TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã ra Nghị quyết xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Từ đó đến nay, ở nước ta đã đi qua 2 giai đoạn: Từ 2005 - 2010 (theo Quyết định 112/2005/QĐ-TTg) và từ 2011-2020 (theo Quyết định 89/QĐ-TTg).
Đảng ta đã có nhiều văn kiện chỉ đạo xây dựng và phát triển sự nghiệp xã hội học tập như Chỉ thị 11-CT/TW (ngày 13/4/2007) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Nghị quyết 29-NQ/TW (4/11/2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Kết luận 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW đến năm 2030. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 489/QĐ-TTg về triển khai Kết luận 49-KL/TW đến năm 2030.
Trong quá trình xây dựng xã hội học tập, việc học tập suốt đời là cơ sở để tạo nên một xã hội phát triển bền vững. Cùng với các quốc gia có chương trình xây dựng xã hội học tập, Việt Nam cũng coi việc xây dựng những công dân học tập (Learning Citizen) như một trọng tâm trong toàn bộ công việc phát triển việc học tập suốt đời.
Sắp tới, theo Quyết định 489/QĐ-TTg, Nhà nước sẽ ban hành Bộ tiêu chí “công dân học tập” và “đơn vị học tập” (trên địa bàn hành chính cấp huyện và tỉnh). Như vậy, trong toàn quốc sẽ có phong trào người người học tập, ngành ngành học tập. Tiêu chí “công dân học tập” sẽ bao gồm những năng lực cốt lõi và những phẩm chất cơ bản cần cho mỗi người hoàn thành việc học tập suốt đời. Còn đối với tiêu chí “Đơn vị học tập” thì về cơ bản, mỗi người trong đơn vị phải là một công dân học tập, mỗi gia đình của thành viên trong đơn vị phải là một gia đình học tập, sao cho đơn vị phải là một tập thể lao động xuất sắc nhờ việc học tập thường xuyên, liên tục mà có.
Một trong những yêu cầu của Đảng đặt ra (tại Kết luận 49-KL/TW) là: “Một đảng viên sẽ phải trở thành một công dân học tập, mỗi gia đình đảng viên phải trở thành một gia đình học tập, mỗi chi bộ đảng phải trở thành một đơn vị học tập”. Làm được điều này thì tổ chức Đảng luôn luôn là hạt nhân của phong trào toàn dân xây dựng xã hội học tập. |
XU THẾ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC
Trước tiên phải nói đến xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục mở (Open education), không yêu cầu tuyển sinh và thường cung cấp trực tuyến đang mở rộng khả năng tiếp cận và đào tạo truyền thống vốn được cung cấp ở hệ thống giáo dục chính quy. Tính từ MỞ nói lên việc loại bỏ rào cản làm ngăn trở cả cơ hội lẫn công nhận việc tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục - đào tạo. Giáo dục mở thể hiện ở nhiều phương diện: Mở về đối tượng, mở về tài nguyên giáo dục mở, mở về phương pháp, mở về ý tưởng, mở về địa điểm, mở về công nghệ học tập.
Tổ chức và phát triển giáo dục mở lúc này là cần thiết. Công việc chính là: Xây dựng cơ sở giáo dục mở; hình thành và phát triển tài nguyên giáo dục mở;- có giấy phép mở (Creative Commons); tạo ra các khóa học trực tuyến.
Thứ hai, đào tạo tại doanh nghiệp, là xu thế đang được phát triển hiện nay do có 3 lợi ích lớn: Đào tạo cho chính mình, đào tạo cho đất nước và thực hiện mục tiêu xuất khẩu lao động. Để đáp ứng việc học suốt đời, các doanh nghiệp có thể đầu tư từ nền tảng (Platform) đến các dịch vụ giáo dục đặc thù và cung ứng các nội dung công nghệ cho đào tạo. Bản thân doanh nghiệp vừa là nơi sản sinh ra các công nghệ, vừa cung cấp các khóa học mở (MOOCs).
Thứ ba, giáo dục khởi nghiệp (khởi tạo doanh nghiệp), là chương trình đào tạo ở nhiều trường đại học trên thế giới. Ở Việt Nam, số trường đại học có chương trình đào tạo khởi nghiệp chưa nhiều lắm. Giáo dục khởi nghiệp (Entrepreneurship education) có mục tiêu đào tạo những con người đủ phẩm chất và năng lực tạo dựng doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt quan trọng là tinh thần đổi mới, tư duy sáng tạo, tinh thần mạo hiểm, năng lực giao tiếp, tương tác xã hội, tri thức về KH&CN, đạo đức kinh doanh...
Bên cạnh đó, đứng trước xu hướng khởi nghiệp đang từng ngày phát triển, chúng ta cần phải có quan điểm sau:
Một là, đưa nội dung khởi nghiệp vào giáo dục, thực chất là thực hiện một cuộc cải cách giáo dục lớn và nói theo Nghị quyết 29-NQ/TW thì đó là sự đổi mới căn bản về giáo dục và đào tạo. Muốn giáo dục khởi nghiệp, giáo dục phải cương quyết gạt bỏ mọi rào cản đối với các cơ hội học tập của người dân. Nhà trường phải chuyển đổi số cho kịp bước tiến của Industry 4.0 như Nghị quyết 52-NQ/TW khẳng định.
Hai là, quốc gia phải có chiến lược phát triển giáo dục khởi nghiệp, lấy khởi nghiệp làm động lực phát triển kinh tế - xã hội và có định chế ủng hộ giáo dục khởi nghiệp về các phương diện chính sách, vốn đầu tư và huy động các nguồn lực cần thiết. Tích hợp, gắn kết giáo dục khởi nghiệp với các chiến lược phát triển khác như chiến lược xây dựng xã hội học tập, chiến lược phát triển KH&CN... Giáo dục khởi nghiệp phải được tiến hành từ cấp vi mô (trường học) đến cấp vĩ mô (quốc gia) và trên từng cấp độ, trường đại học và doanh nghiệp phải xác lập môi trường bồi dưỡng tri thức khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp./.