TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
ĐẠI HỌC TÂN TRÀO 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN (1959-2019)
CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH VÀ TRAO GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
PGS.TS. NGUYỄN BÁ ĐỨC
Hiệu trưởng Trường CĐSP Tuyên Quang (2010-2011)
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tuyên Quang (2011-2013)
Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào (2013-Nay)
Phần 1: 60 năm xây dựng và phát triển
Cách đây 60 năm, ngày 13 tháng 10 năm 1959, Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc đã ban hành Quyết định số 264/TCCB về việc thành lập Trường Sư phạm sơ cấp Tuyên Quang để đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành sư phạm cho hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và một số tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc. Trong quá trình phát triển, nhà trường đã nhiều lần thay đổi địa điểm, thay đổi tên gọi và hợp nhất nhiều trường khác nhau theo từng giai đoạn như Trường Sư phạm cấp I; Sư phạm cấp II; Trường Sơ cấp nuôi dạy trẻ; Sơ cấp Sư phạm Mầm non; Trường Sư phạm bồi dưỡng; Trường Cán bộ Quản lý giáo dục và đến ngày 11/2/1999, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 18/1999/QĐ-TTg thành lập Trường CĐSP Tuyên Quang. Trong giai đoạn gần 50 năm đầu tiên này, với những lớp học tranh tre nứa lá, di chuyển nhiều nơi do chiến tranh, từ sơ cấp sư phạm đến CĐSP đã ghi dấu ấn của các thầy cô, nhất là các thầy cô lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ như Nhà giáo Phan Đổng, Nhà giáo Tạ Đức Xuân, Nhà giáo Đào Lương Nhân, NGƯT. Nguyễn Văn Hiếu, Nhà giáo Trần Viết Tín, Nhà giáo Nguyễn Hữu Cừu; Nhà giáo Lê Cẩn, Nhà giáo Đỗ Thị Đào, đến giai đoạn CĐSP là các Nhà giáo Nguyễn Văn Hiếu, Nông Quang Nhung, Phạm Kiêm Toàn, Nguyễn Đình Kiền,.... Cũng có nhiều nhà giáo trưởng thành từ mái trường này và thành công trong các lĩnh vực quản lý như Nhà giáo Đào Lương Nhân, Nhà giáo Hạng Mí De, Nhà giáo Hoàng Văn Thinh, NG Nông Quang Nhung, Nhà giáo Nguyễn Đức Hiền là các GĐ Sở GDĐT các tỉnh TQ, Hà Giang, Bắc Giang qua các thời kỳ, NG Hoàng Xuân Hiển, Bí thư tỉnh đoàn, TrB dân vận của tỉnh Hà Tuyên và hiện tại như NG Phạm Thị Minh Xuân là PCT TTr. HĐND tỉnh, TS. Đỗ Hồng Thanh là GĐ Sở KHCN,... có nhà giáo hoạt động ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và rất nổi tiếng như Nhạc sĩ Dương Thụ mà chúng ta ai cũng biết đến qua những tác phẩm nổi tiếng của Thầy như “Em đi qua tôi”, “Cho em một ngày”, “Họa mi hót trong mưa”,... Do thời gian, do sự chuyển đổi địa điểm nhiều lần, đã có nhiều tài liệu, thông tin bị thất lạc, không thể thu thập, tên các thầy, cô có thể thế hệ sau chưa kể được đầy đủ, nhưng chúng tôi ai cũng biết ơn và trân trọng tất cả những đóng góp tận tâm, tận lực của các thầy cô cho Nhà trường.
Đến năm 2011, trường sư phạm đi vào thời kỳ thoái trào, nhiều trường CĐSP trong cả nước đã bắt đầu có sự chuyển đổi mô hình, và Trường CĐSPTQ cũng không là ngoại lệ, BGH Nhà trường đã báo cáo lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và xây dựng đề án để chuyển đổi đào tạo đa ngành, ngày 30/6/2011 Trường CĐSPTQ đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký Quyết định số 2651/QĐ-BGDĐT đổi tên thành Trường Cao đẳng Tuyên Quang (CĐTQ), đến năm 2012, tỉnh Tuyên Quang bổ sung quy hoạch mở rộng diện tích của nhà trường lên trên 60 ha, chuyển giao toàn bộ Trung tâm giống, vật nuôi và cây trồng trực thuộc Sở NN và PTNT với diện tích trên 10ha với đầy đủ các mô hình về trường CĐTQ để làm nơi thực hành, thực tập cho sinh viên khối ngành NLNN, quyết định của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Tuyên Quang đã tạo nên một bước ngoặt rõ nét hơn của Nhà trường từ đào tạo đơn ngành sư phạm sang đào tạo đa ngành và tạo tiền đề cho việc thành lập trường đại học, ... thời gian này nhà trường đã có sự đóng góp thêm của các thầy cô khối ngành nông lâm ngư nghiệp, kinh tế, quản trị kinh doanh, quản lý đất đai, khoa học môi trường, văn hóa, du lịch, có thêm những nhà nghiên cứu, những lãnh đạo nhiệt tâm với nghề như nhà giáo Nguyễn Văn Cương, TS. nông học, nguyên PHT Trường CĐTQ, cô Nguyễn Thị Bắc ThS. Kinh tế và đến nay thầy, cô vẫn cộng tác với trường trên góc độ chuyên gia.
Với sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của Trường CĐTQ, đồng thời được sự hỗ trợ và tạo điều kiện tuyệt đối của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang, sự ủng hộ của TƯ, Bộ GD&ĐT, các Bộ, Ngành có liên quan, của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp và giúp đỡ tận tình của các đ/c Nguyễn Sáng Vang, nguyên UVTW Đảng, nguyên PCN UBKT TƯ, nguyên BT Tỉnh ủy, CT HĐND tỉnh, Tr. đoàn ĐB Quốc Hội tỉnh TQ Khóa 13; đ/c Chẩu Văn Lâm UVTW Đảng, BT tỉnh ủy, Tr. đoàn ĐB Quốc Hội tỉnh TQ Khóa 14 hiện nay và thời điểm đó là PBT Tỉnh ủy, CT UBND tỉnh; đ/c Vũ Thị Bích Việt, nguyên PCT UBND tỉnh, nay là CT Hội KH tỉnh, nên sau đúng 2 năm chuyển sang đào tạo đa ngành, ngày 14/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1404/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Tân Trào (ĐHTT) trên cơ sở nâng cấp Trường CĐTQ. Đây là trường đại học đầu tiên trên quê hương cách mạng và cũng là điểm mốc đánh dấu ngành giáo dục, đào tạo của tỉnh Tuyên Quang đã có đầy đủ các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học. Việc thành lập trường đại học là một quyết tâm rất lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc của tỉnh Tuyên Quang qua nhiều thế hệ, nhiều nhiệm kỳ Đại hội ĐB tỉnh và tên Tân Trào dành cho trường đại học là gợi ý của đ/c Nguyễn Đình Quang nguyên PCT UBND tỉnh, tại cuộc họp BTV tỉnh ủy Tuyên Quang vào tháng 8 năm 2012, thời điểm đó đ/c là GĐ Sở KH&ĐT.
Đến tháng 1/2019 Trường ĐHTT thành lập thêm trường phổ thông liên cấp là Trường Phổ thông Tuyên Quang trực thuộc trường đại học và tháng 6/2019, Trường TC Y tế Tuyên Quang đã hoàn thành sứ mệnh đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế trình độ trung cấp, được giải thể và sáp nhập vào ĐHTT, một lần nữa việc thành lập và sáp nhập thêm các đơn vị mới đã tạo thêm cho nhà trường một bức tranh đào tạo, bồi dưỡng đa ngành, đa lĩnh vực nhiều màu sắc hơn, đặc biệt hơn khi nhà trường tổ chức đào tạo thêm khối ngành y-dược và tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và phục vụ người dân trong khu vực và giáo dục cho học sinh phổ thông theo một mô hình trường học mới.
Với tên gọi của những đơn vị được sáp nhập qua các thời kỳ, tên của các thầy, các cô của các đ/c cán bộ quản lý nhà nước qua từng giai đoạn được nhắc lại, tuy chưa thật đầy đủ và tưởng chừng như đâu đó xa xôi, nhưng trong tôi lại thấm đượm nghĩa tình của các thầy cô và các đ/c trong những giai đoạn khó khăn nhưng rất đỗi tự hào và cũng rất gần gũi với thầy và trò Trường ĐHTT hôm nay qua một góc nhìn từ phòng truyền thống của nhà trường, cùng với những lá cờ đã được thượng tại các địa danh lịch sử của đất nước tập trung tại trường đại học mang tên Tân Trào lịch sử như lá cờ 54m2 đã được thượng tại cột cờ Lũng cú, Hà Giang, lá cờ 102m2 tại cột cờ giới tuyến vĩ tuyến 17, Quảng trị, lá cờ tại đảo Thuyền Chài, Trường sa, tỉnh Khánh Hòa, lá cờ tại cột cờ Lũng pô, Lào cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt và trung tâm là bộ cờ Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác Hồ. Những lá cờ đã giáo dục truyền thống yêu nước và trân trọng lịch sử của VN và của nhà trường cho CBGV cũng như HSSV của trường ĐHTT hôm nay.
60 năm đã trôi qua, Trường ĐHTT ngày nay đã được hợp nhất từ nhiều trường khác nhau qua từng giai đoạn lịch sử. Hiện tại, Nhà trường có 9 đơn vị phòng, ban, 9 khoa chuyên môn, 5 trung tâm ứng dụng và nghiên cứu, 1 trường phổ thông liên cấp từ tiểu học đến THPT và 1 phòng khám đa khoa với gần 400 công chức, viên chức và người làm việc, 100% giảng viên trực tiếp giảng dạy có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó trên 20% là GS, PGS, tiến sĩ. Giai đoạn từ 1959 đến 2009, nhà trường chủ yếu đào tạo học sinh, sinh viên ngành sư phạm và bồi dưỡng cán bộ QLGD các bậc học, đến nay, nhà trường đã tổ chức đào tạo 15 ngành đại học, 17 ngành cao đẳng thuộc các lĩnh vực sư phạm, kinh tế-quản trị kinh doanh; nông, lâm, ngư nghiệp; văn hóa-du lịch; tài nguyên-môi trường; y-dược, các ngành học thuộc khối KHTN, KHXH&NV, cung cấp hàng vạn nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học cho tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ (CGCN) và ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) thực sự là một hoạt động rõ nét và đa dạng của nhà trường, nhất là sau khi thành lập đại học, chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2019, cán bộ, giảng viên, kỹ thuật viên nhà trường đã thực hiện trên 1.200 sản phẩm khoa học, bao gồm các đề tài, dự án NCKH các cấp, xuất bản nhiều giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo, công bố trên 850 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và tạp chí quốc tế xếp trong danh mục ISI, Scopus. Tạp chí khoa học Trường ĐHTT được Hội đồng chức danh GSNN quyết định tính 0,5 điểm khi xét điểm công trình khoa học, hàng năm nghiên cứu và chuyển giao trên 2 triệu cây giống các loại bằng phương pháp nuôi cấy mô, tế bào và góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận, nâng cao đời sống của nhân dân. Ký kết hợp tác và thực hiện có hiệu quả MOU với gần 30 trường đại học, các đơn vị và tổ chức quốc tế về đào tạo, NCKH, xuất bản và trao đổi GV, SV. Nhiều CBGV đã và đang học sau đại học và NCS ở nước ngoài, tham gia một số dự án NCKH thông qua các hoạt động liên kết, hàng năm trên 100 SV được hỗ trợ cho đi thực tập ở nước ngoài 01 tháng, tiếp nhận nhiều SV các nước đến học tập, thực tập và giao lưu văn hóa. Hoạt động HTQT thực sự đã đem lại những hiệu ứng tích cực và làm tăng vị thế của nhà trường trong khu vực cũng như hệ thống các trường đại học địa phương cũng như cả nước, góp phần tích cực vào hoạt động đối ngoại của tỉnh Tuyên Quang trên tất cả các lĩnh vực.
Được sự quan tâm của tỉnh Tuyên Quang, diện tích đất đai, CSVC của nhà trường đã được đầu tư để đáp ứng yêu cầu theo từng giai đoạn. Hiện nay, diện tích của Trường ĐHTT đã được mở rộng trên 60 ha gồm 3 khu vực, cơ sở chính trên 42ha, cơ sở 2 là khu thực hành thực nghiệm khối ngành nông lâm ngư nghiệp trên 10ha, cơ sở 3 là khu thực hành khối ngành y-dược, giáo dục QPAN tập trung cho sinh viên trên 6ha. Hệ thống thư viện, khu hoạt động TDTT, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, CGCN và HTQT.
Phần 2. Trường Đại học Tân Trào đã đạt chuẩn Kiểm định chất lượng giáo dục đại học
60 năm qua, trong quá trình phát triển có những lúc thăng, lúc trầm, có những giai đoạn thuận lợi và có những giai đoạn khó khăn, nhưng những kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và phục vụ cộng đồng luôn dần được bồi đắp và tích lũy, cơ sở vật chất của nhà trường ngày một tăng cường và lớn mạnh, công tác quản trị, quản lý thường xuyên được đúc rút và đổi mới, tháng 10/2018, trên cơ sở nền tảng của nhiều thế hệ tạo dựng, Trường ĐHTT đã quyết định triển khai công tác KĐCLCSGD, thành lập Hội đồng tự đánh giá, xây dựng kế hoạch, quy trình khảo sát để đánh giá toàn bộ các hoạt động của nhà trường giai đoạn 2014-2018, trên 6.000 minh chứng với hơn 1 triệu bản tài liệu đã được thu thập và phân tích, đối sánh với các tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ tiêu chuẩn được ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017 của Bộ GDĐT về KĐCL cơ sở giáo dục đại học. Tháng 8/2019, Trường ĐHTT đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá để nộp về Bộ GDĐT và mời TT KĐCLGD trực thuộc HH các trường ĐHCĐ Việt Nam (một tổ chức KĐCLGD độc lập) để tổ chức đánh giá ngoài. Ngày 17/9/2019 Đoàn đánh giá ngoài đã khảo sát sơ bộ. Từ ngày 24/9/2019 đến ngày 30/9/2019, Đoàn đánh giá ngoài gồm 10 chuyên gia về lĩnh vực Đo lường, Kiểm định và Đánh giá trong giáo dục do GS.TSKH. Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng TTr. Bộ GDĐT, UV UBKHCN&GD Quốc gia, làm Trưởng đoàn đã thực hiện khảo sát chính thức, đánh giá tất cả mọi mặt hoạt động của Trường ĐHTT từ đào tạo, NCKH, CGCN, HTQT, phục vụ cộng đồng đến tài chính, cơ sở vật chất, việc làm của sinh viên, tiến hành phỏng vấn 11 nhóm đối tượng với trên 300 người từ lãnh đạo trường tới nhân viên phục vụ, từ các nhà tuyển dụng tới cựu sinh viên, học viên, gọi điện trực tiếp tới các sinh viên, học viên đã tốt nghiệp tại trường ĐHTT trong nhiều năm. Ngày 27/10/2019, TT KĐCLGD đã thành lập Hội đồng thẩm định kết quả của Đoàn đánh giá ngoài và phỏng vấn Hiệu trưởng, đến ngày 18/11/2019, Trường ĐHTT đã được Trung tâm KĐCLCSGD ban hành Quyết định cấp Giấy chứng nhận KĐCSGD. Việc được cấp GCN KĐCLGD đã khẳng định với xã hội, với người học và các bên có liên quan rằng Trường ĐHTT đã đủ điều kiện để thực hiện công tác đào tạo, NCKH đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt cộng đồng.
Phần 3. Lời cảm ơn
Trong 60 năm qua, CBVC nhà trường qua nhiều thế hệ luôn cố gắng và quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao, được xã hội tin cậy, đã góp phần đào tạo hàng vạn cán bộ ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang, khu vực miền núi phía Bắc cũng như cả nước, góp phần giữ vững an ninh-quốc phòng, giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Với những thành tích và nỗ lực lớn lao qua nhiều thời kỳ, nhà trường đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý như Huân chương LĐ Hạng Ba (năm 2014), được Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành TƯ và UBND tỉnh tặng nhiều cờ thi đua, bằng khen về việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Theo thiên văn học, thời gian 60 năm được gọi là một chu kỳ vận động của thiên nhiên. Trường Đại học Tân Trào đã kết thúc chu kỳ 60 năm đầu tiên với Giấy chứng nhận là cơ sở giáo dục đại học đã được Kiểm định, sự khép lại của chu kỳ cùng với GCN như một hành trang mới dành cho nhà trường đi vào một chu kỳ mới nhưng ở tầm cao hơn trong 60 năm tiếp theo.
Nhân dịp Lễ KN 60 năm thành lập và phát triển trường ĐHTT và trong không khí của ngày nhà giáo VN 20-11, đại diện cho tập thể lãnh đạo, giảng viên, nhân viên và HSSV của Nhà trường, tôi xin chân thành cảm ơn các thầy, các cô, các CBVC và các em HSSV của Trường ĐHTT qua các thời kỳ đã tạo dựng nên nền tảng vững chắc cho Trường ĐHTT hôm nay.
Tôi xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ và ủng hộ của Trung ương, Bộ GD&ĐT, của HH các trường ĐHCĐVN, TT KĐCLGD, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và các tỉnh lân cận khác, sự ủng hộ sát cánh của các đại học, trường đại học, cao đẳng và các trường học trong cả nước cùng với bạn bè quốc tế. Sự ủng hộ và giúp đỡ ấy đã làm tăng thêm sự tự tin cho Trường ĐHTT bước đi vững chắc tới tương lai.
Để xứng đáng với tên gọi Tân Trào lịch sử và phát huy truyền thống xây dựng, phát triển của nhà trường trong 60 năm qua, Trường Đại học Tân Trào cam kết cải tiến thường xuyên mọi hoạt động để thực hiện Sứ mạng, Tầm nhìn và Giá trị cốt lõi mà nhà trường đã công bố.
Xin trân trọng cảm ơn./.