TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Mở đầu đầu hoạt động kỷ niệm 15 năm ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2020), ngày 23/11/2020 Đoàn cán bộ nghiên cứu gồm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học KHXH và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tân Trào, Học viện dân tộc, cán bộ quản lý về văn hóa,... đến dâng hương Bác Hồ tại Đài tưởng niệm và Đền thờ Bác tại Trung tâm hành chính của tỉnh Sơn La. Sau đó, đoàn đến thăm khu di tích Nhà tù Sơn La, nơi ghi lại những minh chứng tội ác của thực dân Pháp và sự chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ Cách mạng Việt Nam như: Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn...
Ngày 24/11/2020, Hội thảo được tổ chức long trọng tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La. Tham dự và điều hành Hội thảo có các đồng chí: Đinh Thị Bích Thảo - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Sơn La; PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; GS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo và gần 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, cán bộ quản lý về văn hóa trong nước có bài tham luận cùng tham dự.
Đây là Hội thảo khoa học quan trọng nhằm trao đổi, thảo luận với chủ đề "Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay" đã có 84 báo cáo tham luận được Hội đồng khoa học lựa chọn từ hơn 100 bài viết từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ quản lý văn hóa ở Trung ương và địa phương. Trong buổi hội thảo khoa học có mười bài tham luận: Bảo tồn di sản văn hóa tộc người dưới góc nhìn của kinh tế du lịch ở Việt Nam hiện nay (PGS.TS Dương Văn Sáu); Bảo tồn và phát huy âm nhạc các dân tộc Sơn La dưới góc nhìn di sản (PSG.TS Kiều Trung Sơn); “Huyền thoại và tạo dựng huyền thoại trong du lịch”: Quá trình tái cấu trúc biểu tượng nàng Han và thần linh bản địa ở Quỳnh Nhai, Sơn La (ThS - Ngiên cứu sinh Đỗ Thị Thu Hà) ; Nghiên cứu bảo tồn giá trị văn hóa kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (TS Tạ Quốc Khánh)… Sau mỗi bài tham luận là những nhận xét, góp ý nghiêm túc từ các nhà khoa học và của cán bộ quản lý văn hóa địa phương. Từ đó bổ sung rất nhiều tư liệu quý cho Ban tổ chức.
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm đã kết luận: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc bảo tồn, xây dựng và phát triển văn hóa đảm bảo hài hòa, hợp lý, tạo ra ngày càng nhiều giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội. Tuy nhiên, văn hóa mỗi cộng đồng có trở thành di sản văn hóa hay không? Di sản văn hóa sẽ được bảo vệ như thế nào?... đều do chủ thể của văn hóa quyết định, chính quyền và các nhà nghiên cứu khoa học chỉ là những người hỗ trợ, định hướng để người dân tự bảo vệ và thực hiện trao truyền văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ sau. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cán bộ quản lý văn hóa đã làm nên thành công của Hội thảo.
Dưới đây là một số hình ảnh của đoàn tham dự Hội thảo tại Sơn La:
Đoàn tại Quảng trường tỉnh Sơn La
Đoàn thăm quan Nhà tù Sơn La
PSG.TS Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa, báo cáo dẫn đề Hội thảo
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên Đại học, cán bộ quản lý về văn hóa cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
tỉnh Sơn La chụp ảnh lưu niệm