Tiếp xúc giữa các ngôn ngữ tại vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay
 
Bài viết trình bày một cách khái quát về trạng thái đa ngữ xã hội và tiếp xúc giữa các ngôn ngữ tại vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay và hệ quả của sự tiếp xúc này. Trong đó, chú trọng tới tiếp xúc giữa ngôn ngữ dân tộc thiểu số với tiếng Việt và hệ quả của nó là sự xuất hiện các từ của tiếng Việt trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Vấn đề đặt ra là cách xử lí các từ Việt trong các ngôn ngữ này.

1. Với 54 dân tộc trong đó dân tộc Kinh là dân tộc đa số, 53 dân tộc còn lại là các dân tộc thiểu số, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ. Cộng cư đan xen giữa các dân tộc là một đặc điểm cư trú phổ biến ở các vùng dân tộc. Nhất là trong tình hình hiện nay, đô thị hóa và nền kinh tế thị trường gắn với nhu cầu mưu sinh đang là nguyên nhân của các cuộc di dân mạnh mẽ, thì hiện tượng cộng cư càng tăng mạnh. Kết quả về mặt ngôn ngữ là sự hình thành các cộng đồng đa ngữ, theo đó, là sự tiếp xúc giữa các ngôn ngữ, tạo nên sự tương tác, ảnh hưởng qua lại giữa chúng và những hệ quả diễn ra trong đời sống của mỗi ngôn ngữ.

2. Như đã biết, khi có một cộng đồng đa ngữ thì các ngôn ngữ có điều kiện tiếp xúc với nhau. Khi các ngôn ngữ tiếp xúc với nhau thì tất yếu sẽ có sự tương tác giữa các ngôn ngữ. Câu hỏi đặt ra là, khi có sự tiếp xúc và dẫn đến sự tương tác giữa các ngôn ngữ thì các ngôn ngữ ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào? Từ góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội, có thể thấy, ảnh hưởng tương tác giữa các ngôn ngữ diễn ra theo chiều hướng như sau:

Khái niệm “ảnh hưởng lẫn nhau” theo E.Sapir, “cũng như các nền văn hoá, các ngôn ngữ ít khi tự chúng đã đầy đủ. Nhu cầu giao lưu đã khiến cho những người nói một ngôn ngữ nào đó tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với những người nói những ngôn ngữ lân cận hay có ưu thế về mặt văn hoá. Sự giao lưu có thể có tính chất hữu nghị hay thù địch. Nó có thể diễn ra trên bình diện bình thường của những quan hệ kinh doanh hay buôn bán, hoặc có thể là một sự vay mượn  hay trao đổi những giá trị tinh thần, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo (...) Dù cho mức độ hay tính chất của sự tiếp xúc giữa các dân tộc lân cận nhau là thế nào đi nữa, thì nó thường đủ sức để dẫn đến một thứ ảnh hưởng qua lại nào đó về ngôn ngữ” [E.Sapir, tr.237]. Sự ảnh hưởng lẫn nhau có thể nhìn nhận từ hai góc độ: xã hội và ngôn ngữ.

a. Nói đến xã hội tức là nói đến tính cộng đồng xã hội. Chẳng hạn, khi hai dân tộc nói hai ngôn ngữ khác nhau mà tiếp xúc với nhau thì xu hướng chung là:

1/ Ngôn ngữ của dân tộc có sức mạnh về kinh tế, chính trị cao hơn sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ của dân tộc có sức mạnh về kinh tế, chính trị thấp hơn.Ví dụ, sự xâm lược của người Norman đã làm cho tiếng Pháp ảnh hưởng lớn đối với tiếng Anh. Sự xâm lược và khai phá cũng như buôn bán của thực dân và thương nhân da trắng Bồ đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp tại các vùng đất châu Phi trước đây đã đem đến cho bức tranh ngôn ngữ ở vùng đất này có nhiều thay đổi mà biểu hiện rõ nhất là hiện tượng lai tạp ngôn ngữ.

2/ Ngôn ngữ của dân tộc có trình độ văn hoá cao hơn sẽ ảnh hưởng đến ngôn ngữ của dân tộc có trình độ văn hoá thấp hơn (thường thông qua các kênh giáo dục, văn hoá nghệ thuật, văn học,...). Chẳng hạn, trước đây vào thời trung cổ và cận đại, sự ảnh hưởng của tiếng Hán cổ đối với tiếng Việt, tiếng Triều Tiên, tiếng Nhật bằng sự tràn ngập các từ mượn là một bằng chứng về sự ảnh hưởng của nền văn hóa văn minh Trung Hoa đối với vùng châu Á nói chung và các quốc gia vừa nêu nói riêng. Trong khi đó, tiếng Pháp với văn hoá Pháp có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các ngôn ngữ ở Tây Âu mà thể hiện rõ nhất là trong vốn từ tiếng Anh có một số lượng lớn các từ tiếng Pháp mà lại không có trường hợp ngược lại.

3/ Ngôn ngữ của dân tộc có số lượng người nói đông hơn sẽ ảnh hưởng tới ngôn ngữ có số lượng người nói ít hơn. Ví dụ, trong một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ, thì ngôn ngữ của dân tộc đa số luôn ảnh hưởng đến các ngôn ngữ còn lại (có dân số ít hơn). Sự ảnh hưởng nhiều khi trở nên nghiêm trọng, có thể gây ra sự thay thế ngôn ngữ và dẫn đến cái chết của ngôn ngữ yếu.

4/ Quan hệ dân tộc cũng có tác dụng khống chế, điều tiết đối với quá trình tiếp xúc giữa các ngôn ngữ. Mức độ quan hệ và tính mật thiết của các mối quan hệ này sẽ có tác dụng làm tăng hay giảm tốc độ tiếp xúc và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các ngôn ngữ. Ví dụ, mối gắn kết ở trong một quốc gia thống nhất đa dân tộc, đa ngôn ngữ sẽ làm cho ngôn ngữ với tư cách là ngôn ngữ quốc gia có ảnh hưởng mạnh đến các ngôn ngữ còn lại.

5/ Quan hệ về tôn giáo giữa các dân tộc cũng sẽ kéo theo sự tiếp xúc và ảnh hưởng giữa các ngôn ngữ. Ví dụ, trong các ngôn ngữ dân tộc theo đạo Islam có rất nhiều từ ngữ của tiếng Arập. Sự truyền đạo Phật vào Việt Nam làm cho vốn từ vựng tiếng Việt có rất nhiều từ ngữ nhà Phật. Đạo cơ đốc giáo vào Việt Nam gắn liền với chữ quốc ngữ của tiếng Việt.

b. Nói đến ngôn ngữ tức là nói đến bản thân ngôn ngữ, bao gồm: sức thẩm thấu ngôn ngữ; mức độ quan hệ thân thuộc giữa các ngôn ngữ; mối quan hệ loại hình học giữa các ngôn ngữ;  mối quan hệ về chức năng giữa các ngôn ngữ; mối quan hệ giữa các ngôn ngữ có hay không có chữ viết (giữa các ngôn ngữ có chữ viết với nhau, giữa các ngôn ngữ không/chưa có chữ viết với nhau, giữa ngôn ngữ có chữ viết và ngôn ngữ không có chữ viết), v.v. Chẳng hạn, khi các ngôn ngữ tiếp xúc với nhau thì:

1/ Những ngôn ngữ có quan hệ thân thuộc hoặc cùng, gần nhau về loại hình thì dễ chịu ảnh hưởng của nhau và vay mượn lẫn nhau. Ví dụ:

Về nguồn gốc, tiếng Mường và tiếng Việt có cùng nguồn gốc nên sự ảnh hưởng của tiếng Mường đối với tiếng Việt là rất mạnh. Hệ quả là, một số lượng cực lớn của tiếng Việt hiện đang hoạt động trong tiếng Mường.

Về loại hình học, sự ảnh hưởng của tiếng Hán đối với tiếng Việt có phần mạnh hơn các ngôn ngữ khác do tiếng Hán và tiếng Việt thuộc cùng loại hình ngôn ngữ đơn lập. Đặc điểm đơn tiết tính, có thanh điệu và không biến hóa về mặt hình thái của ngôn ngữ đơn lập như tiếng

Hán và tiếng Việt đã giúp cho các từ Hán có thể nhập vào vốn từ vựng tiếng Việt dễ dàng hơn so với các từ ngữ tiếng Pháp và từ ngữ tiếng Anh. Nhất là khi tiếng Việt lại có một hệ thống cách đọc Hán Việt, làm cho các từ Hán có cách đọc Hán Việt luôn có tiềm năng trở thành từ Hán Việt, một khi có điều kiện.

Do vừa cùng nguồn gốc và cùng loại hình nên nhiều ngôn ngữ Ấn Âu thuộc loại này có sự ảnh hưởng lẫn nhau rất mạnh và kết quả là các từ ngữ giữa các ngôn ngữ có thể thâm nhập vào  hệ thống từ vựng của mỗi ngôn ngữ, đến mức gây cảm giác như các ngôn ngữ này có một số lượng đáng kể “vốn từ chung”.  

2/ Các ngôn ngữ trong một cộng đồng đa ngữ trong trạng thái ổn định thường có sự phân bố về chức năng. Thông thường, trong phạm vi quốc gia, ngôn ngữ quốc gia hay ngôn ngữ chính thức có chức năng cao (H), các ngôn ngữ còn lại có chức năng thấp (H), giữa các ngôn ngữ thấp lại có thể phân chia nhỏ hơn về chức năng: có ngôn ngữ đảm nhận chức năng cao (h), lại có ngôn ngữ đảm nhận chức năng thấp (l). Sự đa dạng về phân chia chức năng trong mối quan hệ thống nhất về chức năng cao (H) và  thấp (L) đã dẫn đến sự ảnh hưởng của các ngôn ngữ cao (H,h) đối với các ngôn ngữ thấp (L,l). Ví dụ, ở phạm vi quốc gia, tiếng Việt ảnh hưởng đến các ngôn ngữ dân tộc thiểu số; trong một cộng đồng đa ngữ cụ thể, ngôn ngữ dân tộc thiểu số có dân số nhiều hơn, có phạm vi giao tiếp rộng hơn sẽ ảnh hưởng đến các ngôn ngữ dân tộc thiểu số có dân số ít hơn, có phạm vi giao tiếp rộng hơn ngôn ngữ có phạm vi giao tiếp hẹp hơn.

3/ Ngôn ngữ không/chưa có chữ viết thường chịu ảnh hưởng và tiếp thu các yếu tố của ngôn ngữ có chữ viết. Ví dụ, tiếng Việt một thời kì dài tiếp xúc với tiếng Hán và mượn dùng văn tự Hán (chữ Hán). Đây cũng là một trong những lí do quan trọng góp phần làm cho vốn từ tiếng Việt chịu ảnh hưởng và vay mượn nhiều của tiếng Hán.

c. Hệ quả của sự ảnh hưởng lẫn nhau là rất lớn và đa dạng, trong đó, hệ quả phổ biến,

thường được nhắc đến là: (i) sự giao thoa (interference) giữa các ngôn ngữ; (ii) sự vay mượn (borrowing) giữa các ngôn ngữ; sự lựa
 chọn ngôn ngữ (language choice) trong giao tiếp bao gồm: duy trì và chuyển mã (codes swittching) và trộn mã và (codes mixing).

3. Nhìn về trạng thái đa ngữ ở Việt Nam, có thể thấy nổi lên một số điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, ở các vùng dân tộc thiểu số, cư trú đan xen giữa các dân tộc là một đặc điểm nổi trội: cư trú đan xen không chỉ hai dân tộc mà nhiều hơn hai. Bằng chứng là, khi  khảo sát các lớp học phổ thông ở các tỉnh phía Bắc chúng tôi thấy, trong một lớp học ở các lớp đầu cấp có các em học sinh thuộc các dân tộc khác nhau, có lớp học sinh thuộc 5 dân tộc. Đây là điều kiện thuận lợi cho trạng thái đa ngữ phát triển và tạo nên sự tiếp xúc, ảnh hưởng, vay mượn lẫn nhau giữa các ngôn ngữ và hiện tượng chuyển mã, trộn mã xuất hiện liên tục, thường xuyên trong giao tiếp.

 Thứ hai, ở Việt Nam, tiếng Việt thực hiện chức năng ngôn ngữ quốc gia bắt đầu từ khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (1945) và được hiến định là ngôn ngữ quốc gia “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt” tại điều 5, Hiến pháp 2013. Như vậy:

+ Sự phân bố chức năng quốc gia của tiếng Việt và chức năng giao tiếp trong nội bộ dân tộc của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số đã làm cho tiếng Việt dù muốn hay không cũng ảnh hưởng mạnh tới các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Bằng chứng là, rất nhiều từ ngữ, cách nói của tiếng Việt đã thâm nhập vào các ngôn ngữ dân tộc thiểu số: chỉ cần xem chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc ở VTV5 có thể thấy từ ngữ của tiếng Việt xuất hiện với tần số cao với các thứ tiếng ở các mức độ khác nhau.

+ Theo chiều ngược lại, các ngôn ngữ dân tộc thiểu số cũng ảnh hưởng tới tiếng Việt.

Sự ảnh hưởng theo chiều này, trước hết, không phải là sự ảnh hưởng đến hệ thống cấu trúc của tiếng Việt mà ảnh hưởng tới người dân tộc thiểu số nói tiếng Việt. Quan sát cho thấy, người dân tộc thiểu số, nhất là những người “tự học” tiếng Việt (học từ  môi trường giao tiếp) thường nói một thứ tiếng Việt “pha”- có sự giao thoa rất rõ với tiếng dân tộc.

Không chỉ dừng lại ở đó, rất có thể có những từ ngữ của ngôn ngữ dân tộc thiểu số thâm nhập vào tiếng Việt. Ví dụ: từ ngữ chỉ tên gọi các món ăn dân tộc, hay từ ngữ nghề nghiệp (từ ngữ nghề cá ở Đồng Tháp Mười có các các từ có nguồn gốc từ tiếng Khmer). Tuy nhiên, số lượng này thường là lẻ tẻ.

Thứ ba, trong môi trường đa ngữ tiếng Việt và các tiếng dân tộc, các ngôn ngữ dân tộc thiểu số không chỉ tương tác với tiếng Việt và chịu ảnh hưởng của tiếng Việt mà còn có sự tương tác giữa các ngôn ngữ dân tộc thiểu số với nhau. Thông thường, trong một vùng/địa phương, thường có một tiếng dân tộc thiểu số nổi lên làm ngôn ngữ vùng (sau tiếng Việt) và có thể tác động đến ngôn ngữ khác. Đấy là nhìn ở mặt khái quát, còn thực tế này diễn ra rất đa dạng.Ví dụ: Khi phỏng vấn người HMông ở xã Lao Chải, Hà Giang, chúng tôi có hỏi một số từ tiếng Việt với từ tiếng HMông tương đương, ví dụ: khi hỏi từ “chủ tịch” và “tổng bí thư” trong tiếng HMông là gì thì được trả lời là “chu xi”, “chủng mi su” (*ghi theo tiếng Việt). Đây là hai từ tiếng Hán và qua tìm hiểu thì đây là người HMông Hoa. Nhưng khi ở vùng HMông khác thì có thể lại khác (có thể là hai từ mượn của tiếng Việt). Như vậy, không chỉ giữa các ngôn ngữ dân tộc mà ngay trong nội bộ một dân tộc, sự tiếp xúc giữa các phương ngữ tại mỗi vùng cũng chịu ảnh hưởng của các nhân tố xã hội - ngôn ngữ.

Thứ tư, cho đến nay, theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 26 ngôn ngữ dân tộc thiểu số chưa có chữ viết chính thức. Nói là chưa có chữ viết chính thức có nghĩa là chưa có một bộ chữ viết chung cho cả dân tộc, còn thực tế, do nhu cầu thì người dân có thể tự sáng tạo ra chữ viết (thường là dùng chữ quốc ngữ để ghi lại). Trong khi đó, cũng có một số dân tộc có tới mấy loại chữ viết. Đây là một nhân tố làm cho các ngôn ngữ dân tộc thiểu số này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các ngôn ngữ có chữ viết
mà tập trung là tiếng Việt. Tiếng Mường là một ví dụ điển hình của sự ảnh hưởng của tiếng Việt: dân tộc Mường là một trong 5 dân tộc có số dân một triệu người trở lên (đứng hàng thứ ba). Tiếng Mường thuộc nhóm Việt Mường. Với đặc điểm này, tiếng Mường có quan hệ gần gũi với tiếng Việt cả về mặt loại hình và cội nguồn. Người Mường và người Kinh có chung nguồn gốc với giả thuyết cho rằng có người Việt - Mường cổ trước đó. Theo đó, tiếng Mường với tiếng Việt đều có  một nguồn gốc chung là thuộc nhóm Việt Mường. Đặc điểm cội nguồn, loại hình cộng với đặc điểm chưa có chữ viết đã làm cho tiếng Mường hiện đại đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tiếngViệt.

Thứ năm, trong thời đại của nền kinh tế thị trường, của đô thị hóa, toàn cầu hóa và công nghệ thông tin, áp lực đối với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ngày một gia tăng.

 Nền kinh tế thị trường đã làm cho dòng người di chuyển ngày một mạnh, trở thành một vấn đề “di dân và ngôn ngữ” ở các vùng dân tộc thiểu số.

Đô thị hóa đang làm rút ngắn khoảng cách giữa thành  thị và nông thôn, theo đó, các nhóm phương ngữ của ngôn ngữ dân tộc đang có nguy cơ bị hạn chế và mất dần.

Toàn cầu hóa và công nghệ thông tin đem đến các thông tin, nhất là thông tin giải trí cho vùng dân tộc bằng tiếng Việt, tiếng Anh ngày một nhiều. Điều này đồng nghĩa với sự thu hẹp chức năng của ngôn ngữ dân tộc thiểu số cũng như sự thay thế các từ ngữ của ngôn ngữ dân tộc bằng từ ngữ của tiếngViệt và tiếng Anh.

Thứ sáu, không thể không nhắc đến “thái độ ngôn ngữ” của người dân tộc thiểu số, nhất là lớp trẻ hiện nay đối với tiếng mẹ đẻ của mình. Do nhu cầu mưu sinh, thoát li nương rẫy tìm cuộc sống ở nơi thị thành, lớp trẻ hiện nay dù có

yêu quý tiếng mẹ đẻ của mình nhưng họ cũng phải “dằn lòng” để hướng tới tiếng Việt, tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác. Đối với những người này, trạng thái đa ngữ tiếng Việt - ngôn ngữ dân tộc thiểu số đang giảm dần và thay vào đó là đơn ngữ tiếng Việt hoặc đa ngữ tiếng Việt -tiếng Anh (các ngoại ngữ khác).

4. Có thể nói, trạng thái đa ngữ tại vùng dân tộc thiểu số đang tác động mạnh mẽ đến đời sống ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Với tư cách là công cụ của văn hóa và là một phần của văn hóa, vấn đề của ngôn ngữ cũng chính là một phần của văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Vì thế, trạng thái ngôn ngữ - văn hóa vùng dân tộc thiểu số đang diễn ra đa dạng nhưng không kém phần phức tạp. Điều này đặt ra hàng loạt các nội dung xung quanh việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ - văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số: Nổi lên là một số điểm sau:

1/ Phải thừa nhận rằng, tiếp xúc ngôn ngữ - văn hóa giữa các ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số là một tất yếu. Vấn đề còn lại là cách ứng xử đối với hệ quả này: làm sao một mặt tiếng Việt vẫn thực hiện tốt chức năng của ngôn ngữ quốc gia, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai theo định hướng của Bộ giáo dục và Đào tạo, là công cụ để vươn ra thế giới, nhưng tiếng dân tộc với tư cách là tiếng mẹ đẻ của mỗi dân tộc vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy được bản sắc ngôn ngữ - văn hóa của mình.

2/ Việc ứng xử với các yếu tố của tiếng Việt trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số là một vấn đề thách thức hiện nay: trong 4 cách vay mượn các yếu tố nước ngoài của một ngôn ngữ gồm: dịch, phiên âm, chuyển tự, để nguyên dạng thì chọn cách nào cho hợp lí? Mỗi cách đều có “mặt phải” và “mặt trái” của nó. Cụ thể:

+ Những từ ngữ nào của tiếng Việt có
 thể chuyển dịch được sang tiếng dân tộc và những từ ngữ nào của tiếng Việt “bất khả dịch” sang tiếng dân tộc?

+ Nếu sử dụng cách phiên âm thì phiên các từ ngữ tiếng Việt sang từ ngữ tiếng dân tộc như thế nào?

+ Nếu giữ nguyên dạng từ ngữ tiếng Việt (về cách viết) thì cách đọc chúng ra sao?

 Ứng xử các từ ngữ tiếng Việt cũng như các từ ngữ tiếng Anh trong tiếng dân tộc liên quan việc sử dụng tiếng dân tộc trên phát thanh truyền hình, trong sách học tiếng dân tộc, trong biên soạn từ điển song ngữ tiếng dân tộc - tiếng Việt, v.v.

 3/ Cùng với các nhân tố ngôn ngữ - xã hội, giao tiếp chuyển mã, trộn mã của đồng bào dân tộc đang tác động mạnh đến giao thoa tiếng dân tộc - tiếng Việt, tạo nên hiện tượng tranh chấp giữa “tiếng dân tộc thuần” và “tiếng dân tộc pha”. Từ đây xuất hiện các biến thể khác nhau tại các vùng khác nhau của cùng một tiếng dân tộc. Đây cũng là một bài toán khó giải cho việc lựa chọn biến thể nào là “biến thể chung” cho một tiếng dân tộc trên sóng phát thanh truyền hình và trong giáo dục, vấn đề  làm chữ viết, chọn chữ viết cho tiếng dân tộc thì lại càng khó khăn:  tiếng dân tộc làm sao vừa thỏa mãn việc bảo tồn tính thuần khiết của ngôn ngữ văn hóa dân tộc lại vừa “mở cửa” tiếp nhận các yếu tố của tiếng Việt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Crystal David (2000), Language death, Cambridge University Press;
  2. Trần Trí Dõi (2003), Thực trạng giáo dục ngôn ngữ ở vùng dân tộc miền núi ba tỉnh phía Bắc Việt Nam - Những kiến nghị và giải pháp, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội;
  3. Phạm Đức Dương (2000), Giải quyết mối quan hệ giữa ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ các dân tộc ít người ở Việt Nam - Vấn đề và giải pháp, Ngôn ngữ, s. 10;
  4. Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội, Nxb Giáo dục Việt Nam;
  5. Nguyễn Văn Khang (2012), Từ ngoại lai trong tiếng Việt, Nxb Tổng hợp Tp. HCM;
  6. Nguyễn Văn Khang (2014), Chính sách ngôn ngữ và lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb KHXH.
GS.TS Nguyễn Văn Khang - Viện Ngôn ngữ học (Theo Tạp chí Khoa học Đại học Tân Trào số 4)