TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Lần hội ngộ thứ IX này, 7 trường Đại học, Cao đẳng Trung Bắc Việt Nam gặp lại nhau tại trường Cao đẳng Tuyên Quang tỉnh Tuyên Quang- nơi quê hương của cách mạng, thủ đô của cuộc kháng chiến chống pháp với bao địa danh đã đi vào lịch sử như Mái Đình Hồng Thái, Cây Đa Tân Trào. Đây cũng là nơi mà 12 năm trước chúng ta đã hẹn gặp nhau và giao lưu dưới mái trường Cao Đẳng Sư Phạm Tuyên Quang thân yêu. Lần trở lại thứ 2 này chúng ta vui mừng vì thấy tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều bước phát triển mới đáng tự hào và trường Cao Đẳng Tuyên Quang đã có những thành tựu mới chuẩn bị một sự chuyển mình mang tính bước ngoặt.
Cũng như lần trước chúng tôi vẫn được hưởng sự đón tiếp nồng hậu và trọng thị của thầy và trò Trường Cao Đẳng Tuyên Quang. Chính tấm lòng hiếu khách và sự chuẩn bị chu đáo, công phu này là nguyên nhân quan trọng nhất để hội giao lưu lần này thành công trên tất cả các mặt. Thật khó mà nói hết cảm nghĩ của chúng tôi về những gì mà tỉnh nhà và trường Cao Đẳng Tuyên Quang đã dành cho hội giao lưu để hội giao lưu các trường Đại học- Cao đẳng cụm trung Bắc được thành công như thế. Trong dòng súc cảm ấy, chúng tôi xin dành ghi lại đây những cảm nhận của mình về buổi Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng dạy và học trong các Trường Đại học và Cao đẳng trong giai đoạn hiện nay” được diễn ra trong Hội giao lưu này.
Có thể nói rằng Hội thảo khao học là một hoạt động rất quan trọng và ý nghĩa trong Hội giao lưu các trường Đại học-Cao đẳng cụm Trung Bắc nên nó đã dành được sự quan tâm sâu sắc của đông đảo các nhà khoa học đến từ các đơn vị tham gia. Với đơn vị “chủ nhà” và đơn vị trưởng cụm thì sự quan tâm ấy càng lớn hơn vì nó liên quan đến việc tổ chức chương trình hội thảo. Và điều này được chúng tôi nhận thấy ngay khi đến với Hội thảo. Cầm trên tay cuốn kỷ yếu dày 307 trang, khổ giấy A4 được in rất cẩn thận, trình bày đẹp, chân phương đúng với tinh thần khoa học chúng tôi đã nhận ra sự công phu trong công tác chuẩn bị của Tiểu ban Hội thảo khoa học. Bên cạnh đó công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cũng rất chu đáo. Không gian hội thảo đạt yêu cầu ở mức cao. Các ấn phẩm khoa học của các đơn vị được trưng bày rất trang trọng và thuận để mọi đại biểu đều có thể thấy được những công trình khoa học tâm huyết của các đơn vị bạn. Đặc biệt tiến trình hội thảo diễn ra hết sức bài bản, khoa học và sôi nổi. Buổi hội thảo khoa học tuy không dài và số lượng báo cáo trình bày trực tiếp không quá 10 báo cáo nhưng thực sự đã đem đến những giá trị khoa học thực sự cả về nội dung và hình thức, có giá trí lý luận và thực tiễn cao. Ban tổ chức Hội giao lưu đã dành cho phần Hội thảo sự quan tâm đặc biệt. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo các đơn vị đều trực tiếp tham gia hội thảo. Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thanh - lãnh đạo đơn vị chủ nhà còn trực tiếp điều hành hội thảo.
Trở lại Kỷ yếu Hội thảo khoa học các trường ĐH, CĐ cụm Trung Bắc, chúng tôi thấy đây quả thực là một kỷ yếu dày dặn nhất mà chúng ta có được kể từ khi có phần Hội thảo khoa học trong các Hội giao lưu cho tới nay. Với 307 trang in, tập hợp 65 bài viết được gửi tới chủ yếu từ 7 trường trong cụm tham gia hội thảo, kỷ yếu quả thật đã đạt được mục đích ban đầu đặt ra là công bố các kết quả nghiên cứu mới của các cán bộ giảng viên của các trường trong cụm. Đây là điều rất đáng mừng cho thấy các trường ngày càng quan tâm hơn tới công tác nghiên cứu khoa học trong đơn vị mình.
Trong 65 vào báo cáo có 4 bài báo cáo tính chất tổng kết nghiên cứu khoa học mà các nhà trường trong cụm Tây Bắc, 27 báo cáo thuộc tiểu ban 1 là các đề xuất, giải pháp đổi mới tổ chức, quản lý đào tạo, phương pháp giảng dạy, chương trình giáo trình trong các trường Đại học,Cao đẳng hiện nay, 34 báo cáo thuộc tiểu ban 2 là các định hướng và kết quả nghiên cứu mới về các lĩnh vực khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Những bài viết đăng trong kỷ yếu này đều cho thấy tinh thần trách nhiệm cao, lòng say mê và tâm huyết nghề nghiệp của tác giả. Do đó việc đọc nghiêm túc những gì có trong kỷ yếu này sẽ cho chúng ta nhiều điều bổ ích.
Do khuôn khổ thời gian của chương trình có hạn nên ban tổ chức đã chọn trong số 65 bài tham luận gửi tới hội thảo (in trong kỷ yếu) 9 tham luận làm 9 báo cáo trình bày trong chương trình hội thảo. Trong 9 tham luận được báo cáo này, có 2 tham luận có tính chất tổng kết công tác nghiên cứu khoa học, thông báo về những kết quả đã đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đề xuất này nâng cao chất lượng công tác trong các trường Đại học địa phương (nhóm tác giả trường Đại Học Hùng Vương) và phát huy vai trò của nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao của trường Cao Đẳng Vĩnh Phúc (tác giả Hoàng Văn Bình).
Đi vào các phần cụ thể Hội thảo đã nghe và thảo luận vấn đề “ Giáo dục trải nghiệm di sản trong trường phổ thôn” của tác giả Nguyễn Minh Nguyệt (Cao Đẳng Sư Phạm Hà Giang). Đây là một báo cáo hay, thú vị, có giá trị lý luận và thực tiễn cao gây được sự chú ý của nhiều cử tọa. Báo cáo tham luận : “Xây dựng thư viện điện tử số” của tác giả Phạm Xuân Thủy (Cao Đẳng Sư Phạm Yên Bái) đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích về xây dựng thư viện điện tử số, một vấn đề đang được quan tâm và tiến hành tại nhiều địa phương, đơn vị. Báo cáo “Một số giải pháp phát triển sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc mở rộng” của tác giả Nguyễn Thị Huyền- Hà Thị Lịch (Đại Học Hùng Vương) có giá trị và ý nghĩa rất thiết thực đối với phát triển ngành du lịch vùng Tây Bắc nước ta. Báo cáo “Sử dụng Grap trong giảng dạy tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Thị Kim Dung (Cao Đẳng Tuyên Quang) đã trình bày tác dụng tích cực của phương pháp sử dụng Grap đối với dạy học tiếng việt. Báo cáo “Quan điểm của Ph.Angghen về sự phát triển của khoa học trong sự đấu tranh với tôn giáo” của tác giả Vũ Văn Hồng (Cao Đăng Vĩnh Phúc) bàn về cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, giữa khoa học với tôn giáo đã, đang và tiếp tục diễn ra phức tạp. Qua phần trình bày, tham luận đã khẳng định vai trò to lớn của các nhà khoa học đối với sự tiến bộ của nhân loại, khẳng định sự đúng dắn của thế giới quan duy vật biện chứng. Tham luận của tác giả Lê Thị Thanh Hà (Cao đẳng Sư phạm Lào Cai) lại quan tâm đến vấn đề đào tạo theo học chế tín chỉ. Đây là vấn đề đang còn gây tranh luận nhất là khi áp dụng ở các trường Cao đẳng địa phương, nhưng nó vẫn là xu thế tất yếu mà nền giáo dục nước ta phải thực hiện. Tác giả qua tham luận đã đề xuất những biện pháp khả thi để quản lý việc tự học của sinh viên theo học chế tín chỉ ngày một tốt hơn.
Có thể nói các tham luận được trình bày tại buổi hội thảo đều đạt yêu cầu về mặt khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn nhất định, gây được sự chú ý và thảo luận sôi nổi của cử tọa. Điều này cho thấy các tác giả tham luận thực sự nghiêm túc, trách nhiệm cao với bài viết của mình và chuẩn bị công phu cho bài báo cáo.
Có thể nói, Hội thảo còn là nơi để các nhà khoa học, các thầy cô giáo, sinh viên, các nhà lãnh đạo quản lý giáo dục... của các đơn vị có điều kiện ngồi lại với nhau để giao lưu học hỏi những tri thức quý báu, những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt. Qua đó mà hiểu nhau hơn nữa thắt chặt thêm tình đồng chí, đồng nghiệp để cùng nhau đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo của đơn vị mình, của vùng trung Bắc ngày một phát triển.
Từ những gì đã đạt được qua hội thảo này, tôi mong muốn, ngoài việc tiến hành tổ chức hội thảo khoa học trong các hội giao lưu định kỳ như đã và đang làm hiện nay chúng ta nên tổ chức những hội thảo khoa học mang tính chuyên đề, chuyên sâu và thường niên cho cán bộ giảng viên và tiến tới cho sinh viên có sự hướng dẫn của các thầy cô giáo. Chúng tôi tin rằng nếu làm được điều đó thì chắc chắn vấn đề nghiên cứu khoa học trong mỗi trường chúng ta và toàn cụm các trường trong khu vực trung Bắc sẽ có được sự phát triển mới về chất và lượng mang lại những niềm vui mới đầy ý nghĩa.