Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW
 
Sáng 30-5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh có các đồng chí: PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; TS. Phạm Duy Hưng - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Tân Trào; lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 216 điểm cầu các huyện, thành phố, đơn vị, với hơn 17 nghìn đại biểu tham dự.

Toàn thể lãnh đạo, viên chức, giảng viên, người lao động Trường Đại học Tân Trào tham dự Hội nghị tại điểm cầu 

Trường Đại học Tân Trào

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 37-CTr/TU, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người ở Tuyên Quang đã có chuyển biến tích cực. Tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung, đáp ứng nhiệm vụ chính trị - xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa xây dựng, phát triển văn hoá với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững, trong trong khu vực miền núi phía Bắc.

Đến năm 2023, toàn tỉnh có 7 thiết chế văn hoá cấp tỉnh; tỷ lệ số xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá, Thể thao xã đạt chuẩn, đạt 51%; thôn, bản, tổ dân phổ hoặc liên thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hoá đạt 96%. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá đạt 93,5%; các thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hoá đạt 96,9%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá (xét theo giai đoạn) năm 2022 đạt 92%; số xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa nông thôn mới năm 2022 đạt 80%.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày báo cáo chuyên đề “Chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa trong giai đoạn hiện nay”. Chuyên đề nhấn mạnh các nội dung như: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc; Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước; Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là động lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế; Phát triển công nghệp văn hóa, hoàn thiện thị trường văn hóa và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam…

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã được nghe triển khai chuyên đề năm 2024: Xây dựng và phát triển văn hóa góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, hội nghị là dịp để các đại biểu, các sở, ngành, địa phương nhận thức sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của giá trị văn hóa, con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, đồng chí đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc phù hợp với thực tế, yêu cầu phát triển của địa phương. 

Trong đó, tiếp tục xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển; đặt phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế; gắn kết chặt chẽ việc xây dựng, phát triển văn hóa với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Phát huy vai trò, sức mạnh của giá trị văn hóa, thực sự là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh, là mục tiêu và động lực để xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển toàn diện, bền vững.

Hội nghị đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 23 tập thể, 41 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.