TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Không thể phủ nhận rằng, trong những năm gần đây, giáo dục ở Việt Nam đã có những thay đổi rất lớn theo chiều hướng tích cực, đặc biệt giáo dục đại học đã được quan tâm và đầu tư đáng kể. Với sự kiện Việt Nam ra nhập WTO năm 2007, đồng nghĩa với việc chất lượng về nguồn nhân lực và sản phẩm của Việt Nam cũng phải đáp ứng được yêu cầu mới và đương nhiên là khắt khe hơn trước rất nhiều. Trước tình hình mới, chính phủ và Bộ GD-ĐT đã có những cải cách nhất định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Năm 2007, Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản tới các trường đaị học với yêu cầu nâng cao công tác đào tạo với một phương châm cụ thể là “đào tạo phải gắn liền với thực tiễn của xã hội”.
Tuy nhiên, cho tới hiện tại, chất lượng giáo dục đại học Việt Nam vẫn là một vấn đề nhức nhối. Bên cạnh các yếu tố như chương trình quá tải, lớp học quá tải hay cơ sở vật chất thì việc chậm đổi mới về phương pháp giảng dạy là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng đầu ra còn thấp. Qua những bài phỏng vấn đối với các giảng viên đang giảng dạy tại các trường đại học lớn ở Việt Nam thì cơ bản phương pháp chính vẫn là “giáo viên là trung tâm”. Trong một tiết học, người giảng viên vẫn giữ vai trò chính, vẫn là người cung cấp thông tin chính tới sinh viên và đặc biệt tình trạng ‘thầy đọc, trò ghi’ vẫn còn khá phổ biến. Đối với các sinh viên thì nguồn kiến thức từ thầy hay cách giải quyết vấn đề từ thầy vẫn là đáng tin tưởng nhất.
Ở các trường đại học phương Tây, phương pháp giảng dạy và học tập của giảng viên và học sinh hoàn toàn khác với chúng ta. Lớp học luôn được chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận (group discussion). Qua hoạt động này, sinh viên được tự do trình bày quan điểm cá nhân và được thoải mái trao đổi, sau đó đại diện nhóm sẽ trình bày quan điểm chung của cả nhóm trước lớp. Giáo viên chỉ là người giữ vai trò tổng hợp ý kiến của các nhóm sau đó phân tích, bổ sung ý kiến giữa các nhóm thành nguồn kiến thức tham giảo chung cho cả lớp. Để có những cuộc thảo luận nhóm như vậy, người học đã phải có sự chuẩn bị rất kĩ trước khi đến lớp, họ phải đọc rất nhiều các tài liệu liên quan đến vấn đề sắp được thảo luận. Đến cuối giờ học, giáo viên tiếp tục cung cấp tới sinh viên danh sách các tài liệu cần đọc cho giờ học tiếp theo. Vai trò giáo viên trên lớp không còn là trung tâm nữa và họ làm việc cũng rất nhàn. Tuy nhiên để được như vậy, người giáo viên đòi hỏi phải có kiến thức cơ bản tốt, có khả năng khái quát tổng hợp vấn đề trong một khoảng thời gian nhanh nhất. Tất cả những hoạt động và kỹ năng vừa nêu là nhằm trang bị cho người học sau khi ra trường không chỉ giỏi về kiến thức cơ bản mà còn thành thạo trong các kĩ năng: làm việc nhóm (team work); làm việc độc lập (independence); sáng tạo (creative thinking); khả năng tự quyết (decision making); khả năng hùng biện (presentation) và đặc biệt thói quen suy nghĩ một vấn đề theo nhiều góc độ bao gồm cả phản bác, phê phán (critical thinking).
Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, sự khác biệt giữa giáo dục đại học phương Tây và Việt Nam thì ai cũng có thể nhìn ra, quan trọng là chúng ta nhìn ra căn nguyên của vấn đề. Giảng viên các trường đại học ở Việt Nam họ có thể và sẽ làm được những điều như các giảng viên các trường đại học phương Tây. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể làm được vì vô số những yếu tố khác như sự đảm bảo về chuyển tải khối lượng chương trình, số lượng sinh viên trong lớp học, hoặc cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Do vậy, để đổi mới phương pháp giảng dạy ở hệ đại học ở Việt Nam một cách hiệu quả thì nó luôn phải nằm trong sự đổi mới của cả một hệ thống đồng bộ.