Thủ tướng có chỉ đạo mới về chế độ với nhà giáo, bao gồm chính sách đặc thù
 
Cần sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đặc thù với đội ngũ nhà giáo để phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

Thủ tướng có chỉ đạo mới về chế độ với nhà giáo, bao gồm chính sách đặc thù - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì thảo luận các dự án luật - Ảnh: VGP

Chiều 20-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về ba nội dung: dự án Luật Nhà giáo, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thu hút người tài vào ngành giáo dục

Với dự án Luật Nhà giáo, Thủ tướng yêu cầu bám sát nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29; có lộ trình, bước đi phù hợp, khả thi trong thực tế và bảo đảm nguồn lực thực hiện.

Các cơ quan nhà nước tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước (xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để giám sát kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật)…, giảm trực tiếp làm các công việc cụ thể.

Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách đặc thù với đội ngũ nhà giáo để phát triển, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thu hút người tài vào ngành giáo dục, những người tâm huyết công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…; có chính sách đặc thù phù hợp với giáo viên từng cấp (mầm non, tiểu học, trung học, đại học...).

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa trong quản lý giáo dục vì giáo viên ở cơ sở, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực. 

Tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo giáo viên; tạo thuận lợi cho nhà giáo hành nghề trong khuôn khổ pháp luật. Cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm chi phí tuân thủ, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức và nhà giáo.

Chấp nhận cơ chế thử nghiệm có kiểm soát với công nghệ số

Đối với Luật Công nghiệp công nghệ số, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu bám sát, thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nội dung có liên quan đến phát triển công nghiệp công nghệ số. 

Trong đó có nghị quyết 29 của Trung ương và kế hoạch 13 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia.

Đặc biệt, cần quy định rõ về thẩm quyền xem xét, chấp thuận cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền. 

Đề cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền cho phép thử nghiệm và của tổ chức, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.

Cùng với đó, có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ số. Có công cụ để có thể xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, mới nổi. Nghiên cứu một số nội dung phân cấp cho Chính phủ quy định để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt phù hợp tình hình thực tế chuyển biến nhanh. 

Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Thủ tướng lưu ý một số nội dung chính sách như tuổi nghỉ hưu của nam sĩ quan, nữ sĩ quan, nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang…

Việc xây dựng chính sách pháp luật cần thực hiện trên cơ sở tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận cao; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện dự thảo luật.

tuoitre.vn