TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Trong nhiều năm qua, Tuyên Quang luôn xác định, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
- Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, ông đánh giá như thế nào một số kết quả nổi bật trong thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết đã xác định?
Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều xác định du lịch là một trong những khâu đột phá, đồng thời đề ra nhiều quyết sách tạo động lực thu hút đầu tư vào du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đặc biệt, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TU về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, du lịch Tuyên Quang đã có bước chuyển quan trọng, đưa ngành du lịch Tuyên Quang phát triển bền vững.
Theo đó, nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy du lịch được xây dựng, triển khai thực hiện đã làm cho hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Đặc biệt Tuyên Quang đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư và khai thác hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, như: Tập đoàn Vingroup đang đầu tư và triển khai dự án bao gồm các chuỗi sản phẩm cao cấp gắn với lợi thế suối khoáng nóng tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Công ty cổ phần Flamingo Redtours đang thực hiện đầu tư tại Khu di tích đặc biệt Quốc gia Tân Trào…
Lễ hội đèn lồng Tuyên Quang
Đặc biệt, để tạo điểm nhấn trong lòng du khách khi đến với Tuyên Quang, thời gian qua tỉnh đã có nhiều đổi mới trong cách làm để thu hút khách du lịch, triển khai thực hiện nhiều chương trình, sự kiện nhằm phát triển du lịch như: Tổ chức thành công sự kiện Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế (năm 2022, 2023). Đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Lễ hội Thành Tuyên gắn với các sự kiện văn hóa cấp quốc gia, khu vực: Tổ chức Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 gắn với Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, cuộc thi “Người đẹp Xứ Tuyên”…
Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu trọng tâm của đề án là xây dựng, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế. Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XIV và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 20 – 27/9 tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, điểm nhấn của Lễ hội năm nay là chương trình Đêm hội Thành Tuyên được tổ chức quy mô cấp quốc gia. Lễ hội có sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc, Bình Thuận và địa phương 2 nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang là tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và TP. Anseong, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) cùng các hoạt động như Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023; Chương trình “Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt” và Lễ hội bia Hà Nội năm 2023; Liên hoan các Làng văn hóa du lịch cộng đồng 6 tỉnh Việt Bắc…
Với nhiều sự kiện độc đáo, là cơ hội để kết nối các sản phẩm văn hóa - du lịch của tỉnh với cả nước và quốc tế, tạo bước phát triển mới cho du lịch Tuyên Quang. Tuyên Quang đang nỗ lực hết mình để cải thiện, phát triển môi trường du lịch của tỉnh theo hướng thân thiện, an toàn, đa dạng, hấp dẫn các sản phẩm du lịch.
Tuyên Quang có trên 650 di tích, danh thắng, với 03 khu di tích quốc gia đặc biệt, 182 di tích quốc gia. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào "nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX".
- Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhấn mạnh đến việc phát triển ngành du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Tuyên Quang đã nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, gắn với phát huy giá trị di sản, di tích lịch sử, văn hóa. Tỉnh tập trung thu hút, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu du lịch cấp quốc gia, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận Khu du lịch Tân Trào trở thành khu du lịch quốc gia, trở thành trung tâm giáo dục lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch cả nước; xây dựng Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế; phát triển Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình đáp ứng các tiêu chí khu du lịch sinh thái quốc gia; duy trì và nâng tầm Lễ hội Thành Tuyên trở thành lễ hội có quy mô, thương hiệu quốc tế. Xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch…
Công tác quy hoạch mang tính ổn định, lâu dài, thể hiện quyết tâm cao của tỉnh về phát triển du lịch sẽ giúp Tuyên Quang thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Trong thời gian tới, những lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển du lịch của tỉnh bao gồm: Đầu tư vào lĩnh vực hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú và công trình phục vụ du lịch; đầu tư tu bổ, tôn tạo và bảo vệ các di tích văn hóa - lịch sử và khôi phục phát triển các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch...
- Những năm gần đây, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, vùng, miền đã được chú trọng. Với Tuyên Quang, vấn đề này được tỉnh triển khai ra sao, thưa ông?
Thực tế cho thấy, liên kết hợp tác giữa các địa phương, vùng, miền đã giúp cộng đồng doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc kết nối và tháo gỡ khó khăn để triển khai hoạt động. Những quyết sách, định hướng lớn của tỉnh về du lịch của tỉnh đều đặt trong tổng thể, phù hợp với sự phát triển của các tỉnh trong khu vực như: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, hay các tỉnh khác như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Tuyên Quang cũng hợp tác chặt chẽ với các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP. HCM triển khai giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hoá, tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh; thu hút du khách cũng như các nhà đầu tư đến với địa phương.
Du khách trải nghiệm bơi mảng - nghe hát Then trên hồ Nà Nưa ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Điều đó cho thấy, Tuyên Quang đã nhìn xa và có sự chuẩn bị từ trước để tạo điều kiện phát triển du lịch liên tỉnh, liên vùng, liên khu vực. Bởi chỉ có liên kết thì du lịch của Tuyên Quang mới có thể vươn xa. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã xây dựng, đưa Tuyên Quang từ “điểm dừng” trở thành “điểm đến” trong hành trình tua du lịch. Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với các đơn vị tại Vĩnh Phúc, Hà Nội để xây dựng tua du lịch “Thủ đô Văn hiến - Thủ đô Kháng chiến”, tua du lịch Hà Nội - Tam Đảo - Tây Thiên (Vĩnh Phúc) - Sơn Dương - Tân Trào (Tuyên Quang), tua Chiến khu Ngọc Thanh - Tam Đảo - Tây Thiên - Tân Trào - ATK Định Hóa.
Và tới đây, khi các công trình giao thông trọng điểm kết nối giữa Tuyên Quang với 2 tỉnh: Bắc Kạn và Hà Giang, đặc biệt là tuyến đường TP. Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối với huyện Na Hang hoàn thành sẽ hứa hẹn khai thác tốt tiềm năng du lịch hồ Ba Bể, hồ sinh thái Na Hang, huyện Na Hang và huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.
- Ông có thông điệp gì gửi tới các nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư tại tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch?
Tuyên Quang trân trọng mời gọi và luôn sẵn sàng hợp tác với tất cả các nhà đầu tư quan tâm tới tiềm năng, lợi thế của tỉnh Tuyên Quang lịch sử. Chúng tôi luôn đồng hành và cam kết dành cho các nhà đầu tư những điều kiện thuận lợi, cơ chế ưu đãi nhất có thể trong quá trình đầu tư. Sự thành công, thịnh vượng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp là thước đo có giá trị thuyết phục nhất về sự hợp tác, đồng hành, hỗ trợ của tỉnh với các nhà đầu tư.
- Trân trọng cảm ơn ông.