Tới ngôi trường 'thầy Đại tướng' mãi in bóng
 
Mỗi lần biết "thầy Đại tướng" về thăm, cô trò nhà trường lại ngóng ra cổng trường số 20 ngõ Trạm chờ dáng người và một giọng nói thân quen. Nay ngõ vẫn còn đó, trường đã khang trang mà thầy....

Người thầy giản dị, gần gũi

Đối với nhiều người dân, cơ hội được gặp Đại tướng là rất ít. Nhưng cô trò Trường Tiểu học Thăng Long (nằm ở số 20 ngõ Trạm, Hà Nội) - những năm 1938 Đại tướng Võ Nguyên Giáp dạy Lịch sử lại thường xuyên được gặp gỡ, trò chuyện với “thầy Giáp”.

[Đại tướng, Võ Nguyên Giáp, từ trần, Điện Biên Phủ, TH Thăng Long]
Trường Tiểu học Thăng Long nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dạy Lịch sử những năm 1938. (Ảnh: Văn Chung)

Nguyên hiệu trưởng nhà trường từ năm 1977-1995, Bùi Thị Liên nghẹn ngào: "Nghe tin thầy Võ Nguyên Giáp mất tôi như mất đi điều gì đó to lớn và bất ngờ - dù vẫn biết điều đó sẽ xảy ra."

Bà Liên nhớ lại rằng, các thầy cô giáo thời bà còn làm hiệu trưởng thường gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "thầy Đại tướng". Những lúc bố trí được thời gian Đại tướng vẫn luôn đến thăm trường để động viên thầy và trò.

[Đại tướng, Võ Nguyên Giáp, từ trần, Điện Biên Phủ, TH Thăng Long]
Bức ảnh Đại tướng và Nguyên TBT Lê Khả Phiêu về thăm Trường TH Thăng Long năm 2002. Đây cũng là lần cuối cùng Đại tướng thăm lại trường. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

“Thầy ân cần tâm sự, mỗi trường học ngoài dạy chữ ra thì còn phải dạy học sinh làm người. Những ngày như 25/8 (sinh nhật thầy) hay 20/11 nhà trường đều tổ chức đến thăm hỏi thầy tại tư gia số 30 Hoàng Diệu. Lần nào cũng vậy, thầy cùng phu nhân đều ra tận cửa đón tiếp, trò chuyện. Sau đó mọi người đi dạo trong khu vườn...” - lời bà Liên.

Còn Hiệu trưởng đương nhiệm Phan Thị Thắng cũng không nhớ bao nhiêu lần có vinh dự được gặp “thầy Đại tướng”.

[Đại tướng, Võ Nguyên Giáp, từ trần, Điện Biên Phủ, TH Thăng Long]
Các cựu học sinh Trường Tiểu học Thăng Long và các giáo viên đương nhiệm đến thăm thầy Võ Nguyên Giáp, tháng 8/1996. (Ảnh chụp lại từ phòng truyền thống Trường Tiểu học Thăng Long).

“Bản thân "thầy Đại tướng" cũng rất tin tưởng nhà trường. Những người cháu của thầy đều tin tưởng gửi học tại trường chúng tôi. Trưa 4/10, gia đình thầy xin phép cho cháu nội thầy về sớm để gặp ông lần cuối. Đến tối cùng ngày trường nhận được tin dữ. Chúng tôi nghe tin mà lòng buồn đớn đau” – hiệu trưởng Thắng xúc động.

“Với thầy trò, Đại tướng như một người ông - người cha đáng kính. Thầy giản dị mà ân tình. Nhớ lần thăm nhà thầy năm 1997 khi tôi còn là hiệu phó nhà trường. Khi đó, tôi và mấy giáo viên trẻ chỉ đứng từ xa nghe thầy trò chuyện với các thế hệ giáo viên của trường. Thấy vậy, thầy cười và vẫy tay gọi chúng tôi lại gần để cùng tâm sự chuyện trò.

[Đại tướng, Võ Nguyên Giáp, từ trần, Điện Biên Phủ, TH Thăng Long]
Đại tướng chụp chung với tập thể cán bộ Trường Tiểu học Thăng Long dịp đón nhận danh hiệu Anh hùng năm 1982. (Ảnh chụp lại từ phòng truyền thống nhà trường).

Thầy căn dặn nhà trường phải thực hiện hai tốt là dạy tốt, học tốt và phải dạy cho học sinh thói quen đọc sách để giáo dục nhân cách cho học sinh. Mỗi lần về thăm trường thầy và phu nhân đều tặng sách thầy viết hoặc sưu tầm được” – bà Thắng tâm sự.

Tiếp thu lời thầy, cô trò nhà trường đã sôi nổi thực hiện phong trào “góp lại 1 cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay...

Trường học còn đó mà thầy đã....

Bà Thắng cho biết: “Dù công việc bận bịu nhưng những ngày khai giảng, thầy cũng thường xuyên quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, góp rất nhiều sách cho trường để tăng thêm nguồn sách cho thư viện cũng như cho cô giáo đọc”. 

[Đại tướng, Võ Nguyên Giáp, từ trần, Điện Biên Phủ, TH Thăng Long]
Hiệu trưởng Phan Thị Thắng chia sẻ những bức ảnh và kỉ niệm về "thầy Đại tướng" (Ảnh: Văn Chung)

Mỗi lần biết thầy về thăm, cô trò nhà trường lại ngóng ra cổng trường số 20 ngõ Trạm chờ dáng người và một giọng nói thân quen. Rồi mọi người cùng ùa ra cổng trường đón thầy. Các học sinh thì tặng thầy chiếc khăn quàng đỏ và nụ cười tươi thắm. Nay ngõ vẫn còn đó, trường đã khang trang mà thầy...

Ký ức ùa về, nguyên hiệu trưởng Bùi Thị Liên nhớ lại lời thầy Đại tướng căn dặn: “Trường phần lớn là phụ nữ nên phải làm sao duy trì được khối đoàn kết trong trường, có đoàn kết mới có sức mạnh, từ đó chúng tôi luôn tâm niệm điều đó”.

“Thầy căn dặn trường phải thực hiện "hai tốt" nhưng chúng tôi tâm niệm phải cố gắng hơn nữa, ngoài dạy tốt học tốt thì quản lí cũng phải tốt để xứng đáng với các thế hệ đã gây dựng truyền thống tốt đẹp của nhà trường” – hiệu trưởng Thắng nhìn nhận.

Mất mát lớn của giáo viên dạy Sử

Cô giáo dạy Sử Mai Thị Minh Nguyệt – giáo viên khối 1 Trường tiểu học Thăng Long cũng là giáo viên phụ trách cháu nội của Đại tướng tâm sự: “Ngoài tặng sách, thời gian nhà trường còn khó khăn về đồ dùng dạy học, thầy lại gửi cho tôi những tranh ảnh về trực quan giảng dạy. Có những lần tôi bị ho, phu nhân của thầy cũng quan tâm gửi cho tôi thuốc nam để ngậm ho. Với giáo viên, sự quan tâm ấy thật sự có ý nghĩa lớn lao và là động lực để chúng tôi cố gắng dạy thật tốt”.

[Đại tướng, Võ Nguyên Giáp, từ trần, Điện Biên Phủ, TH Thăng Long]

[Đại tướng, Võ Nguyên Giáp, từ trần, Điện Biên Phủ, TH Thăng Long]
Những bức ảnh, kỉ niệm gắn bó của Đại tướng với Trường TH Thăng Long (Ảnh chụp lại từ phòng truyền thống nhà trường).

Trong giờ sinh hoạt đầu tuần ngày 7/10, cô trò nhà trường Trường Tiểu học Thăng Long đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng. Đồng thời thầy và trò nhà trường đã ôn lại những trang sử đẹp đẽ từ khi trường ra đời và đóng góp của “thầy Đại tướng”.

Chiều cùng ngày, Ban giám hiệu nhà trường cùng đại diện cha mẹ phụ huynh và học sinh nhà trường cũng đã đến kính viếng Đại tướng tại tư gia số 30 Hoàng Diệu.

Nguyễn Xuân Trường, học sinh lớp 5A xúc động: “Trên lớp các cô hay kể về lịch sử và những câu chuyện về Đại tướng. Chúng con tự hào vì Bác từng dạy Lịch sử ở trường và luôn tâm niệm học tập tốt để không phụ lòng mong mỏi của Bác....”

Trong giây phút xúc động, một phụ huynh từng có hai con học ở trường đã gửi những câu thơ đầy ý nghĩa về Đại tướng:

Tổ quốc lâm nguy, Thầy dụng “Văn vào Võ”
Đất nước Thanh bình, Cụ vận “Võ thành Văn”
"Thăng Long” nức tiếng “Anh Hùng”
Phải chăng luôn sáng chất Văn của Người.