có 03 người: TS. Nguyễn Bá Đức (Hiệu trưởng nhà trường), ThS. Phạm Thị Kiều Trang và tôi. Đây là một chuyến công tác có nhiều ý nghĩa đối với sự mở rộng hợp tác, giao lưu, hội nhập với các trường đại học trong khu vực của trường Đại học Tân Trào.

Chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, mến khách của trường chủ nhà ngay từ khi đặt chân xuống sân bay khi thấy có đến 5 người ra đón chúng tôi với thái độ rất niềm nở, tại đây chúng tôi cũng gặp đoàn đại biểu từ trường đại học Bắc Philippin đến cùng giờ. Buổi tối, các đoàn đại biểu đã đến đông đủ, chúng tôi bắt đầu làm quen với nhau, mọi người nhanh chóng trở nên thân tình.

Hôm sau, đoàn tham dự hội thảo khoa học “Giáo dục đại học cho các nước trong cộng đồng ASEAN” tại Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực, Đại học Hoàng gia Suan Dusit. GS.TS. Siror Phonphanthin – Phó Giám đốc Đại học hoàng gia Suan Dusit đã khai mạc Hội thảo. Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức - Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào đồng chủ trì hội thảo cùng với đại diện trường đại học Negeril Jakarta (Indonesia), Southeastern Philippines và Suan Dusit (Thái Lan). Hội thảo thảo luận về 2 chủ đề: “Quản lý giáo dục trong cộng đồng ASEAN: Vai trò và chức năng của Hiệu trưởng trường Đại học” và “Kỷ nguyên mới của phát triển chương trình đào tạo cho sinh viên nước ngoài và hợp tác về giáo dục trong cộng đồng ASEAN”. Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức đã có bài báo cáo quan trọng mở đầu cho hội thảo, báo cáo nằm trong chủ đề 1 với nội dung: “The role of the rector of local university in Viet Nam and some integration issues of university in ASEAN community” (Vai trò của hiệu trưởng các trường đại học địa phương của Việt Nam và một số vấn đề khi hội nhập với các trường đại học trong cộng đồng ASEAN), báo cáo đã thu hút được sự quan tâm, đồng tình cao của các trường đại học tham gia hội thảo với các quan điểm: Hiệu trưởng vừa là nhà hoạch định chiến lược, vừa là nhà chính trị, vừa là một doanh nhân. Các trường bạn cũng chia sẻ những quan điểm của mình như hiệu trưởng có vai trò như một người cha trong gia đình hay hiệu trưởng trường đại học phải chịu sự chi phối của xu hướng giáo dục, tính toàn diện trong giáo dục, môi trường quốc tế, chất lượng đào tạo của trường… Hội thảo khẳng định, hiệu trưởng của trường đại học có vai trò quan trọng trong sự phát triển của từng trường nói riêng và của nền giáo dục đại học nói chung của mỗi nước cũng như của khu vực ASEAN.

Trong ngày tiếp theo, các nhóm nghiên cứu từ 5 trường đại học trong khối ASEAN thực hiện dự án “Nghiên cứu so sánh và phát triển chuẩn năng lực giảng dạy ở trình độ đại học của 5 trường đại học trong khối ASEAN và 01 trường đại học ở Trung Quốc” đã họp để thống nhất kết quả điều tra. Tại cuộc họp, các trường đã trình bày kết quả điều tra tại trường về 4 nội dung trong dự án gồm: Kỹ năng sư phạm của giảng viên; kỹ năng kiểm tra, đánh giá sinh viên; kỹ năng quản trị lớp học; kỹ năng phát triển nghề nghiệp. Khi kết thúc, dự án sẽ có đề xuất chuẩn năng lực giảng dạy chung cho các trường sư phạm trong khối ASEAN. Là đại biểu khách mời, tiến sĩ Nguyễn Bá Đức đã có những ý kiến tham gia về nội dung của dự án trên quan điểm của nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là về kỹ năng đánh giá sinh viên để sinh viên chủ động thay đổi cách học và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Các nhà nghiên cứu tham gia thực hiện dự án đánh giá cao những ý kiến này và khẳng định nó rất có ý nghĩa với kết quả cuối cùng của dự án. Nhân dịp này tiến sĩ Nguyễn Bá Đức cũng mời các nhà khoa học của các trường đại học trong khối ASEAN tham dự hội thảo khoa học “Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học - Nhiệm vụ và giải pháp của các trường đào tạo giáo viên” tổ chức tại trường Đại học Tân Trào vào tháng 5/2015.

Sau 3 ngày làm việc tại BangKok, chúng tôi đi thăm các trường thành viên của Đại học Hoàng gia Suan Dusit tại các tỉnh phía Bắc Thái Lan. Đại học Hoàng gia Suan Dusit được thành lập từ năm 1935 với 5 trường đại học thành viên ở các tỉnh (trường xa nhất cách Bangkok trên 1.000km). Trường đào tạo các ngành chính là quản lý, du lịch, công nghệ thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, sư phạm... ngoài sinh viên người Thái Lan còn có sinh viên đến từ các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới.

Trường đầu tiên chúng tôi tới là trường Suphan Buri, đây là trường thành viên lớn nhất của Đại học Hoàng gia Suan Dusit với các ngành đào tạo chính là công nghệ thực phẩm, kinh tế gia đình, sư phạm, phục vụ hàng không. Viện Khổng tử của Đại học Hoàng gia Suan Dusit cũng nằm tại trường nhánh này. Tại trường còn có nhà máy sản xuất bơ, các công trình phụ trợ phục vụ đào tạo hiện đại như nhà thể thao, bể bơi, phòng chiếu phim, phòng hát karaoke... Trường có trên 1.500 cán bộ, giảng viên, nhân viên và 15.000 sinh viên. Tất cả các ngành đạo tạo của trường đều có cơ sở thực hành và giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy. Đây cũng là điều chúng tôi thấy khi đến thăm các trường thành viên khác ở tỉnh Lampang. Trong quá trình thăm các cơ sở đào tạo của Thái Lan, các trường trong đoàn cũng chia sẻ cho nhau về chương trình, phương pháp đào tạo hoặc thực tế giáo dục của nước mình, qua đó chúng tôi cũng đã có được bức tranh chung về ngành sư phạm của các nước ASEAN và cũng thấy có nhiều điểm tương đồng giữa trường đại học Tân Trào với các trường bạn, chúng tôi thấy hoàn toàn tự tin rằng trường Đại học Tân Trào có thể hội nhập với cộng đồng các trường đại học trong khu vực.

Từ tỉnh Lampang, sau gần 1 giờ di chuyển là tới tỉnh Chiềng Mai - tỉnh giữ gìn được nhiều yếu tố truyền thống nổi bật của miền Bắc Thái Lan. Tại đây, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về văn hóa của người Thái khi được thăm các làng nghề, xem các điệu múa truyền thống, thăm các ngôi đền cổ hàng trăm năm tuổi... Chúng tôi cũng có nhiều cơ hội chia sẻ với các trường bạn một cách thân mật. Sau một tuần cùng làm việc, chúng tôi đã quen với các món ăn đậm đà hương vị và rất cay của Thái Lan, quen nghe tiếng Anh nhiều “T” của Indonesia, quen với sự vui vẻ, lạc quan của các bạn Philippin, sự điềm đạm của các bạn Lào và mọi người cùng đồng cảm “Chúng ta là một gia đình lớn hạnh phúc”.

Kết thúc một chuyến đi ý nghĩa, Đoàn công tác vui mừng đã hoàn thành nhiệm vụ và vui mừng hơn vì công tác hợp tác quốc tế của nhà trường đã tiếp tục được mở rộng, những kinh nghiệm từ chuyến đi sẽ giúp ích rất nhiều cho trường trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo... mang tầm khu vực tại trường Đại học Tân Trào trong tương lai gần và tôi xin kết thúc bài viết bằng một hình ảnh hết sức ý nghĩa thể hiện mong muốn của đồng chí Hiệu trưởng: “Trường đại học Tân Trào sẽ sớm là một bông lúa vàng trong cộng đồng các trường đại học khu vực Đông Nam Á”./.

Một số hình ảnh lưu niệm

 

Trương Hoài Linh – Phòng QLKH và HTQT