Đôi nét về thơ 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975)
 
Kế tục dòng thơ yêu nước và cách mạng trước 1945, trên cơ sở những thành tựu hiện đại hóa thơ ca ở các giai đoạn trước, thơ 1945 - 1975 là một giai đoạn mới, có nhiều đóng góp vào tiến trình thơ Việt Nam hiện đại. Thế hệ các nhà thơ của thời kỳ này đã không ngừng nỗ lực để sáng tạo nên những vẻ đẹp mới cho thơ ca dân tộc cả về nội dung lẫn hình thức, và gặt hái được những thành tựu đáng tự hào. Đây là những đóng góp rất có ý nghĩa, làm thành chặng đường phát triển quan trọng của thơ ca hiện đại Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đồng thời đã mở ra một thời kỳ mới cho văn học, trong đó có thơ ca. Kế tục dòng thơ yêu nước và cách mạng trước 1945, trên cơ sở những thành tựu hiện đại hóa thơ ca ở các giai đoạn trước, thơ 1945 - 1975 là một giai đoạn mới, có nhiều đóng góp vào tiến trình thơ Việt Nam hiện đại. Cách mạng, rồi tiếp đó là hai cuộc kháng chiến đã đưa đến những biến đổi sâu rộng về nội dung trữ tình, về chất liệu, ngôn ngữ, đã khơi nguồn cho những cảm hứng mới, làm đổi thay cả diện mạo và đặc điểm của nền thơ Việt Nam hiện đại.

Thơ 1945 - 1975 là một nền thơ phong phú và đa dạng, bởi giai đoạn này thơ đã đạt được những thành tựu về giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật, có vị trí lớn lao trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước. Các thế hệ nhà thơ đã đồng hành bên nhau, trải qua một cuộc hành trình sáng tạo bền bỉ và đã gặt hái được những thành tựu đáng tự hào. Đội ngũ tác giả phong phú đã tạo thành một mặt bằng rộng rãi cho sự phát triển của nền thơ. Những tác giả tiêu biểu của từng thời kỳ đã làm nên những dấu ấn quan trọng cho gương mặt của thể loại.

Có thể nói thơ ca giai đoạn này vừa có nền, vừa có đỉnh. Thành tựu của thơ ca giai đoạn này có sự tham gia, góp mặt của cả ba thế hệ viết. Đó là thế hệ các nhà thơ “tiền chiến”, xuất hiện từ thời trước Cách mạng như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Anh Thơ,… với một quá trình sáng tạo dẻo dai qua suốt các chặng đường thơ ca. Thế hệ các nhà thơ thời kỳ kháng chiến chống Pháp như: Khương Hữu Dụng, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Hữu Thung, Lương An, Nguyễn Viết Lãm, Lưu Trùng Dương, Minh Huệ, Trinh Đường, Vĩnh Mai, Vũ Cao, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn,… đã góp vào nền thơ ca dân tộc những sắc điệu riêng. Và đặc biệt đông đảo hơn cả là đội ngũ những người làm thơ xuất hiện vào thời kỳ những năm 60 của thế kỷ XX, khi đất nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, rồi tiếp theo đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: Giang Nam, Thanh Hải, Thái Giang, Yên Đức, Bùi Minh Quốc, Vân Long, Võ Văn Trực, Trần Nhật Lam, Mã Giang Lân, Trần Nhuận Minh, Ngô Văn Phú, Thu Bồn, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Lưu Quang Vũ, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Hoàng Nhuận Cầm, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lâm Huy Nhuận, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa,…

Các thế hệ những người cầm bút đã tập hợp thành một đội ngũ sáng tác, hình thành nên một kiểu nhà thơ đặc biệt, nhà thơ - chiến sĩ. Họ vừa cầm bút, vừa cầm súng, trực tiếp tham gia vào cuộc “hành quân gian lao vĩ đại của dân tộc”. Họ sống với thời đại, phản ánh khí thế thời đại, đồng thời cũng phản ánh và khẳng định vị trí của chính bản thân mình trong xu thế chung của thời cuộc. Trong những thời khắc trọng đại của lịch sử, tư cách nghệ sĩ tự giác lùi xuống hàng thứ hai, để nhường vị trí thứ nhất cho tư cách người “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ”. Cũng vì thế, yêu cầu nghệ thuật của thơ được tự giác kết hợp với yêu cầu chính trị, với nhiệm vụ lịch sử của đất nước. Ngay trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thơ là thể loại phát triển nổi trội và phong phú hơn cả. Nó nhanh chóng hướng đến những hình ảnh, sự việc và con người kháng chiến. Cũng như mọi lĩnh vực hoạt động văn hóa tinh thần khác thơ đã được huy động vào cuộc chiến đấu của dân tộc, trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam kháng chiến. Nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét trong cuốn Nói chuyện thơ kháng chiến (1951): “Con người kháng chiến lo lắng hồi hộp, chờ đợi hi vọng, phấn khởi, sống dồn trong một hai năm nhiều hơn những cuộc sống nhạt kéo dài trong hàng thế kỷ. Do đó cần phải có thơ”. Trên chặng đường chín năm đó, thơ ca đã góp phần tích cực vào cuôc kháng chiến trường kỳ, chứng tỏ tính chiến đấu năng động và tính quần chúng sâu sắc của thể loại, xây dựng nên nền móng vững chắc và hết sức cơ bản cho sự phát triển của nền thơ cách mạng.

Thơ trong khoảng mười năm, từ 1955 đến 1965, đã có bước phát triển mới trên cơ sở những thành tựu và phương hướng mà thơ ca kháng chiến đã đạt được. Công cuộc khôi phục lại đất nước sau chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới đã mở ra những nguồn cảm hứng mới cho thơ: Cảm hứng về sự hồi sinh của đất nước gắn liền với cảm hứng về lao động dựng xây đất nước. Đây là một giai đoạn phát triển rất có ý nghĩa của thơ ca với nhiều thành tựu lớn lao. Thơ mở rộng đề tài, bám sát hiện thực, phản ánh được nhiều phạm vi hoạt động. Các nhà thơ vừa chú ý miêu tả những chất liệu và hình ảnh thực của cuộc đời vừa vận dụng nhiều liên tưởng thi vị tạo nên cái đẹp, cái nên thơ của cuộc đời mới hôm nay và trong mơ ước với tương lai. Mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong thơ cũng có nhiều đổi mới. Các thể loại trong thơ được vận dụng khá phong phú, từ các thể thơ cách luật đến thơ tự do, thơ văn xuôi. Ngôn ngữ thơ vẫn tiếp nối sự giản dị trong sáng của thơ ca kháng chiến, đồng thời các nhà thơ lại có ý thức bồi đắp thêm những sắc thái riêng trong tiếng nói thơ ca của mình. Sau những năm tháng hình thành và phát triển, thơ ca nở rộ nhiều phong cách sáng tạo. Nhiều nhà thơ đã giải quyết khá triệt để mối quan hệ riêng chung để từ đây nhập hẳn bằng trái tim và trí tuệ vào cuộc đời mới. Bên cạnh việc coi trọng những chất liệu, hình ảnh được khai thác trực tiếp từ hiện thực đời sống, các nhà thơ đã quan tâm nhiều hơn đến việc sáng tạo những hình ảnh khái quát tượng trưng, cả những hình ảnh kỳ ảo được sáng tạo bằng trí tưởng tượng phong phú, táo bạo. Sự khái quát, suy tưởng đã có vị trí đáng kể trong sáng tạo thơ ca giai đoạn 1955 - 1965.

Sau phong trào Thơ mới 1932 - 1945, thế kỷ XX chứng kiến một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền thơ ca Việt Nam hiện đại - thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1965 - 1975. Một nền thơ chan chứa chất trữ tình cách mạng và âm hưởng anh hùng ca, tương ứng với một thời hào hùng của dân tộc. “Thời đại anh hùng đòi hỏi một nền nghệ thuật anh hùng” - yêu cầu đó đã được đáp ứng trong giai đoạn này, vừa như một phản đề, vừa như một sự vận động phát triển đối với phong trào Thơ mới, thời đại của sự ra đời con người cá nhân ngót 30 năm về trước. Nói đến thành tựu của thơ chống Mỹ là phải nói đến sự đóng góp của nhiều thế hệ: các nhà thơ “tiền chiến” nổi tiếng từ thời Thơ mới; các nhà thơ thời kỳ chống Pháp; và đông đảo, mạnh mẽ hơn cả là thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Đó là những người thơ xuất hiện và trưởng thành trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động của dân tộc.

Thơ chống Mỹ chịu sự chi phối mạnh mẽ của thời đại, từ đó đưa đến một phong cách thơ bao trùm mọi khuynh hướng, mọi tìm tòi riêng của cá nhân. Khiến cho mỗi cá nhân chỉ có thể tìm được giá trị riêng của mình trong âm hưởng chung của nền thơ. Khiến cho mỗi sự đi chệch ra khỏi âm hưởng đó, quỹ đạo đó, là khó được chấp nhận. Tất nhiên, trong phong cách cơ bản của thời đại vẫn tồn tại những phong cách riêng, giọng điệu riêng. Bởi nếu không có các giọng điệu riêng thì các phong cách chung cũng sẽ không có hình hài... Nền thơ chống Mỹ, đó là bản đồng ca của những phong cách đa dạng mà thống nhất, bởi đó là thời kỳ mà cả nền thơ hướng tới một khuôn mặt chung - “Những năm đất nước có chung dáng hình, có chung khuôn mặt”. Cùng với các thế hệ đi trước với những tên tuổi như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông... là một thế hệ cùng đồng hành với nhau, tuy sự phát triển trước sau, sớm muộn có khác nhau, đó là: Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Phan Thị Thanh Nhàn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc... Những tên tuổi này đều có những nét riêng đủ cho sự phân biệt giữa người này với người kia - nhưng không phải là sự khác nhau đến rạch ròi như thời Thơ mới, bởi họ bị chi phối bởi một âm điệu chung của thời đại. Trên cơ sở đó chúng ta có thể nói đến phong cách của nền thơ Việt Nam chống Mỹ. Việc xác định và tìm hiểu những nét đặc thù đó là một đóng góp quan trọng về mặt phương pháp luận nghiên cứu thơ ca Việt Nam hiện đại.

Thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Pháp tuy đã có một số thành tựu, nhiều bài thơ mang dấu ấn cá nhân độc đáo, nhưng mới chỉ đang trong quá trình tìm tòi, xây dựng nền thơ có phong cách chung. Đến giai đoạn chống Mỹ, trải qua một quá trình tích luỹ kinh nghiệm cùng với sự nở rộ và chín muồi của hàng loạt những cá tính độc đáo trong đội ngũ các nhà thơ, thơ ca đã có sự nhảy vọt về chất lượng để tạo nên một nền thơ có phong cách khá rõ. Một nền thơ lớn, tất yếu phải là một nền thơ có phong cách riêng biệt, không chỉ khác biệt với nền thơ của một dân tộc khác, mà còn phải khác biệt ngay với chính thơ ca của giai đoạn trước hoặc sau nó. Thơ chống Mỹ đã đáp ứng được yêu cầu này một cách triệt để.

Một trong những đặc trưng thẩm mỹ quan trọng nhất của thơ trữ tình là việc thể hiện cái tôi cá nhân của chủ thể sáng tạo. Đối với thế hệ các nhà thơ chống Mỹ, việc giải quyết mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa cộng đồng và cá nhân đã được “thu xếp” ổn thoả một cách rất tự nhiên. Cái tôi của nhà thơ hoà nhập và gắn bó với cái ta chung. Có thể nói, hầu hết những vấn đề quan thiết của đời sống cộng đồng đều có mặt trong sáng tác của các nhà thơ chống Mỹ. Thơ của họ đã in đậm dấu ấn của thời đại, mang hơi thở và tinh thần của cả một thế hệ. Tuy nhiên tiếng nói chung ấy đã được phô diễn bằng một điệu tâm hồn riêng, mỗi người mỗi vẻ:

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Nhưng tuổi 20 làm sao không tiếc

 ... Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc

Cỏ sắc mà ấm quá phải không em?

                                                          (Thanh Thảo)

Không có sách chúng tôi làm ra sách

Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình

                                                           (Hữu Thỉnh)

Mùa thu này ta hát khắp Trường Sơn

                                                            (Hoàng Nhuận Cầm)

Tôi sẵn lòng đem hiến cả đời tôi

Cho cát trắng và gió Lào quạt lửa

                                                             (Xuân Quỳnh) 

Thơ những năm kháng chiến chống Mỹ là một giai đoạn mới trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại, với diện mạo và đặc điểm riêng, với những thành tựu đặc sắc, kế tục các chặng đường thơ trước đó. Về nội dung cũng như hình thức, thơ chống Mỹ đã thể hiện khá rõ hai yếu tố dân tộc và hiện đại, truyền thống và cách tân. Sáng tạo nghệ thuật luôn luôn là hành vi nhận thức một thực tiễn mới thông qua một hình thức mới. Nhìn vào cả nền thơ chống Mỹ, đặc biệt là ở một số tác phẩm thành công, chúng ta thấy rõ sự cố gắng vượt ra ngoài các hình thức và cách diễn đạt quen thuộc. Những cách tân nghệ thuật được thể hiện trên nhiều bình diện: từ việc mở rộng hình thức câu thơ đến sự vận dụng ngôn ngữ thơ một cách linh hoạt, từ những đổi mới phong phú trong giọng điệu thơ đến việc tìm tòi những kiểu kết cấu mới cho thơ. Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên sự đầy đặn trong vẻ đẹp trưởng thành của thơ chống Mỹ. Nó vừa kết hợp được sự hài hoà giữa lý tưởng và hiện thực, giữa chất anh hùng ca và tính trữ tình, giữa truyền thống và tìm tòi sáng tạo, vừa ổn định lại vừa phá vỡ sự cân đối để tạo nên trạng thái cân bằng mới. Giai đoạn thơ chống Mỹ có nhiều thành tựu lớn nhưng thực sự cũng là một thời kỳ có nhiều thử thách với những tài năng trong sáng tạo.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc đã gần bốn chục năm. Chúng ta đã có một độ lùi thời gian để thẩm định lại nhiều giá trị thơ ca của thời kỳ 30 năm chiến tranh cách mạng. Để có được cái nhìn khách quan, mỗi tác phẩm văn chương phải được đặt trong cả hai chiều lịch đại và đồng đại để bình giá về nó. Đến nay, có thể một phần những tác phẩm thơ ca của giai đoạn 1945 - 1975 không còn giá trị. Nó đã bị sàng lọc theo thời gian. Nhưng cần thấy rằng các thế hệ nhà thơ của thời kỳ này đã không ngừng nỗ lực để sáng tạo nên những vẻ đẹp mới cho thơ ca dân tộc cả về nội dung lẫn hình thức. Đó là những đóng góp rất có ý nghĩa, làm thành chặng đường phát triển quan trọng của thơ ca Việt Nam hiện đại.

         Tài liệu tham khảo 

  1. Nhiều tác giả (1985), Thơ Việt Nam 1945 - 1985, NXB Giáo dục;
  2. Nhiều tác giả (1987), Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, NXB KHXH;
  3. Tổng tập Văn học Việt Nam thế kỷ XX, NXB Văn học, 2007;
  4. Nhiều tác giả (1985), Văn học Việt Nam kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), NXB KHXH;
  5.  Mã Giang Lân (2007), Tiến trình thơ Việt Nam hiện đại, NXB Giáo dục.
PGS.TS Lưu Khánh Thơ - Viện Văn học (Theo Tạp chí Khoa học Đại học Tân Trào số 3)

Hội nghị - Hội thảo

Hoạt động hợp tác Quốc tế