TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
1. Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI (nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nghị quyết ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã đánh giá tình hình và nguyên nhân về những bất cập và yếu kém trong giáo dục. Đồng thời Nghị quyết cũng đưa ra định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2. Mở rộng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2013
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005, đến năm 2013 đã bước vào năm thứ 9. Lĩnh vực xét giải ngày càng được mở rộng, từ lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), đến khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng và y dược.
Trên cơ sở thành công đã đạt được trong 8 năm qua, để tiếp tục đẩy mạnh và thu hút sự tham gia đông đảo của những người yêu thích CNTT và quan tâm đến Giải thưởng, ban tổ chức đã có những thay đổi mạnh mẽ về giải thưởng. Theo đó, năm 2013, BTC Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã mở rộng thêm giải thưởng cho Sản phẩm dự thi các ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động và giải thưởng Bảo vệ môi trường.
3. Học sinh Việt Nam đạt thứ hạng cao trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2012
Trong lần đầu tiên tham gia chương trình đánh giá PISA, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, kết quả thực hiện phản ánh đúng năng lực của học sinh, đáng tin cậy. Học sinh Việt Nam đã nỗ lực và cố gắng hết mình để hoàn thành bài thi, đạt kết quả tốt. Lãnh đạo Bộ khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các kĩ thuật, phương pháp của PISA vào công tác đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi và phương pháp đánh giá chất lượng trên diện rộng - của từng điạ phương (không phải là đánh giá kết quả của các cá nhân các học sinh).
4. Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên
Nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh đã được áp dụng cho năm học 2013-2014. Theo đó, từ ngày 1/9/2013, Quyết định số 36 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ 15 kg gạo/học sinh/tháng cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn bắt đầu có hiệu lực.
Theo Thông tư số 27/2013/TTLT-BGDĐT-BTC của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính nhằm Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 12/2013/QĐ-TTG của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn, từ ngày 1/9/2013, học sinh sẽ được hỗ trợ chi phí ăn, ở bằng 40% lương tối thiểu.
Bắt đầu từ năm học 2013-2014, Chính phủ cấp bù trực tiếp học phí cho các sở giáo dục, do đó đối tượng được miễn giảm học phí ở bậc đại học sẽ được miễn giảm trực tiếp tại trường, thay vì nộp học phí như bình thường và về địa phương để nhận lại khoản hỗ trợ này.
Một chính sách khác được Bộ GD-ĐT triển khai trong năm nay là bổ sung chính sách đối với nhà giáo đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn.
5. Chủ trương không cho điểm với học sinh lớp 1
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của giáo dục tiểu học năm học 2013-2014, Bộ GD-ĐT yêu cầu: đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh (HS); nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh; giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.
Về chủ trương không cho điểm với HS lớp 1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định cần thay đổi hệ thống đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục. Theo Thứ trưởng, kiểm tra đánh giá trước hết phải làm cho HS tốt hơn.
6. Nhân rộng mô hình trường học mới
Nếu năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT đã triển khai thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tại 24 trường tiểu học thì từ năm học 2012-2013 đã triển khai thí điểm tại 1447 trường tiểu học. Theo đánh giá và ghi nhận tại các địa phương thì mô hình VNEN đã phát huy được nhiều thế mạnh hơn so với cách dạy học truyền thống. Thể hiện qua việc học sinh tự tin, chủ động và sáng tạo hơn trong học tập. Điều này thể hiện rõ nét ở các địa phương vùng cao như Lào Cai, Yên Bái... Ngay như Hà Nội từ việc triển khai thí điểm ở 1 trường tiểu học thì nay đã nhân rộng lên đến 50 trường.
7. Nhiều đề thi có tính thời sự
Trong năm 2013 xuất hiện nhiều đề thi các môn Văn, Giáo dục công dân… được học sinh nói riêng và người dân nói chung khen ngợi khi người ra đề đã đưa vào đề thi nhiều sự kiện thời sự đang được quan tâm (vụ “hôi bia” ở Biên Hòa, tình trạng giới trẻ dùng ngôn ngữ chat...). Chính việc này đã tạo tâm lý hào hứng cho học sinh khi làm bài thi và tăng sự gắn kết của giáo dục với cuộc sống thực tế.
8. Đổi mới công tác thi tuyển sinh ĐH, CĐ
Đầu tháng 12/2013, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm 2014 theo tinh thần Nghị quyết TƯ 8 (Khoá XI) và quy định của Luật Giáo dục ĐH. Bộ GD-ĐT sẽ “mở rộng cửa” cho các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh tiến tới chấm dứt kỳ thi “ba chung” sau năm 2016.
9. Phát hiện nhiều lỗi sai sót trong sách dành cho học sinh
Trong năm 2013, nhiều lỗi sai sót trong sách vở dành cho học sinh đã được báo chí phản ánh như vở luyện chữ sai kiến thức lịch sử, sách cho trẻ mầm non có vẽ cờ Trung Quốc…
Trên thực tế hiện nay, quy trình xuất bản còn có rất nhiều điều đáng để bàn. Nhiều nhà xuất bản thiếu đội ngũ nhân viên, không đủ năng lực…thậm chí có tình trạng thẩm định nội dung trái với chuyên ngành theo dõi, chính vì điều này mà tình trạng “nhiều sạn” ở trong sách tham khảo khá phổ biến.
10. Báo động chất lượng cơ sở mầm non tư thục
Trước hành vi hành hạ trẻ tại Trường Mầm non tư thục Phương Anh (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), ngày 17/12/2013, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức, TP HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 đối tượng về hành vi “hành hạ người khác”.
Vụ việc gây chấn động dư luận này cùng với một số những vụ bạo hành trẻ mầm non trước đó là tiếng chuông cảnh tỉnh về việc quản lý, giám sát chất lượng các nhóm trẻ tư thục. Dư luận cũng lên tiếng về việc cần phải nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ mầm non.