Tuyên Quang: Hai lần được trao sứ mệnh lịch sử
 
Tuyên Quang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã ở, làm việc, lãnh đạo Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi. Hai lần được trao sứ mệnh lịch sử, Tuyên Quang được ghi nhận là “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”

Lần thứ nhất: Chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước và chọn Cao Bằng - tỉnh biên giới địa đầu Tổ quốc làm địa bàn thử nghiệm tư tưởng, phương pháp của mình về cách mạng giải phóng dân tộc.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Lê Văn Tích - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ kinh nghiệm xây dựng căn cứ địa cách mạng ở đầu nguồn Cao Bằng, Hồ Chí Minh chủ trương mở rộng ra các tỉnh Việt Bắc để từ đó nối thông với Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Bác đã chọn Tuyên Quang là nơi dừng chân trong hành trình chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám, có nghĩa là con đường chính chuyển tải ngọn lửa cách mạng và là nơi chuẩn bị các điều kiện thiết yếu sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền tương lai trên hành trình tiến về Hà Nội giành chính quyền.

Sở dĩ Tuyên Quang được đảm nhận sứ mệnh lịch sử này là do tỉnh có đường bộ nối liền với các vùng miền của căn cứ địa Việt Bắc, trên đường xuống Hà Nội, là vùng rừng núi “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ lui”. Hơn nữa, nơi đây sớm có phong trào cách mạng. Từ tháng 3/1940, Xứ ủy Bắc kỳ đã chỉ đạo thành lập Chi bộ Mỏ than gồm 7 đồng chí ở Tuyên Quang.

Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc kỳ, Ban Cán sự Đảng tỉnh và Chi bộ Mỏ than thành lập các tổ chức Cứu quốc. Số hội viên phát triển mạnh mẽ cả trong đồng bào dân tộc, đồng bào Công giáo. Mặc dù kẻ địch tăng cường đàn áp, bắt bớ cán bộ nhưng các đoàn thể Việt Minh vẫn phát triển mạnh ở nhiều nơi thuộc huyện Sơn Dương, các xã hẻo lánh phía Tây huyện Yên Sơn, nhiều địa bàn khác ở huyện Chiêm Hóa và thị xã Tuyên Quang. Trong Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 1940 - 1954 có ghi lại, những tài liệu quan trọng như Báo Cờ giải phóng, Cứu quốc, Chặt xiềng đã có mặt tại nhiều cơ sở ở Tuyên Quang.

Đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang bước sang giai đoạn phát triển mới. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, mặc dù chưa nhận được chỉ thị mới của Trung ương song nhiều địa phương ở Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên, Yên Sơn đã dùng áp lực quần chúng để giải phóng, thành lập chính quyền cách mạng.

Đình Tân Trào, nơi diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào (ngày 16 - 17/8/1945). Quốc dân Đại hội đã thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa, bầu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam 

Ngày 4/5/1945, Bác Hồ từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để chuẩn bị các công việc cho khởi nghĩa. Trong thời gian sống và làm việc tại Tuyên Quang đến khi rời Tân Trào về Hà Nội (ngày 22/8/1945) là quãng thời gian Bác hoạt động khẩn trương, sáng tạo nhằm chuẩn bị trực tiếp cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đang đến gần. Đặc biệt, đầu tháng 6/1945, Người đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên -Thái; thống nhất các lực lượng vũ trang đặt tên là Quân giải phóng, những tổ chức xã hội, quân sự cần thiết đảm bảo cho cuộc cách mạng diễn ra thắng lợi.

Một trong những hoạt động có tầm quan trọng của Hồ Chí Minh tại Tuyên Quang là chỉ đạo Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào, ngày 14,15/8/1945, với chủ trương tập trung mọi lực lượng để giành chính quyền và quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc lãnh đạo Tổng khởi nghĩa.

Tiếp đó là Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16 và 17/8/1945, bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 18/8/1945, Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa toàn quốc gửi quốc dân đồng bào và theo mệnh lệnh của Người, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công. Ấy vậy mà chỉ vài ngày trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, Người nói: “Biết đâu chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa”[1]

Lần thứ hai: Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến

Đúng như Bác dự liệu, không lâu sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và ngay chiều tối hôm ấy, Người cùng các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước bắt đầu hành trình trở lại Việt Bắc.

Ngày 2/4/1947, Người đến huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Bác cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, cơ quan Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và một số bộ, ngành ở trong an toàn khu đóng tại các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa. Một số bộ phận khác ở An toàn khu Chợ Đồn, Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; Định Hóa, Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp.

Lần đầu, Bác hoạt động ở Tuyên Quang kéo dài trong 3 tháng (từ tháng 5 - 8/1845) đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám. Lần thứ hai, Người và bộ máy cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ làm việc tại chiến khu Việt Bắc, chủ yếu ở Tuyên Quang đã làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Do vậy, Tuyên Quang - Việt Bắc đã thực sự trở thành “Thủ đô kháng chiến”.

Theo Đại tá, PGS.TS. Lê Đình Sỹ - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhìn từ góc độ khoa học, xem xét phân tích thực tiễn, Tuyên Quang được gọi là Thủ đô kháng chiến nhờ hai yếu tố sau:

Thứ nhất, Tuyên Quang là nơi đóng đô của chính quyền nhà nước, của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nơi làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ và rất nhiều cơ quan Trung ương.

Theo thống kê, ngày đó, có 13/14 bộ, cơ quan ngang bộ đóng ở Tuyên Quang (trừ Bộ Quốc phòng đóng ở Định Hóa, Thái Nguyên). Có 65 bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, cơ sở kinh tế, quân sự… của Trung ương đặt nơi ở và làm việc tại 146 địa điểm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa là khu căn cứ an toàn của Trung ương trong suốt thời kỳ kháng chiến. Tại huyện Sơn Dương, các bộ, cơ quan ngang bộ đóng chân gồm: Nội vụ, Ngoại giao, Ngoại thương, Giao thông, Canh nông, Y tế, Tư pháp, Tài chính, Lao động, Giáo dục, Công an; Ban Thường vụ Quốc hội; các cơ quan đầu ngành như: Nha Lâm chính, Nha Ngân khố, Kho Dự trữ, Sở Đúc tiền, Cục Lưu trữ quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã…

Các bộ: Nội thương, Thương binh - Xã hội đóng ở Chiêm Hóa; Kinh tế đóng ở Yên Sơn.

Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể thời kỳ đầu đóng ở Thái Nguyên, sau cũng chuyển sang Sơn Dương như: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo, Ban Thanh tra, Dân vận, Báo Nhân dân, Cứu quốc, Tiền phong, Phụ nữ…

Như vậy, hầu hết các cơ quan nhà nước, các bộ, cơ quan Trung ương đều đóng trụ sở làm việc tại Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là yếu tố chứng tỏ Tuyên Quang là trung tâm An toàn khu, là Thủ đô kháng chiến.

Thứ hai, Tuyên Quang là địa bàn sống và làm việc lâu nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo khác và cơ quan đoàn thể Trung ương; nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa và ông Tạ Quang Chiến, người vinh dự được phục vụ Bác Hồ giai đoạn 1945 - 1957, trong thời gian Bác sống, làm việc tại chiến khu Việt Bắc, Người có 37 lần chuyển nơi ở, song thời gian Bác sống lâu nhất là tại Tuyên Quang, với 5 năm 11 tháng 25 ngày. Tại Tuyên Quang, Bác cũng di chuyển nhiều nơi nhưng ổn định nhất vẫn là ở thôn Lập Bình, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương. Nơi đây đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích của Chủ tịch Phủ và Thủ tướng Phủ thời kỳ 1947 - 1954.

Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt và nhiều đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương cũng từng đến ở và làm việc tại nhiều địa điểm thuộc An toàn khu Tuyên Quang trong thời kỳ 1947 - 1954.

Tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ đã quyết định và thông qua nhiều chủ trương, chính sách lớn về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, lãnh đạo quân và dân ta kháng chiến kiến quốc thắng lợi. Ví dụ: Tại làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương đã diễn ra Hội nghị Cán bộ Trung ương Đảng từ ngày 3 - 6/4/1947 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì nhằm bàn bạc những vấn đề cụ thể hóa đường lối kháng chiến và rút kinh nghiệm về những tháng đầu lãnh đạo quân và dân ta kháng chiến chống Pháp trên phạm vi toàn quốc. Hay cũng tại làng Sảo, Hội đồng Chính phủ họp ngày 19/4/1947 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã họp bàn vấn đề ngoại giao với Pháp. Tại Hội nghị này, Người yêu cầu các bộ trưởng nhanh chóng chuyển vào an toàn khu ở, làm việc.

Ngày 6/5/1949, tại Khấu Lấu - Vực Hồ, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng nghe báo cáo, thảo luận về các đề án chính trị, chính quyền, kinh tế… và chuẩn bị các nội dung cho Đại hội lần thứ II của Đảng.

Tại xã Tân Trào, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 được tổ chức từ ngày 14 - 18/8/1949 bàn về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, trong đó xác định nhiệm vụ giúp đỡ đối với cách mạng Lào, Campuchia. Đặc biệt, tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng từ ngày 11 - 19/2/1951. Đại hội đã xác định nhiệm vụ cấp bách của Đảng là “đưa kháng chiến đến thắng lợi”…

An toàn khu Tuyên Quang cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với đại biểu nước ngoài như Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Lào Itxala, đoàn cố vấn Trung Quốc, đại diện các Đảng Cộng sản Pháp, Liên Xô, Thái Lan; là nơi Bác Hồ có nhiều hoạt động ngoại giao, gửi thư, điện, tiếp xúc với lãnh đạo, đại diện các tổ chức quốc tế, trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài nhằm tuyên truyền về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp. Cả nước hướng về Việt Bắc mà Tuyên Quang là trung tâm căn cứ địa, nơi có Bác Hồ, có Trung ương Đảng, Chính phủ; là nơi để nhân dân tiến bộ trên thế giới ngày càng hiểu rõ và đồng tình, ủng hộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Với các yếu tố trên, Tuyên Quang được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận là Thủ đô kháng chiến.

Cũng theo Đại tá, PGS.TS. Lê Đình Sỹ - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong thời kỳ chống Pháp, Tuyên Quang một lần nữa được chọn là trung tâm của các an toàn khu, đầu não của cuộc kháng chiến do hội đủ các yếu tố:

Một là, về địa lý quân sự và giao thông, địa phương này có điều kiện thuận lợi cho cả tiến công và phòng thủ. Nơi đây, núi đồi được bao phủ bởi rừng cây bạt ngàn, nhiều thung lũng và hang động có lợi cho chiến tranh du kích, có thể xây dựng an toàn khu vững chắc với các cơ sở kinh tế, hậu cần, quân sự. Địa hình Tuyên Quang nhiều sông, suối, đồi núi trùng điệp, các thung lũng sâu, hệ thống giao thông thủy, bộ thuận tiện nối với các tỉnh miền núi, trung du, đồng bằng.

Hai là, Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, có tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, anh dũng chống giặc ngoại xâm. Đó là điểm tựa tinh thần cho Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời gian đóng và làm việc tại đây.

Ba là, đất đai Tuyên Quang màu mỡ, khí hậu thuận lợi cho cuộc sống và sản xuất nông nghiệp, tạo cho Tuyên Quang nguồn lương thực, thực phẩm đủ để cung cấp cho các đơn vị bộ đội và các cơ quan, cơ sở kinh tế đóng chân trên địa bàn.

Bốn là, Tuyên Quang có cơ sở chính trị vững chắc, có chính quyền vững mạnh, từng là Thủ đô khhu giải phóng, trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước và là một địa bàn mà ngay từ trước cuộc kháng chiến đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của mình cho chuẩn bị xây dựng căn cứ địa kháng chiến.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Tuyên Quang (ngày 28/01/2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Từ lâu, Tân Trào, Sơn Dương, Kim Bình, Chiêm Hóa,… đã trở thành những địa danh lịch sử thiêng liêng và thân thiết, gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng ta, dân tộc ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Tuyên Quang - Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và đồng bào cả nước. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đánh giá cao và biết ơn những đóng góp, hy sinh to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Tuyên Quang”./.

dangcongsan.vn