Đề xuất một số chuẩn mực văn hóa và nhiệm vụ xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý
 
Văn hóa lãnh đạo, quản lý có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy, điều chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, cũng như hiệu quả tổ chức, vận hành hệ thống, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn mới hiện nay đòi hỏi có chuẩn mực văn hóa, xây dựng và thực hiện chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với nhân dân huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Nói tới văn hóa là nói tới tính sáng tạo và đổi mới. Hệ giá trị phổ quát của văn hóa là chân - thiện - mỹ, phù hợp với chân lý khoa học, chuẩn mực đạo đức và sức biểu cảm của các hình tượng nghệ thuật mang lý tưởng thẩm mỹ. Khoa học, đạo đức và nghệ thuật là các bộ phận hợp thành chủ yếu của văn hóa, cả văn hóa vật chất, vật thể và văn hóa tinh thần, phi vật thể. Chỉ những gì đúng đắn, tốt đẹp, phù hợp với truyền thống, tiến bộ và phát triển, tôn vinh phẩm giá con người, thúc đẩy và hướng dẫn con người và loài người tới sự hoàn thiện mới được coi là văn hóa. Bởi vậy, trong các quan niệm về văn hóa, dư luận công chúng thường đồng thuận và đánh giá cao luận điểm cho rằng, văn hóa là sự phát triển và hoàn thiện nhân tính, là trình độ người trong phát triển. Nhân vật trung tâm, chủ thể sáng tạo - cảm thụ tiêu dùng văn hóa là con người. Giá trị của mọi giá trị văn hóa là nhân cách, là nhân tính.

Văn hóa và các giá trị văn hóa bao quát đồng thời cả chủ thể, hoạt động, gắn với môi trường hoạt động để sản xuất sản phẩm, giá trị văn hóa, đồng thời tất yếu phải thông qua sáng tạo là năng lực bản chất nhất của chủ thể người và đổi mới là nhu cầu tất yếu của tồn tại sống và phát triển người, qua đó xã hội đạt tới tiến bộ và văn minh.

Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với các đặc trưng Dân tộc - Nhân văn - Dân chủ và Khoa học. Các giá trị và chuẩn mực văn hóa, trong đó có văn hóa lãnh đạo, quản lý phản ánh hệ giá trị đặc trưng đó. Cũng có thể hiểu đó là các nguyên tắc, các chuẩn mực. Các chuẩn mực của văn hóa lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý với tư cách chủ thể cũng tuân theo và thể hiện các chuẩn mực đó.

Tám mươi năm trước, Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng ta đã xác định Dân tộc - Khoa học - Đại chúng là cơ sở của văn hóa Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa ở trong kinh tế và chính trị. Người cũng chủ trương, phải làm cho chính trị thấm sâu vào đời sống dân gian. Muốn vậy, chính trị phải trở thành văn hóa chính trị. Tư tưởng lớn và hiện đại của Người xuất hiện ở thời điểm bước ngoặt của lịch sử khi cả dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do, “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(1). Trong diễn văn tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Người nói rõ: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi cho được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm sao cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”(2). Nền văn hóa mới Việt Nam phải có sức tiếp thu mọi cái hay, cái tốt của mọi nền văn hóa trên thế giới để làm phong phú và tăng thêm sức sống của văn hóa dân tộc, đồng thời văn hóa Việt Nam cũng phải đem tinh hoa của dân tộc mình góp vào sự phát triển của văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về sáng tạo, đổi mới  hội nhập, sử dụng các tiếp biến văn hóa vào phát triển. Nền văn hóa mới của Việt Nam phải tỏ rõ sức sống, chống thói phù hoa, xa xỉ, quan liêu và tham nhũng. Như vậy thực hành dân chủ trong xây dựng chính thể và xã hội nói chung phải mang tầm thực hành văn hóa, nhất là thực hành văn hóa lãnh đạo, quản lý mà đội ngũ là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đi tiên phong, làm nòng cốt để dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa nền văn hóa, để thực hiện vai trò động lực và mục tiêu của văn hóa nhìn từ góc độ chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và con người như một thông điệp phát triển, lấy đó làm căn cứ để xác định chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý, cụ thể:

Thứ nhất, chuẩn mực về học vấn, học thức.

Người lãnh đạo, quản lý cần lưu ý tính thực chất và hữu dụng, trình độ tư duy lý luận, tầm nhìn, năng lực sáng tạo cái mới, thái độ và hành động sẵn sàng đổi mới, chủ động nhập cuộc với đổi mới, đồng hành cùng dân tộc trong đổi mới để phát triển. Phải làm gương, chống giáo điều, bảo thủ, sức ì và sự trì trệ, đồng thời chống cực đoan, thói hư vô, thoát ly thực tiễn, phủ nhận truyền thống, chống giáo điều mới như một sự lệ thuộc bên ngoài, rất dễ rơi vào nguy cơ đánh mất bản sắc, mất phương hướng, nhất là phương hướng chính trị. Học vấn, học thức phải chuyển thành phương pháp, có thói quen và nhu cầu tự học, tự đào tạo suốt đời. Phải luôn luôn “tự làm mới” chính mình để thúc đẩy đổi mới xã hội. Phải lấy thước đo từ hiệu quả công việc. Thực học để có thực lựcThực lực để có thực tài gắn với thực đức và chú trọng thực nghiệp. Phải có năng lực thực tiễn, thấm nhuần lý luận để ứng dụng lý luận. Bám sát thực tiễn để kiểm chứng lý luận và phát hiện lý luận mới. Biết dùng lý luận như một phương pháp, theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Áp dụng phương pháp đó trong lãnh đạo và quản lý, thấy rõ mối quan hệ và sự tác động giữa chúng. Một trong những thước đo năng lực lãnh đạo, quản lý là làm thay đổi tình hình theo chiều hướng tốt, có sức tác động tới con người, có hiệu ứng lan tỏa vào công việc, vào môi trường, dẫn đến sự hài lòng của người dân. Không đồng nhất trình độ học vấn, học thức với số đo bằng cấp, càng không đồng nhất với văn hóa.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, học vấn, học thức phải đáp ứng kịp yêu cầu mới của thời đại, phải đủ sức ngang tầm với quốc tế. Phải thích ứng với “công dân toàn cầu”, nhà lãnh đạo, quản lý có tầm nhìn toàn cầu, thích ứng với hội nhập quốc tế và tìm tòi sáng tạo con đường và cách thức phát triển của Việt Nam.

Thứ haichuẩn mực về đạo đức, lối sống, nhân cách.

Người lãnh đạo, nhà quản lý phải có đủ 4 mỹ đức: cần, kiệm, liêm, chính, đặc biệt là liêm và chính. Phải mẫu mực về đạo đức liêm chính, có dũng khí và bản lĩnh đẩy lùi sự cám dỗ của danh lợi, biểu hiện ở tiền bạc, địa vị, chức quyền không chính đáng. Vì bất liêm, bất chính mà thành ra bất minh và đánh mất danh dự, liêm sỉ, không nêu gương cho người khác được mà còn kích thích, nuôi dưỡng thói hư tật xấu của người dưới quyền, làm hư hỏng cán bộ, yếu kém bộ máy, rệu rã cả thể chế, cuối cùng là làm tổn hại tới dân chúng và mất lòng tin của dân chúng. Đây là mất mát lớn nhất và nguy hiểm nhất. Lãnh đạo, quản lý mà không có “bệ đỡ” chắc chắn từ đạo đức, phẩm cách của cán bộ, nhất là người đứng đầu thì sự suy thoái, biến chất, dẫn tới tha hóa quyền lực, sự nghiệp sụp đổ là không tránh khỏi. Chuẩn mực đạo đức, lối sống, nhân cách phải được xem là hàng đầu, là gốc của mọi chuẩn mực. Nó phải là tiêu biểu, nổi bật nhất của văn hóa lãnh đạo, quản lý. Tài có thể làm người ta phục, nhưng Đức mới làm người ta tin. Đủ tài, đủ đức mới xứng đáng là người lãnh đạo, quản lý.

Nhà lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp, từ Trung ương tới địa phương và cơ sở phải nêu gương và làm gương trước tiên để đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức toàn tâm, toàn ý phục vụ dân, vì đất nước. Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, không dừng lại ở lời tuyên bố, khẩu hiệu, mà phải trở thành hành động, đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống để mọi người dân có thể cảm nhận trực tiếp và cảm thụ được, thụ hưởng được bằng thành quả và lợi ích thường nhật hằng ngày. Đây là chỉ số tổng hợp đo lường năng lực, phẩm chất, bản lĩnh và uy tín của nhà lãnh đạo, quản lý mà nhân dân là người đánh giá và thừa nhận.

Thứ ba, chuẩn mực về tính tiên phong, gương mẫu và tinh thần trách nhiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, hợp lòng dân nhất, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người lãnh đạo, quản lý càng phải gương mẫu, đi tiên phong trong hàng ngũ đảng viên và quần chúng. Gương mẫu về mọi mặt từ đạo đức, lối sống, thái độ, cử chỉ với nhân dân theo tinh thần trọng dân, “kính trọng, lễ phép với nhân dân”. Gương mẫu trong mọi công việc, nêu gương học tập suốt đời. Nêu gương tự phê bình và phê bình. Trung thực và khiêm tốn. Nói đi đôi với làm và thường là nói ít, làm nhiều. Gương mẫu trong phong cách gần dân, không bao giờ xa dân, không quan liêu, càng không tham nhũng. Trong sạch nói lên tất cả những gì tốt đẹp, minh bạch, “quang minh chính đại” của người lãnh đạo, quản lý. Thực hiện và thực hành suốt đời “Dĩ công vi thượng”. Muốn gây dựng tập thể, đơn vị và rộng hơn là môi trường xã hội đoàn kết, công bằng, dân chủ, bình đẳng thì người lãnh đạo, quản lý phải bằng hành động mà gây dựng lực lượng, nuôi dưỡng phong trào để quy tụ mọi sức mạnh, mọi sáng kiến, sáng tạo của nhân dân, một khi cán bộ gương mẫu, trung thực, tận tụy hy sinh thì đông đảo quần chúng noi theo, làm theo, đời sống lành mạnh, tích cực. Dân chủ - sáng tạo - đổi mới làm cho trong nội bộ và ngoài xã hội có sinh khí tích cực. Muốn vậy, lãnh đạo, quản lý phải làm gương trước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, quyết tâm đổi mới với mục đích, động cơ trong sáng, vì dân. Tình hình hiện nay và trước yêu cầu phát triển mới, chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý càng đòi hỏi nhấn mạnh tính tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký tiếp công dân tại khu Thượng Trung, phường Ninh Dương, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: baoquangninh.vn)

Thứ tư, chuẩn mực về tự tu dưỡng bản thân, tự phê bình và phê bình.

Đây là chuẩn mực tự ứng xử và ứng xử của lãnh đạo, quản lý một cách có văn hóa. Tự tu dưỡng bản thân suốt đời, trước hết làm gương cho mọi người về học tập và tự học về học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, về không ngừng cải cách, đổi mới để thúc đẩy phát triển, hướng tới sự thay đổi, “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”(3). Phê bình bản thân mình có thành khẩn, ráo riết thì phê bình người khác mới ráo riết, thật thà và “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(4). Thấu lý đạt tình, hài hòa. Người căn dặn cán bộ, đảng viên, ngày nay là hướng vào các nhà lãnh đạo, quản lý, trước hết phải nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người(5). Có tấm lòng vị tha, nhân ái, khoan dung. “Phê bình việc làm, chứ không phê bình người”(6). Phê bình để đoàn kết, hợp tác để cộng đồng trách nhiệm, “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(7).

Thứ năm, chuẩn mực về quan tâm tới con người, tới hạnh phúc của nhân dân.

Hạnh phúc là điểm đồng quy mọi nỗ lực của lãnh đạo, quản lý vì con người, vì phục vụ cuộc sống của nhân dân. Người lãnh đạo, quản lý phải là hiện thân của sự ân cần, chu đáo, cảm thông với mọi người, nhất là người dưới quyền. Có tình thương, luôn nghĩ tới và chăm lo cho con người, cả vật chất và tinh thần. Kiên quyết, nghiêm khắc mà vẫn bao dung, độ lượng. Phong cách lãnh đạo, quản lý phải làm cho mọi người tin cậy, hy vọng, cảm nhận được sự công bằng và tính triển vọng. Bằng ứng xử văn hóa mà làm cho con người có niềm tin và hy vọng, có sự gắn bó với nhau nhờ được đối xử công bằng, được khích lệ, cổ vũ. Nhờ chuẩn mực văn hóa được thực hành mà người lãnh đạo, quản lý được tín nhiệm, tin cậy và được cộng đồng ủng hộ, noi theo. Chuẩn mực văn hóa giúp người lãnh đạo, quản lý mang nhân cách văn hóa, tạo được động lực tinh thần cho sự phát triển lành mạnh trong cộng đồng và trong xã hội.

Năm chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý nêu trên là gợi ý, định hướng quan trọng để xác định các nhiệm vụ xây dựng văn hóa và văn hóa lãnh đạo, quản lý.

Một là, phải tạo được đột phá nhằm ngăn chặn sự xuống cấp, sự suy đồi về đạo đức xã hội (cả trong cán bộ và nhân dân, cả trong Đảng và trong xã hội). Đột phá từ ý thức, nhận thức, lương tâm và danh dự trong mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên và người lãnh đạo, quản lý. Tạo dư luận xã hội phê phán, lên án cái xấu, cái ác, thói vô cảm, cổ vũ, khích lệ và bảo vệ cái đúng, cái tốt, cái tiến bộ, cổ vũ và noi theo những nhân tố mới.

Đề cao pháp luật, nghiêm trị hành vi tiêu cực, tệ nạn và tội phạm; chấn hưng giáo dục, chấn hưng đạo đức, chấn hưng văn hóa. Thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cổ vũ người tốt, việc tốt, thi đua là yêu nước, tôn vinh những tấm gương bình dị mà cao quý. Tăng cường giáo dục đạo đức từ trong gia đình, nhà trường đến xã hội. Giáo dục lòng tự trọng, trọng danh dự từ trong Đảng, trong cấp ủy. Cần thiết đưa vào Điều lệ Đảng nội dung đạo đức và kiên trì giáo dục, kiên quyết thực hiện thông qua một hệ thống quy định nghiêm ngặt. Phải dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ đó định hình chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý để áp dụng, thực hành.

Hai là, đưa nội dung chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý vào chương trình đào tạo trong hệ thống nhà trường đại học, học viện ở nước ta. Bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ nguồn, nhà lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, có tài, có đức, có triển vọng lâu dài, đặc biệt chú trọng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược thông qua chương trình bồi dưỡng trong hệ thống giáo dục, bồi dưỡng chính trị của Đảng, của quân đội, công an, của các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương.

Ba là, nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn về chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý theo tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết là trong Đảng./.

tuyengiao.vn