Chỉ tiêu sư phạm ở ĐH địa phương giảm: ''Người trong cuộc'' nêu những nút thắt
 
Nếu không có sự tính toán đúng nhu cầu thực tế, đến lúc thiếu giáo viên mà chưa đào tạo được để đáp ứng nhu cầu thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục.

Sự ra đời của Nghị định 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên, được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ.

Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai thực hiện, ghi nhận từ thực tế cho thấy không thực hiện được phương thức đấu thầu, rất ít địa phương thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên, trong khi cơ chế giao nhiệm vụ cũng còn nhiều vướng mắc.

Trong mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều địa phương đã giảm quy mô hoạt động của trường trực thuộc khi giao chỉ tiêu đào tạo.

Giao chỉ tiêu sư phạm, cần tính đến nguồn nhân lực lâu dài

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức cho biết, việc đặt hàng hay giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 còn nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: Website nhà trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức.

Ảnh: Website nhà trường

Thứ nhất, kinh phí để thực hiện Nghị định 116 chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngân sách của địa phương. Năm 2021 và năm 2022, Trường Đại học Hồng Đức có hơn 1000 chỉ tiêu nhóm ngành đào tạo giáo viên mỗi năm.

Cùng với đó, vấn đề bố trí việc làm sau này cho sinh viên sư phạm theo diện Nghị định 116 cũng là một bài toán khó với các tỉnh/thành phố.

Đây chính là áp lực với các tỉnh/thành phố khi giao nhiệm vụ đào tạo cho các trường trực thuộc, vì thực tế, khi đã giao chỉ tiêu thì cũng phải tính toán việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Cũng theo thầy Báu, hiện có nhiều tỉnh/thành phố vẫn đang thiếu giáo viên, nhưng nếu không có giải pháp tháo gỡ cho vấn đề tuyển sinh, đào tạo sư phạm ở các trường đại học địa phương thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của xã hội, bởi lĩnh vực giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển đất nước.

Nếu giảm chỉ tiêu sư phạm sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng lo ngại, chính vì thế, cần phải xem xét cụ thể nhu cầu giáo viên thực tế và số sinh viên đã được đào tạo, quy mô tuyển sinh từng năm để tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên xảy ra.

“Nếu không có sự tính toán hợp lý, tính đúng nhu cầu thực tế, đến lúc thiếu giáo viên chưa đào tạo kịp được để đáp ứng nhu cầu thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục.

Nếu dân số tăng về mặt cơ học thì cần giao thêm biên chế cho ngành giáo dục, quy mô học sinh tăng mà biên chế cho giáo dục không tăng theo là điều hết sức phi lý”. Thầy Báu nêu quan điểm.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Đoàn Hoài Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 chưa có nhiều sự thay đổi để tháo gỡ khó khăn cho các trường hiện nay.

Cũng theo thầy Sơn, tại Trường Đại học Hà Tĩnh, năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao hơn 400 chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên và trường tuyển được hơn 400 sinh viên.

Tuy nhiên đến năm 2022, trường chỉ được địa phương giao 50 chỉ tiêu và đến năm 2023 là 30 chỉ tiêu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: giaoduc.net.vn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Ảnh: giaoduc.net.vn

Bàn về vấn đề đào tạo giáo viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, nguyên nhân dẫn đến thực trạng các trường đại học địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh các ngành sư phạm một phần do hệ thống giáo dục ở nước ta chưa có sự phân cấp rõ ràng đối với từng địa phương.

“Thực tế, hiện nay, cơ chế chưa phân rõ ràng trách nhiệm của từng địa phương, nên địa phương cũng chưa làm tốt công tác dự báo nhu cầu số lượng giáo viên theo từng cấp học.

Mỗi địa phương phải có trách nhiệm tính toán, xác định nhu cầu nhân lực của ngành giáo dục, từ đó giao chỉ tiêu phù hợp cho trường đại học địa phương, tránh để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trong tương lai”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ thông tin thêm.

Cơ chế bồi hoàn kinh phí chưa rõ ràng

Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Lê Viết Báu cho rằng, vấn đề bố trí việc làm cho sinh viên ra trường theo Nghị định 116 vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, trường hợp sinh viên nhận hỗ trợ nhưng không công tác trong ngành giáo dục thì việc thu hồi kinh phí của nhà nước không hề đơn giản.

Việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn giao cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng ai chịu trách nhiệm thu hồi và phương thức thu hồi ra sao lại chưa có quy định rõ ràng.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, thực tế vẫn còn một số quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí.

Cần quy định rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa địa phương và cơ sở đào tạo trong việc bồi hoàn kinh phí đối với các sinh viên sư phạm diện Nghị định 116 khi tốt nghiệp nhưng không phục vụ trong ngành giáo dục hoặc phục vụ trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian quy định.

Hiện nay, cơ chế bồi hoàn kinh phí chưa rõ ràng nên địa phương sẽ ngại đặt hàng đào tạo giáo viên, thậm chí giao nhiệm vụ cho trường đại học địa phương cũng giảm theo chỉ tiêu tuyển sinh, điều này rất đáng lo ngại, nếu không tính toán kỹ sẽ xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trong tương lai.

Về lâu dài, nếu không có giải pháp tháo gỡ thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của đất nước.

Giải pháp nào cho trường đại học địa phương?

Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Lê Viết Báu cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát cụ thể và xây dựng dữ liệu về nhân lực của ngành, trên cơ sở đó, tính toán đảm bảo đủ nhân lực giáo viên cho ngành giáo dục, việc xác định nhu cầu của địa phương cũng cần căn cứ vào tình hình thực tế.

Hiện tại, nhà nước hỗ trợ cho sinh viên sư phạm bằng hình thức chuyển tiền về cho các trường sư phạm để trường chi trả sinh viên, thay vì thế, nên chuyển tiền cho các ngân hàng chính sách, thực hiện hỗ trợ cho sinh viên như hình thức cho vay không lãi suất.

Nếu sau này sinh viên ra trường công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian thì sẽ được xoá nợ, còn nếu sinh viên ra trường không phục vụ trong ngành giáo dục thì đây là khoản nợ mà người học phải trả cho ngân hàng chính sách. Như vậy sẽ dễ hơn trong việc thu hồi kinh phí.

Quy định bồi hoàn kinh phí rõ ràng sẽ giảm áp lực cho các địa phương và các trường, từ đó tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, trường đại học địa phương được thành lập là để phục vụ cho nhu cầu đào tạo nhân lực của địa phương.

Với nguồn nhân lực ngành sư phạm, địa phương phải thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học trực thuộc, về lâu dài, cần phải có kế hoạch đào tạo theo nhu cầu sử dụng, tránh để ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của đất nước.

giaoduc.net.vn