Quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thích ứng với cách mạng 4.0 ở Việt Nam
 
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang tác động mạnh mẽ tới các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo ra cơ hội cũng như thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có quản lý đơn vị sự nghiệp công lập. Bài viết phân tích một số vấn đề quản lý đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thích ứng với cuộc CMCN 4.0.

1. Một số vấn đề của quản lý đơn vị sự nghiệp công lập

Khái niệm “đơn vị sự nghiệp công lập” (đơn vị sự nghiệp công) được đề cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Viên chức năm 2010, Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công. “Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước”(1). Với cách hiểu này, đơn vị sự nghiệp công không có chức năng quản lý nhà nước mà thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ công gồm cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công và dịch vụ công ích.

Phân loại đơn vị sự nghiệp công lập: Đơn vị sự nghiệp công được phân loại theo các căn cứ về ngành, lĩnh vực hoạt động; về chức năng, nhiệm vụ (phục vụ quản lý nhà nước hoặc thực hiện nhiệm vụ được giao và cung cấp dịch vụ công); về tính chất, đặc điểm chuyên môn, nghiệp vụ; về cơ chế hoạt động. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định cụ thể tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công phù hợp với yêu cầu quản lý của ngành, lĩnh vực và quy định của pháp luật chuyên ngành(2). Chẳng hạn, căn cứ cơ chế tự chủ được quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp công được chia thành 4 loại sau: (1) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (2) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; (3) Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; (4) Đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Về chủ thể có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công: Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Nghị định 55/2012/NĐ-CP ngày 28-6-2012 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1-9-2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Nghị định 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện... các đơn vị sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, gồm: các đơn vị sự nghiệp công thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đơn vị sự nghiệp công thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công; đơn vị sự nghiệp công thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; đơn vị sự nghiệp công thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Về nội dung quản lý đơn vị sự nghiệp công, gồm: Xây dựng pháp luật về quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp công; Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công; Quy định lộ trình tính đủ giá, phí để đơn vị sự nghiệp công thực hiện và hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách sử dụng dịch vụ sự nghiệp công; Quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể và điều kiện tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công;...(3).

Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định những vấn đề chung nhất về quản lý các đơn vị sự nghiệp công (theo cơ chế tự chủ), trên cơ sở đó, phân cấp theo thẩm quyền, để thực hiện quản lý thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Các cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định về cơ chế tự chủ trong từng lĩnh vực như nghị định về giáo dục - đào tạo; y tế; văn hóa - thể thao và du lịch; giáo dục nghề nghiệp; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; về sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh chủ trương: “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao... Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công”(4). Trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24-1-2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW, trong đó xác định các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện, như: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công; quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công...

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2019, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các quy định của Nghị định 16/2015/NĐ-CP đối với từng lĩnh vực còn tương đối chậm. Chính phủ mới ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14-6-2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10-10-2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; các lĩnh vực còn lại chưa ban hành. Ngoài ra, đã có 12 Quyết định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của một số Bộ, cơ quan Trung ương và 4 Quyết định quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương. Tại địa phương, một số Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để bảo đảm phù hợp với đặc thù và khả năng ngân sách địa phương và quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc một số lĩnh vực trực thuộc địa phương. Theo đó, có thể thấy, đơn vị sự nghiệp công ở Việt Nam hiện nay được quản lý theo 2 nhóm:

Một là, các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, lao động thương binh và xã hội, tư pháp và sự nghiệp khác áp dụng cơ chế tự chủ theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Nhóm các đơn vị này được quản lý theo hướng chuyển thành công ty cổ phẩn (trừ các bệnh viện và trường học), theo cơ chế quản trị doanh nghiệp (tự chủ hoàn toàn) tuân theo các điều kiện, trình tự thủ tục chuyển đổi được quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22-5-2015. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, tính đến 31-7-2018, có 330 đơn vị sự nghiệp công lập đã được các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Danh mục chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trong đó, có 213 đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Danh mục chuyển đổi giai đoạn 2017 - 2020. Phần lớn các đơn vị này trực thuộc địa phương (193/213 đơn vị, chiếm hơn 90%). Số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành Trung ương nằm trong diện chuyển đổi chỉ chiếm chưa tới 10% Danh mục(5).

Hai là, các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, văn hóa thể thao và du lịch, thông tin truyền thông và báo chí, khoa học và công nghệ thực hiện theo quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 và Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14-6-2016 về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ. Trong thời gian tới, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ ban hành Nghị định (hoặc Nghị định thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP) quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, văn hóa thể thao và du lịch, thông tin truyền thông và báo chí. Trong thời gian này, theo quy định tại Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP các đơn vị sự nghiệp công được áp dụng cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, đối với các đơn vị sự nghiệp công cung ứng dịch vụ sự nghiệp trong một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoặc dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí trong giá, phí, được ngân sách nhà nước hỗ trợ), các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới quản lý đơn vị sự nghiệp công ở Việt Nam

CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động quản lý đơn vị sự nghiệp công. Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hoá quy trình, phương thức sản xuất; trong đó những công nghệ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tư động hóa, người máy...(6). Trên thực tế, CMCN 4.0 tác động đến 2 nhóm lĩnh vực dịch vụ công (2 nhóm đơn vị sự nghiệp công) như sau:

Thứ nhất, tác động của cuộc CMCN 4.0 tới các đơn vị sự nghiệp công về kinh tế, như nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, lao động thương binh và xã hội, tư pháp và sự nghiệp công khác. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hoá trong quy trình chăn nuôi, trồng trọt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả từ khâu chọn giống đến chăm sóc, phân phối và tiêu thụ nông sản; hay việc ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học giúp nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc, kỹ thuật nuôi trồng... góp phần tăng tỷ trọng xuất khẩu nông sản hàng năm. Những thành tựu của CMCN 4.0 đã làm thay đổi “diện mạo” nông nghiệp Việt Nam, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi nhà nước cần thay đổi tư duy quản lý, hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các đơn vị nắm bắt cơ hội, ứng dụng thành tựu và hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này.

Thứ hai, tác động của cuộc CMCN 4.0 tới các đơn vị sự nghiệp công về y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin truyền thông và báo chí, khoa học và công nghệ. Theo đánh giá chung, đây là các lĩnh vực được thụ hưởng và ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ nhất. Thí dụ, CMCN 4.0 đã làm thay đổi hình ảnh ngành Y, từ kết nối, liên thông dữ liệu, thanh toán không dùng tiền mặt đến ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Đến hết năm 2019, 100% các bệnh viện đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện ở các mức độ khác nhau, một số bệnh viện đã bước đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; 99,5% các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đặc biệt, việc sử dụng thành công công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi với robot Da Vinci (Bệnh viện K, Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh) đã mở ra cuộc cách mạng mới trong khám chữa và điều trị bệnh nan y(7). Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống y tế thông minh, quản trị y tế thông minh, thì ngành y tế hiện đang đứng trước những khó khăn như hệ thống bệnh án điện tử, hệ thống dữ liệu lớn (big data) chưa đồng bộ,... Quan trọng hơn, muốn làm chủ tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế thì con người vẫn là yếu tố quyết định, mà cơ sở để “làm chủ” chính là thể chế, do đó cần có những thay đổi trong quản lý đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực này.

Bên cạnh việc mang lại những cơ hội lớn, CMCN 4.0 cũng đặt ra không ít thách thức đối với các cơ quan nhà nước trong quản lý đơn vị sự nghiệp công hiện nay:

Một là, thách thức về thể chế. Đó là việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quản lý đơn vị sự nghiệp công thích ứng với CMCN 4.0. Hiện nay, mặc dù Đảng ta đã đề ra các chủ trương, đường lối trong đổi mới quản lý đơn vị sự nghiệp công như chủ trương đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công mà trọng tâm là cơ chế tự chủ tài chính; chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0... nhưng việc thể chế hoá các chủ trương trên thành quy định pháp luật còn chưa kịp thời. Chẳng hạn, còn thiếu các quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao và du lịch, giáo dục nghề nghiệp, thông tin truyền thông và báo chí; các quy định về tiêu chí xác định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; thiếu các quy định về phân định cơ chế chi trả tiền lương giữa đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động và đơn vị chưa tự bảo đảm kinh phí hoạt động;...

Hai là, về nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp công. Hiện nay, nhân lực trong các ngành công nghệ cao ở Việt Nam còn thiếu, các chương trình đào tạo đại học, đào tạo nghề còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các đơn vị. Theo dự báo, máy móc và công nghệ sẽ tạo sự chuyển dịch lớn trong lao động, cứ 10 người lao động thì có đến 7 người chịu ảnh hưởng của công nghệ 4.0 trong thời gian tới. Sự chuyển dịch này đòi hỏi người lao động phải trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng mới hoặc phải tìm một công việc khác.

Ba là, về hạ tầng số. Để thích ứng và tận dụng được các cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại cần có hạ tầng internet, thông tin, truyền thông hiện đại, đồng bộ. Không chỉ trong quản lý đơn vị sự nghiệp công nói riêng mà hoạt động quản lý nhà nước nói chung đều đang đối mặt với sự thiếu hụt hạ tầng số và các vấn đề liên quan đến bảo mật. Đây là rào cản lớn mà chúng ta đang từng bước khắc phục, từ xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, thiết lập và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, thông tin công dân)...

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đơn vị sự nghiệp công ở Việt Nam thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thứ nhất, quán triệt các chủ trương của Đảng trong quản lý đơn vị sự nghiệp công. Thực hiện các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công, về cải cách chính sách tiền lương, chủ động tham gia CMCN 4.0 tại Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25-10-2017, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018; Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật  nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong thực hiện các chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công, đồng thời bảo đảm nắm bắt kịp thời và ứng dụng hiệu quả các cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại.

Thứ hai, đổi mới tư duy về xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý trong quản lý đơn vị sự nghiệp công mà trọng tâm là thể chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công. Việc xây dựng thể chế cần bảo đảm các yếu tố tạo sự thuận lợi, chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công thích ứng với CMCN 4.0. Trước tiên, các bộ, ngành có thẩm quyền sớm trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao và du lịch, giáo dục nghề nghiệp, thông tin truyền thông và báo chí; Kiến nghị ban hành nghị định thay thế Nghị định 16/2015/NĐ-CP để khắc phục những “khoảng trống” pháp lý về quản lý đơn vị sự nghiệp công và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định pháp luật về dịch vụ công với các Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí, lệ phí. Cụ thể, cần bổ sung quy định về tiêu chí xác định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, sửa đổi quy định về sử dụng nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công và cơ chế tính toán, chi trả tiền lương, bổ sung quy định về nội dung chi từ nguồn thu hoạt động dịch vụ ...

Thứ ba, quản lý và nâng cao chất lượng nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp công đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên đối với các ngành khoa học công nghệ,  thu hút học viên, bổ sung nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công. Các bộ, ngành cần đổi mới công tác quản lý nhân sự, ứng dụng công nghệ thông tin (trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn) vào các khâu từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đến kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, Nhà nước cần có các chính sách chuyển dịch lao động phù hợp giữa các ngành, lĩnh vực; chính sách đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, rèn luyện kỹ năng để người lao động làm chủ công nghệ.

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số tạo nền tảng công nghệ nhằm quản lý hiệu quả đơn vị sự nghiệp công. CMCN 4.0 là sự hội tụ của các công nghệ mới, trong đó, công nghệ thông tin được coi là công nghệ cốt lõi. Nhà nước cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất,  phát triển hạ tầng công nghệ, một mặt nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực, mặt khác tạo điều kiện để các đơn vị sự nghiệp công đổi mới sáng tạo, chủ động phát triển nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đến năm 2020, có 100% các bộ, ngành, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung; đáp ứng liên kết hơn 50% hệ thống thông tin của các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia; 100% dịch vụ công cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung(8)...

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2020

(1) Xem: Điều 9 Luật Viên chức năm 2010 và Điều 2 Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

(2) Điều 4 Nghị định 55/2012/NĐ-CP ngày 28-6-2012 cuả Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

(3) Điều 4 Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

(4) Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

(5) Chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và những kết quả bước đầu, http://tapchitaichinh.vn

(6) Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức, https://baomoi.com.

(7) Dấu ấn công nghệ 4.0 đậm nét trong lĩnh vực y tế, http://giadinh.net.vn.

(8) Quyết định 153/QĐ-TTg ngày 30-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020.

Theo lyluanchinhtri.vn