Lao động trẻ năm 2021 cần phải làm gì để tăng lợi thế cạnh tranh?
 
2020 là một năm đầy sóng gió với bức tranh nhân sự nhiều mảng. Câu hỏi được đặt ra là liệu năm 2021 tình hình có khá hơn? Và lao động trẻ cần chuẩn bị, hoàn thiện những gì để có thể hạn chế tối đa những rủi ro nghề nghiệp?

Ảnh minh họa

Theo bà Lê Thị Kim - giám đốc dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam - thì trái ngược với gam màu ảm đạm của các quý đầu năm 2020, tình hình tuyển dụng lao động trong nước có tín hiệu lạc quan dần.

Ngành phục hồi nhanh, ngành vẫn bị ảnh hưởng

Dẫn khảo sát xu hướng tuyển dụng mới nhất của ManpowerGroup Việt Nam, bà Kim dự đoán nhu cầu tuyển dụng sẽ phục hồi dù bị ảnh hưởng không nhỏ từ COVID-19.

"Chẳng hạn vào những quý cuối năm, 38% doanh nghiệp dự kiến hoạt động tuyển dụng sẽ sớm trở lại. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của đại dịch nên mọi dự đoán chỉ có thể mang tính tương đối" - bà Kim nhận định.

Cũng theo bà Kim, có năm ngành nghề dự đoán hoạt động tuyển dụng sẽ sớm phục hồi gồm: công nghệ thông tin và truyền thông (18%); bán sỉ, bán lẻ và thương mại (17%); chế biến và sản xuất (14%); dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp (10%); chăm sóc sức khỏe và y tế (9%).

Còn theo bà Ngô Thị Ngọc Lan - giám đốc miền Bắc Navigos Search, nhân sự các mảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử... sẽ dần khôi phục vì đây là những mảng thị trường phát triển ổn định.

Song song đó, mảng bảo hiểm nhân thọ sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí cấp cao hoặc tư vấn tài chính do được dự đoán sẽ tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước.

"Hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Âu Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc... thăm dò vào thị trường Việt Nam trong mảng sản xuất, cụ thể là điện tử, cơ khí, automotive (ôtô - sản xuất phụ trợ), nhựa...

Bên cạnh đó, mảng sản xuất vẫn có các doanh nghiệp duy trì hoạt động như trước dịch do sản phẩm của họ được tiêu thụ ở nước ngoài" - bà Lan nhận định về các mảng được dự đoán nhân sự sẽ ổn định.

Dẫu vậy, vẫn còn đó những mảng mà lao động các cấp sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ COVID-19.

Theo bà Nguyễn Thu Trang - giám đốc dịch vụ tuyển dụng và tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, nhân sự các cấp trong các mảng nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không, bất động sản, bán lẻ sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, đại dịch làm giảm tiêu dùng của thị trường nên nhân sự (cả phổ thông, cấp trung và cấp cao) các ngành dệt may, da giày sẽ khó tìm được việc làm.

Đồng quan điểm, bà Lan cho rằng nhân sự mảng du lịch khách sạn lữ hành vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm 2021.

Bên cạnh đó, bà Lan lưu ý tác động của COVID-19 đến ngành ngân hàng trễ hơn so với các ngành khác và có thể xuất hiện nợ xấu nên chuyện tuyển dụng ở lĩnh vực này chưa được chắc chắn.

Để tăng lợi thế cạnh tranh

Gợi ý về những kỹ năng cần thiết để lao động trẻ trong nước cần trau dồi, phát triển sự nghiệp bền vững, bà Tiêu Yến Trinh - tổng giám đốc TalentNet - chia sẻ: "Đầu tiên các bạn phải chịu học, kỹ năng này thể hiện sự mày mò tìm kiếm và không ngừng tìm tòi các giải pháp tốt nhất cho những yêu cầu công việc hay thay đổi của môi trường. Kế đến, các bạn cần có tư duy phản biện vì việc sở hữu một bộ óc nhạy bén, biết phán đoán và phản biện liên tục trước những tình huống nằm ngoài kế hoạch giúp bạn chủ động "vượt khó" hơn".

Song song đó, bà Trinh cũng cho rằng lao động trẻ cần sự kiên tâm, khả năng khai vấn (coaching) và tự khai vấn để sống sót trước môi trường làm việc và cuộc sống đầy biến động.

Ngoài ra, theo bà, EQ (trí tuệ cảm xúc) hiện trở thành yếu tố rất quan trọng trong bất kỳ công việc và hoạt động mang tính tập thể, cộng đồng nào vì ở môi trường càng phát triển và thay đổi nhanh, đa dạng, một cá nhân có EQ cao sẽ có sự thấu cảm và ứng biến linh hoạt hơn với môi trường xung quanh.

Tham gia nhiều hoạt động cộng đồng thời sinh viên sẽ giúp ích cho việc cải thiện khả năng EQ (trí tuệ cảm xúc), yếu tố quan trọng hàng đầu trong các công việc thời đại mới

Từ đó mang lại hiệu quả kết nối nhanh hơn với đồng nghiệp, đối tác và khách hàng.

Bà Thu Trang cũng nhấn mạnh: "Khi phỏng vấn, chúng tôi không chỉ dựa vào chỉ số IQ của ứng viên. Chúng tôi đánh giá rất cao các ứng viên có EQ cao, bởi họ thể hiện sự tự tin và thái độ tích cực trong công việc, chủ động dẫn dắt và lèo lái các mối quan hệ công việc thành công".

Còn bà Kim dẫn nghiên cứu mới nhất của ManpowerGroup cho thấy để giữ được công việc mình đang có hay luôn tìm được công việc mong muốn, lao động trẻ phải không ngừng học hỏi những kỹ năng mới, bao gồm những kỹ năng mềm đang được săn đón hiện nay.

Cụ thể như: giao tiếp, phân loại ưu tiên, thích ứng, khả năng đề xuất ý tưởng, tính liêm chính, tư duy phản biện, xây dựng mối quan hệ, năng lực thấu cảm...

Với bà Lan thì "bí kíp" bỏ túi cho các lao động nhắm đến những vị trí quản lý cấp trung hoặc cao là: "Khả năng học nhanh hơn, sử dụng công nghệ tốt hơn, sáng tạo tốt hơn và khả năng thích nghi cao".

Cơ hội phát triển của các doanh nghiệp trong mùa dịch

Các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp, có khả năng thích nghi và thay đổi vẫn có thể mọc lên, tồn tại và phát triển trong bối cảnh chính phủ các nước trong khu vực Đông Nam Á ban hành các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt.

Báo Straits Times ngày 14-12 cho biết bất chấp các hạn chế phòng dịch COVID-19, các doanh nghiệp mới ở Malaysia vẫn mọc lên như nấm sau mưa. Gần 280.000 doanh nghiệp mới đăng ký tại Malaysia trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay, chủ yếu trong các lĩnh vực kinh doanh ăn uống, bán lẻ trực tuyến và thể dục thể chất trực tuyến.

Số doanh nghiệp mới nổi này cao gấp nhiều lần so với con số 32.469 doanh nghiệp phải đóng cửa vì đại dịch ở Malaysia từ tháng 3 vừa qua. Bộ trưởng Hợp tác và phát triển doanh nghiệp Wan Junaidi nói rằng các doanh nghiệp địa phương đã thích ứng với các mô hình kinh doanh để có thể tồn tại trong khoảng thời gian đầy thách thức này.

Một số doanh nghiệp mới ở Indonesia vạch sẵn kế hoạch trước khi bắt đầu kinh doanh trong mùa dịch, một số khác thay đổi để thích nghi với tình hình dịch bệnh. Mặt khác, cũng có những doanh nghiệp mới khởi nghiệp với sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp xã hội.

Trong khi đó, theo báo Jakarta Globe, các công ty khởi nghiệp tại Indonesia xuất hiện và phát triển trong đại dịch tập trung vào thị trường trang thiết bị y tế và thuốc men trực tuyến, kinh doanh ăn uống trực tuyến và giáo dục trực tuyến.

Đặc biệt, kinh doanh ăn uống đã phản ứng nhanh chóng, xoay xở để nắm bắt các cơ hội mở ra bên cạnh những tác động của đại dịch. Theo trang deloitte.com, Chính phủ Indonesia đã ban hành những hướng dẫn đặc biệt trong mùa dịch để đảm bảo khách hàng tin dùng thực phẩm của các doanh nghiệp ăn uống.

Tin bài - ảnh: Công Nhật (trích Học Viện Báo chí)